Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Hẹp bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu là gì? Hẹp bao quy đầu (phimosis) chỉ tình trạng thắt hẹp đoạn cuối bao da quy đầu, không thể kéo tuột hoàn toàn khỏi quy đầu được.
Giữa bao quy đầu và quy đầu có một lớp dịch ẩm với tác dụng bôi trơn giúp bao quy đầu dễ dàng tuột lên tự nhiên. Trong lớp dịch này có các tế bào biểu mô của bao quy đầu tróc ra và tích tụ hình thành những mảng trắng được gọi là bựa sinh dục. Bựa sinh dục dễ dàng được rửa sạch khi tuột bao quy đầu xuống. Nếu những mảng trắng này không được vệ sinh làm sạch có thể gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục của bé.
Nguyên nhân bệnh Hẹp bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu có phải là bệnh bẩm sinh? Dựa theo nguyên nhân, hẹp bao quy đầu được chia làm 2 dạng: sinh lý và bệnh lý
-
Hẹp bao quy đầu sinh lý: chiếm hầu hết các trường hợp, là hiện tượng bình thường ở trẻ sơ sinh nam. Vừa mới sinh ra, trẻ không có khả năng bảo vệ bộ phận sinh dục, khi đó, bao da bao quy đầu đảm nhiệm trọng trách này bằng cách che phủ và dính chặt vào quy đầu. Tuy nhiên, tình trạng hẹp tạm thời này sẽ biến mất khi trẻ lớn lên, trong vòng vài năm đầu, bao da sẽ tuột xuống và để lộ quy đầu dương vật.
-
Hẹp bao quy đầu bệnh lý: ít gặp hơn, là tình trạng hẹp thực sự do sẹo xơ gây dính bao quy đầu. Tình trạng sẹo xơ có thể là do bẩm sinh hoặc do viêm nhiễm gây ra.
Triệu chứng bệnh Hẹp bao quy đầu
-
Bé trai có các triệu chứng của tiểu khó như tiểu phải rặn, đỏ mặt khi tiểu, bao quy đầu
-
sưng phồng...
-
Bố mẹ có thể phát hiện ra khi thấy bao quy đầu của bé có dấu hiệu viêm nhiễm (sưng, nóng, đỏ, đau), chảy mủ hay dịch bất thường
Hẹp bao quy đầu có nguy hiểm không? Nếu không có những can thiệp kịp thời, hẹp bao quy đầu ở trẻ có thể để lại những hậu quả đáng tiếc lên sức khoẻ của trẻ. Hẹp bao quy đầu có ảnh hưởng gì đến trẻ?
-
Viêm quy đầu: Khi bị hẹp bao quy đầu, các tế bào chết tróc ra dưới lớp bao da quy đầu kết hợp với các chất cặn bã trong quá trình đi tiểu không được thoát ra ngoài sẽ tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm, sưng đỏ và mọng nước ở đầu dương vật
-
Viêm nhiễm niệu đạo: Nếu bao quy đầu hẹp không được vệ sinh sạch sẽ thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Các vi khuẩn này gây viêm nhiễm trên quy đầu, dương vật và rất dễ xâm lấn sang niệu đạo. Trường hợp nặng hơn, vi khuẩn có thể di chuyển ngược dòng gây viêm bàng quang, viêm thận.
-
Nghẹt quy đầu: Xảy ra khi bao da quy đầu sau khi kéo tuột ra sau nhưng không kéo phủ trở lại được. Khi dương vật cương cứng, da quy đầu vẫn phủ căng vòng quanh dương vật, gây nghẹt quy đầu, khiến máu không lưu thông sinh ra sưng phù nề quy đầu, nghiêm trọng có thể dẫn đến hoại tử quy đầu.
Phòng ngừa bệnh Hẹp bao quy đầu
Theo thời gian, bao quy đầu sẽ tự tuột ra khi trẻ khoảng 1 tuổi, hầu hết sẽ bình thường khi trẻ 4 tuổi, một số ít trường hợp muộn hơn đến khi trẻ dậy thì.
Bố mẹ và người chăm sóc cần biết cách vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, để ngăn ngừa viêm nhiễm gây ra hẹp bao quy đầu bệnh lý.
-
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: cần được thay tã thường xuyên, tránh bị hăm tã và tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Bố mẹ cần vạch ra kiểm tra và bộ phận sinh dục khi tắm mỗi ngày.
-
Không nên cố gắng lộn mạnh bao quy đầu của trẻ vì có thể gây tổn thương, chảy máu, sẽ tạo sẹo xơ dễ dẫn đến hẹp bao quy đầu bệnh lý sau này.
-
Bố mẹ chỉ nên kéo nhẹ nhàng bao quy đầu của trẻ xuống để vệ sinh. Sau khi đã vệ sinh sạch sẽ và lau khô, bố mẹ nhớ kéo bao quy đầu trở lại bình thường, phủ lên đầu dương vật, nếu không sẽ gây nghẹt bao quy đầu- một biến chứng nghiêm trọng cần sự can thiệp của bác sĩ.
-
Khi trẻ lớn hơn, bố mẹ cần hướng dẫn trẻ cách tự vệ sinh cơ quan sinh dục
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hẹp bao quy đầu
Các dấu hiệu giúp chẩn đoán xác định hẹp bao quy đầu:
-
Không thể lộn được bao da quy đầu, miệng bao quy đầu nhỏ.
-
Chỉ lộn bao quy đầu được một phần quy đầu dương vật.
-
Khi cương cứng, bao quy đầu không trượt được về phía gốc dương vật và gây đau.
-
Bao quy đầu sưng phồng khi đi tiểu tia nước tiểu nhỏ, phụt mạnh và xa
-
Khó quan sát thấy lỗ niệu đạo ngoài.
Các biện pháp điều trị bệnh Hẹp bao quy đầu
Tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ và mức độ nghiêm trọng, các điều trị có thể bao gồm:
-
Lộn bao quy đầu nhẹ nhàng hàng ngày
-
Bôi thuốc mỡ corticosteroid tại chỗ
-
Nong bao quy đầu
-
Cắt bao quy đầu.
Lộn bao quy đầu
-
Thường được chỉ định cho trẻ nhỏ, bao quy đầu không có vòng xơ.
-
Khi bé 5 – 6 tháng tuổi, mỗi lần tắm cho con, bố mẹ có thể dùng tay nhẹ nhàng kéo lộn phần da quy đầu xuống, cứ thế mỗi lần một chút có thể hỗ trợ bao quy đầu rộng dần và trở về bình thường.
Bôi thuốc mỡ corticosteroid tại chỗ
-
Sau khi lộn một thời gian nếu không có kết quả chúng ta có thể chuyển sang kết hợp bôi thuốc mỡ corticoid. Đây là một phương pháp hiệu quả với hầu hết các bé trai.
-
Dùng thuốc mỡ chứa steroid bôi vào da quy đầu kết hợp với lộn quy đầu ngày 2 lần. Thuốc có tác dụng chống viêm làm cho quy đầu giãn ra hỗ trợ cho động tác lộn. Phương pháp này có thể tự làm mà không cần phải bác sỹ.
-
Phương pháp có tỷ lệ thành công cao (85 – 95%) và có thể tự làm không cần phải bác sĩ. Ưu điểm là không gây đau hay sang chấn tinh thần cho trẻ.
Nong bao quy đầu
Thường được chỉ định cho trẻ sau khi đã dùng biện pháp lộn bằng tay không kết quả.
Phương pháp: Dùng panh nong rộng bao quy đầu mỗi ngày, kết hợp với bôi thuốc steroid chống viêm và tránh sẹo. Điều trị này gây đau và sang chấn nhiều hơn so với biện pháp lộn bao quy đầu. Thời gian điều trị thường kéo dài vài tuần.
Cắt bao quy đầu
Là phương pháp xâm lấn, điều trị triệt để và được chỉ định trong các trường hợp:
-
Hẹp bao quy đầu bệnh lý
-
Viêm da quy đầu nặng hoặc tái phát, thất bại với điều trị thuốc bôi tại chỗ
-
Nghẹt bao quy đầu, không thể tuột lên về bình thường
-
Nhiễm trùng tiểu tái phát do hẹp bao quy đầu
Xem thêm:
- Nhận biết trẻ bị hẹp bao quy đầu
- Cắt bao quy đầu ở trẻ em chỉ tiêu hết khi nào?
- Hẹp bao quy đầu ở trẻ nên dùng thuốc gì?
- Trẻ 13 tuổi không lộn hết được bao quy đầu và có vẻ bị dài phải làm sao?
- Trẻ 4 tuổi sau nong bao quy đầu bị đau, không cho vệ sinh có sao không?
- Bé 10 tháng tuổi có gợn trắng trong dương vật là dấu hiệu bệnh gì?
- Da khâu bên trong dày lên sau cắt bao quy đầu có phải phẫu thuật lại không?
- Bao quy đầu của trẻ hẹp hơn sau khi nong thì có nên đi cắt không?
- Trẻ bị hẹp bao quy đầu phải điều trị thế nào?
- Phù nề không nỡ sau cắt bao quy đầu 6 tháng có bình thường không?