Các tư thế nên tránh vận động sau thay khớp háng

Phẫu thuật khớp háng là một phẫu thuật quan trọng có chức năng cải thiện vận động chi dưới. Tuy nhiên sau thay khớp háng người bệnh cần chú ý đến việc điều chỉnh các động tác, tư thế hoạt động hàng ngày để giảm áp lực lên khớp nhân tạo, tránh biến chứng sau phẫu thuật.

1. Vì sao cần cẩn thận sau phẫu thuật thay khớp háng?

Hiện nay trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, số lượng bệnh nhân phẫu thuật thay khớp háng đang tăng lên hàng năm. Thường trong 8 tuần đầu sau mổ nguy cơ trật khớp háng nhân tạo sẽ tăng cao, nếu người bệnh chú ý các hoạt động hàng ngày và tập luyện vật lý trị liệu hiệu quả thì nguy cơ trên sẽ giảm dần.

Để khớp háng nhân tạo được liền tốt thì cần tối thiểu 3 tháng để xương đùi gắn liền với thân khớp, bao khớp giả giúp khớp háng vững chắc hơn. Do vậy bệnh nhân và gia đình nên được hướng dẫn phòng tránh trật khớp háng sau mổ (đặc biệt trong vòng 3 tháng đầu sau phẫu thuật). Tư thế dễ gây trật khớp háng là động tác gập - khép và xoay trong phối hợp.

2. Chuẩn bị các hoạt động sau khi thay khớp háng

Trong vài tuần đầu sau phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo, khả năng di chuyển của bệnh nhân sẽ bị giới hạn. Vì vậy, trước khi thực hiện ca mổ, gia đình điều chỉnh trước môi trường trong nhà để thuận tiện hơn trong việc phục hồi chức năng khớp sau mổ. Việc này bao gồm các hoạt động loại bỏ các chướng ngại vật và các mối nguy cơ tiềm ẩn để phòng ngừa té ngã và tai nạn. Ví dụ như:

  • Tháo các loại trải sàn, thảm tấm và dây cáp vướng trên sàn nhà
  • Đảm bảo sàn nhà trong phòng tắm, bếp và nhiều khu vực khác không gây trơn trượt
  • Nhà vệ sinh nên là bệ ngồi cao để cho bệnh nhân sử dụng
  • Thường xuyên bố trí ghế ngồi thoải mái ở nhiều nơi trong nhà
  • Chuẩn bị một giường ở tầng trệt để bệnh nhân không phải lên xuống cầu thang nhiều khi vừa mới thực hiện phẫu thuật
  • Chuẩn bị các loại giày dép dễ mang, có đế cao su chắc chắn để tránh trơn trượt.

Nhìn chung người bệnh sau khi phẫu thuật thay khớp háng nên được hỗ trợ mọi phương tiện để thích nghi lại với các hoạt động sinh hoạt ở nhà hay nơi làm việc.

Các bác sĩ thường nhận được câu hỏi thay khớp háng cần kiêng những gì của người bệnh
Các bác sĩ thường nhận được câu hỏi thay khớp háng cần kiêng những gì của người bệnh

3. Thay khớp háng cần kiêng những gì?

Sau thay khớp háng bệnh nhân cần cẩn thận ngay cả ở những tư thế, động tác hàng ngày. Các hoạt động nên được thực hiện từ tốn, chậm rãi và chuẩn xác để hạn chế biến chứng:

3.1. Tư thế ngồi

Để tránh bị trật sau thay khớp háng, người bệnh nên chú ý:

  • Luôn ngồi ở tư thế khớp hông cao hơn khớp gối
  • Khi đi vệ sinh nên sử dụng bàn cầu cao để giữ khớp háng cao hơn khớp gối
  • Nếu muốn ngồi xuống an toàn nên từ từ lùi lại cho đến khi đầu gối chạm vào giường hoặc ghế. Sau đó đưa tay ra sau vịn vào cạnh ghế, hạ thân từ từ về tư thế ngồi (tránh cúi gập thân người về phía trước).

Đồng thời tránh những động tác sau:

  • Không gập khớp háng đã phẫu thuật quá 90 độ
  • Không ngồi bắt chéo chân, ngồi xếp bằng, ngồi xổm
  • Tránh ngồi xổm hay xí bệt
  • Không ngồi ghế quá thấp hoặc quá mềm, tránh ngồi hoặc nằm võng bởi có thể khiến háng gập quá mức.

3.2. Tư thế đứng

Để tránh bị trật sau thay khớp háng, người bệnh nên chú ý tư thế đứng:

  • Khi đứng nên đứng thẳng, chân hơi dạng và hai bàn chân xoay nhẹ ra ngoài
  • Nếu muốn xoay người, nên xoay cơ thể và bàn chân cùng lúc
  • Để đứng lên từ tư thế ngồi, người bệnh từ từ ngồi sát gần mép ghế, nắm tay vịn, đặt chân không phẫu thuật ra phía sau, đưa chân phẫu thuật ra trước và chậm rãi chống hai tay để đứng lên.

Đồng thời tránh những thói quen sau:

  • Hạn chế không đứng cố định một tư thế quá lâu
  • Không xoay người bất thình lình
  • Không nên mang vác đồ nặng khi đi

3.3. Tư thế nằm

Việc duy trì tư thế đúng khi nằm cũng rất quan trọng, bệnh nhân nên chú ý:

  • Nên nằm thoải mái, không nên để chân mổ xoay vào trong vì dễ gây trật khớp
  • Nên nằm nghiêng sang bên lành với gối chèn giữa 2 đầu gối để tránh khép và xoay trong
  • Khi nằm ngửa nên kê gối chèn giữa 2 chân để giữ khớp háng ở vị trí trung lập (không quá dạng, không khép, không xoay ngoài quá mức);
  • Tránh nằm một tư thế quá lâu.
thay khớp háng cần kiêng những gì
Thay khớp háng cần kiêng những gì trong đó có tư thể ngủ cần tránh nằm một thư thế quá lâu

3.4. Khi đi lại, di chuyển lên xuống cầu thang

Việc đi lại sau khi thay khớp háng cũng rất quan trọng, người bệnh nên lưu ý:

  • Di chuyển từ tốn từng bước một, giữ chắc tay vịn vào lan can, đặt chân lành bước lên trước rồi mới đến chân mổ
  • Cẩn thận khi bước qua bậc cửa, cầu thang hoặc sàn nhà trơn

3.5. Khi làm việc nhà và thực hiện sinh hoạt cá nhân

Khi làm việc nhà và thực hiện các động tác thường nhật, bệnh nhân cần chú ý:

  • Nên sử dụng những dụng cụ hỗ trợ như: dùng kẹp gắp để lấy các vật dụng dưới sàn mà không phải gập người, làm tăng chiều dài của cán chổi, cán hốt rác... để tránh phải cúi nhiều
  • Không nên quá gắng sức để với đồ vật ở cao hoặc xa
  • Hạn chế ngồi hoặc quỳ để thực hiện các động tác thường ngoài
  • Khi mặc quần nên xỏ bên chân phẫu thuật trước, chân lành xỏ vào sau. Ngược lại khi cởi đồ chân lành cởi ra trước rồi mới đến chân mổ.

Phục hồi chức năng sau mổ thay khớp háng nhân tạo đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh biết tự cách bảo vệ khớp háng và sớm độc lập trong sinh hoạt hàng ngày. Trong quá trình sau thay khớp háng vật lý trị liệu, nếu thấy có các dấu hiệu sưng đau tại vết mổ, sốt, chân mổ có biến dạng hoặc đi lại, cử động khó khăn... bệnh nhân nên chủ động tái khám và nhờ bác sĩ thăm khám, tư vấn cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan