Trang chủ Bệnh Mòn răng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Mòn răng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Mòn răng

Mòn răng là tình trạng mất đi lớp men răng do bị mài mòn, xảy ra nhanh hơn ở những người trẻ tuổi. Men răng một khi đã mất thì không được thay thế một cách tự nhiên. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng này, liên quan đến thói quen ăn uống, chăm sóc răng miệng và các bệnh lý mà người bệnh mắc phải.

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh có thể chia mòn răng làm 4 nhóm như sau:

Mòn răng sinh lý

Mòn răng sinh lý là sự mất tổ chức men răng diễn ra tự nhiên trong quá trình sống, do sự ma sát giữa các răng đối đầu. Trong mòn răng sinh lý, mòn răng mặt nhai thường xảy ra trước, sau đó đến các núm răng dưới và núm răng trên. Men răng bị mòn để lộ lớp ngà bên dưới. Ngà răng theo đó cũng bị mòn với tốc độ nhanh hơn, tạo ra các tổn thương có hình lõm như đáy chén

Mòn răng bệnh lý

Mòn răng bệnh lý là sự mất tổ chức men răng răng do lực ma sát giữa răng và các tác nhân bên ngoài. Chải răng quá mạnh, thói quen dùng răng cắn các vật cứng, là nguyên nhân chủ yếu. Mòn răng bệnh lý có thể xuất phát sau mòn răng hóa học.  

Mòn răng hóa học

Mòn răng hóa học là sự mất tổ chức men răng do tiếp xúc với hóa chất có tính axit , không liên quan đến vi khuẩn. Hóa chất có thể là nước hoa quả thuộc họ cam quýt hoặc thậm chí là axit dạ dày.  Mòn răng hóa học thường có đặc điểm mòn lan tỏa, ít giới hạn

Tiêu cổ răng

Tiêu cổ răng là tình trạng mất tổ chức men tại cổ do chịu lực uốn, thường do chải răng không đúng cách trong thời gian dài. 

Nguyên nhân bệnh Mòn răng

Có thể chia nguyên nhân gây mòn răng thành các nhóm:

Nguyên nhân cơ học: mòn răng xảy ra do ma sát giữa các răng hoặc giữa răng với các tác nhân bên ngoài với lực mạnh, trong thời gian dài, gặp trong các trường hợp nghiến răng, đánh răng quá mạnh, đánh răng không đúng cách. Trường hợp này gọi là mòn răng cơ học.

Nguyên nhân hóa học: mòn răng xảy ra khi răng tiếp xúc với các chất hóa học, đứng đầu là axit. Nước hoa quả như cam, chanh, nước ngọt có ga và nhiều thực phẩm khác là các thực phẩm có chứa axit rất phổ biến. Các chất đường bột cũng là nguyên nhân gây mòn răng.

Nguyên nhân bệnh lý: mòn răng cũng có thể xảy ra như là hậu quả của các bệnh lý: trào ngược dạ dày thực quản, khô miệng, giảm tiết nước bọt.

Triệu chứng bệnh Mòn răng

Các dấu hiệu giúp phát hiện tình trạng mòn răng đang diễn ra:

  • Cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ và đồ ăn thức uống ngọt, đôi khi có cảm giác đau.\ buốt.

  • Răng đổi màu sang màu ngà hơi vàng. Đây là màu của ngà răng bị lộ ra khi lớp men răng bên trên đã bị mòn.

  • Thay đổi hình dáng bề mặt răng: mẻ, sứt hoặc lỗ chỗ.

Các triệu chứng của bệnh mòn răng thường gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Đường lây truyền bệnh Mòn răng

Bệnh mòn răng không lây truyền từ người bệnh sang người lành.

Đối tượng nguy cơ bệnh Mòn răng

Các yếu tố làm tăng khả năng bị mòn men răng bao gồm:

  • Thói quen vệ sinh răng miệng kém

  • Thói quen sử dụng thức uống có tính axit.

  • Ăn vặt quá nhiều, ăn những thực phẩm chứa nhiều tinh bột, đường.

  • Căng thẳng quá độ, gây nghiến răng khi ngủ

  • Mắc các bệnh lý đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, bệnh lý tại vùng răng miệng như khô miệng, giảm tiết nước bọt.

Phòng ngừa bệnh Mòn răng

Các biện pháp ngăn ngừa mất men răng và giữ cho răng khỏe mạnh:

  • Đánh răng 2 lần/ngày và đánh răng đúng cách: di chuyển bàn chải theo đường tròn, chảy khắp các mặt răng, tuyệt đối không chải răng theo hướng ngang.

  • Sử dụng kem đánh răng có fluoride..

  • Gặp nha sĩ 6 tháng/lần để kiểm tra và làm vệ sinh răng miệng thường xuyên

  • Dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn.

  • Hạn chế các thực phẩm và đồ uống có tính axit cao khỏi chế độ ăn uống như nước có ga, chanh và các loại trái cây và nước ép khác. Súc miệng ngay lập tức bằng nước sạch sau khi ăn thực phẩm có tính axit hoặc uống đồ uống có tính axit.

  • Khi uống đồ uống có tính axit nên sử dụng ống hút. Ống hút đẩy chất lỏng ra phía sau miệng, tránh tiếp xúc với răng.

  • Ăn vặt suốt cả ngày làm tăng nguy cơ sâu răng. Chỉ ăn vặt khi có thể súc miệng hoặc đánh răng ngay sau đó.

  • Nhai kẹo cao su không đường giữa các bữa ăn. Giúp tăng sản xuất nước bọt lên gấp 10 lần lưu lượng bình thường.

  • Uống nhiều nước hơn trong suốt cả ngày, đặc biệt nếu miệng bị khô

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Mòn răng

Để được chẩn đoán mòn răng, người bệnh cần đến gặp nha sĩ khi gặp phải những triệu chứng bất thường. Bác sĩ khai thác tiền sử, thói quen vệ sinh răng miệng của người bệnh và thăm khám trực tiếp để đưa ra chẩn đoán và lời khuyên. Các xét nghiệm và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh tỏ ra không cần thiết trong bệnh lý mòn răng.

Các biện pháp điều trị bệnh Mòn răng

Điều trị tình trạng mòn răng tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: nguyên nhân gây mòn răng, loại mòn răng và mức độ mòn răng. Nguyên nhân gây ra mòn răng phải được giải quyết và kết hợp với việc điều chỉnh các thói quen chăm sóc răng miệng. Thay đổi cách chải răng nếu chải răng sai, hạn chế sử dụng các thực phẩm có tính axit nếu trước đây sử dụng quá nhiều, chăm sóc vệ sinh răng miệng chăm chỉ hơn là các biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả mà hầu như người bệnh nào cũng có thể làm được.

Các biện pháp phục hồi men răng cũng được áp dụng phổ biến, tùy theo mức độ mất men răng, có thể kể đến như sau:

  • Liệu pháp flouride: nha sĩ sẽ quét một lớp flouride hoặc cho bệnh nhân đeo khay bọc răng chứa flouride sử dụng tại nhà. Flouride giúp răng không bị mất thêm men, bảo vệ răng, phòng ngừa sâu răng và kéo dài thời gian tác dụng của các vật liệu phục hình răng.

  • Trám răng: là biện pháp áp dụng phổ biến nhất vì giá thành không quá cao. Vật liệu trám răng có thể được làm từ âmlgam hoặc composite, có màu gần giống màu răng tự nhiên, làm đầy các lỗ hổng, tăng cường sức khỏe răng miệng.

  • Dán mặt răng sứ: các miếng dán sứ nha khoa được dán vào các mặt bị mòn, nứt hoặc mẻ giúp phục hồi và ngăn ngừa mòn men răng.

  • Chụp mão răng: là liệu pháp áp dụng cho những trường hợp mất men răng nhiều và sâu. Mão răng được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như sứ, niken, vàng, bao bọc toàn bộ răng sau khi khoan bỏ răng sâu và lớp men mỏng, giúp ngăn ngừa sâu răng và mất men răng tiếp diễn.

Các loại kem đánh răng có flour dùng trong các trường hợp nhạy cảm giúp giải quyết các triệu chứng khó chịu của bệnh nhân.

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp