Đau cổ tay khi chơi cầu lông

Khớp cổ tay là nơi tập trung 2 xương dài từ cẳng tay xuống gồm xương trụ, xương quay, cùng với nhóm xương bé ở mu bàn tay và hệ thống dây chằng dày đặc để phục vụ cho hoạt động linh hoạt của cổ tay. Vì vậy khi chơi bộ môn này đòi hỏi nhiều động tác xoay người, cổ tay hay bay người cứu cầu nên có thể dẫn tới các chấn thương cổ tay khi chơi cầu lông.

1. Nguyên nhân chấn thương cổ tay khi đánh cầu lông

các chấn thương trong cầu lông, đau cổ tay có thể do căng cơ, bong gân hoặc gãy xương do căng thẳng, một số nguyên nhân dẫn tới đau tay khi chơi cầu lông gồm có:

1.1. Chấn thương cổ tay khi chơi cầu lông do căng cơ

Là một chấn thương cổ tay phổ biến ở những người chơi cầu lông do:

  • Cổ tay chịu một lực tác động đột ngột và thay đổi chuyển động dẫn tới chấn thương cấp tính như căng cơ, thậm chí rách hoặc đứt một số sợ cơ ở cổ tay;
  • Căng cơ có thể xảy ra do đặt tay sai vị trí hoặc cầm vợt sai kỹ thuật, ngoài ra vợt quá nặng hoặc quá nhẹ cũng có thể dẫn tới căng cơ và đau cổ tay;
  • Dấu hiệu căng cơ cổ tay ở người chơi cầu lông gồm: Sưng tấy quanh cổ tay, đau khi cử động, đỏ hoặc đổi màu một vùng cụ thể ở cổ tay, căng cứng cổ tay khi di chuyển.

1.2. Chấn thương gân cơ gấp cổ tay quay (ECU)

Đối với vận động viên cầu lông thì gân gấp cổ tay quay chính là gân dễ bị chấn thương nhất do vị trí đặc biệt nằm ngang rìa cổ tay dễ bị chịu áp lực lớn khi xoay cẳng tay.

Viêm gân cơ gấp cổ tay quay thường xảy ra do xoay hoặc duỗi quá mức ở cẳng tay. Điều này có thể cải thiện bằng cách nghỉ ngơi, chườm đá vào gân bị viêm, cố định một phần cánh tay bằng nẹp hoặc sử dụng thuốc chống viêm.

Trật một phần gân cơ gấp cổ tay quay lại là vấn đề nghiêm trọng hơn do gân có thể bị trượt khỏi vị trí ban đầu dẫn tới nguy cơ đứt gân. Do đó khi có biểu hiện trật gân như hạn chế phạm vi cử động hoặc đau đớn dữ dội nên cố định cổ tay và được chăm sóc ở bệnh viện.

1.3. Nang hoạt dịch cổ tay

Đây là một trong những nguyên nhân gây đau cổ tay ở vận động viên cầu lông. Các u nang này là một khối chất lỏng ở mô mềm có thể gây áp lực lên các dây thần kinh xung quanh, dẫn tới đau đớn và hạn chế khả năng vận động.

Có khoảng 50% u nang sẽ tự biến mất, phần còn lại cần được điều trị bằng chọc hút dịch, tuy nhiên dễ tái phát.

1.4. Gãy xương do căng thẳng

Nguyên nhân này thường xảy ra hơn với tuyển thủ cầu lông chuyên nghiệp hoặc người chơi lâu năm. Lúc này các căng thẳng có thể tích tụ ở cổ tay và dẫn tới gãy xương khi áp lực quá tải.

Thông thường gãy xương do căng thẳng có thể xảy ra sau một cú giao cầu mạnh, lực đánh lớn và không tìm được điểm chạm cầu thích hợp. Gãy xương do căng thẳng thường khó chẩn đoán do vết gãy ở bên trong cơ thể và di lệch không đáng kể cũng như không biểu hiện ra bên ngoài.

2. Xử trí đau cổ tay khi chơi cầu lông như thế nào?

Trường hợp chấn thương cổ tay nhẹ có thể áp dụng một số phương pháp chăm sóc tại nhà trong 2-3 ngày để cải thiện cơn đau như:

  • Chườm đá lạnh: Có thể giúp giảm đau và ngăn ngừa vết thương bị sưng tấy nhờ giảm lưu lượng máu đến khu vực này, đặc biệt có hiệu quả trong 1 hoặc 2 ngày đầu tiên. Không nên trực tiếp đặt đá trên da để tránh tê tay, thay vào đó nên bọc đá trong một miếng vải mỏng hoặc khăn trước khi chườm lên vùng bị thương;
  • Bảo vệ: Có thể sử dụng các loại dụng cụ hỗ trợ bảo vệ cổ tay để ngăn ngừa thêm tổn thương;
  • Nghỉ ngơi: Hạn chế tập thể dục và giảm các nhu cầu hoạt động hàng ngày để cổ tay có thời gian phục hồi;
  • Nâng cao cổ tay: Giữ vùng bị thương cao hơn tim để cải thiện lưu thông máu đến cổ tay, điều này có thể giúp giảm sưng và giúp tay nhanh phục hồi hơn.

Nếu cơn đau cổ tay không được cải thiện sau các biện pháp tự chăm sóc hoặc trở nên nghiêm trọng hơn thì nên đến bệnh viện để được xem xét và điều trị toàn diện. Các biểu hiện nặng của chấn thương cổ tay gồm:

  • Đau đớn dữ dội, đặc biệt là khi sử dụng hoặc cử động cổ tay;
  • Sưng nặng, phù nề, gây căng da hoặc trữ nước;
  • Thay đổi cảm giác ở bàn tay như tê tay, mất cảm giác;
  • Không thể thực hiện các sinh hoạt bình thường sau 72 giờ.

3. Các phương pháp ngăn ngừa đau cổ tay khi đánh cầu lông

Để ngăn ngừa chấn thương cổ tay khi tham gia thi đấu cầu lông, người chơi có thể tham khảo một số biện pháp như:

  • Khởi động kỹ: Giúp tăng cường nhiệt độ cơ bắp, tăng cường lưu lượng máu và oxy đến cơ, tăng tốc độ của các xung thần kinh, giúp cơ thể nhanh và linh hoạt hơn, tăng phạm vi di chuyển của khớp, giảm nguy cơ rách cơ và dây chằng;
  • Thả lỏng: Giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể và tránh chấn thương, tăng cường hiệu suất tập luyện. Mục đích của thả lỏng là hạ dần nhịp tim, tăng cường lưu thông máu và oxy đến các cơ, phục hồi khớp về tình trạng ban đầu và giảm nguy cơ đau nhức xương khớp, đau cổ tay khi đánh cầu;
  • Massage: Có thể giúp làm trôi các chất cặn bã trong cơ bắp và giải phóng các nút thắt chặt, u cục, vết sưng tấy ở cơ. Tuy nhiên massage cần đúng cách để tránh dẫn tới các tổn thương gây căng và rách cơ;
  • Thiết bị hỗ trợ: Các thiết bị được sử dụng trong cầu lông nhằm hạn chế chấn thương bao gồm giày tập và vợt tập như giày chống trượt, vợt với kích thước, trọng lượng vừa tay;
  • Chế độ dinh dưỡng: Một chế độ dinh dưỡng phù hợp để phục hồi sau mỗi lần vận động gồm carbohydrate để cung cấp nhiên liệu cho cơ bắp, protein để xây dựng lại cơ bắp, nước và nước trái cây để bổ sung vitamin, tăng cường lưu lượng máu lưu thông, ngăn ngừa chấn thương;
  • Dành thời gian nghỉ ngơi: Sau khi chơi cầu lông, việc để cổ tay nghỉ ngơi và phục hồi là điều quan trọng, tập luyện liên tục hoặc lạm dụng các hoạt động thể thao có thể dẫn đến chấn thương.

Tóm lại, chấn thương cổ tay khi chơi cầu lông thường xảy ra. Trường hợp chấn thương cổ tay nhẹ có thể áp dụng một số phương pháp chăm sóc tại nhà trong 2-3 ngày để cải thiện cơn đau. Nếu cơn đau cổ tay không cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn thì nên đến bệnh viện để được xem xét và điều trị toàn diện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan