Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Bạch hầu thanh quản
Bệnh bạch hầu thanh quản là các trường hợp mắc bệnh bạch hầu mà vị trí khởi đầu nơi vi khuẩn sinh sản là thanh quản. Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở các tuyến hạnh nhân, mũi, hầu họng và thanh quản. Bệnh có thể xuất hiện trên da hoặc các niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc niêm mạc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh biểu hiện tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh hầu hết là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ 2-7 tuổi là hay gặp nhất nên thường được biết đến với tên bạch hầu thanh quản ở trẻ em. Nguồn lây chủ yếu là người bệnh sang người lành khi tiếp xúc trực tiếp nói chuyện, ho hắt hơi... Trên lâm sàng, bệnh bạch hầu còn có thể gặp các thể khác như bạch hầu mũi, bạch hầu họng-amidan... Tuy nhiên, bạch hầu thanh quản chiếm khoảng 1/4 các trường hợp, có thể bạch hầu tiếp tục lan xuống nhưng cũng có thể do bệnh tại chỗ. Bạch hầu thanh quản phổ biến ở trẻ còn bú.
Trẻ mắc bệnh bạch hầu thanh quản nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm về tim mạch, thần kinh và thận, đặc biệt có nguy cơ gây tắc nghẽn đường hô hấp dẫn đến hôn mê và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Đây là bệnh có nhiều biến chứng rất nguy hiểm, vậy nên khi bị bạch hầu thanh quản cần được điều trị tích cực tại cơ sở y tế và theo dõi các biến chứng của bệnh tránh tử vong do tắc thở và đột ngột trụy tim mạch.
Nguyên nhân bệnh Bạch hầu thanh quản
Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu thanh quản đã được xác định đó là do vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae. Vi khuẩn bạch hầu là một trực khuẩn gram dương có tính hiếu khí và không di động. Vi khuẩn chỉ sản xuất được ngoại độc tố khi chính bản vi khuẩn này bị nhiễm một loại virus đặc biệt gọi là thực khuẩn bào (bacteriophage). Trên lâm sàng chỉ có những chủng vi khuẩn có khả năng sinh độc tố mới gây bệnh có các biến chứng nguy hiểm. Khi soi dưới kính hiển vi, vi khuẩn bạch hầu rất mảnh có dạng hình dùi trống hoặc hình que và sắp xếp đặc trưng như hình hàng rào. Vi khuẩn bạch hầu chia làm ba typ là gravis, intermedius và mitis theo thứ tự khả năng gây bệnh giảm dần. Cả ba type vi khuẩn đều có khả năng sinh độc tố nhưng thể bệnh nặng thường do type gravis gây ra.
Tất cả các typ vi khuẩn bạch hầu đều nhạy cảm với các yếu tố vật lý, hoá học. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ chết sau vài giờ, ánh sáng trong nhà sẽ bị diệt sau vài ngày. Tại nhiệt độ 580C vi khuẩn sống được khoảng 10 phút, ở môi trường phenol 1% và cồn 60 độ vi khuẩn chỉ có thể sống được 1 phút. Bản chất của ngoại độc tố bạch hầu là một loại protein có tính kháng nguyên đặc hiệu, độc tính cao và chịu nhiệt kém. Ngoại độc tố của các typ vi khuẩn bạch hầu khác nhau đều giống nhau. Ngoại độc tố bạch hầu khi được xử lý bằng nhiệt độ và formol sẽ mất độc lực, được gọi là giải độc tố dùng làm vắc xin để tiêm phòng bệnh.
Triệu chứng bệnh Bạch hầu thanh quản
Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh bạch hầu thanh quản thường bắt đầu từ hai đến năm ngày sau khi bị nhiễm bệnh và có thể bao gồm:
-
Sốt và ớn lạnh
-
Khó chịu ở trẻ thường biểu hiện quấy khóc, bỏ bú
-
Chảy nước mũi
-
Khó thở và thở nhanh đặc biệt ở trẻ còn bú do trẻ khó thở nên khi bú trẻ phải dừng lại để thở.
-
Sưng các hạch ở cổ
-
Ho ông ổng (barking cough)
-
Khàn tiếng
-
Xuất hiện một màng màu xám dày vùng họng
Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng tiến triển nhanh và cực kỳ nguy hiểm. Do thanh quản là nơi hẹp nhất của đường thở nên nếu màng giả mạc phát triển ở đây, nguy cơ gây tắc nghẽn đường thở rất nhanh đưa đến hôn mê và tử vong.
