Trang chủ Bệnh Cường kinh: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Cường kinh: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Cường kinh

Cường kinh là gì ?

Cường kinh là tình trạng máu kinh nguyệt ra ồ ạt và kéo dài liên tục nhiều ngày ở phụ nữ, kể cả phụ nữ trẻ chưa hình thành chu kỳ rụng trứng và phụ nữ sắp đến tuổi mãn kinh.

Cường kinh là hiện tượng rối loạn kinh nguyệt gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người phụ nữ, là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm ở phụ nữ cần được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân bệnh Cường kinh

Các nhóm nguyên nhân gây ra hiện tượng cường kinh ở phụ nữ như  sau:

  • Mất cân bằng hormone:  phụ nữ ở tuổi vị thành niên và tuổi mãn kinh có hàm lượng hormone trong cơ thể dao động nhiều dẫn đến ra kinh quá nhiều.

  • Polyp cổ tử cung: là một khối u nhỏ và mảnh, mọc lên từ bề mặt niêm mạc cổ tử cung và lòi ra khỏi lỗ ngoài cổ tử cung. Polyp thường do nhiễm khuẩn hay nồng đồ estrogen tăng cao, hoặc có thể do các mạch máu khu trú ở cổ tử cung bị sung huyết. Polyp cổ tử cung hay gặp ở phụ nữ đã có con và ngoài 20 tuổi.

  • Polyp phát triển từ nội mạc tử cung: là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra cường kinh. Loại polyp này thường lành tính và có nguyên nhân từ việc hàm lượng estrogen trong cơ thể tăng cao sau điều trị bằng hormone, hoặc do u buồng trứng.

  • U xơ tử cung: là loại u xuất hiện do những bất thường về estrogen, gây nên hiện tượng cường kinh ở những phụ nữ có độ tuổi từ 30 đến 40 tuổi.

  • Lupus: là bệnh lý viêm mạn tính, bệnh tự miễn tác động đến nhiều bộ phận của cơ thể như khớp, máu, da và thận, từ đó gây hiện tượng cường kinh ở phụ nữ. Các yếu tố nguy cơ tăng khả năng mắc lupus là gen, nhiễm khuẩn, dùng thuốc kháng sinh, phơi nhiễm tia cực tím, stress thường xuyên.

  • Bệnh lý viêm tiểu khung:  là bệnh nhiễm khuẩn của 1 hay nhiều cơ quan trong tiểu khung, có thể là tử cung, vòi trứng, hay cổ tử cung, gây nên cường kinh ở phụ nữ. Bệnh lý nhiễm khuẩn này mắc phải qua đường tình dục, sảy thai, hay do lây truyền trong quá trình thực hiện các thủ thuật phụ khoa.

  • Bệnh lý ung thư cổ tử cung: là bệnh lý các tế bào cổ tử cung phát triển bất thường không kiểm soát gây tổn thương các bộ phận cơ thể, nguyên nhân chủ yếu do virus HPV gây ra. Bệnh lý này có biểu hiện tiêu biểu là cường kinh ở phụ nữ.

  • Bệnh lý ung thư nội mạc tử cung: là một trong những nguyên nhân thường gặp gây nên cường kinh. Cơ chế bệnh là các tế bào bất thường ở tử cung và nội mạc tử cung sinh sản không kiểm soát làm tổn thương tử cung và những cơ quan khác, gây ra cường kinh.

  • Các nguyên nhân khác như sử dụng thuốc tránh thai, tránh thai bằng biện pháp mang dụng cụ tử cung. Các bệnh lý gây chảy máu, khó cầm máu cũng gây ra cường kinh.

Triệu chứng bệnh Cường kinh

Những triệu chứng của cường kinh thường gặp là:

  • Máu kinh ra nhiều khiến bệnh nhân phải thay băng liên tục hàng giờ

  • Máu ra nhiều, đông thành cục

  • Có thể kèm theo rong kinh ( kéo dài thời gian hành kinh trên 7 ngày)

Lưu ý cần phân biệt cường kinh và rong kinh:

  • Nếu có triệu chứng gia tăng lượng máu kinh thì đó là cường kinh.

  • Nếu có gia tăng số ngày hành kinh trên 7 ngày, dù ra máu kinh nhiều hay ít thì được gọi là rong kinh.

  • Nếu ra máu nhiều và kéo dài trên 7 ngày thì có khả năng bệnh nhân vừa bị rong kinh vừa bị cường kinh.

Phòng ngừa bệnh Cường kinh

Đề phòng tránh hiện tượng cường kinh, người phụ nữ cần thực hiện:

  • Thiết lập chế độ sinh hoạt hợp lý: ngủ đủ giấc, ăn nhiều trái cây và chất xơ, giảm lượng thức ăn dầu mỡ chứa nhiều chất béo và thức anh lạnh

  • Hạn chế làm việc quá sức và hoạt động thể chất quá mạnh. Thay vào đó cần tập luyện nhẹ nhàng để điều hòa lượng kinh nguyệt của cơ thể.

  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ, thay băng vệ sinh thường xuyên khi hành kinh để hạn chế các bệnh lý phụ khoa khác.

  • Không tự ý sử dụng các loại thuốc nội tiết sinh dục.

  • Nếu phát hiện bất thường trong thời gian hành kinh, cần đến các cơ sở y tế để khám kịp thời để xác định chính xác nguyên nhân.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Cường kinh

Bệnh nhân cần được thăm khám toàn thân và khám phụ khoa để xác định rõ nguyên nhân cường kinh. Đồng thời, bệnh nhân cần được xác định mức độ ảnh hưởng của kinh nguyệt đến sức khỏe của bản thân và loại trừ những nguyên nhân do ung thư hoặc bệnh lý ra máu âm đạo bất thường khác mà không phải là cường kinh.

Các biện pháp điều trị bệnh Cường kinh

Các biện pháp điều trị được lựa chọn dựa vào nguyên nhân gây bệnh:

  • Nguyên nhân do mất cân bằng hormone:  điều trị bằng thuốc tránh thai và một số loại thuốc khác.

  • Nguyên nhân do polyp cổ tử cung: điều trị bằng phương pháp cắt hoặc xoắn vặn polyp, kết hợp điều trị bằng thuốc kháng sinh.

  • Nguyên nhân do polyp phát triển từ nội mạc tử cung: soi buồng tử cung và nong nạo, lấy mẫu mô đi xét nghiệm để loại trừ ác tính.

  • Nguyên nhân do u xơ tử cung: bóc nhân xơ, lấy nội mạc tử cung, làm tắc động mạch tử cung, cắt tử cung, sử dụng thuốc tránh thai, thuốc đồng vận GnRH, androgen, RU486... hoặc có thể không cần điều trị mà để u xơ sẽ co lại dần mà biến mất khi phụ nữ ở tuổi mãn kinh.

  • Nguyên nhân do lupus: bệnh nhân cần giảm thiểu stress, dùng thuốc chống miễn dịch, chống viêm không steroid.

  • Nguyên nhân do bệnh lý viêm tiểu khung: sử dụng thuốc kháng sinh.

  • Nguyên nhân do bệnh lý ung thư cổ tử cung: can thiệp ngoại khoa, hóa trị, xạ trị

  • Nguyên nhân do bệnh lý ung thư nội mạc tử cung: cắt bỏ cổ tử cung phối hợp hóa trị hay xạ trị.

 

 

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp