Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Rách giác mạc
Rách giác mạc là gì?
Giác mạc là lớp biểu mô trong suốt ngoài cùng của mắt có nhiệm vụ bảo vệ các thành phần bên trong của nhãn cầu, cùng với thủy tinh thể và đồng tử hội tụ ánh sách giúp mắt nhìn thấy được các vật.
Giác mạc mỏng và nằm ngoài cùng nên rất dễ bị tổn thương. Rách giác mạc hay còn gọi là trầy xước biểu mô giác mô, do dị vật làm tổn thương lớp giác mạc của mắt khiến thị lực bị giảm sút. Dị vật ở đây rất đa dạng có thể là những vật có kích thước nhỏ như bụi, cát, đến những vật lớn hơn như thủy tinh, côn trùng,… Giác mạc có thể bị tổn thương ở mọi lứa tuổi, trong tất cả các hoạt động hằng ngày như đi lại, chơi thể thao hay lúc làm việc.
Rách giác mạc nếu không được xử trí và điều trị đúng cách có thể gây loét giác mạc, sẹo giác mạc và giảm thị lực vĩnh viễn.
Nguyên nhân bệnh Rách giác mạc
Rách giác mạc hầu hết được gây ra do dị vật bám vào và gây nên các vết trầy xước. Người bệnh có thể bị rách giác mạc do:
-
Dụi mắt bằng móng tay, bút hay cọ trang điểm.
-
Dụi mắt quá mạnh.
-
Dính phải bụi bẩn, cát, mùn cưa, tro hoặc một số vật lạ vào mắt
-
Hóa chất hoặc các chất tẩy rửa trong sinh hoạt hàng ngày bay vào mắt
-
Mang kính áp tròng trong một thời gian lâu hoặc kính áp tròng bẩn.
-
Không mang kính bảo hộ khi tham gia thể thao hoặc các hoạt động có nguy cơ cao.
-
Tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá.
Triệu chứng bệnh Rách giác mạc
-
Khi dị vật bám vào giác mạc, người bệnh thường cảm thấy cộm bên trong mắt, khó mở mắt. Mắt sung huyết trở nên đỏ và đau, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ tạm thời.
-
Khi dị vật đã gây rách giác mạc, người bệnh phải đối mặt với những triệu chứng nặng nề hơn như: đỏ mắt nhiều hơn kèm chảy nước mắt, đau rát ở mắt.
Phòng ngừa bệnh Rách giác mạc
Rách giác mạc hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng thái độ và cách sơ cứu đúng khi bị dị vật bay vào mắt. Khi cảm nhận có vật lạ bay vào mắt, người bệnh thường có xu hướng đưa tay dụi mắt. Tuy nhiên, việc làm này không những không lấy được dị vật mà còn làm rách giác mạc. Thay vào đó, cần thực hiện các cách sau để bảo vệ giác mạc:
-
Nhấp nháy mắt nhiều lần trong nước sạch để các bụi bẩn trôi ra ngoài.
-
Kéo mi mắt trên xuống dưới để lông mi của mi mắt dưới có thể chải đi các dị vật.
-
Rửa mắt bằng nước muối sinh lý hoăc nước sạch giúp rửa trôi dị vật ra ngoài.
-
Nếu dị vật vẫn còn trong mắt, tuyệt đối không cố gắng gắp dị vật ra mà hãy đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa mắt xử trí.
Nếu sau khi sơ cứu mắt đã đỡ cộm, đỡ đau thì tra ngay thuốc mỡ dành cho mắt sau đó băng kín mắt lại. Mục đích của việc dùng kháng sinh mỡ để làm liền vết xước giác mạc, thuốc không bị trôi đi. Nếu bị xước nhẹ, chỉ cần băng mắt một đêm, sáng hôm sau mắt đã dễ chịu hơn.
Tuy nhiên nếu tra thuốc mỡ, băng mắt lại mà không thấy dịu hơn, mắt vẫn khó mở, đau rát, chảy nước mắt giàn giụa, nhạy cảm với ánh sáng, đau chói thì phải đến các cơ sở y tế khám. Vì khi đó, thương tổn có thể không chỉ đơn giản là xước giác mạc mà còn có chấn thương sâu, nặng hơn.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Rách giác mạc
Chẩn đoán một trường hợp bị rách giác mạc thường không khó. Bác sĩ thường dựa vào việc khai thác tiền sử chấn thương, các triệu chứng mà bệnh nhân khai báo và thăm khám lâm sàng.
Quan sát mắt trực tiếp với độ phóng đại lớn bằng dụng cụ chuyên dụng có tên là sinh hiển vi cho phép đánh giá mức độ tổn thương giác mạc có sâu không, phát hiện ra dị vật và hỗ trợ gắp lấy dị vật ra khỏi mắt. Người bệnh có thể được dùng thuốc nhỏ mắt có chứa màu nhuộm sinh học, để giúp bác sĩ khám xét các tổn thương ở giác mạc dễ dàng và chính xác hơn.
Các biện pháp điều trị bệnh Rách giác mạc
Sau khi xác định được tổn thương giác mạc và loại bỏ dị vật, bác sĩ sẽ đưa ra các phương án điều trị thích hợp.
Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn cho bệnh nhân với các thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ thuộc nhóm kháng sinh để phòng tránh nhiễm khuẩn mắt. Thuốc nhỏ mắt chứa thành phần giảm đau, giảm viêm có thể cho kèm các thuốc giảm đau dạng uống. Mắt tổn thương có thể được băng kín để tránh sự kích thích từ ánh sáng.
Một vết rách giác mạc nhỏ cần 1 đến 3 ngày để khỏi. Các tổn thương lớn hơn thì cần nhiều thời gian hơn để hồi phục.
Trong quá trình điều trị, cần lưu ý các điểm sau:
-
Sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ
-
Không dụi mắt
-
Không để mặt làm việc quá lâu
-
Quay trở lại với bác sĩ khi cảm thấy mắt trở nên đau nhiều hơn, kích ứng hơn hoặc tình trạng trợt biểu mô giác mạc nặng thêm.
-
Đeo kính bảo hộ khi làm việc.
-
Không mang kính áp tròng cho đến khi được sự cho phép của bác sĩ
-
Mang kính râm khi đi dưới trời nắng hoặc bất cứ khi nào thấy nhạy cảm với ánh sáng.
Một vết rách giác mạc nông và nhỏ có thể hồi phục hoàn toàn mà không ảnh hưởng đến thị lực. Nhưng những vết rách sâu có thể gây biến chứng nhiễm trùng, để lại sẹo và nhiều vấn đề khác. Nếu không được sơ cứu và điều trị đúng đắn, bệnh nhân có thể mất thị lực vĩnh viễn. Bất cứ một triệu chứng bất thường nào, bao gồm cả xuất hiện triệu chứng đau mắt trở lại sau điều trị cũng cần đến gặp bác sĩ.
Xem thêm:
- Trẻ bị đau mắt, sưng tấy mi dưới, mắt xuất huyết trong có đáng lo?
- Mạch máu màu đỏ trong mắt trẻ sơ sinh có tự biến mất hay không?
- Nguyên nhân đau mắt kèm chảy máu ở trẻ sau sinh là gì?
- Chắp mắt khi nào tan hết? Cách điều trị dứt điểm
- Đau mắt sau đo nhãn áp có chữa dứt điểm được không và có để lại di chứng không?
- Tại sao bị đau bọng mắt và phương pháp điều trị thế nào?
- Đau nửa đầu kèm đau mắt là dấu hiệu của bệnh gì?
- Mắt đỏ và nhức là dấu hiệu của bệnh gì?
- Nổi gân đỏ ở mắt là biểu hiện của bệnh gì?
- Đau mắt đỏ tái phát nhiều lần có nguy hiểm không?