Chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối giúp chẩn đoán bệnh gì?

Tổn thương khớp gối có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chấn thương xảy ra ở khớp gối có thể thường gặp trên lâm sàng nên việc sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ khớp gối để đánh giá chính xác tổn thương của xương, dây chằng, sụn chêm và sụn khớp sẽ giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.

1. Một vài thông tin về chụp cộng hưởng từ khớp gối

Chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối được thực hiện bởi từ trường mạnh, sóng vô tuyến và hệ thống máy tính để tạo ra những hình ảnh chi tiết của các cấu trúc bên trong khớp gối, chẳng hạn như sụn, xương, gân, dây chằng, cơ, mạch máu. Chụp MRI xương khớp thường được thực hiện nhằm giúp bác sĩ chẩn đoán hoặc đánh giá dấu hiệu đau, yếu, phù nề hoặc chảy máu trong và xung quanh khớp. Sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ khớp gối giúp xác định xem có cần phẫu thuật hay không.

2. Chỉ định chụp cộng hưởng từ khớp gối

Kỹ thuật chụp MRI khớp gối được áp dụng khá phổ biến cho những người mắc bệnh liên quan đến viêm khớp gối dạng thấp, những người ít hoạt động vận động hoặc có thể vận động quá mức và đột ngột khiến đau khớp, người cao tuổi, người bị loãng xương, vận động viên thể thao, trẻ sơ sinh bị bệnh bất thường về khớp.

Chụp MRI đầu gối thường được chỉ định trong những tình huống sau:

  • Đối tượng có những bất thường hoặc tổn thương ở sụn và dây chằng.
  • Đối tượng có những dấu hiệu bất thường như yếu, khó khăn trong vận động, đau, sưng.
  • Đối tượng bị viêm nhiễm hoặc thoái hóa khớp, viêm tủy xương, viêm khớp gối.
  • Những người hoạt động mạnh gây nên chấn thương đầu gối khiến tình trạng rách hoặc tổn thương dây chằng, rách gân...
  • Những đối tượng phát hiện gãy xương khi chụp CT hoặc chụp X quang... mà không phát hiện ra được.
  • Những người có dấu hiệu bị tràn dịch khớp gối.
  • Những người có khớp gối co duỗi khó hoặc hạn chế khi vận động.
  • Những người cần theo dõi tiến triển của khớp gối sau khi can thiệp hoặc thực hiện phẫu thuật khớp gối hay theo dõi biến chứng của khớp gối.
chụp cộng hưởng từ khớp gối
Chụp cộng hưởng từ khớp gối cho người mắc bệnh liên quan đến viêm khớp gối dạng thấp

3. Giải thích bệnh lý thể hiện qua hình ảnh chụp cộng hưởng từ khớp gối

Chụp mri đầu gối giúp chẩn đoán thêm mức độ bệnh lý liên quan đến khớp gối. Nếu khớp gối khỏe mạnh, ảnh trên cộng hưởng từ sẽ cho thấy vị trí, hình dạng và kích thước của các bộ phận trong khớp gối đều bình thường (sụn, gân, dây chằng, khớp...); không có dấu hiệu viêm nhiễm trong xương, khớp hoặc mô mềm quanh xương; không có dấu hiệu gãy xương hoặc dịch khớp bất thường; không có khối u và sự tăng trưởng bất thường trong khớp gối.

Tuy nhiên, ảnh chụp MRI khớp gối có bệnh lý thường biểu hiện:

  • Rách và thoái hoá sụn chêm: Với bệnh lý này hình ảnh cộng hưởng từ sẽ cho ba mức độ bệnh: Độ 1 - có phát hiện thấy hình tròn bên trong sụn chêm của khớp đồng thời xuất hiện một số bất thường tăng tín hiệu dạng nốt; Độ 2 - những bất thường tăng tín hiệu dạng đường bên trong sụn chêm mà không liên quan tới bề mặt sụn báo hiệu việc liên quan tới thoái hoá sụn chêm ở mức độ nặng; Độ 3- những tín hiệu bất thường bên trong sụn chêm tăng lên đáng kể đồng thời liên quan đến bề mặt sụn chêm, có thể do rách sụn chêm gây nên. Trong một số trường hợp đặc biệt, có thể có nhiều mảnh vỡ khiến cho sụn chêm nặng hơn ở độ 4.
  • Nang sụn chêm: Những nang mà nằm cạnh sụn chêm hoặc nang bao hoạt dịch đều liên quan đến sụn chêm.
  • Sụn chêm hình đĩa: Dấu hiệu của bệnh lý bẩm sinh với vị trí xuất hiện cả hai bên. Hình ảnh sụn chêm khi chụp cộng hưởng từ thu được cho thấy sụn chêm có thể dày lên một cách bất thường, không có hình bán nguyệt mà có thể trở thành hình đĩa. Sụn chêm cũng có thể bị dày một phần hoặc dày lên toàn bộ.
  • Ngấm vôi sụn chêm: Hình ảnh chụp cộng hưởng từ sẽ cho thấy giảm tín hiệu trên các chuỗi xung. Nếu sụn chêm xương hoá thì có thể có cả tín hiệu tủy xương bên trong và vùng giảm tín hiệu sẽ lớn hơn.
  • Xương: Hình ảnh cộng hưởng từ có thể dễ dàng giúp bác sĩ phát hiện gãy xương, đặc biệt là những trường hợp gãy xương kín có thể làm tổn thương sụn hoặc dây chằng. Gãy xương segon và đùi ngoài dây chằng chéo trước có thể kết hợp gây nên rách sụn chêm. Đứt dây chằng trước cùng với phần sau của xương có thể liên quan đến hiện tượng dập xương mâm bánh chày. Tổn thương xương có thể được quan sát qua hoạt động làm giảm tín hiệu trên T1W và tăng tín hiệu T2W tại các vùng bất thường của cơ thể. Dập xương cũng gây nên giảm tín hiệu khu trú hoặc có thể lan tỏa trên T1W, tăng T2W kèm hoặc không kèm hình ảnh gãy xương.
  • Dây chằng: Dây chằng chéo đứt cấp tính có thể biểu hiện qua hình ảnh cộng hưởng từ như co kéo hoặc khó xác định dây chằng, đồng thời tăng tín hiệu bên trong dây chằng. Một số trường hợp có thể xảy ra chảy máu hoặc phù nề. Nếu tổn thương dây chằng mãn tính có thể qua hình ảnh chụp nhận thấy được sự thay đổi hình thái, hướng chạy của dây chằng hoặc một số tín hiệu bất thường. Dây chằng chéo trước có thể xảy ra trường hợp bị đứt một phần hoặc đứt hoàn toàn. Dây chằng chéo sau có thể ít khi bị đứt, hưng sẽ tăng tín hiệu dây chằng chéo sau trên và đều được xem là dấu hiệu bất thường. Có thể dây chằng chéo sau đứt một phần hoặc đứt hoàn toàn. Dây chằng bên tổn thương có thể nhìn thấy trong hình ảnh chụp cộng hưởng từ, quanh dây chằng bị tổn thương tăng tín hiệu bất thường hoặc đứt toàn bộ gây mất liệu tục và co kéo phần còn lại.
  • Sụn khớp: Chụp cộng hưởng từ khớp gối giúp đánh giá tổn thương sụn khớp với bốn mức độ: Độ 1 - Sụn khớp mềm; Độ 2 - Sụn khớp mềm và có xuất hiện tình trạng sụn bị rách nhỏ trên bề mặt; Độ 3 - Khuyết sụn khớp không hoàn toàn và chưa lan đến mặt xương; Độ 4 - Khuyến sụn khớp hoàn toàn và đã lan đến mặt xương.
  • Viêm sụn xương bóc tách: Phần xương bóc tách xảy ra hiện tượng viêm có thể bị tách rời hoặc nằm tại chỗ, bị bóc tách một phần hoặc hoàn toàn và có hoặc không liên quan đến phần xương dưới sụn. Gân xương bánh chè-đùi, mạc giữ bánh chè có thể xuất hiện tổn thương. Hình ảnh chụp gân xương bánh chè -đùi cho thấy che lấp chỗ do các sợi co kéo, có kèm mảnh sụn hoặc hình ảnh đứt hoàn toàn liên quan đến trật khớp.
  • Khớp bánh chè-đùi: Nhuyễn sụn bánh chè được thể hiện trên hình ảnh cộng hưởng từ bằng sự thay đổi tín hiệu trong sụn và có kết hợp hoặc không với những bất thường bề mặt sụn chẳng hạn như không đều, rách, sưng, phồng, loét, thay đổi xương dưới sụn, lộ bề mặt xương.
  • Viêm gân bánh chè: Tổn thương cấp tính trong trường hợp viêm gân bánh chè có thể gây ra sự thay đổi vùng quanh gân nhiều hoặc thay đổi hình thái cũng như tín hiệu trong gân. Với trường hợp tổn thương mạn tính sẽ có hình ảnh khi chụp khu trú ở 1⁄3 trên và bất thường ở bên trong xảy ra nhiều hơn bên ngoài. Đôi khi tổn thương có dày lan toả và nhân tín hiệu thấp hoặc trung gian trên T1W, cao trên T2W ở những vị trí tổn thương.
  • Rách dây chằng bánh chè: Nếu dây chằng bánh chè không bị rách hoàn toàn thì có thể thấy hình ảnh dây chằng phù nề bên trong hoặc dày lên bất thường. Nếu dây chằng đứt hoàn toàn thì hình ảnh sẽ mất liên tục, co kéo phần cao. Ngoài ra, nếu quan sát hình ảnh chụp dây chằng sẽ nhận thấy vị trí này sẽ dày bất thường hoặc có thể có tín hiệu về sự xuất hiện của dịch hay máu xung quanh kèm theo tình trạng gãy xương.

Viêm nhiễm: Viêm bao hoạt dịch, viêm xương hoặc thậm chí cả viêm tủy xương, tràn dịch khớp, lắng đọng chất trong dịch khớp, viêm phù nề phần mềm... đều có thể biểu hiện của viêm nhiễm tại khớp gối.

chụp cộng hưởng từ khớp gối
Chụp cộng hưởng từ khớp gối giúp chẩn đoán thêm mức độ bệnh lý liên quan đến khớp gối

4. Những lưu ý trước khi thực hiện chụp cộng hưởng từ mri khớp gối

Khi được chỉ định thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ hoặc nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cụ thể về việc ăn uống trước khi chụp. Bạn cần thông báo với bác sĩ những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hiện tại hoặc từng mắc phải như bệnh thận nặng, đã từng thực hiện phẫu thuật, có tiền sử dị ứng với các loại thực phẩm hoặc môi trường xung quanh....

Đặc biệt, bạn cần thông báo với bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, nhất là 3 tháng đầu thai kỳ bởi vì nếu thực hiện kỹ thuật này sẽ có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Khi thực hiện chụp cộng hưởng từ cần tháo bỏ tất cả đồ trang sức cũng như phụ kiện có kim loại hoặc các thiết bị điện tử. Bởi vì khi thực hiện đo, từ trường cao của máy có thể gây hại đến sức khỏe cũng như ảnh hưởng đến chức năng máy.

5. Những lợi ích cũng như nguy cơ của phương pháp chụp cộng hưởng từ khớp gối

Chụp cộng hưởng từ khớp gối được xem như kỹ thuật không xâm lấn, không có phơi nhiễm bức xạ và có giá trị trong chẩn đoán các bệnh lý liên quan khớp cũng như các bất thường của xương không thể nhìn thấy trên X quang hoặc CT scan. Kỹ thuật này còn giúp xác định bệnh nhân nào bị chấn thương đầu gối cần được phẫu thuật; chẩn đoán gãy xương khi chụp Xquang nhưng không cho kết luận cụ thể....

Việc áp dụng chụp cộng hưởng từ hầu như không gây rủi ro cho người bệnh nếu tuân thủ đúng các hướng dẫn an toàn. Tuy nhiên, cũng có thể gặp một vài nguy cơ chẳng hạn như:

  • Biến dạng hình ảnh với những trường hợp có chứa kim loại.
  • Xơ hóa thận có thể được xem như một biến chứng được công nhận khá hiếm gặp khi thực hiện chụp cộng hưởng từ, bởi vì có liên quan đến tiêm thuốc tương phản gadolinium.
  • Phản ứng dị ứng với thuốc tương phản từ...

Tóm lại, tổn thương khớp gối có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ khớp gối để đánh giá chính xác tổn thương của xương, dây chằng, sụn chêm và sụn khớp sẽ giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan