Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Đa ối
Nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi, là môi trường lỏng giúp thai nhi phát triển trong suốt quá trình mang thai. Nước ối có vai trò vô cùng quan trọng như giúp bảo vệ thai nhi khỏi bị chấn thương khi ở trong bụng mẹ, là môi trường vô khuẩn tránh được các nhiễm trùng đặc biệt ở phổi, dinh dưỡng cho thai nhi, hỗ trợ giữ cho thai nhi có thân nhiệt ổn định thích hợp.
Nước ối xuất hiện vài tuần sau khi có thai. Phần lớn nước ối có nguồn gốc từ thai nhi. Nước ối là sản phẩm thải từ thận của thai nhi. Sau khi đào thải nước ối qua đường nước tiểu thai nhi tiếp tục nuốt và thải trừ qua đường tiểu tạo thành một chu kì lặp đi lặp lại liên tục. Với cơ chế này, lượng nước ối luôn được duy trì với 1 lượng phù hợp không quá ít cũng không quá nhiều.
Lượng nước ối ở mức nhiều hơn sinh lý bình thường gọi là đa ối. Vậy đa ối là gì? Đó là tình trạng nước ối không thể tự điều chỉnh được do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đa ối gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau có thể nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé.
Đa ối được các nhà nghiên cứu định nghĩa là tình trạng chỉ số ối (aminonic fluid index: AFI) lớn hơn 25cm được đo qua siêu âm.
Đa ối chiếm khoảng 1% thai kì.
Nguyên nhân bệnh Đa ối
Đa ối có khoảng ⅔ trường hợp đa ối không tìm thấy nguyên nhân. ⅓ còn lại đa ối có thể do các nguyên nhân sau:
-
Mẹ bị đái tháo đường bao gồm cả đái tháo đường phát hiện trước khi mang thai hoặc đái thái đường thai kì. Đa ối được phát hiện trong 10% thai phụ mắc đái tháo đường do không kiểm soát tốt lượng đường huyết, thai nhi tiểu nhiều hơn bình thường. Vì vậy kiểm soát tốt đường huyết sẽ giúp cho lượng nước ối ở mức sinh lý bình thường
-
Dị tật thai nhi: hở hàm ếch, hẹp môn vị và các dị tật khác
-
Song thai, đa thai có thể dẫn đến đa ối do sự trao đổi chất giữa hai bào thai không được cân bằng( một bào thai ít nước ối, một bào thai nhiều nước ối)
-
Mẹ mắc chứng loạn tăng trương lực cơ. Hiếm gặp trên thực tế
-
Các nguyên nhân khác như thiếu máu bào thai, nhiễm trùng bào thai, bất thường nhóm máu mẹ con
Triệu chứng bệnh Đa ối
-
Có thể triệu chứng thai đa ối âm thầm kín đáo, người mẹ không phát hiện có bất kì dấu hiệu bất thường gì có thể được phát hiện qua lần siêu âm định kì phát hiện đa ối.
-
Hoặc triệu chứng dữ dội trong gặp trong đa ối cấp có thể diễn tiến mau trong vài ngày với các triệu chứng cấp tính như đau căng bụng nhiều, khó thở, tím tái, tim nhanh, phù toàn thân.
-
Hiếm gặp hơn có thể gặp tình trạng thiểu niệu do niệu quản bị tử cung chèn ép
-
Dấu hiệu qua thăm khám lâm sàng gợi ý đa ối là tử cung to, căng hơn bình thường không tương xứng với tuổi thai, khó sờ thấy các phần của thai và nghe tim thai.
Đối tượng nguy cơ bệnh Đa ối
-
Mẹ có tiền sử đái tháo đường, mẹ được chẩn đoán đái tháo đường thai kì
-
Song thai, đa thai
-
Tiền sử có con bị dị tật bẩm sinh
Phòng ngừa bệnh Đa ối
Đa ối có thể gặp các biến chứng như đẻ khó do ngôi bất thường, rối loạn cơn co tử cung, rau bong non, nhiễm trùng ối, đẻ non, thai chết lưu,.... vì vậy có các biện pháp phòng bệnh như:
-
Khám thai định kì, khám ngay trong các trường hợp bụng căng to quá nhanh, khó thở, phù 2 chi dưới, phù toàn thân, đau bụng để được chẩn đoán và xử lý kịp thời
-
Làm xét nghiệm đường máu và nghiệm pháp dung nạp đường huyết để chẩn đoán đái tháo đường từ đó có biện pháp kiểm soát tốt đường huyết hạn chế được lượng nước ối
-
Làm các xét nghiệm chẩn đoán sàng lọc trước sinh tìm các dị tật bẩm sinh trong giai đoạn sớm của thai kì
-
Nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng hợp lý
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Đa ối
-
Chẩn đoán đa ối dựa vào các dấu hiệu lâm sàng tử cung căng, to hơn so với tuổi thai, khó sờ thấy các phần của thai. Để chẩn đoán xác định đa ối cần dựa vào siêu âm đo chỉ số ối AFI.
-
Chỉ số ối AFI lớn hơn hoặc bằng 25cm: chẩn đoán đa ối
-
Cần làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán nguyên nhân: xét nghiệm đường máu, làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết từ tuần 24-26 để chẩn đoán đái tháo đường thai kì. Xét nghiệm nhóm máu xem có sự bất đồng nhóm máu mẹ con.
-
Siêu âm giúp khảo sát một số nguyên nhân đa ối như: dị tật thai nhi, song thai, đa thai,..
-
Ngoài ra siêu âm còn giúp chẩn đoán phân biệt đa ối với cổ trướng hay u buồng trứng
Các biện pháp điều trị bệnh Đa ối
Trường hợp đa ối không rõ nguyên nhân, trong số đó có gần một nửa trường hợp đa ối không liên quan đến bất thường bẩm sinh như dị dạng, đái tháo đường thai kì, nhiễm trùng ối, các bệnh tự miễn, song thai, đa thai. Tuy nhiên khi khảo sát hình thái học ở bình thường vẫn không thể loại bỏ được một số nguyên nhân như dị tật thai hay bất thường các nhiễm sắc thể .
-
Nghỉ ngơi tại giường
-
Nhập viện khi thai phụ khó thở, đau bụng, khó khăn trong việc đi lại,...
-
Hạn chế muối, có thể dùng một số thuốc lợi tiểu,..
Tùy giai đoạn phát hiện đa ối mà có các hướng xử trí khác nhau
Đa ối xuất hiện ba tháng giữa thai kì cần:
-
Siêu âm khảo khát hình thái học thai nhi chuyên sâu để tìm các dị tật bẩm sinh
-
Làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết từ tuần thứ 24-28 của thai kì
-
Hội chẩn trung tâm chẩn đoán trước sinh để cân nhắc làm các xét nghiệm di truyền tìm bất thường nhiễm sắc thể
-
Khám định kì, theo dõi sát
Đa ối xuất hiện 3 tháng cuối thai kì cần
-
Kiểm tra biểu đồ tăng trưởng thai nhi
-
Loại trừ các nguyên nhân nội khoa của mẹ
-
Tuỳ vào kết quả xét nghiệm sàng lọc quý 1,2 mà tư vấn xét nghiệm di truyền học cho thai nhi
-
Cân nhắc thuốc trưởng thành phổi trong trường hợp trẻ có nguy cơ đẻ non
-
Cân nhắc hút bớt dịch trong trường hợp quá khó thở, chèn ép tim phổi ảnh hưởng đến toàn trạng của mẹ. Cần được sự đồng ý can thiệp thủ thuật của bệnh nhân cũng như gia đình.
Xem thêm:
- Bệnh ROP ở trẻ sinh non có nguy hiểm không?
- Chẩn đoán mắc hội chứng Down ở thai tháng thứ 8 nên làm gì?
- Nên làm gì khi thai 35 tuần được chẩn đoán đa ối ?
- Thai 30 tuần bị đa ối có điều trị được không?
- Chỉ số ối thai 20 tuần là 60 liệu có bị ít ối?
- Thai 37 tuần nước ối 600 -700 cm có cao không?
- Thai nhi 19 tuần xuất hiện đa ối có ảnh hưởng đến sự phát triển không?
- Thai nhi 31 tuần hẹp thực quản, dạ dày nhỏ có thể can thiệp phẫu thuật sau sinh được không?
- Dư và xoang ối 65mm có ảnh hưởng tới thai nhi không?
- Nên làm gì khi thai 32 tuần bị dư ối?