Đường lây truyền bệnh Bạch hầu thanh quản
Vi khuẩn bạch hầu lây truyền qua các con đường sau:
-
Giọt bắn trong không khí. Khi một người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho ra các giọt bắn mang vi khuẩn, những người ở gần đó có thể hít phải và nhiễm vi khuẩn bạch cầu. Thực tế bệnh bạch hầu chủ yếu lây lan theo cách này, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người.
-
Vật dụng cá nhân bị nhiễm bệnh. Bệnh bạch hầu cũng có thể lây qua tiếp xúc hoặc sử dụng các vật dụng bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
-
Đồ gia dụng bị ô nhiễm. Trong những trường hợp hiếm hoi, bệnh bạch hầu lây lan trên các vật dụng gia đình dùng chung, chẳng hạn như khăn hoặc đồ chơi.
-
Ngoài ra có thể tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu bằng cách chạm vào vết thương bị nhiễm trùng.
Những người đã bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu và chưa được điều trị có thể lây nhiễm cho những người không mắc bệnh trong vòng sáu tuần - ngay cả khi họ không có bất kỳ triệu chứng nào.
Đối tượng nguy cơ bệnh Bạch hầu thanh quản
Những người có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu thanh quản gồm:
-
Trẻ em và người lớn không được tiêm chủng
-
Điều kiện sinh hoạt đông đúc hoặc mất vệ sinh
-
Đi qua hoặc sinh sống tại một khu vực đang có dịch bệnh bạch hầu
Ngày nay bệnh bạch hầu hiếm khi xảy ra ở Hoa Kỳ và Tây Âu, nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cao cho trẻ để phòng chống bệnh bạch hầu trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, bệnh bạch hầu vẫn còn phổ biến ở các nước đang phát triển nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp. Ở những nơi có tỷ lệ tiêm vắc-xin bạch hầu cao, căn bệnh này chủ yếu là mối đe dọa đối với những người chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ, những người đi du lịch nước ngoài hoặc tiếp xúc với những người bệnh từ các nước kém phát triển.
Phòng ngừa bệnh Bạch hầu thanh quản
Trước khi có thuốc kháng sinh, bạch hầu là một bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Ngày nay, căn bệnh này không chỉ có thể chữa được mà còn có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin.
Vắc-xin bạch hầu thường được kết hợp với vắc-xin uốn ván và ho gà (ho gà). Vắc-xin ba trong một được gọi là vắc-xin bạch hầu, uốn ván và ho gà. Phiên bản mới nhất của vắc-xin này được gọi là vắc xin sáu trong một phòng các bệnh sau: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, các bệnh gây ra do hib và bại liệt. Vắc-xin bạch hầu, uốn ván và ho gà là một trong những loại vắc-xin mà các bác sĩ tại Hoa Kỳ khuyên dùng trong thời kỳ sơ sinh. Tiêm vắc-xin bao gồm một loạt năm mũi tiêm, thường được tiêm ở cánh tay hoặc đùi cho trẻ em ở các độ tuổi:
-
2 tháng
-
4 tháng
-
6 tháng
-
15 đến 18 tháng
-
4 đến 6 năm
Vắc-xin bạch hầu có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh bạch hầu. Nhưng có thể có một số tác dụng phụ. Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ, quấy khóc, buồn ngủ hoặc đau tại chỗ tiêm sau khi tiêm vắc-xin. Hiếm khi, vắc-xin bạch hầu gây ra các biến chứng nghiêm trọng ở trẻ, chẳng hạn như phản ứng dị ứng (nổi mề đay hoặc phát ban trong vòng vài phút sau khi tiêm), co giật hoặc sốc - biến chứng có thể điều trị được.
-
Một số trẻ em - chẳng hạn như những trẻ bị động kinh hoặc một số bệnh lý thần kinh khác không nên tiêm loại vắc-xin này.
-
Sau loạt tiêm chủng ban đầu ở thời ấu thơ, cần tiêm nhắc lại vắc-xin bạch hầu để giúp duy trì khả năng miễn dịch. Do khả năng miễn dịch đối với bệnh bạch hầu mất dần theo thời gian.
-
Trẻ em được tiêm chủng khuyến cáo trước 7 tuổi nên được tiêm mũi nhắc lại đầu tiên vào khoảng 11 hoặc 12 tuổi. Lần tiêm nhắc tiếp theo được khuyến nghị 10 năm sau, sau đó lặp lại sau khoảng thời gian 10 năm. Việc tiêm nhắc lại đặc biệt quan trọng nếu bạn đi đến một khu vực thường gặp bệnh bạch hầu.
-
Vắc-xin nhắc lại bạch hầu thường được kết hợp với vắc-xin uốn ván (Td). Vắc-xin kết hợp này thường được tiêm vào cánh tay hoặc đùi.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Bạch hầu thanh quản
Chẩn đoán bệnh bạch hầu họng được xác định qua các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng. Ngay sau khi khám bệnh, nếu nghĩ đến bạch hầu (dựa vào các đặc điểm về dịch tễ, miễn dịch, biểu hiện lâm sàng) thì xét nghiệm quan trọng nhất là lấy giả mạc hoặc bệnh phẩm ở chỗ tổn thương nghi ngờ bạch hầu. Tuy nhiên nếu trên lâm sàng nghi ngờ bạch hầu thì nên tiến hành điều trị ngay mà không cần chờ kết quả cận lâm sàng.
Xét nghiệm nhanh vi khuẩn bạch hầu nhờ vào nhuộm soi Gram. Vi khuẩn có thể bắt màu nhuộm Gram dương, mảnh, hình dùi trống, sắp xếp theo kiểu hình hàng rào. Khi xét nghiệm không tìm thấy vi khuẩn bạch cầu trong khi nhuộm soi cũng không thể loại trừ nguyên nhân bạch hầu.
Chẩn đoán xác định phải dựa vào việc cấy và định danh vi khuẩn nhưng quá trình này thường đòi hỏi thời gian lâu hơn. Ngoài việc nuôi cấy nhằm phân lập vi khuẩn bạch hầu thì bệnh phẩm thường được nuôi cấy trên đĩa thạch để tìm liên cầu tan huyết beta do loại vi khuẩn này cũng gây biểu hiện tại hầu họng tương tự bạch hầu.
Các biện pháp điều trị bệnh Bạch hầu thanh quản
Bạch hầu họng là một bệnh nghiêm trọng. Bệnh nhân cần được điều trị ngay lập tức và tích cực với các loại thuốc sau:
-
Chống độc tố bạch hầu.
Nếu nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, trẻ em hoặc người lớn bị nhiễm sẽ được sử dụng một loại chống độc tố bạch cầu. Thuốc kháng độc tố, được tiêm vào tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, trung hòa độc tố bạch hầu đã lưu hành trong cơ thể. Trước khi cho uống thuốc kháng độc tố, nên thực hiện các xét nghiệm dị ứng da để đảm bảo rằng người bệnh không bị dị ứng với thuốc kháng độc tố.
Với những trường hợp bị dị ứng trước tiên phải được giải mẫn cảm với thuốc kháng độc tố. Giải mẫn cảm được thực hiện bằng cách ban đầu cho liều nhỏ thuốc kháng độc tố và sau đó tăng dần liều lượng.
-
Kháng sinh
-
Bạch hầu cũng được điều trị bằng kháng sinh. Thuốc kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn trong cơ thể, làm sạch nhiễm trùng.
-
Trẻ em và người lớn mắc bệnh bạch hầu thường cần phải vào bệnh viện để điều trị. Các trường hợp mắc bệnh có thể được cách ly đặc biệt vì bệnh bạch hầu có thể lây lan dễ dàng đến bất kỳ ai không được chủng ngừa bệnh.
-
Trong trường hợp bạch hầu thanh quản đến muộn có dấu hiệu bít tắc đường hô hấp cần thực hiện bóc tách giả mạc giúp thông đường hô hấp.
Xem thêm:
- Trẻ tay chân miệng bị giật mình, sốt cao, nổi mụn
- Bé bị tay chân miệng có nổi mẩn đỏ làm sao để hết vết thâm do bỏng nước ở chân?
- Tái sốt virus ở trẻ có nguy hiểm không?
- Trẻ nghịch xi lanh dính máu liệu có nguy cơ nhiễm HIV?
- Trẻ sơ sinh từ mẹ nhiễm viêm gan B đã được tiêm ngừa có nguy cơ lây nhiễm không?
- Bé bị lao cấp tính có chữa khỏi được không? Di chứng về sau như thế nào?
- Mẹ bị thủy đậu có lây nhiễm cho bé không? Bao lâu thì phát bệnh?
- Trẻ bị sốt xuất huyết, tiến hành truyền dịch bị sưng phù mặt có sao không?
- Trẻ ăn chung đũa với người mắc chân tay miệng có nguy cơ lây bệnh không?
- Trẻ sốt 2 ngày kèm theo loét miệng và bỏ ăn có phải mắc chân tay miệng nên điều trị thế nào?