Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Chấy rận (chí rận)
Chấy rận thuộc loài động vật ký sinh trùng, kích thước nhỏ. Chúng thường ký sinh trên cơ thể người hoặc động vật và hút máu để tồn tại. Ở người, chúng lây lan qua tiếp xúc, qua quần áo. Khi hút máu chúng gây viêm da (sưng, đỏ, ngứa) gọi là bệnh chấy rận,
Các bệnh chấy rận hay gặp ở người gồm có:
- Bệnh chấy rận ở da đầu người.
- Bệnh chấy rận sống ở trên da, lông mi, lông mày, lông ngực, lông mu.
- Bệnh chấy rận sống trên quần áo, giường chiếu di chuyển lên người và hút máu.
Nguyên nhân bệnh Chấy rận (chí rận)
Bệnh chấy rận lây lan qua tiếp xúc. Người bị bệnh chấy rận do tiếp xúc với quần áo có chấy rận hoặc trứng chấy rận. Các đường lây truyền chính của bệnh chấy rận như:
- Tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Trường hợp này hay gặp ở trẻ em hoặc người trong gia đình do sinh hoạt chung.
- Do dùng chung đồ dùng như quần áo, mũ đội đầu, lược, khăn mặt với người bị chấy rận.
- Do tiếp xúc với chấy rận tại các nơi như giường chiếu, tủ quần áo...
- Rận mu lây truyền qua đường quan hệ tình dục
Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh chấy rận. Khi có các biểu hiện về bệnh chấy rận, người bệnh cần kiểm tra lại các yếu tố lây bệnh để phòng tránh và điều trị tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Triệu chứng bệnh Chấy rận (chí rận)
Những dấu hiệu của bệnh chấy rận có thể gặp như sau:
- Đau, ngứa dữ dội kèm mẩn đỏ tại các nơi có chấy rận trên cơ thể như da, da đầu...
- Có cảm giác có ký sinh trùng di chuyển trên da, lông, tóc..
- Phát hiện chấy rận hoặc trứng chấy rận tại các nơi như da đầu, lông, tóc, quần áo của người bệnh. Chấy rận khi trưởng thành có kích thước như hạt mè, có thể quan sát được bằng mắt thường.
Đối tượng nguy cơ bệnh Chấy rận (chí rận)
Bệnh chấy rận gặp ở các mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Các đối tượng có nguy cơ mắc chấy rận như:
Học sinh ở trường hay học sinh ở nội trú dễ có nguy cơ mắc bệnh chấy rận do tiếp xúc và sinh hoạt chung với nhiều người.
- Những người ít tắm hoặc không thể tắm, những người ít vệ sinh thân thể hoặc vệ sinh không đảm bảo.
- Vệ sinh các nơi chứa chấy rận không đảm bảo như ít giặt quần áo, không dọn dẹp tủ quần áo, chăn màn, giường chiếu, phòng ốc.
- Quan hệ tình dục không an toàn thường xuyên.
Phòng ngừa bệnh Chấy rận (chí rận)
Bệnh chấy rận hiện nay có thể được phòng ngừa bằng cách thực hiện vệ sinh cá nhân, đồ dùng và các nơi có chứa nguồn bệnh thường xuyên. Khi đã bị chấy rận cần kiểm tra và tránh lây nhiễm cho thành viên trong gia đình, giữ trẻ tránh xa các nơi đông người và sinh hoạt chung cho tới khi hết bệnh. Đối với phụ nữ mang thai, việc sử dụng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ. Chú ý khi sử dụng các loại thuốc, dầu gội để điều trị chấy rận và khi xuất hiện các dấu hiệu lạ cần đi khám bác sĩ để điều trị kịp thời.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Chấy rận (chí rận)
Chẩn đoán bệnh chấy rận kết hợp giữa việc kiểm tra các dấu hiệu trên lâm sàng, kiểm tra thói quen vệ sinh, thói quen sinh hoạt và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán.
- Thăm khám lâm sàng xác định các triệu chứng, kiểm tra tính chất các nốt mẩn đỏ tránh nhầm lẫn với các bệnh khác. Ngoài ra, bác sĩ sẽ hỏi về thói quen sinh hoạt, thói quen vệ sinh của người bệnh để có định hướng bệnh chấy rận.
- Thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán như tìm trứng chấy rận, tìm con trưởng thành để chẩn đoán. Khi xác định được bệnh sẽ có biện pháp điều trị phù hợp.
Các biện pháp điều trị bệnh Chấy rận (chí rận)
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh chấy rận. Tùy từng trường hợp và tình trạng người bệnh, bác sĩ điều trị sẽ tìm các loại thuốc thích hợp và phù hợp để điều trị đạt kết quả cho người bệnh.
Bản thân người bệnh cũng có thể tự điều trị bằng cách bắt trứng và con trưởng thành bằng lược đặc biệt. Người bệnh cần kiểm tra kỹ các nơi có nguy cơ bị chấy rận trên cơ thể để đảm bảo bệnh được điều trị tận gốc.
Ngoài ra, người bệnh còn nên kiểm tra lại các vị trí có nguy cơ có chấy rận như quần áo, tủ quần áo, giường, chiếu, đệm. Người bệnh cần đảm bảo các nơi ấy được vệ sinh sạch sẽ, không còn nguồn bệnh lây lan.
Khi sử dụng thuốc điều trị, người bệnh cần chú ý liều lượng và hướng dẫn sử dụng. Cần sử dụng đúng liều lượng và hướng dẫn, nếu xuất hiện tác dụng phụ cần đi khám chuyên khoa và đổi thuốc khác phù hợp.