Công dụng cây mạch ba góc

Cây mạch ba góc là loại dược liệu còn có tên gọi khác là tam giác mạch, lúa mạch đen. Ở nước ta, hiện nay, tại nhiều địa phương chỉ trồng cây mạch ba góc để làm thức ăn cho người và động vật nuôi. Hơn nữa, theo tài liệu về Y Học Cổ Truyền, đây là loại thảo dược quý với nhiều tác dụng cho sức khỏe.

1. Cây mạch ba góc là gì?

Cây mạch ba góc hay còn được gọi là kiều mạch, tam giác mạch, lúa mạch đen. Một số địa phương như Lào Cai, Yên Bái thì cây mạch ba góc còn được gọi là sèo.

Tên khoa học của cây là Fagopyrum esculentum Moench. Fagopyrum sagittatum Clib).Thuộc họ Rau răm Polygonaceae.Mạch ba góc có thể sử dụng toàn cây, tuy nhiên, phần lớn là dùng lá và hoa của cây để làm nguyên liệu chiết xuất ra rutin.

1.1. Đặc điểm sinh học

Mạch ba góc là một cây thuộc thuộc loại thân thảo, có nhiều cành, cao trung bình khoảng 0,5- 1m, thân hình trụ và có màu xanh hay đỏ. Lá nguyên đơn, mọc cách, mép nguyên, có bẹ chìa, lá phía dưới có dạng hình tim, đầu lá hơi nhọn, có cuống, lá phía trên giống hình mũi tên, không có cuống và gân lá dạng hình chân vịt.

Hoa mọc thành từng chùm, từng cụm hoa ở ngọn cây và nách lá. Hoa lưỡng tính chỉ có duy nhất một vòng bao hoa với màu trắng, đỏ hoặc trắng hồng. Bao hoa tồn tại 5 bản ở vị trí trên quả. Nhị 8, có 3 vòi rời nhau. Bầu hoa có tuyến mật ở xung quanh.

Quả khô có 3 góc gồm 2 lượt vỏ. Lớp vỏ ngoài có màu đen xám khi già, lớp vỏ hạt vỏ trong mọng, màu trắng vàng, có bao hoa tồn tại. Hạt có chứa nội nhũ bột lớn, phôi thẳng và hình lá xếp nếp.

1.2. Địa điểm phân bố

Cây mạch ba góc được trồng ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nước ta như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn.

Mạch ba góc được trồng lấy hạt sau đó trộn thêm bột ăn như lương thực cho người và động vật nuôi. Tuy nhiên, nếu chỉ ăn mạch ba góc có thể gây ra cảm giác rất mệt, nên khi ăn người ta thường trộn thêm với ngô và gạo.

Mạch ba góc ở tỉnh các biên giới nước ta có thể trồng vào 2 vụ:

  • Vụ xuân hạ được gieo trồng vào tháng 1-2 và tháng 4-5 thu hoạch
  • Vụ thu đông được gieo trồng vào tháng 8-9 và tháng 11-12 thu hoạch

Trung bình một vụ cây từ khi trồng đến khi thu hoạch là khoảng 2-3 tháng. Nhiều người có thể trồng mạch ba góc để lấy quả ăn rồi dùng cây bỏ đi để chiết xuất rutin hoặc họ có thể trồng để lấy lá và hoa chiết rutin.

1.3. Tác dụng dược lý

Mạch ba góc có chứa thành phần là Rutin. Đây là hoạt chất có tác dụng giảm tính thẩm thấu của mao mạch, tăng cường sức bền thành mạch và ngăn ngừa những vấn đề tai biến ở mạch máu.

Công dụng cây mạch ba góc
Cây mạch ba phân bổ chủ yếu ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta

2. Cây mạch ba góc có tác dụng gì?

Tính vị: mạch ba góc có vị chát, hơi cay, tính bình. Đây là vị thuốc có tác dụng lợi thấp, thanh nhiệt giải độc và tiêu thũng. Thành phần rutosid trong của mạch ba góc có tác dụng tương tự với vitamin P. Tác dụng chính là làm tăng khả năng chịu đựng và giảm độ thấm của mao mạch và có tác dụng lợi tiểu. Quy kinh vào kinh tỳ, vị và đại tràng.

Công dụng: Mạch ba góc có thể chế thành bột dùng để ăn hay nấu cháo và làm bánh. Đây là nguồn thức ăn chống đói quan trọng đối với đồng bào miền núi.

Quả và lá mạch ba góc thường được dùng làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc. Nhân dân một số nơi dùng lá mạch ba góc để nấu canh ăn và làm cho sáng mắt, thính tai.

Bột hạt mạch ba góc được dùng như chất làm mềm và tan chứng sưng đau. Sử dụng phần lá và hoa của mạch ba góc để làm nguyên liệu chiết xuất ra rutin.

Chủ trị: Điều trị bệnh viêm ruột cấp tính, tràng vị tích trệ, tiết tả, lỵ tật, tràng nhạc, bỏng, mụn nhọt, lở loét ngoài da.

Giảm nồng độ mỡ máu, giảm mỡ gan: thường được sử dụng cho những người bị gan nhiễm mỡ, mỡ trong máu cao, hạ cholesterol. Làm chậm quá trình vữa xơ động mạch: hiệu quả cho những người bị các bệnh về tim mạch và cao huyết áp...

Liều dùng: dùng dược liệu dưới dạng sắc thuốc uống, dùng để nấu cháo hoặc chế biến món ăn. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có liều dùng mạch ba góc cố định.

Chú ý: Tuyệt đối không sử dụng hạt cây mạch ba góc và sản phẩm từ hạt tam giác mạch có dấu hiệu nấm mốc.

Công dụng cây mạch ba góc
Hạt cây mạch ba góc có một số công dụng trong đời sống con người

3. Một số cách dùng của dược liệu mạch ba góc

Nước sắc mạch ba góc: chuẩn bị: lá mạch ba góc tươi 100g, ngó sen 4 cái, sắc thuốc uống trong ngày. Tác dụng điều trị tăng huyết áp, xuất huyết đáy mắt và ban xuất huyết.

Bột tam giác mạch: thực hiện: sao vàng lá mạch ba góc, sau đó, xay thành bột mỗi lần uống 10 – 15g, ngày uống 2 lần chiêu với nước sôi còn ấm. Bài thuốc có tác dụng chữa đầy bụng, tiêu chảy, mụn nhọt, bạch đới, lỵ.

Bánh mạch ba góc: chuẩn bị: mạch ba góc 500g, cho đường đỏ (đường mía). Thực hiện: cho hỗn hợp đã chuẩn bị vào nước vừa đủ nhào trộn làm thành bánh, rồi nướng chín ăn liên tục trong mấy ngày liền. Đây là bài thuốc có tác dụng tốt trong điều trị suy nhược cơ thể và ra mồ hôi trộm.

Mạch ba góc hấp mực, nấm: chuẩn bị: mực ống 200g, hạt mạch ba góc 50g, nấm rơm 50g, hành tây 50g; muối, đường, tiêu và phô mai vừa đủ. Thực hiện: mực rửa sạch bằng gừng và rượu cho hết mùi tanh, tẩm ướp muối, đường, tiêu, phô mai. Hành tây, nấm rơm (ngâm nở, rửa sạch), sau đó thái hạt lựu, trộn cùng với hạt tam giác mạch và hấp chín. Món ăn này vừa bổ dưỡng lại có tác dụng thanh nhiệt giải độc.

Làm sữa rửa mặt: bột mạch ba góc cho vừa đủ cho chút nước để trộn đều sền sệt như cháo, rồi thoa đều lên da mặt và mát-xa nhẹ nhàng chừng vài phút sau đó rửa mặt. Đây là loại sữa rửa mặt có tác dụng trị mụn đầu đen, làm mịn da.

Với những công dụng cây mạch ba góc, bạn có thể tham khảo và sử dụng để thấy hiệu quả tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để có cách sử dụng cho hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan