Trang chủ Bệnh Tắc tia sữa: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tắc tia sữa: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Tắc tia sữa

Tắc tia sữa là gì?

Sữa mẹ được sản xuất ra từ các nang sữa, theo các ống dẫn đổ về xoang chứa sữa nằm ở phía sau quầng vú, dưới tác dụng động tác bú mút của trẻ, sữa sẽ chảy ra ngoài. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, lòng ống dẫn bị hẹp bít lại làm sữa không thể thoát ra ngoài được. Tại chỗ tắc sẽ dần hình thành cục cứng do hiện tượng sữa đông kết. Trong khi đó, sữa vẫn tiếp tục được tiết ra làm cho các ống dẫn trước chỗ tắc ngày càng bị căng giãn. Hiện tượng này gây chèn ép các ống dẫn sữa khác, tạo ra một vòng tròn bệnh lý, làm tình trạng tắc sữa ngày càng nặng thêm.

Hiện tượng này thường xảy ra ở các sản phụ trong những ngày đầu sau sinh và trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Tắc tia sữa sau sinh có thể khiến việc cho con bú cũng như hút sữa để tích trữ gặp nhiều khó khăn, đau đớn. Nếu bị tắc tia sữa không điều trị kịp thời và đúng phương pháp có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như tắc tuyến sữa có mủ gây viêm tuyến vú, áp-xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú. Ngoài ra, tắc tia sữa còn làm cho quá trình tạo sữa bị ảnh hưởng, lâu dần người mẹ ít sữa hoặc sẽ mất sữa.

Nguyên nhân bệnh Tắc tia sữa

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tắc tia sữa ở phụ nữ cho con bú, chẳng hạn như:

  • Vừa mới sinh con: một số mẹ gặp phải tình trạng tắc tia sữa sau sinh. Bầu ngực  chứa rất nhiều sữa nhưng vẫn không thể chảy ra ngoài cho bé bú được.

  • Sữa mẹ dư thừa: Hầu hết trong các trường hợp, nguyên nhân gây tắc tia sữa là do sữa mẹ còn thừa ở trong bầu ngực do em bé không bú hết hoặc bạn không hút phần sữa thừa sau khi bé đã bú no, dẫn đến sữa còn đọng lại, gây ra tắc nghẽn.

  • Ngực chịu áp lực:  mặc một chiếc áo ngực quá chật, áo bó hoặc mang địu địu bé trước ngực đôi khi cũng khiến các tia sữa bị tắc. Ngoài ra, việc nằm sấp khi ngủ và tập luyện thể thao cũng gây ra tình trạng tương tự.

  • Ít hút sữa ra ngoài: Nếu ít hút sữa hoặc hút không hết sữa, bạn dễ gặp phải tình trạng tắc tia sữa. Lực hút của máy yếu không thể hút hết sữa ra ngoài cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị tắc tia sữa.

  • Bé ngậm bắt vú mẹ không đúng: Khi bé ngậm vú mẹ không đúng cách, bé sẽ không thể bú đủ lượng sữa mẹ sản xuất ra. Do đó, sữa còn tồn đọng lại trong bầu ngực là nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa.

  • Mẹ không cho bú thường xuyên: nếu không cho bé bú thường xuyên hoặc không hút sữa ra hết trong khoảng 5 giờ đến 1 ngày sẽ gây tình trạng tắc tia sữa

  • Stress: Sự căng thẳng sẽ làm chậm quá trình sản sinh hormone oxytocin có nhiệm vụ kích thích vú tiết sữa.

Triệu chứng bệnh Tắc tia sữa

Dù bạn đang ở giai đoạn đầu cho con bú sữa mẹ hoặc đã cho con bú một thời gian, tình trạng tia sữa bị tắc nghẽn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bạn có thể chú ý thấy một số dấu hiệu nhận biết mình đang bị tắc tia sữa:

  • Sữa không tiết ra hoặc tiết ra rất ít, ngay cả khi mẹ chủ động vắt sữa

  • Ngực căng cứng và to hơn so sới bình thường, mức độ căng cứng càng lúc càng to dần, cảm giác đau nhức

  • Tắc tia sữa thành cục cứng. Khi sờ vào bầu vú, mẹ cảm nhận được một hoặc nhiều điểm cứng

  • Ngực sưng nóng đỏ

  • Đôi khi tắc tia sữa gây sốt

Tác hại của tắc tia sữa?

Tắc tia sữa nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng:

  • Sữa ra ít hoặc không ra cho bé bú

  • Viêm tuyến vú, áp-xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú

Mẹ dễ bị trầm cảm sau sinh vì áp lực không thể cho con bú mẹ do tắc tia sữa

Phòng ngừa bệnh Tắc tia sữa

  • Nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh.

  • Cho bú đều 2 bên. Bú hết sữa ở vú bên này rồi chuyển sang vú bên kia. Trường hợp mẹ của bé có nhiều sữa mà bé bú không hết thì sau khi bé bú no phải hút sữa dư ra, tránh để ứ đọng.

  • Sữa non rất đặc, dễ gây tắc nên trước và sau cho con bú nên day ép bầu vú nhẹ nhàng để tránh sữa đông kết.

  • Giữ vệ sinh núm vú sạch sẽ sau khi cho con bú bằng cách lau rửa bằng nước đã đun sôi còn ấm.

  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt trong suốt quá trình cho con bú. Ổ nhiễm khuẩn vùng răng miệng là điều kiện thuận lợi cho việc phát sinh nhiễm khuẩn ở vú trên cơ sở một nghẽn tắc sẵn có

  • Sử dụng áo ngực hoặc quần áo rộng rãi, thoải mái

  • Uống thật nhiều nước

  • Nghỉ ngơi đầy đủ, nếu được hãy áp dụng một số bài tập thiền hoặc yoga, luyện tập thể thao

  • Cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan nhất.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tắc tia sữa

Mẹ của bé sẽ là người đầu tiên phát hiện ra những dấu hiệu (triệu chứng) của bệnh. Nên sự hiểu biết về bệnh là việc hết sức cần thiết, điều này có thể giúp mẹ của bé tự chẩn đoán và tiến hành tự điều trị sớm.
Khi phát hiện ra bầu vú có dấu hiệu căng to hơn so với bình thường và càng lúc càng tăng dần thì phải chú ý quan sát: Bề mặt vú có đỏ và sờ có đau không? (cần so sánh 2 bên với nhau thì mới thấy sự khác biệt, tuy nhiên cũng có khi cả 2 bên cùng bị nhưng trường hợp này ít gặp hơn và nếu có thường không đối xứng). Có cảm giác sốt hay không?

Tình trạng tắc tia sữa có thể là dấu hiệu của bệnh viêm vú và cần được điều trị bằng kháng sinh nếu bị nhiễm trùng. Bác sĩ có thể chỉ định siêu âm để xác định những vùng tia sữa bị tắc nghẽn, từ đó sẽ đưa ra được phương pháp can thiệp giúp thông tia sữa hiệu quả. 

Các biện pháp điều trị bệnh Tắc tia sữa

Khi bị tắc tia sữa, việc đầu tiên mà đa số các mẹ thường làm là tạm dừng cho con bú để ngăn chặn cơn đau. Tuy nhiên, điều này lại sai hoàn toàn. Cách chữa tắc tia sữa hiệu quả là hãy duy trì việc cho bé bú sữa mẹ. Cho trẻ bú mẹ thường xuyên sẽ giúp tình trạng này giảm đi rất nhiều hoặc bạn cũng có thể sử dụng máy hút sữa nhằm thông tia sữa bị tắc.

Phương pháp điều trị tắc tia sữa:

Chườm ấm

  • Giúp sữa nơi bị tắc dễ tan ra.

  • Không chườm quá nóng sẽ gây bỏng rát da

  • Một số cách chườm ấm:

  • Cho nước nóng vào 1 bình, quấn xung quanh bằng 1 cái khăn lông mỏng vừa phải, áp vào mặt trong cánh tay thấy nóng vừa, tránh bỏng, bắt đầu lăn lên nơi bị tắc tia.

  • Dùng khăn nhúng nước ấm đắp lên

  • Tắm bồn bằng nước ấm: ngâm mình và toàn bộ ngực vào trong bồn nước ấm, vừa ngâm vừa massage ngực bị tắc.

Massage

  • Massage nhẹ nhàng nhưng phải tạo được 1 lực chắc chắn tương đối lên nơi đang bị tắc, massage từ nơi tắc hướng về phía núm vú.

  • Dùng 2 lòng bàn tay xoa bóp nhẹ nhàng 2 bầu ngực (khoảng 30 giây). Dùng 5 ngón tay chụm lại vê quầng vú .

  • Thời điểm massage:

  • Trước khi cho bú/hút

  • Trong khi cho bú/hút

  • Sau khi cho bú/hút

Làm trống bầu vú

  • Thay đổi nhiều tư thế cho con bú

Mỗi tư thế bú của bé sẽ tác động lực hút mạnh nhất trên những tia sữa khác nhau. Vì vậy với các bé bú mẹ trực tiếp, các mẹ có thể thay đổi nhiều tư thế bú. Một số mẹ chỉ cần thay đổi tư thế bú thôi là có thể làm thông tia sữa.

  • Tư thế bé, ngậm bắt vú đúng

Bú bên vú tắc trước

Bú thường xuyên: mỗi 2 giờ

Bú bên đau trước

  • Vắt sữa bằng tay

Dùng tay massage bầu sữa bị tắc thì những túi sữa vón cục ở bên trong sẽ dần tan ra và vắt nhẹ sữa sẽ chảy ra được. Phương pháp này sẽ rất hiệu quả với các trường hợp bị tắc tia sữa ở mức độ nhẹ.

  • Dùng máy hút sữa:

Sau khi cho con bú xong mẹ sẽ dùng máy hút sữa thêm

Nếu mẹ không cho bé bú trực tiếp thì sẽ tiến hành hút sữa

Khi dùng máy hút sữa để hút, tốt nhất dùng máy hút sữa điện, lực hút mạnh.

Hỗ trợ điều trị:

  • Thuốc giảm đau

  • Nghỉ ngơi

  • Ăn uống: uống thật nhiều nước, đồng thời bổ sung những loại thức ăn có khả năng tăng cường sức đề kháng.

Ngoài ra còn có một số phương pháp vật lý điều trị tắc tia sữa bao gồm:

  • Sóng siêu âm đa tần số kết hợp với chiếu tia hồng ngoại

  • Sử dụng dòng điện xung

Đây là một phương pháp điều trị hiệu quả, có nhiều ưu điểm như:

  • Nhanh chóng làm tan các cục cứng gây ra do tuyến sữa bị tắc, sữa đông kết và vón cục

  • Không gây tổn thương các tuyến sữa và hệ thống ống dẫn sữa bình thường khác.

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp