Trang chủ Bệnh Legionnaire: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Legionnaire: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Legionnaire

Bệnh do Legionnaire là bệnh truyền nhiễm gây ra do vi khuẩn Legionnaire thường được tìm thấy trong các nguồn nước nhiễm bẩn. Trên lâm sàng bệnh Legionnaire có nhiều thể khác nhau. Sốt Pontiac là hình thức biểu hiện bệnh nhẹ trong khi bệnh Legionnaire có viêm phổi là trường hợp nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể gây tử vong với tỷ lệ 5-30% nếu không được điều trị. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong của bệnh còn phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh và tình trạng sức khỏe trước đó của người bệnh. Tỷ lệ tử vong tăng cao trên 40% ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch không được điều trị.

Bệnh xảy ra khắp nơi trên thế giới với các trường hợp đơn lẻ, tỷ lệ mắc bệnh chưa được biết rõ do thiếu hụt sự giám sát và báo cáo ở các quốc gia. Tuy nhiên, một số đợt bùng phát bệnh cũng đã từng được ghi nhận, như dịch viêm phổi tại trung tâm hội nghị ở Mỹ năm 1976 do vi khuẩn Legionnaire pneumophila gây ra. Nam giới trên 50 tuổi là nhóm dân số mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao.

Nguyên nhân bệnh Legionnaire

Vi khuẩn Legionnaire là vi khuẩn gây bệnh thường được tìm thấy trong nước nhiễm bẩn. Legionnaire pneumophila là loài gây bệnh phổ biến nhất, sống trong môi trường đất và nước ngọt tự nhiên trên khắp thế giới như sông, hồ,suối, … vi khuẩn có thể tồn tại được trong môi trường có nhiệt độ từ 20 đến 50 độ C, tốt nhất là 35 độ C. Vì thế các hệ thống nước nhân tạo cũng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, nhất là khi các hệ thống nước không được bảo dưỡng và duy trì tốt như hệ thống tháp điều hòa không khí và làm lạnh trong công nghiệp, hệ thống nước nóng trong các bồn tắm. Vi khuẩn sống và tồn tại nhờ vào khả năng ký sinh trong các màng sinh học hay cơ thể của các động vật nguyên sinh. Quá trình lây nhiễm của vi khuẩn vào các tế bào của cơ thể cũng xảy ra với cơ chế tương tự.

Không phải tất cả các trường hợp nhiễm Legionnaire đều đưa đến bệnh Legionnaire và đa số các trường hợp nhiễm trùng không gây bệnh. Khả năng mắc bệnh phụ thuộc chủ yếu vào nồng độ vi khuẩn trong nguồn nước và chủng vi khuẩn cụ thể.

Triệu chứng bệnh Legionnaire

Biểu hiện lâm sàng của bệnh Legionnaire thay đổi tùy thuộc vào từng thể bệnh.

Sốt Pontiac là thể nhẹ của bệnh không kèm viêm phổi. Biểu hiện lâm sàng dễ nhầm lẫn với cảm cúm cấp tính với sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ toàn thân, nhức đầu. Bệnh thường tự giới hạn trong khoảng vài ngày. Không ghi nhận được trường hợp tử vong khi mắc phải sốt Pontiac.

Ngược lại, bệnh Legionnaire lại là một thể bệnh nặng nề với biểu hiện viêm phổi nổi trội. Thời gian ủ bệnh thay đổi, có những trường hợp kéo dài trên 10 ngày. Các triệu chứng trong giai đoạn sớm thường bao gồm sốt, mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, rối loạn tiêu hóa. Ở giai đoạn sau, bệnh nhân thường ho, hơn 50% ho kèm đờm, có khi ho ra máu, kèm đau ngực, hụt hơi, thậm chí là các thay đổi về tâm thần. Bệnh Legionnaire cần được nhập viện điều trị, nếu không có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm cả di chứng về não. Bệnh diễn tiến rất nhanh, người bệnh thường tử vong trong bối cảnh viêm suy hô hấp cấp tính do viêm phổi tiến triển, có thể kèm theo sốc và suy đa cơ quan.

Đường lây truyền bệnh Legionnaire

Bệnh Legionnaire không lấy truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành khi có sự tiếp xúc với nhau. Đường lây truyền chính của bệnh đến từ các ổ chứa vi khuẩn ngoại cảnh. Người bệnh thường hít phải vi khuẩn trong các hạt nước ngoài không khí từ các bình xịt ô nhiễm, hệ thống điều hòa không khí làm mát, các máy làm ẩm, hay từ hệ thống ống nước phức tạp từ các tòa nhà cao tầng.

