Trang chủ Bệnh Lao da và mô dưới da: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Lao da và mô dưới da: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Lao da và mô dưới da

Bệnh lao da là gì?

Bệnh lao da không phải là tình trạng tổn thương đơn thuần khu trú tại da mà là một bệnh lý toàn thân do vi khuẩn lao gây ra. Ở những bệnh nhân mắc bệnh lao da, người ta ghi nhận được khoảng từ 3-40% các trường hợp mắc lao hạch và 25-30% các trường hợp mắc lao phổi kèm theo, hiếm gặp hơn là lao sinh dục.

Lao da là một bệnh lao ngoài phổi có biểu hiện phong phú, thay đổi tùy thuộc vào độc lực, số lượng của trực khuẩn lao và sức đề kháng của cơ thể bệnh nhân.

Lao da được chia thành 2 nhóm:

  • Lao da thực sự: bao gồm lupus thông thư­ờng hoặc lupus lao, lao hạch, lao da hạt cơm, lao loét kê da và niêm mạc. Đặc điểm chung của nhóm này là bệnh tiến triển mãn tính, có xu hư­ớng hoại tử và xét nghiệm vi khuẩn trên các tổn thương thường dương tính. Hình ảnh mô bệnh học đặc tr­ưng của nang lao cũng được ghi nhận với vùng trung tâm là các tế bào khổng lồ, trực khuẩn lao, bên ngoài là tế bào lympho và tế bào bán liên. Bệnh lao da ở nhóm này thường đi kèm với tổn thương lao ở các cơ quan khác.

  • Á lao: bao gồm lao sẩn hoại tử, lao dạng liken, lao da cứng. Khác với lao da thực sự, á lao thường ít có xu hướng hoại tử, hiếm khi tìm thấy vi khuẩn lao từ các bệnh phẩm, hình ảnh mô bệnh học không có nang đặc trưng và có thể có hoặc không các tổn thương lao ở các bộ phận khác trong cơ thể.

Nguyên nhân bệnh Lao da và mô dưới da

Tác nhân gây bệnh là trực khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis. Đây là một loại vi khuẩn hiếu khí, cần môi trường giàu oxy để sinh sôi phát triển và phân chia rất chậm. Vi khuẩn lao được phân loại vào nhóm trực khuẩn kháng acid cồn vì khả năng giữa được màu nhuộm sau khi tẩy với acid. Quan sát dưới kính hiển vi, trực khuẩn lao có dạng hình que, màu đỏ tươi nổi bật trên nền xanh.

Vi khuẩn lao gây bệnh có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài trong nhiều tuần và chịu được các chất sát khuẩn yếu. Có 3 nhóm trực khuẩn lao chính bao gồm: trực khuẩn lao người, trực khuẩn lao bò và trực khuẩn lao từ chim. 

Triệu chứng bệnh Lao da và mô dưới da

Hình ảnh bệnh lao da trên lâm sàng khác phong phú, phụ thuộc vào tuổi, giới, vị trí da bị tổn thư­ơng và tình trạng miễn dịch và dị ứng của người bệnh. Các hình thể lâm sàng.

Lupus lao

Đây là thể lao da thư­ờng gặp nhất, chiếm tỷ lệ khoảng từ 50 - 70 %, thường thấy ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Biểu hiện lâm sàng đặc trưng là củ lao màu vàng đỏ hoặc vàng nâu kích thư­ớc có thể nhỏ như đầu đinh ghim hoặc to nh­ư hạt đậu, trơn bóng, có ít vảy, hoặc có vết chợt, loét da. Các củ lao liên kết với nhau thành đám, tạo sẹo ở giữa màu trắng. Tổn thương thường thấy ở mặt và môi trên,­ bàn tay, bàn chân, mông và đầu cũng có thể gặp nhưng hiếm hơn. Lupus lao được chia thành nhiều thể lâm sàng khác nhau:

  • Lupus lao phẳng: các củ lao không nổi cao lên trên bề mặt da và tiến triển chậm.

  • Lupus lao loét : xuất hiện nhiều ổ loét nông trên da, bờ nham nhở, đáy ổ loét có các hạt lổn nhổn kèm theo mủ. Thể lupus lao loét phá huỷ các tổ chức, có thể làm mất một cánh mũi hoặc vành tai, thủm vòm miệng, thậm chí mất ngón tay gây tàn phế nếu đi kèm với tổn thương xương.  

  • Lupus sùi loét : các tổn thương dạng mảng cộm, hơi cao hơn mặt da, trên đó thấy các u lao. Về sau tiến triển thành các điểm loét, lan rộng tạo thành tổn thương dạng sùi.  

  • Lupus ăn ngoạm: là thể bệnh có tổn thương loét nhanh, loét sâu, mất từng vùng ở mũi và mặt, tạo sẹo lớn ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và tâm lý của bệnh nhân.

  • Lupus sẩn cục: biểu hiện bằng các sẩn cục màu đỏ tím, phân bố rải rác

  • Lupus lao vẩy nến: trên bề mặt tổn thương có một lớp vảy dày.

  • Lupus lao mì: Tổn thương dạng sần mì như hạt cơm.

Lao cóc

Thể lao này hay gặp ở người lớn, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn. Vị trí hay bị tổn thương là mu bàn tay, ngón tay 1, 2 và da bàn chân. Các th­ương tổn trên da là những mảng sùi có vảy, u sừng cứng, màu xám trắng đục, xung quanh có viền đỏ, trông như da cóc. Lao ruột, lao phổi hoặc lao xương là những tổn thương lao có thể phối hợp kèm theo. Tiến triển bệnh kéo dài nhiều năm, có thể để lại sẹo nhưng không có sự phá hủy các tổ chức.  

Loét lao

Triệu chứng đầu tiên là những nốt sẩn bằng đầu đinh ghim, loét nhanh, liên kết với nhau thành vết loét lớn, bờ lởm chởm nhợt nhạt hoặc hơi tím; đáy của vết loét nông, có nhiều điểm xuất huyết và rất ít mủ. Tổn thư­ơng thường xuất hiện ở môi hoặc niêm mạc má, lư­ỡi, xung quanh miệng, ở hậu môn và tầng sinh môn.

Gôm lao

Tổn thương có dạng khối, ở dưới da, khi vỡ chảy ra một chất mủ kèm nhầy máu, rồi tự bít tạo thành lỗ dò thông nhau. Một số trường hợp tổn thương gây loét, bờ nham nhở, đáy lổn nhổn màu vàng nhạt. Các gôm lao có thể xuất hiện đơn độc hoặc thành nhóm, ở các vị trí có hạch, cổ, bẹn, thân mình hoặc các chi. Bệnh tiến triển âm thầm, lâu lành.  

Ban củ sẩn

Ban củ sẩn thường là những tổn thương cục nằm sâu ở lớp trung bì, cứng chắc và không đau, xu hướng tạo mủ và loét hoặc hoại tử tạo thành sẹo lõm. Ban củ sẩn có nhiều dạng như ban củ sẩn cục, ban củ sẩn kê dạng trứng cá đỏ, ban củ sẩn hoại tử, ban củ nang lông dạng liken.

Lao kê

Lao kê ở da hiếm gặp, phổ biến ở những người suy giảm miễn dịch như bệnh nhân HIV/AIDS. Trên da, xuất hiện những nốt màu đỏ, kích thước 1mm - 2mm, lấm tấm như hạt kê.

Đường lây truyền bệnh Lao da và mô dưới da

Trong đa số các trường hợp, bệnh nhân mắc bệnh lao da do vi khuẩn lao được đưa đến da từ các cơ quan bị nhiễm lao khác như lao phổi, lao xương, lao hạch thông qua các con đường:

  • Đư­ờng máu: mạch máu từ ổ lao ở cơ quan bị phá huỷ đưa trực khuẩn lao vào máu, lan truyền khắp nơi trong cơ thể và vào da.

  • Đư­ờng bạch huyết: thường xảy ra khi có tổn thương lao hạch kèm theo. Trực khuẩn lao lan theo mạch bạch huyết đến vùng da bị tổn thương.

Bệnh lao da được lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua đường tiếp xúc trực tiếp. Vi khuẩn lao xâm nhập được thông qua các vết thương trên da và niêm mạc. Ngoài ra vi khuẩn lao có thể truyền bệnh thông qua các con đường khác, tùy thuộc vào thể lao phổi và các thể lao ngoài phổi khác kèm theo.

Đối tượng nguy cơ bệnh Lao da và mô dưới da

Những người có các đặc điểm sau được xem là đối tượng nguy cơ của bệnh lao da:

  • Hệ miễn dịch bị suy yếu, nhiễm HIV/AIDS

  • Mắc các bệnh lý toàn thân như đái tháo đường, suy thận mãn tính và các bệnh lý ác tính

  • Nghiện rượu hoặc sử dụng các chất kích thích.

  • Suy dinh dưỡng

  • Dùng các loại thuốc điều trị ung thư, hay corticosteroid trong thời gian dài.

  • Tiếp xúc thân mật, thường xuyên với người mắc bệnh lao

  • Sống và làm việc hoặc du lịch đến các vùng dịch tễ của bệnh lao.

  • Môi trường sống kém, điều kiện y tế không đảm bảo

Phòng ngừa bệnh Lao da và mô dưới da

Các biện pháp giúp phòng tránh mắc bệnh lao nói chung, bao gồm cả lao da có thể kể đến như:

  • Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng

  • Thường xuyên rèn luyện thân thể, tăng sức đề kháng

  • Sử dụng các loại thuốc theo sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ

  • Hạn chế tiếp xúc thân mật với những người mắc bệnh lao

  • Tiêm vắc xin phòng bệnh lao theo chương trình tiêm chủng quốc gia

  • Đến khám tại các cơ sở y tế ngay khi có các triệu chứng bất thường.

  • Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh lao, người bệnh cần tuân thủ điều trị của bác sĩ để giải quyết triệt để bệnh, tránh lây lan cho các cơ quan khác trong cơ thể hay lây truyền cho người khác.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Lao da và mô dưới da

Để chẩn đoán xác định các tổn thương của bệnh lao da, bác sĩ cần chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng như:

  • Phản ứng tuberculin

  • PCR phát hiện phức hợp DNA của trực khuẩn lao

  • Chụp Xquang ngực

  • Sinh thiết tổn thương ở da, phát hiện tổn thương củ lao đặc trưng

Các biện pháp điều trị bệnh Lao da và mô dưới da

Tất cả các bệnh nhân đã được xác định mắc bệnh lao da cần được khám và phát hiện các thể lao khác. Việc điều trị bệnh lao da phải có tính toàn diện và kéo dài, không chỉ xử trí các tổn thương ở da.

  • Các thuốc kháng lao được khuyến cáo trong điều trị bệnh lao da tương tự với điều trị lao phổi. Các thuốc kháng lao có nhiều tác dụng phụ nên người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn và tái khám của các bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc.

  • Các phương pháp khác như cắt lọc thương tổn nhỏ trên da, phẫu thuật tạo hình ở những trường hợp sẹo xấu cũng có thể được áp dụng.  

  • Ngoài việc tuân thủ điều trị các thuốc kháng lao, người bệnh cần chú ý cải thiện sức khỏe toàn thân, bổ sung dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch để tăng hiệu quả điều trị.

 

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp