Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh U máu
U máu là gì?
U máu là tình trạng tăng sinh mạch máu quá mức. Đây là một khối u lành tính, tồn tại trong suốt những năm đầu tiên và có thể thoái triển dần trong thời gian dài, hiếm khi thấy u máu ác tính. U máu có thể xuất hiện ở ngoài da hoặc ở các cơ quan bên trong cơ thể như gan, ruột, hoặc cơ quan hô hấp, cột sống và hệ thần kinh trung ương.
-
U máu trên da trông giống như một vết bớt đỏ, có thể phẳng hoặc lồi ra trên bề mặt da. Vị trí thường gặp nhất là vùng đầu mặt, cổ, sau tai, ngực lưng.. U máu xuất phát từ các mao mạch nông trên da gọi là u máu mao mạch, thường không cần điều trị. U máu có nguồn gốc từ các mạch máu sâu dưới da gọi là u máu thể hang, cần được can thiệp nếu gây ra các biến chứng. U máu trên da phát triển ngay từ khi trẻ còn là bào thai trong tử cung của người mẹ.
-
U máu trên gan là loại phổ biến của nhóm u máu bên trong cơ thể. Sự tăng sinh các mạch máu diễn ra bên trong hoặc trên bề mặt gan. Nhiều nghiên cứu cho rằng quá trình mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai có liên quan đến sự hình thành u máu trên gan.
Tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối u mà người bệnh có thể phải đối mặt với các vấn đề như nứt u, lở loét và chảy máu.
U máu ở trẻ là một vấn đề thường gặp nhưng hiếm khi gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Một đứa trẻ có thể có nhiều nốt u máu nhưng không phản ánh đến tình trạng sức khỏe của bé, phụ huynh không nên quá lo lắng về vấn đề này.
Nguyên nhân bệnh U máu
U máu là kết quả của sự tăng sinh mạch máu. Nguyên nhân chính xác dẫn đến quá trình tăng sinh các mạch máu hiện vẫn chưa được hiểu rõ.
Triệu chứng bệnh U máu
U máu có thể xuất hiện ngay sau sinh, nhưng phổ biến nhất vẫn là trong khoảng thời gian vài tháng đầu đời. Biểu hiện lâm sàng là một vết đỏ phẳng ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, hay gặp nhất ở vùng đầu mặt cổ. Thông thường một đứa trẻ chỉ có một u máu.
Trong năm đầu tiên, vết đỏ phát triển nhanh chóng thành một vết sưng trông giống như cao su, xốp, nổi lên trên bề mặt da. Sau đó, khối u tăng trưởng chậm dần và biến mất.
Nhiều khối u máu sẽ biến mất khi trẻ lên 5 tuổi, và đa phần sẽ không nhìn thấy u máu nữa khi trẻ lên 10 tuổi. Sau khi u thoái triển, da tại vị trí khối u có thể bị đổi màu hoặc nổi lên trên bề mặt da bình thường.
Đường lây truyền bệnh U máu
U mạch máu là bệnh lý không lây truyền từ người bệnh sang người lành.
Đối tượng nguy cơ bệnh U máu
U máu thường gặp ở những đứa trẻ có các đặc điểm sau:
-
Trẻ da trắng
-
Trẻ sinh non
-
Sinh ra từ một thai kỳ đa thai
-
Nhẹ cân so với tuổi thai.a
Phòng ngừa bệnh U máu
Không có biện pháp nào giúp phòng tránh được sự xuất hiện của u máu.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh U máu
Việc chẩn đoán u màu thường chỉ cần hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng là đủ.
Sinh thiết da có thể được thực hiện nếu còn nghi ngờ chẩn đoán sau khi đã hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng.
Một số xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu được xem như là các chỉ điểm cho tình trạng thâm nhiễm và biệt hóa của khối u máu:
-
Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) trong máu và nước tiểu.
-
Yếu tố tăng trưởng beta nguyên bào sợi trong nước tiểu.
Siêu âm và chụp cộng hưởng từ có vai trò trong việc:
-
Phân biệt khối u máu trên da với các tổn thương khác như u nang bạch huyết, hạch bạch huyết.
-
Xác định vị trí u máu trong các cơ quan.
-
Phân biệt khối u máu với các bất thường liên quan đến hệ mạch máu khác như dị dạng mạch.
Các biện pháp điều trị bệnh U máu
U máu là một bệnh lý không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên trong một số trường hợp, người bệnh cần được điều trị với các phương pháp khác nhau tùy theo đặc điểm của từng loại u máu. Các chỉ định điều trị với khối u máu được đưa ra trong các trường hợp:
-
Khối u thường xuyên chảy máu
-
U máu xuất hiện ở những vị trí làm giảm tính thẩm mỹ, gây ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh.
-
U lớn chèn ép lên hệ mạch máu và hệ tuần hoàn
-
U máu phá vỡ lớp biểu bì xung quanh
-
U lớn chèn ép vào đường thở, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp
-
U máu cản trở tầm nhìn hoặc chuyển động của mắt.
Điều trị u máu ngoài da
Các u máu nhỏ ở ngoài da thường không cần đến sự can thiệp của nhân viên y tế, một vài u máu có thể tự biến mất. Việc điều trị cần được chỉ định trong các trường hợp u gây ra biến chứng như lở loét gây máu, nứt nẻ, chảy máu. Các biện pháp điều trị thường được áp dụng, bao gồm thuốc hoặc phẫu thuật: trong trường hợp bệnh nhân có các khối u máu lớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ hoặc xuất hiện ở những vị trí đặc biệt như xung quanh mắt, phẫu thuật sẽ được áp dụng đẻ loại trừ khối u.
Ngoài ra u máu ngoài da có thể điều trị bằng tia laser: tia laser có tác dụng giảm đỏ, giảm kích thước khối u và thúc đẩy nhanh quá trình liền vết thương sau khi u máu tự thoái triển.
U máu ngoài da sau khi biến mất thường để lại một vết rạn da. Các loại kem dưỡng ẩm có thể giải quyết được vấn đề này.
Điều trị u máu ở nội tạng
-
Phẫu thuật loại bỏ khối u máu ác tính
-
Phẫu thuật cắt đứt nguồn cung cấp máu cho khối u.
-
Phẫu thuật cắt bỏ các cơ quan bị ảnh hưởng.
Xem thêm:
- Điều trị u máu ở đầu cho trẻ sinh non được 5 tháng tuổi có ảnh hưởng gì không?
- Trẻ xuất hiện mẩn đỏ và sưng ở ngực có phải u máu không?
- Làm xét nghiệm chẩn đoán u máu cho trẻ nhỏ có mất thời gian không?
- Bé 4 tháng tuổi có nên điều trị u máu không?
- Trẻ có vết bớt rượu vang trên tay trái có ảnh hưởng gì không ạ?
- Bị u máu ở mắt và mí mắt có tự hết được không hay cần can thiệp điều trị?
- Trẻ sơ sinh bị u máu dạng phẳng có cần điều trị không?
- Điều trị u mềm lây trên mặt cho trẻ như thế nào?
- Trẻ xuất hiện nhiều bớt tròn trên da có cần đi khám không?
- Trẻ 6 tháng tuổi bị u máu có chữa được không?