Trang chủ Bệnh Thai trứng (chửa trứng): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Thai trứng (chửa trứng): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Thai trứng (chửa trứng)

Thai trứng (chửa trứng) là gì?

Chửa trứng là một tình trạng bệnh lý bắt nguồn từ thai nghén, do sự tăng sinh bất thường của lớp tế bào nuôi trong gai nhau, tạo thành những túi chứa đầy dịch, chúng không thông nhau mà dính vào nhau như chùm nho, cho hình ảnh giống với trứng ếch.

Chửa trứng thường là một dạng u lành tính phát triển trong tử cung. Nó không phải là một bào thai thực sự nhưng vẫn có các triệu chứng thai nghén. Chửa trứng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người phụ nữ, vì nó gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Một số trường hợp chửa trứng lành tính có thể dẫn đến chửa trứng ác tính, hay nặng hơn là biến chứng thành ung thư nguyên bào nuôi. Nếu không được điều trị kịp thời, chửa trứng hoặc có thể gây tử vong.

Chửa trứng ác tính, còn gọi là chửa trứng xâm lấn, là tính trạng mô thai trứng ăn lấn vào trong cơ tử cung, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng tử cung gây chảy máu trong ổ bụng, hay di căn xa đến âm đạo, phổi, …

Chửa trứng ác tính được điều trị như bệnh ung thư với sự kết hợp của phẫu thuật và hóa trị. Mô trứng ác tính cần được lấy ra khỏi cơ thể một cách tối đa, sau đó dùng hóa chất để điều trị hỗ trợ toàn thân.

Bệnh có thể tái phát hoặc di căn xa, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Do đó, cần theo dõi trước, trong và sau điều trị để phát hiện và có hướng xử trí thích hợp trên từng giai đoạn bệnh.

Nguyên nhân bệnh Thai trứng (chửa trứng)

Hiện tại, người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân chửa trứng bắt nguồn từ đâu. Cơ chế hình thành thai trứng có thể được giải thích như sau:

  • Sinh lý bình thường thì sau khi tinh trùng và noãn kết hợp với nhau, trứng sẽ được thụ tinh và phát triển một cách bình thường thành thai nhi cùng với các phần phụ của thai: nhau thai, túi ối, dây rốn.

  • Nếu trứng được thụ tinh nhưng lại phát triển bất thường thì có thể hình thành nên thai trứng. Điều này được giải thích là do tế bào nuôi phát triển quá nhanh, các mô liên kết và mao mạch rốn không kịp phát triển, dẫn đến việc thoái hóa, phù nề gai nhau. Kết quả là các túi dịch được tạo thành, dính vào nhau như chùm nho, lấn át hầu hết buồng tử cung. Đường kính của thai trứng có thể từ 1 cho đến vài chục mm.

Có 2 loại thai trứng:

  • Thai trứng toàn phần: được hình thành do sự kết hợp của một tinh trùng bình thường với một trứng không chứa thông tin di truyền. Chính sự khiếm khuyết về hệ thống di truyền nên nó không thể phát triển thành một thai nhi bình thường được, mà thay vào đó là sự phát triển của một thai trứng không có phôi thai.

  • Thai trứng bán phần: Có sự thụ tinh giữa 1 trứng và 2 tinh trùng. Trong trường hợp này, mặc dù thông tin di truyền là đầy đủ nhưng hợp tử không bình thường, gây nên tình trạng chửa trứng có phôi thai bất thường.

Triệu chứng bệnh Thai trứng (chửa trứng)

  • Trễ kinh

  • Rong huyết: Đây là triệu chứng phổ biến nhất ở bệnh nhân chửa trứng, xuất hiện sau khi trễ kinh vài tuần. Máu ra ở âm đạo có thể ít hoặc nhiều; thường có màu sẫm đen, đôi khi màu đỏ tươi; máu loãng và chảy kéo dài.

  • Nghén nặng: bệnh nhân buồn nôn và nôn nhiều, người mệt mỏi, đôi khi có phù, có protein niệu và có thể tăng huyết áp. Bệnh nhân có thể được chẩn đoán nhầm là dọa sẩy trong giai đoạn đầu của bệnh.

  • Tử cung lớn so với tuổi thai: gặp ở ½ người bệnh. Cũng có thể tử cung nhỏ hơn tuổi thai do sự thoái triển của thai trứng.

  • Không nghe tim thai: khi khám thai ở giữa thai kỳ, không sờ thấy các phần thai, tim thai không nghe thấy.

  • Thiếu máu: Hơn một nửa bệnh nhân chửa trứng toàn phần có tình trạng thiếu máu thiếu sắt. Có thể kèm với tiền sản giật (27%).

  • Cường giáp: lo lắng, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, run tay,… (7%).

Đối tượng nguy cơ bệnh Thai trứng (chửa trứng)

Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ chửa trứng ở nữ giới:

  • Khu vực địa lý, chủng tộc: Các vùng khác nhau, các chủng tộc khác nhau sẽ có tỷ lệ thai trứng khác nhau. Ở Mỹ, cứ 12000 thai kỳ thì có 1 trường hợp thai trứng. Việt Nam là quốc gia có tần suất chửa trứng khá cao, chiếm 1/500 phụ nữ có thai.

  • Điều kiện sống: Dinh dưỡng kém (nhất là thiếu đạm, thiếu Vitamin A), suy giảm miễn dịch, và điều kiện sống thiếu thốn là một trong những yếu tố nguy cơ của thai trứng.

  • Tuổi mang thai: Phụ nữ mang thai sau 35 tuổi hoặc trước 20 tuổi có nguy cơ mắc chửa trứng cao hơn. Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc chửa trứng.

  • Tiền sử sản khoa: Tiền sử thai trứng, tiền sử sẩy thai, sinh nhiều lần có thể là yếu tố nguy cơ của bệnh. Khoảng 1-2% phụ nữ đã từng mắc chửa trứng bị tái phát trở lại. Phụ nữ có tiền sử sẩy thai làm tăng nguy cơ mắc thai trứng gấp 2 lần người bình thường.

Phòng ngừa bệnh Thai trứng (chửa trứng)

  • Cho đến hiện nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra chửa trứng là gì, vậy nên các biện pháp phòng tránh tập trung chủ yếu vào các đối tượng nguy cơ mắc chửa trứng. Cung cấp cho các những người này các dấu hiệu và triệu chứng của chửa trứng, để họ có thể nhận ra các bất thường và đi khám sớm.

  • Nữ giới đã từng bị chửa trứng, nếu muốn mang thai trở lại, cần được theo dõi trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng.

  • Nếu mang thai lại, sản phụ cần được khám thai sớm và định kỳ để được theo dõi tình trạng thai nghén một cách đầy đủ.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Thai trứng (chửa trứng)

  • Khám bụng dưới và âm đạo: Căn cứ vào các dấu hiệu và triệu chứng khai thác được, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng để có được chẩn đoán sơ bộ. Khám âm đạo và bụng dưới cần được tiến hành để phát hiện các bất thường trên lâm sàng.

  • Xét nghiệm beta-hCG: tăng lên rất cao, có thể trên 30.000 đơn vị quốc tế.

  • Siêu âm: Rất có giá trị trong việc chẩn đoán chửa trứng. Có thể tiến hành kỹ thuật siêu âm qua bụng hay qua âm đạo. Trên siêu âm cho hình ảnh tuyết rơi trong lòng tử cung, không thấy phôi thai.

  • Xét nghiệm FT3, FT4: tăng, chứng tỏ có tình trạng cường giáp trên bệnh nhân.

Các biện pháp điều trị bệnh Thai trứng (chửa trứng)

Điều trị chửa trứng như thế nào?

Nạo hút thai trứng

Ngay sau khi bệnh nhân được chẩn đoán là thai trứng, cần phải loại bỏ hoàn toàn khối thai trứng ra khỏi tử cung bằng phương pháp nong nạo hoặc hút nạo.

Kỹ thuật nạo hút bao gồm:

  • Hút trứng: thường dùng máy hút áp lực âm để hút nhanh, đỡ chảy máu.

  • Truyền dung dịch mặn hoặc ngọt đẳng trương pha oxytocin: giúp tử cung co hồi tốt để cầm máu tốt.

  • Kháng sinh: để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Bệnh nhân cần nạo lại lần 2 sau 2-3 ngày.

Gửi tổ chức sau nạo làm giải phẫu bệnh.

Phẫu thuật cắt tử cung

Chỉ định: trường hợp thai trứng ác tính, xâm lấn làm thủng tử cung, phụ nữ trên 40 tuổi hoặc không có ý định sinh con nữa có chỉ định phẫu thuật cắt tử cung.

Phần lớn bệnh nhân hồi phục tốt sau điều trị chửa trứng, chỉ khoảng 20% tiến triển ác tính tới bệnh lý nguyên bào nuôi (chửa trứng xâm lấn, ung thư nguyên bào nuôi).

Theo dõi sau điều trị

  • Beta-hCG: Sau nạo hút thai trứng hay phẫu thuật cắt tử cung, bệnh nhân cần được theo dõi nồng độ beta-hCG trong máu, để xác định xem thai trứng đã được loại bỏ hoàn toàn chưa. Xét nghiệm này cần được tiến hành 2 tuần/lần trong 3 tháng đầu, rồi 6 tháng/lần cho đến 1 năm.

  • Tránh thai: Bệnh nhân cần sử dụng biện pháp tránh thai trong vòng 1 năm sau khi điều trị bệnh.

Chửa trứng có tái phát sau điều trị không? Tiền sử chửa trứng là một trong những yếu tố nguy cơ mắc chửa trứng trở lại. Tỷ lệ tái phát khoảng 1-2%. Do đó, người từng bị thai trứng khi có thai trở lại cần được khám thai sớm để theo dõi và phát hiện các tình huống bất thường trên thai kỳ, từ đó có hướng xử trí, điều trị kịp thời.

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp