Trang chủ Bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (CML): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (CML): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (CML)

Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (chronic myeloid leukemia - CML) là bệnh thuộc hội chứng tăng sinh tủy mạn ác tính, đặc trưng bởi sự tăng sinh các tế bào dòng bạch cầu hạt đã biệt hóa trưởng thành, hậu quả là số lượng bạch cầu tăng cao ở máu ngoại vi với đủ các giai đoạn trưởng thành của dòng bạch cầu hạt.
Trước đây, giai đoạn mạn tính của bệnh leukemia hay còn gọi là bệnh bạch cầu thường kéo dài 3-5 năm, sau đó nhanh chóng chuyển thành leukemia cấp (có tiên lượng xấu, thời gian sống thêm thường không quá 1 năm). Hiện nay, với việc ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại và điều trị nhắm trúng đích bằng các thuốc ức chế hoạt tính tyrosin kinase, tiên lượng của người bệnh leukemia kinh dòng bạch cầu hạt được cải thiện đáng kể.

Nguyên nhân bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (CML)

Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt là một bệnh mắc phải, không có tính gia đình, không di truyền cho các thế hệ sau.

Phơi nhiễm phóng xạ có thể là một nguyên nhân gây bệnh. 

Nhiễm sắc thể Philadelphia và gen tổ hợp bcr-abl đóng vai trò quan trọng nhất trong cơ chế bệnh sinh của bệnh.

Triệu chứng bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (CML)

  • Giai đoạn mạn tính:

    • Lách to gặp ở 85-90% người bệnh. Gan to gặp ở trên 50% người bệnh.

    • Mệt mỏi, kém ăn, sụt cân, ra mồ hôi đêm. 

    • Thiếu máu mức độ nhẹ hoặc vừa. 

    • Tắc mạch (tắc mạch lách, tắc mạch chi, tắc tĩnh mạch dương vật, phù gai thị, giảm hoặc mất thị giác một bên, giảm thính giác, …).

    • Biểu hiện của bệnh Gout do tăng axit uric máu gặp trên một số người bệnh. 

  • Giai đoạn tăng tốc:

    • Biểu hiện lâm sàng nặng lên (thiếu máu, xuất huyết, nhiễm trùng).

    • Lách to không đáp ứng với điều trị.

  • Giai đoạn chuyển leukemia cấp: trong giai đoạn này thường gặp những biểu hiện lâm sàng đặc trưng cho leukemia cấp như triệu chứng thiếu máu, xuất huyết, nhiễm trùng, hội chứng thâm nhiễm.

Đối tượng nguy cơ bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (CML)

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh leukemia kinh dòng bạch cầu hạt là:

  • Phơi nhiễm phóng xạ: phơi nhiễm với phóng xạ liều cao (chẳng hạn như sống sót sau một vụ nổ bom nguyên tử hoặc tai nạn của phản ứng hạt nhân) làm tăng nguy cơ mắc bệnh leukemia kinh dòng bạch cầu hạt .

  • Tuổi tác: nguy cơ mắc bệnh leukemia kinh dòng bạch cầu hạt tăng theo tuổi

  • Giới tính: bệnh thường phổ biến ở nam giới hơn nữ giới

Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu, các yếu tố khác như hút thuốc lá, chế độ ăn, viêm nhiễm, tiền căn gia đình có người mắc bệnh leukemia kinh dòng bạch cầu hạt, … không liên quan đến nguy cơ mắc bệnh.

Phòng ngừa bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (CML)

Hiện nay, nhiều loại ung thư có thể được phòng ngừa bằng cách thay đổi lối sống và tránh những yếu tố nguy cơ nhất định. Tuy nhiên, điều này không đúng với hầu hết bệnh nhân leukemia kinh dòng bạch cầu hạt.

Yếu tố nguy cơ duy nhất có thể tránh được là phơi nhiễm với phóng xạ liều cao có thể được áp dụng ở rất ít người.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (CML)

Giai đoạn mạn tính:

  • Xét nghiệm máu ngoại vi: 

    • Thiếu máu bình sắc, kích thước hồng cầu bình thường

    • Số lượng bạch cầu tăng cao

    • Có đủ các giai đoạn trưởng thành của dòng bạch cầu hạt trong máu ngoại vi

    • Tỷ lệ tế bào blast hoặc nguyên tủy bào và tiền tủy bào dưới 15%

    • Tăng tỷ lệ bạch cầu đũa ưa acid và bạch cầu đũa ưa base

    • Số lượng tiểu cầu tăng gặp trong khoảng 50-70% trường hợp.

  • Tủy đồ: 

    • Tủy giàu tế bào 

    • Tăng sinh dòng bạch cầu hạt đủ các giai đoạn trưởng thành

    • Tỷ lệ tế bào blast hoặc nguyên tủy bào và tiền tủy bào dưới 15%

  • Nhiễm sắc thể Philadelphia và/hoặc gen bcr-abl: dương tính trong khoảng 95% trường hợp.

  • Nồng độ axit uric máu: tăng trong 40-60% các trường hợp.

Giai đoạn tăng tốc:

  • Xét nghiệm máu ngoại vi:

    • Tăng tỷ lệ tế bào blast hoặc nguyên tủy bào và tiền tủy bào nhưng dưới 20%

    • Giảm số lượng hồng cầu và nồng độ hemoglobin

    • Số lượng tiểu cầu có thể tăng hoặc giảm. 

  • Tủy đồ:

    • Giảm sinh dòng hồng cầu và dòng mẫu tiểu cầu

    • Xu hướng tăng tế bào non ác tính (tế bào blast), trong đó tỷ lệ tế bào blast hoặc nguyên tủy bào và tiền tủy bào tăng nhưng dưới 20%.

Giai đoạn chuyển leukemia cấp:

  • Xét nghiệm máu ngoại vi: 

    • Tăng tỷ lệ tế bào blast hoặc nguyên tủy bào và tiền tủy bào ≥ 20%

    • Giảm số lượng hồng cầu và nồng độ hemoglobin

    • Giảm tiểu cầu.

  • Tủy đồ:

    • Giảm sinh dòng hồng cầu và dòng mẫu tiểu cầu

    • Tăng sinh các tế bào non ác tính (tế bào blast), trong đó tỷ lệ tế bào blast hoặc nguyên tủy bào và tiền tủy bào ≥ 20%.

Chẩn đoán phân biệt:

  • Phản ứng giả leukemia gặp trong nhiễm trùng nặng.

  • Các bệnh khác trong hội chứng tăng sinh tủy mạn ác tính.

Các biện pháp điều trị bệnh Leukemia kinh dòng bạch cầu hạt (CML)

Điều trị trong giai đoạn mạn tính và tăng tốc

Điều trị nhắm trúng đích bằng thuốc ức chế hoạt tính tyrosin kinase:

  • Lựa chọn điều trị thứ nhất là các thuốc ức chế hoạt tính tyrosin kinase thế hệ 1 và 2, cụ thể là: 

    • Thuốc ức chế hoạt tính tyrosin kinase thế hệ 1: imatinib. 

    • Thuốc ức chế hoạt tính tyrosin kinase thế hệ 2: nilotinib và dasatinib. 

  • Theo dõi đáp ứng điều trị bằng xét nghiệm: 

    • Tủy đồ và xét nghiệm nhiễm sắc thể Philadelphia sau mỗi 3 tháng kể từ lúc bắt đầu điều trị

    • Định lượng gen bcr-abl bằng kỹ thuật PCR từ lúc chẩn đoán và mỗi 3 tháng trong quá trình điều trị để đánh giá mức độ lui bệnh ở cấp độ phân tử.

    • Phát hiện đột biến gen bcr-abl kháng thuốc khi người bệnh không đáp ứng với điều trị bằng kỹ thuật giải trình tự gen.

Các thuốc điều trị khác:

  • Hydroxyurea

  • Interferon

Ghép tế bào gốc tạo máu: 

Ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại với người cho phù hợp HLA là phương pháp cho phép đạt tình trạng lui bệnh lâu dài với khả năng có thể khỏi bệnh. 

Điều trị hỗ trợ:

  • Truyền máu: nếu người bệnh có thiếu máu nhưng cần hạn chế chỉ định truyền máu khi số lượng bạch cầu còn cao để tránh làm tăng nguy cơ tắc mạch.

  • Bổ sung dịch bằng đường uống (2-3 lít nước hàng ngày), kiềm hóa nước tiểu, lợi niệu cưỡng bức phòng ngừa hội chứng tiêu khối u.

  • Allopurinol đường uống 300mg/ngày giúp phòng ngừa và điều trị tăng axit uric máu.

  • Gạn bạch cầu khi số lượng bạch cầu cao.

Điều trị trong giai đoạn chuyển cấp

Trong giai đoạn chuyển cấp của bệnh leukemia kinh dòng bạch cầu hạt, cần điều trị như đối với bệnh leukemia cấp (đa hoá trị liệu và ghép tủy đồng loại) phối hợp với điều trị nhắm trúng đích bằng các thuốc ức chế hoạt tính tyrosine kinase. 

 

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp