Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Nhiễm lậu cầu
Nhiễm lậu cầu là một bệnh nhiễm khuẩn, do song cầu Gram (-) Neisseria gonorrhoeae gây nên. Bệnh lây trực tiếp qua quan hệ đường tình dục không bảo vệ đường âm đạo, hậu môn và sinh dục-miệng.
Bệnh lậu tên là Gonorrhea do ông nghĩ rằng mủ trong bệnh lậu chính là dòng tinh dịch chảy ra. Sau đó vào năm 1767 John Hunter tự cấy mủ lậu cho mình, nhưng không may chỉ có bệnh giang mai xuất hiện, do vậy đã có sự hiểu lầm về bệnh.
Hàng năm trên toàn cầu có khoảng 62 triệu trường hợp mới mắc bệnh lậu, khu vực Đông và Đông Nam Á có 29 triệu trường hợp. Việt nam, theo báo cáo hàng năm có hơn 3.000 trường hợp, tuy nhiên theo ước tính thì có khoảng vài chục ngàn trường hợp mỗi năm. Bệnh lậu tăng lên do nhiều yếu tố, trong đó có tự do tình dục và tăng hoạt động tình dục do có các biện pháp tránh thai. Nhiễm lậu cầu khuẩn chủ yếu lây qua quan hệ tình dục. Trẻ sơ sinh có thể bị viêm kết mạc mắt do đẻ qua đường sinh dục người mẹ bị bệnh.
Nguyên nhân bệnh Nhiễm lậu cầu
- Quan hệ tình dục: là con đường lây nhiễm chủ yếu nên bệnh lậu gặp nhiều ở các cô gái làm nghề mại dâm, các đối tượng nam có nhu cầu mại dâm, đồng tính nam,…Việc quan hệ tình dục không chỉ lây nhiễm qua đường âm đạo mà còn bằng đường miệng, quan hệ qua hậu môn đều có thể lây nhiễm.
- Lây từ mẹ sang con: Người mẹ bị mắc bệnh trước đó hoặc mang thai với biết mình mắc bệnh thì sau khi sinh con ra, con có nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao. Vi khuẩn bệnh lây nhiễm từ mẹ sang con qua 3 con đường: nhiễm trùng nước ối, nhiễm trùng qua âm đạo hoặc khi trẻ em bú sữa mẹ và nhiễm trùng.
- Qua tiếp xúc vết thương hở với người bị bệnh thì người bình thường cũng có thể nhiễm vi khuẩn lậu.
- Ngoài ra còn do sử dụng chung đồ cá nhân với người mắc bệnh: quấn áo, đồ lót, khăn tắm, kim tiêm thì người bình thường cũng có nguy cơ lây bệnh cao.
Triệu chứng bệnh Nhiễm lậu cầu
Những triệu chứng nhiễm lậu cầu thường xuất hiện trong khoảng từ 2 đến 14 ngày sau khi nhiễm. Tuy nhiên, một vài người bị nhiễm lậu cầu cấp chưa có biến chứng không bao giờ phát triển.
Triệu chứng nhiễm lậu cầu ở nam giới
Ở nam giới, khi bị bệnh lậu thì triệu chứng viêm niệu đạo trước là biểu hiện thường gặp nhất. Khi quan hệ tình dục với người bệnh qua đường âm đạo có khoảng 25% nam giới bị mắc bệnh. Khoảng 85% nam giới bị viêm niệu đạo do lậu sẽ biểu hiện cấp tính với các triệu chứng: khó chịu, đái buốt và ra mủ, thường kèm theo phù nề và đỏ miệng sáo. Triệu chứng ra mủ là một triệu chứng đặc hiệu của bệnh lậu, mủ màu vàng, vàng xanh, số lượng nhiều làm cho người bệnh rất lo lắng. Thời gian ủ bệnh từ 1-14 ngày, trung bình 2-5 ngày. Khoảng 25% bệnh nhân có triệu chứng không rõ, biểu hiện ra dịch niệu đạo nhưng không nhiều và màu trong, không phân biệt được với viêm niệu đạo không do lậu, một số trường hợp không có triệu chứng. Các bệnh nhân này sẽ không được điều trị và sẽ làm tăng lây truyền trong cộng đồng. Các bệnh nhân có triệu chứng nếu không điều trị thì sau vài ngày đến vài tuần sẽ giảm triệu chứng cấp tính và có thể xảy ra biến chứng tại chỗ như viêm niệu đạo sau gây đái són đau, viêm mào tinh hoàn, viêm túi tinh và tuyến tiền liệt cấp hoặc mạn, viêm tuyến Cowper, tuyến Tyson. Nhiều trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng bệnh lý rõ ràng. Tuy nhiên, dù có hay không có triệu chứng mà không được điều trị thì đều có thể xảy ra biến chứng.
Triệu chứng nhiễm lậu cầu ở nữ giới
Tỷ lệ nữ bị mắc bệnh lậu sau một lần quan hệ tình dục với đàn ông bị bệnh vào khoảng 60-80%.
Viêm ống cổ tử cung là biểu hiện đầu tiên của bệnh lậu nữ. Niệu đạo cũng bị nhiễm lậu cầu (70-90%). Các tuyến Skene và Bartholin cũng thường bị nhiễm trùng. Thời gian ủ bệnh của bệnh lậu ở nữ là không rõ ràng nhưng thông thường trong khoảng 10 ngày. Người bệnh có các triệu chứng thường thấy là ra khí hư nhiều, tiểu khó, ra máu giữa kỳ kinh, rong kinh. Biểu hiện các triệu chứng có thể rất nhẹ hoặc rầm rộ. Một số biểu hiện khi khám có thể không thấy biểu hiện bất thường ở cổ tử cung, nhưng nhiều bệnh nhân cổ tử cung ra mủ hoặc mủ nhầy, có màu đỏ và sưng phù nề vùng ngoài cổ tử cung và khi chạm vào rất dễ chảy máu. Ở niệu đạo có thể thấy mủ, các tuyến quanh niệu đạo, tuyến Bartholin.
Bệnh lậu ở phụ nữ có thai không khác bệnh lậu ở phụ nữ không có thai. Tuy nhiên, có thể nhận thấy phụ nữ có thai ít bị viêm tiểu khung hơn và hay gặp lậu hầu họng hơn. Một số biến chứng ở phụ nữ có thai thường xảy ra là sảy thai tự nhiên, vỡ ối sớm, đẻ non, viêm cấp màng ối rau, viêm kết mạc mắt trẻ sơ sinh, viêm hầu họng.
Viêm âm hộ do lậu ở trẻ em gái: có thể gặp ở bé gái bị hiếp dâm, do dùng chung khăn, chậu bị nhiễm lậu khi vệ sinh bộ phận sinh dục. Biểu hiện lâm sàng: âm hộ viêm đỏ có mủ vàng xanh kèm theo đái buốt.
Đường lây truyền bệnh Nhiễm lậu cầu
- Quan hệ qua đường tình dục không an toàn.
- Lây gián tiếp thì hiếm gặp (như qua dụng cụ khám bệnh có dây mủ lậu chưa được tiệt trùng kỹ)
- Lây từ mẹ sang con (mẹ bị lậu không được phát hiện điều trị, trong cuộc đẻ con chui qua đường sinh dục bị dây mủ lậu bị lậu mắt )
Đối tượng nguy cơ bệnh Nhiễm lậu cầu
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở lứa tuổi 15-35. Bệnh gặp nhiều hơn ở đô thị, một số nhóm dân cư đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong dịch tễ học bệnh lậu như gái mại dâm, khách làng chơi, người nghiện ma tuý.
Tỷ lệ nam giới bị mắc bệnh lậu sau một lần quan hệ tình dục qua âm đạo với phụ nữ bị bệnh là 20-30%. Trái lại, tỷ lệ phụ nữ bị bệnh sau một lần quan hệ tình dục với nam bị bệnh là 60-80%. Nguy cơ lây truyền qua các đường tình dục khác không được rõ. Phụ nữ dùng thuốc tránh thai hormon có nguy cơ cao hơn nhiễm bệnh, dùng chất diệt tinh trùng có tác dụng diệt lậu cầu.
Phòng ngừa bệnh Nhiễm lậu cầu
Cách an toàn nhất để phòng ngừa nhiễm lậu cầu hoặc những bệnh lý lây truyền qua đường tình dục khác là kiêng giao hợp. Nếu có quan hệ tình dục thì luôn luôn sử dụng bao cao su. Điều quan trọng là cởi mở với bạn tình, kiểm tra bệnh lý lây truyền qua đường tình dục đều đặn, và xem họ đã kiểm tra chưa.
Nếu bạn tình có dấu hiệu nhiễm trùng, hãy trách tiếp xúc tình dục. Khuyên họ nên đi kiểm tra để loại trừ bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào có thể lây truyền.
Có nguy cơ mắc lậu cầu cao hơn nếu đang hoặc từng mắc bất kỳ bệnh lây truyền qua tình dục nào khác. Cũng có nguy cơ cao hơn nếu có nhiều bạn tình hoặc có bạn tình mới.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nhiễm lậu cầu
Tiền sử quan hệ tình dục với người bị bệnh.
Triệu chứng lâm sàng:
- Ở nam giới: mủ chảy từ trong niệu đạo, số lượng nhiều, màu vàng đặc hay vàng xanh, đái buốt, có thể kèm theo đái dắt. Viêm toàn bộ niệu đạo: đái dắt, đái khó kèm theo sốt, mệt mỏi.
- Ở nữ giới: không biểu hiện triệu chứng rõ ràng mà thường kín đáo, thậm chí không biểu hiện triệu chứng bệnh (trên 50% trường hợp) vì vậy họ không biết mình bị bệnh nên dễ lây lan cho người khác. Biểu hiện cấp tính: đái buốt, mủ chảy ra từ niệu đạo, từ cổ tử cung màu vàng đặc hoặc vàng xanh số lượng nhiều, mùi hôi. Bệnh nhân đau khi giao hợp, đau bụng dưới. Khám thấy cổ tử cung đỏ, phù nề, chạm vào chảy máu. Mủ chảy ra từ ống cổ tử cung. Có thể thấy niệu đạo đỏ, có mủ từ trong chảy ra hoặc có khi chỉ có dịch đục.
Xét nghiệm:
- Nhuộm Gram: kết quả thấy song cầu Gram (-) trong bạch cầu đa nhân trung tính.
- Nuôi cấy.
- PCR (Polymerase Chain Reaction) với lậu cầu (+).
Các biện pháp điều trị bệnh Nhiễm lậu cầu
- Tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ về tình dục lành mạnh, tình dục an toàn để phòng nhiễm bệnh lậu và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, trong đó có HIV/AIDS. Bao cao su có hiệu quả trong phòng mắc bệnh lậu khi dùng đúng cách.
- Bệnh nhân mắc bệnh lậu khi đến các cơ sở y tế được khám, điều trị, tư vấn và giữ bí mật.
- Bệnh nhân lậu không có chế độ cách ly.
- Điều trị cho cả bạn tình của bệnh nhân.
- Điều trị sớm. Không quan hệ tình dục, không uống rượu bia và chất kích thích, không làm thủ thuật tiết niệu trong thời gian điều trị.
Xem thêm:
- Trẻ tay chân miệng bị giật mình, sốt cao, nổi mụn
- Bé bị tay chân miệng có nổi mẩn đỏ làm sao để hết vết thâm do bỏng nước ở chân?
- Tái sốt virus ở trẻ có nguy hiểm không?
- Trẻ nghịch xi lanh dính máu liệu có nguy cơ nhiễm HIV?
- Trẻ sơ sinh từ mẹ nhiễm viêm gan B đã được tiêm ngừa có nguy cơ lây nhiễm không?
- Bé bị lao cấp tính có chữa khỏi được không? Di chứng về sau như thế nào?
- Mẹ bị thủy đậu có lây nhiễm cho bé không? Bao lâu thì phát bệnh?
- Trẻ bị sốt xuất huyết, tiến hành truyền dịch bị sưng phù mặt có sao không?
- Trẻ ăn chung đũa với người mắc chân tay miệng có nguy cơ lây bệnh không?
- Trẻ sốt 2 ngày kèm theo loét miệng và bỏ ăn có phải mắc chân tay miệng nên điều trị thế nào?