Đối tượng nguy cơ bệnh Legionnaire

Ngoài nồng độ và độc lực của vi khuẩn, khả năng mắc bệnh khi cơ thể nhiễm phải Legionnaire còn phụ thuộc vào đặc điểm của vật chủ. Những cá thể có các đặc điểm sau được xếp vào nhóm đối tượng nguy cơ có khả năng mắc bệnh cao:

  • Nam giới

  • Tuổi trên 50

  • Hút thuốc lá

  • Lạm dụng rượu

  • Tiền sử mắc các bệnh liên quan đến phổi và đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

  • Được đặt ống nội khí quản

  • Suy thận mạn tính, đái tháo đường

  • Mắc phải bệnh lý ác tính

  • Sử dụng corticoid kéo dài

  • Suy giảm miễn dịch do HIV/AIDS hay sau các trường hợp ghép tạng

Phòng ngừa bệnh Legionnaire

Bệnh Legionnaire có thể được phòng ngừa chủ yếu dựa vào việc làm sạch toàn bộ hệ thống nước như hồ bơi, máy làm ẩm không khí hay các hệ thống điều hòa không khí và làm mát, cụ thể như:

  • Thường xuyên bảo trì, làm sạch kết hợp khử trùng, sử dụng các chất diệt vi sinh vật trong các hệ thống làm mát

  • Giữ nước nóng từ 60 độ C trở lên và nước lạnh thấp hơn 20 độ C, có thể kết hợp thêm với các chất diệt khuẩn trong các hệ thống nước nóng nước lạnh

Đây là biện pháp có hiệu quả cao do giải quyết được nguồn chứa vi khuẩn, tránh được sự lây lan bệnh cho cùng lúc nhiều người.

Bên cạnh đó, một số biện pháp giúp tăng cường sức đề kháng, nâng cao tổng trạng cũng như bảo vệ phổi và đường hô hấp có thể được áp dụng để góp phần giảm khả năng mắc bệnh như:

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng

  • Xây dựng lối sống lành mạnh

  • Không hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc một cách thụ động

  • Tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ khi không may mắc phải các bệnh lý nội khoa khác.

  • Đến khám tại các cơ sở uy tín khi có các triệu chứng bất thường

  • Người bệnh tuyệt đối không được tự ý điều trị.

Tóm lại, muốn giảm thiểu số lượng các ca bệnh Legionnaire trong cộng đồng cũng như các vụ dịch một cách có hiệu quả cần có sự hành động phối hợp giữa các nhà thực hành lâm sàng, dịch vụ y tế công cộng và từng cá nhân.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Legionnaire

Việc chẩn đoán một ca bệnh Legionnaire không thể chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng một cách đơn thuần vì dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ xác định tác nhân gây bệnh một cách đáng tin cậy hơn.

Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sau để chẩn đoán xác định bệnh:

  • Xét nghiệm nước tiểu tìm kháng thể kháng Legionnaire

  • Xét nghiệm đờm: nuôi cấy vi khuẩn hoặc soi tươi

  • Sinh thiết mô phổi

Ngoài ra người bệnh cũng cần được thực hiện các chỉ định khác để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh:

  • Xét nghiệm công thức máu

  • Chụp Xquang phổi xác định mức độ viêm nhiễm ở phổi

  • Ct scan lồng ngực

  • Ct scan sọ não hoặc chọc dò tủy sống để phát hiện các biến chứng thần kinh khi lâm sàng có nghi ngờ

Sự chậm trễ trong chẩn đoán là yếu tố tiên lượng không tốt của bệnh. Vì vậy khi có các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ, người bệnh cần đến khám để được chẩn đoán kịp thời và chính xác.

Các biện pháp điều trị bệnh Legionnaire

Đối với sốt Pontiac, người bệnh đôi khi không cần nhập viện điều trị vì khả năng tự giới hạn của nó.

Tuy nhiên, bệnh nhân mắc bệnh Legionnaire cần phải được nhập viện và thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị chính. Mức độ đáp ứng thay đổi tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể, đòi hỏi thời gian vài tuần hoặc vài tháng để người bệnh hồi phục hoàn toàn. Điều trị càng sớm càng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải các biến chứng nghiêm trọng của bệnh.

 

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp