Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Minh Phúc - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có trên 18 năm làm việc trong lĩnh vực sản phụ khoa.
Thận yếu khi mang thai chiếm khoảng 20% tổng số trường hợp suy thận nói chung. Thai phụ cần biết và hiểu về tình trạng suy thận khi mang thai để có biện pháp phòng ngừa, chăm sóc thai kỳ hiệu quả, khỏe mạnh.
Thận yếu khi mang thai là sự suy giảm chức năng thận một cách đột ngột, thường xảy ra trong những tháng thai kỳ. Tình trạng này có những biểu hiệu như thiểu niệu, vô niệu, mức lọc cầu thận giảm. Khi mẹ bầu xét nghiệm các chỉ số như ure, creatinine máu tăng cao, cùng với đó là các triệu chứng của nguyên nhân gây suy thận như nhiễm khuẩn, sỏi niệu quản, sốc,...Bệnh thận trong thai kỳ nói chung hay suy thận cần được chú ý điều trị kịp thời đúng cách để hạn chế nguy cơ biến chứng thai kỳ mà nguy hiểm nhất là tử vong với tỷ lệ cao.
1. Nguyên nhân thận yếu khi mang thai
Phải nhắc đến 3 nhóm nguyên nhân chính gây thận yếu khi mang thai.
Nhóm thứ 1: Do tình trạng mất dịch, mất máu.
Thai phụ có hiện tượng nôn mửa quá mức do nghén nặng, lượng nước sẽ mất nhiều dẫn đến giảm mức lọc cầu thận, suy thận cấp có thể xảy ra. Do mất dịch qua nôn mửa nhiều, mà thai phụ có tình trạng tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, hoặc do dùng thuốc lợi tiểu từ trước đó để điều trị các bệnh khác như tăng huyết áp,...
Mất máu ở thai phụ là nguyên nhân gây tụt huyết áp, suy thận cấp và hay gặp nhất khi sinh nở. Nguyên nhân dẫn đến mất máu ở thai phụ là vỡ tử cung, đờ tử cung, rối loạn đông máu... nhưng không được bù đắp máu kịp thời. Bên cạnh đó các nguyên nhân khác như sốt xuất huyết, chảy máu tiêu hóa cũng có thể làm giảm khối lượng tuần hoàn, khiến giảm mức lọc cầu thận ở thai phụ nhưng số trường hợp ít gặp hơn.
Nhóm thứ 2: Nguyên nhân gây huyết khối vi mạch thận
Nguyên nhân này thường gặp hơn và gây ra hậu quả nặng nề hơn so với các nguyên nhân khác. Đó là chứng ban xuất huyết giảm tiểu cầu, hội chứng tán huyết tăng ure máu, hội chứng HELLP (Tán huyết-hemolysis, tăng men gan-elevated liver enzymes và giảm tiểu cầu-low platelet). Các bệnh lý này có liên quan chặt chẽ đến những tháng cuối trong thai kỳ, thậm chí có thể tồn tại song song cùng tiền sản giật, sản giật ở mẹ bầu gây khó phân biệt dựa trên triệu chứng. Các bệnh này gây suy thận cấp ở thai phụ với tiên lượng xấu khi mắc phải.
Một nguyên nhân nữa gây tắc vi mạch thận là tắc mạch ối. Đây là nguyên nhân gây tử vong rất cao ở phụ nữ có bầu. Tắc mạch ối gây suy thận tuần hoàn cấp theo cả hai cơ chế sốc phản vệ và sốc tắc nghẽn (tắc nghẽn mạch phổi) với bệnh cảnh có hội chứng đông máu nội quản rải rác nên gây tổn thương thận cấp ở thai phụ.
Nguyên nhân gây suy thận cấp ở phụ nữ có bầu là hoại tử ống thận, vỏ thận cấp – hậu quả của sang chấn bánh nhau, tử cung khi đẻ, thai chết lưu hoặc tắc mạch ối.
Nhóm thứ 3: Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Là một trong những nguyên nhân gây suy thận khi mang thai, nguyên nhân này có thể xuất hiện khi bệnh lý nhiễm khuẩn làm giảm tưới máu thận và hoại tử ống thận cấp. Các biểu hiện chính của suy thận khi mang thai do nguyên nhân này là sốt cao, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu hoặc có mủ. Khi mang thai có nhiều yếu tố khiến thai phụ dễ bị nhiễm khuẩn ngược dòng như niệu quản bị thai chèn ép hoặc bị giãn, giảm nhu động; bàng quang cũng giảm trương lực, ứ đọng nước tiểu. Hoặc do các vi khuẩn thường gặp như E.coli, trực khuẩn mủ xanh, klebsiella pneumoniae, cầu khuẩn đường ruột...
Trong thai kỳ, khi thai nhi lớn dần lên sẽ gây một sự chèn ép nhất định lên hệ thống thận tiết niệu, đặc biệt là niệu quản, bàng quang, điều này khiến nhiều thai phụ gặp phải tình trạng cản trở lưu thông nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang. Như vậy nước tiểu sẽ ứ lại gây giãn, tăng áp lực đài bể thận, làm giảm mức lọc cầu thận, dần dần dẫn đến suy thận. Tình trạng tắc nghẽn kéo dài công thêm nhiễm khuẩn, tăng nguy cơ bệnh thận khi mang thai ngày càng lớn.
2. Phòng ngừa một số bệnh thận khi mang thai
Phụ nữ mắc bệnh thận cần cẩn thận và chú ý khi mang thai, đặc biệt cần được bác sĩ theo dõi điều trị thường xuyên.
Bệnh cầu thận viêm cấp tính: Chị em vẫn có thể có thai bình thường dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ sản khoa và bác sĩ chuyên khoa nội điều trị bệnh thận. Bệnh nhân cần kiểm soát cân nặng, huyết áp, protein niệu. Trong 3 tháng cuối thai kỳ cần có chỉ định chấm dứt thai kỳ đúng lúc khi có các triệu chứng đe dọa đến sức khỏe thai phụ và thai nhi.
Bệnh lý hội chứng thận hư nguyên phát: Nếu bệnh khỏi hoàn toàn trên 6 tháng và chức năng thận trở về trạng thái bình thường, hoặc suy thận độ 1 thì vẫn có thai được bình thường. Trong trường hợp bệnh ít giảm, có suy thận độ 2 trở lên, khuyến nghị không nên có thai.
Bệnh suy thận mạn tính: Do nguyên nhân nào như viêm cầu thận, bệnh thận đa nang, sỏi thận thì việc có thai ảnh hưởng rất nhiều đến diễn tiến bệnh của thai phụ. Các biến chứng nguy hiểm có thể dễ dàng xảy đến với thai phụ bị suy thận mạn tính. Các chuyên gia khuyên có thể có thai khi suy thận mạn ở giai đoạn 1, 2, dưới sự theo dõi, điều trị chặt chẽ. Thai phụ suy thận mãn tính cần khống chế được huyết áp, đề phòng viêm nhiễm. Đặc biệt, suy thận ở cuối giai đoạn 2 thì không nên có thai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM