Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ
Ung thư biểu mô tại chỗ là gì? Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (tên tiếng Anh: Lobular Carcinoma In Situ - LCIS) là tình trạng các tế bào bên trong một số tiểu thùy hoặc tuyến sữa của vú phát triển bất thường nhưng chưa trở thành ung thư. Các tế bào bất thường này đều ở trong các lớp lót bên trong tiểu thùy vú. Nó thường xuất hiện ở cả hai vú. Các bác sĩ gọi đây là tình trạng tổn thương tiểu thùy.
Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ có nguy hiểm không? Khi đã được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ đồng nghĩa với việc bệnh nhân có nguy cơ phát triển ung thư vú xâm lấn ở vú bên kia trong tương lai. Dù vậy, tỷ lệ mắc bệnh khá nhỏ. Nam giới cũng có thể mắc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ nhưng khá hiếm.
Có một loại ung thư vú khác là ung thư tiểu thùy xâm lấn. Loại này khác với ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ.
Nguyên nhân bệnh Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ. LCIS xuất hiện khi các tế bào trong một tuyến sản xuất sữa của một vú phát triển đột biến gen, tạo ra những tế bào bất thường. Các tế bào bất thường chỉ nằm trong tiểu thùy, không mở rộng hay xâm lấn các mô vú xung quanh.
Triệu chứng bệnh Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ
Triệu chứng ung thư tại chỗ là gì? Thông thường, ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ không gây ra triệu chứng. Bệnh nhân thường chỉ tình cờ phát hiện căn bệnh này khi thực hiện sinh thiết để đánh giá một khối u hoặc một khu vực bất thường do vôi hóa nhỏ hay khi chụp nhũ ảnh chẩn đoán các bệnh lý khác.
Phụ nữ nên đi khám bác sĩ nếu nhận thấy có một sự thay đổi ở ngực như một khối u, vùng da nhăn nheo bất thường, chảy dịch ở núm vú hoặc có một vùng dày bì dưới da.
Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ
Những đối tượng sau có nguy cơ cao mắc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ:
-
Lịch sử gia đình mắc ung thư vú: nếu có người thân được chẩn đoán mắc ung thư vú thì nguy cơ mắc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ của bạn sẽ cao hơn.
-
Đã từng thực hiện liệu pháp hormone thay thế trong thời kỳ mãn kinh: những phụ nữ đã sử dụng liệu pháp hormone thay thế trong 3 - 5 năm để đối phó với triệu chứng mãn kinh có thể tăng nguy cơ mắc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ.
-
Đang ở độ tuổi 40: bệnh ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ thường được phát hiện ở phụ nữ trong độ tuổi 40 - những người chưa trải qua thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ phổ biến nhất ở những phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh.
Phòng ngừa bệnh Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ
Có lối sống phù hợp sẽ giúp phụ nữ phòng ngừa và đối phó với ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ. Cụ thể là:
-
Hạn chế hoặc tốt nhất là không uống rượu.
-
Tập thể dục đều đặn, tối thiểu 30 phút mỗi ngày vào hầu hết các ngày trong tuần.
-
Duy trì trọng lượng khỏe mạnh. Nếu cần phải giảm cân, phụ nữ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc giảm lượng calo ăn mỗi ngày và tăng dần mức độ tập thể dục. Mức giảm cân lý tưởng là khoảng 0,5 - 1kg mỗi tuần.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ
Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ thường không hiển thị trên nhũ ảnh. Vì vậy, tình trạng này chủ yếu được chẩn đoán bằng sinh thiết. Đây là phương pháp lấy mẫu mô ở vú và kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, vì LCIS không tạo ra khối u hay triệu chứng bất thường nên bệnh thường được phát hiện khi sinh thiết cho một vấn đề khác ở vú.
Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ
Hầu hết phụ nữ mắc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ không bị ung thư vú nên người bệnh sẽ không cần phải điều trị. Đôi khi, nếu phát hiện bệnh bằng kim sinh thiết, bác sĩ có thể đề nghị loại bỏ hoàn toàn ung thư bằng sinh thiết cắt bỏ hoặc phẫu thuật bảo toàn vú để đảm bảo không còn vấn đề bất thường tại đây. Lựa chọn này sẽ tốt trong trường hợp LCIS có nhiều hình thái hoặc có hoại tử.
Bên cạnh đó, có 20% người bệnh LCIS sẽ bị mắc ung thư vú. Do đó, bác sĩ yêu cầu người bệnh cần phải theo dõi sức khỏe thường xuyên bằng cách: định kỳ 6 - 12 tháng khám vú một lần và chụp X-quang vú 1 - 2 năm/lần. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân sử dụng một loại liệu pháp hormone để giảm bớt nguy cơ mắc ung thư vú đối với những trường hợp đang mắc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ.
Xem thêm:
- Phát hiện và điều trị khối u dưới xương ức
- Nang xương phình mạch là gì?
- Sử dụng thuốc điều trị ung thư di căn xương
- Điều trị ung thư di căn xương bằng thuốc
- Suy tủy xương xét nghiệm thấy xơ ít có nguy hiểm không?
- Nuôi cấy tăng sinh EX vivo tế bào diệt tự nhiên và tế bào tê gây độc từ máu ngoại vi các bệnh nhân ung thư phổi
- Sự khác biệt về cải thiện tỷ lệ sống sót sau chẩn đoán ung thư bạch huyết theo chủng tộc, tuổi và giới: những kết quả thu được từ một nghiên cứu dựa trên cộng đồng.
- Vinmec nhận bằng khen của Bộ Y tế vì đóng góp tích cực cho cộng đồng
- Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng phần mềm hỗ trợ đánh giá kế hoạch điều biến thể tích cung tròn tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
- Một số kinh nghiệm bước đầu trong việc triển khai kĩ thuật xạ phẫu định vị thân tại bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City