Những môn thể thao dễ gây chấn thương dây chằng

Chấn thương dây chằng chéo sau, trước hay bên chày khi chơi thể thao chiếm tỷ lệ khá cao, gây sưng đau, giảm vận động ở người chơi. Trong một số trường hợp nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới đứt dây chằng, mất vững khớp, thậm chí là tàn phế, phải thay khớp sau này. Sau đây là những môn thể thao mà người chơi dễ gặp phải chấn thương dây chằng nhất.

1. Đá bóng bị đứt dây chằng chéo trước, sau

Là một môn thể thao “vua” nên bóng đá được rất nhiều người ưa thích và lựa chọn để rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, với các cầu thủ thì việc đá bóng bị đứt dây chằng chéo trước hoàn toàn không hiếm gặp. Nguyên nhân chủ yếu là do thao tác chuyển hướng đột ngột tương đối phổ biến khi chơi bộ môn này dễ làm dây chằng căng quá mức dẫn tới chấn thương. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác dẫn tới chấn thương dây chằng khi chơi bóng đá như:

  • Khởi động sai: Việc khởi động không kỹ hay khởi động sai sẽ khiến dây chằng chuyển từ trạng thái nghỉ sang vận động đột ngột làm tăng nguy cơ giãn hoặc đứt dây chằng;
  • Thiếu dinh dưỡng: Cũng có thể là nguyên nhân làm cơ bắp không kịp hồi phục, thiếu dưỡng chất như collagen, canxi, đạm có khả năng gây cản trở cho quá trình hồi phục dây chằng;

Nhìn chung, chấn thương dây chằng chéo sau và trước là chấn thương tương đối phổ biến đối với cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.

2. Chạy bộ khiến dây chằng bị tổn thương

Đối với những người tham gia chạy bộ thường xuyên như một môn thể thao thì hội chứng dải chậu chày cũng là một chấn thương khá thường gặp. Dải chậu chày là một dải xơ dày chạy từ mào chậu đến mặt ngoài đầu trên xương chày, được tạo từ phần chuyển tiếp của gân cơ mông to và cơ căng mạc đùi. Cấu trúc dải chậu chày tương đối mỏng giống như một lưỡi dao chạy dọc mặt ngoài đùi bám tới phần ngoài gối với chức năng gập, xoay khớp háng, duỗi khớp gối. Do đó khi chạy trên đường dài, mặt đất gồ ghề, đi xuống dốc hoặc người chạy có phần hông yếu sẽ dễ gặp phải hội chứng dải chậu chày và chấn thương dây chằng gối.

Ngoài ra, dây chằng bị cọ sát vào xương đầu gối còn dẫn tới tình trạng sưng viêm, cơn đau xuất hiện ở mặt ngoài. Người chạy bộ cũng rất dễ mắc phải tình trạng bong gân mắt cá do không điều khiển được tư thế chạy. Lúc này mắt cá chân bị trật khi người chạy cuộn, xoắn hay xoay khớp đột ngột làm kéo giãn, xé rách các dây chằng giữ xương mắt cá nằm đúng vị trí.

Để phòng ngừa các chấn thương dây chằng gối khi chạy bộ, vận động viên cần lưu ý các biện pháp sau:

  • Khởi động kỹ trước khi chạy khoảng 5-10 phút giúp cơ bắp và nhịp tim thích nghi với trạng thái vận động;
  • Tuân theo quy tắc 10%: Không tăng độ dài quãng đường lên hơn 10% mỗi tuần;
  • Chọn giày phù hợp với địa hình và quãng đường chạy;
  • Lựa chọn quãng đường bằng phẳng để chạy, tránh chạy ở các địa điểm có dốc, đèo, gập ghềnh khó đi;
  • Nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo việc phục hồi cơ thể;
  • Tăng cường tập luyện sức mạnh thể chất và sức bền;
  • Không để cơ thể mất nước khi tập luyện.

3. Đạp xe gây nên hội chứng dải chậu chày

Đạp xe cũng là một môn thể thao có thể gây nên hội chứng dải chậu chày do thường xuyên gập đầu gối khoảng 30°. Ban đầu sẽ xuất hiện những cơn đau nhẹ, tăng lên nhanh chóng theo thời gian nếu không được điều trị. Người bệnh sẽ thấy đầu gối mềm hơn, đau nhức lan tới đùi trong, hông, háng và mông, sưng đỏ quanh đầu gối.

Ngoài các trường hợp tập luyện quá sức thì người đạp xe chở vật nặng hoặc tư thế đạp xe sai có thể dẫn tới bong gân mắt cá chân do hệ thống cơ và dây chằng bị giãn ra, gây lỏng lẻo vùng khớp. Để phòng ngừa chấn thương dây chằng khi tham gia đạp xe, người luyện tập cần lưu ý:

  • Đảm bảo chiều cao yên xe phù hợp với chiều cao cơ thể;
  • Khởi động kỹ trước khi đạp xe, có thể đạp nhẹ bàn đạp để làm nóng đầu gối, cơ khoảng 15-20 phút trước khi thực sự tham gia tập luyện;
  • Ngâm chân với nước ấm sau mỗi lần tập để giúp mạch máu lưu thông;
  • Nếu đạp xe leo đèo có thể chỉnh líp nhỏ hơn, nhẹ hơn giúp tăng tốc độ đạp.

4. Bóng rổ dễ gây chấn thương dây chằng

Bóng rổ là môn thể thao yêu cầu nhiều động tác có thể gây tổn thương dây chằng và sụn chêm đầu gối như dừng, đi và cắt rộng. Tổn thương dây chằng gối bên trong là tình trạng thường gặp khi chơi bóng rổ sau một động tác mạnh bên ngoài đầu gối. Tổn thương dây chằng chéo trước thường xuất hiện khi thay đổi đột ngột về hướng và tiếp đất sai cách sau các cú nhảy.

Ngoài ra, việc di chuyển, bật nhảy, đảo bóng và chuyển hướng đột ngột với tốc độ cao có thể làm gân Achilles bị tổn thương, dẫn tới viêm, thoái hoá hay làm suy yếu gân. Gân Achilles là khu vực dễ bị tổn thương viêm tại điểm bám gân, viêm quanh gân, xơ gân hay thậm chí đứt gân. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới cơn đau ở gân Achilles là di chuyển đột ngột với tác động đẩy mũi chân và nhấc chân di chuyển nhanh để tăng tốc hoặc chạy nước rút hay do đổi hướng di chuyển đột ngột khi chơi bóng rổ.

5. Chấn thương dây chằng khi chơi bóng chuyền

Vận động viên bóng chuyền thường xuyên phải thực hiện các động tác đỡ bóng, đánh bóng nên ngón và cổ tay thường xuyên phải chịu áp lực lớn. Tình trạng diễn ra trong thời gian dài rất dễ dẫn tới chấn thương dây chằng hay dải mô bị kéo căng quá mức, thậm chí có thể dẫn tới rách dây chằng. Ngoài ra khi chơi bóng chuyền khớp gối hay cổ chân bị xoắn quá mạnh có thể dẫn tới chấn thương dây chằng ở chân, gây bong gân, đứt dây chằng.

6. Chơi Tennis gây chấn thương dây chằng

Trong các chấn thương ở bộ môn quần vợt thì chấn thương khuỷu tay (tennis elbow) là thường gặp nhất. Đây là tình trạng khối gân ở xương cánh tay bám vào mỏm lồi cầu bị tổn thương và viêm. Nguyên nhân chủ yếu do các động tác giao bóng, động tác vặn, xoắn khuỷu tay, cổ tay, chuyển động vặn về phía sau gây nên.

Ngoài ra, khi chơi tennis người chơi cũng cần di chuyển liên tục theo phương ngang, đòi hỏi tính linh động cao trong các bước chân. Nếu khởi động không kỹ các cơ và khớp trước khi tập có thể làm gia tăng khả năng tổn thương chân, đặc biệt là dây chằng đầu gối và cổ chân. Tiếp đất sai tư thế hoặc mặt sân trơn trượt cũng dễ dẫn tới các tổn thương dây chằng ở chân.

7. Các môn võ thuật gây chấn thương dây chằng

Các môn võ cả trong đối kháng hay biểu diễn đều có nguy cơ tổn thương dây chằng, cụ thể như:

  • Taekwondo: Dễ gây ra các chấn thương rách và căng gân do đá cao, bong gân đầu gối và tổn thương dây chằng do đá luân phiên, viêm gân do các chuyển động lặp đi lặp lại. Các cơ gấp bàn chân, mắt cá chân, đầu gối và hông đều rất dễ bị tổn thương khi thực hiện các cú đá trong Taekwondo;
  • Karatedo: Tập luyện và thi đấu môn võ này dễ dẫn tới chấn thương dây chằng ở khớp cổ chân, khớp gối, khớp cổ tay, ngón tay. Sau một đòn va chạm mạnh, khớp có thể bị vặn xoắn quá mức, khe hở khớp mở, dây chằng bị căng giãn thậm chí đứt;
  • Boxing: Những cú đấm quá nhanh hoặc sai kỹ thuật có thể gây nên bong gân ở tay, khớp ngón tay trỏ dễ bị bong gân vì trồi lên. Tổn thương dây chằng chân thì thường do di chuyển quá nhiều hoặc bị tấn công quá mạnh;
  • Muay Thái: Có thể gây bong gân mắt cá nếu dùng một cú đá quá mạnh vào khuỷu tay đối thủ, bong gân tay cũng có thể xảy ra với một cú đấm toàn bộ sức mạnh.

Nhìn chung, chấn thương dây chằng khi chơi thể thao chiếm tỷ lệ khá cao, gây sưng đau, giảm vận động ở người chơi. Trong một số trường hợp nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới đứt dây chằng, mất vững khớp, thậm chí là tàn phế. Vì vậy, khi gặp phải những chấn thương trên, người bệnh nên tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan