Vị trí và tác dụng Huyệt Hoang Du

Huyệt Hoang Du có tác dụng trong chữa trị các bệnh như dạ dày bị co thắt, đau do thoái vị, rong kinh, táo bón hay hoàng đản. Thông qua châm cứu, khi tác động lên vị trí của huyệt vị sẽ giúp cải thiện triệu chứng và sức khỏe người bệnh.

1. Huyệt Hoang Du là gì?

Huyệt Hoang Du được đặt tên như vậy bởi vì Hoang có nghĩa là màng hay mô nối các cơ quan bên trong lại với nhau và Du là nơi khí ra vào. Khí của Thận kinh rót vào bụng qua huyệt vị này, do đó mà có tên gọi là Hoang du.

Theo Đông y, huyệt hoang Du xuất xứ từ giáp Ất Kinh với đặc điểm:

  • Là huyệt thứ 16 của kinh Thận.
  • Huyệt giao hội với Xung Mạch.
huyệt hoang du
Vị trí huyệt Hoang Du

2. Vị trí huyệt Hoang Du?

Vị trí của huyệt vị này có thể được xác định như sau:

  • Ở dưới huyệt Thương Khúc 2 tấc, cách đường giữa bụng 0,5 tấc (Giáp ất)

Trong đó huyệt Thương Khúc hay còn gọi là Cao Khúc hay Thương Xá, xuất xứ giáp Ất Kinh, là huyệt thứ 17 của kinh Thận, có tác dụng trị bụng đau do thoát vị, dạ dày đau và biếng ăn.

  • Lấy ở lỗ rốn ngang ra 0,5 tấc.

Bên dưới vị trí của huyệt này có đặc điểm giải phẫu:

  • Dưới da là cân cơ chéo to của bụng, bờ trong cơ thẳng to, mạc ngang, phúc mạc, ruột non hoặc bàng quang khi bí tiểu tiện nhiều, tử cung khi có thai 7 – 8 tháng.
  • 6 nhánh dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng – sinh dục là thần kinh chi phối vận động cơ.
  • Tiết đoạn thần kinh D10 chi phối da vùng huyệt này.

3. Tác dụng huyệt Hoang Du

Với đặc điểm về vị trí và liên quan giải phẫu như vậy, huyệt Hoang Du có vai trò quan trọng trong lĩnh vực Y Học Cổ Truyền nhằm trị Thanh Thận nhiệt, điều hòa Xung Mạch, đặc biệt là trị dạ dày bị co thắt, đau do thoái vị, kinh rong, táo bónvàng da.

Huyệt Hoang Du thường kết hợp với các huyệt vị khác trên cơ thể để điều trị một số bệnh khác như:

  • Phối hợp huyệt Kỳ Môn và Trung Quản trị bụng dưới có khối u (Thiên Kim Phương).
  • Phối hợp với Hoành Cốt trị ngũ lâm, cửu tích (Bách Chứng Phú).
huyệt hoang du
Huyệt Hoang Du trị dạ dày bị co thắt

4. Châm cứu huyệt Hoang Du

Hiện nay, để điều trị bệnh người ta thường áp dụng cả Y Học Hiện Đại và cổ truyền.

Ưu điểm của nền “y học thuốc ta” là vận dụng sáng tạo triết học cổ phương đông vào chẩn trị. Vì thế, các thầy thuốc đông y luôn có cách nhìn người bệnh toàn diện, từ đó có sự điều chỉnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể nhằm khắc phục bệnh tật; rất phù hợp với yêu cầu phòng trị nhiều bệnh mạn tính hiện nay.

Đặc biệt, thuốc và các biện pháp không dùng thuốc (dưỡng sinh, châm cứu xoa bóp, ẩm thực trị liệu...) đều có nguồn gốc tự nhiên, vốn quen thuộc, thân thiện với con người và luôn có sẵn ở mọi lúc mọi nơi, phần lớn ít độc, ít tác dụng phụ.

Mỗi phương pháp đều mặt ưu và nhược điểm nhất định trong áp dụng chữa trị bệnh. Đối với huyệt Hoang Du, tác động lên vị trí huyệt vị này bằng cách châm cứu cũng đem lại những hiệu quả nhất định.

Châm cứu là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, tên gọi của 2 hình thức khác nhau, bao gồm châm và cứu. Trong đó châm là dùng kim châm tác động trực tiếp lên các huyệt đạo bằng cách đâm xuyên qua da vào bên trong cơ thể và cứu là dùng lá ngải cứu khô đốt lên để hơ nóng huyệt. Thông qua cơ chế đả thông kinh lạc nó sẽ giúp cân bằng âm dương và lưu thông khí huyết, từ đó giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, đồng thời có khả năng khắc phục căn nguyên cũng như ngăn ngừa và chữa trị một số bệnh tật.

Cách thực hiện bao gồm:

  • Châm kim với độ sâu 0,5- 1 tấc.
  • Sau đó cứu khoảng 5-7 phút.

Lưu ý rằng, đối với phụ nữ có thai nhiều tháng không được châm sâu.

Một số tác dụng không mong muốn khi châm cứu như:

  • Châm cứu bị bầm tím: Có thể là do mắc các bệnh lý về đông cầm máu. Sau châm cứu, vết bầm tím thường xuất hiện tại vị trí châm kim và tình trạng không quá nguy hiểm, do đó bệnh nhân chỉ cần chườm lạnh hoặc nóng sẽ khỏi.
  • Châm cứu bị đau: Người bệnh sẽ không tránh khỏi cảm giác đau nhức khi thầy thuốc châm kim vào huyệt đạo. Thông thường cơn đau sẽ biến mất trong vòng 24 giờ nên người bệnh không cần phải quá lo lắng. Bên cạnh đó, với sự phát triển của nền Y Học Cổ Truyền, cùng sự tiến bộ của Công nghệ y khoa nên các kỹ thuật châm cứu và kim chuyên dụng đã được cải tiến, giúp quá trình châm cứu không gây đau, chủ yếu chỉ gây cảm giác hơi kích ngoài da.
  • Châm cứu bị sưng tay: Chủ yếu nằm ở người châm cứu, có thể trước khi châm cứu, bác sĩ chưa vô trùng kim khiến vết châm bị nhiễm trùng và gây sưng.

Có thể thấy rằng, huyệt Hoang Du có tác động rất tích cực đối với sức khỏe, đặc biệt là trong chữa trị các chứng như dạ dày bị co thắt, đau do thoái vị, kinh rong, táo bón. Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được hỗ trợ tư vấn và hướng dẫn một cách rõ ràng, cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

898 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan