Yếu tố ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh võng mạc đái tháo đường

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Một trong những biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường chính là bệnh võng mạc. Bên cạnh việc kiểm soát đường huyết tốt, người mắc bệnh võng mạc cần được khám chữa bệnh sớm nhằm tránh biến chứng nặng ở mắt.

1. Bệnh võng mạc tiểu đường là gì?

Một trong những bệnh lý do tình trạng rối loạn của các mạch máu ở võng mạc gây ra bởi bệnh đái tháo đường là bệnh lý võng mạc đái tháo đường (VMĐTĐ). Ở các nước phát triển, đây chính là nguyên nhân gây mù lòa ở những người trong độ tuổi lao động. Căn bệnh này đang ngày càng trở nên phổ biến hơn ở những người trưởng thành tại Việt Nam.

Theo thời gian bị bệnh đái tháo đường, tỷ lệ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường càng gia tăng. Tổn thương mạch máu trong mắt sẽ xảy ra với khoảng 60% bệnh nhân có khoảng thời gian mắc bệnh đái tháo đường từ 15 năm trở lên, trong đó một phần trăm trong số này sẽ có nguy cơ mù lòa.

2. Yếu tố ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh võng mạc đái tháo đường?

Tỷ lệ bệnh tiểu đường ở nước ta đang tăng nhanh hiện nay: với khoảng 200% trong vòng 10 năm từ 2002-2010. Phần lớn các trường hợp còn ít biết về bệnh và những biến chứng của bệnh tiểu đường. Võng mạc tiểu đường là bệnh lý có thể gặp ở bất cứ ai mắc bệnh tiểu đường, bao gồm cả type 1 và type 2.

Nếu không kiểm soát lượng đường trong máu tốt, người mắc bệnh tiểu đường sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh võng mạc tiểu đường. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân mắc võng mạc tiểu đường thường không có biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện ở mức độ nhẹ.

Bệnh sẽ trở nặng nếu người bệnh chủ quan không đi khám và điều trị sớm với những tổn thương của bệnh đáy mắt như: xuất huyết võng mạc, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc, phù hoàng điểm,...thậm chí là mù lòa.

Thời gian bị tiểu đường càng dài và mức độ kiểm soát bệnh tiểu đường càng kém thì tỷ lệ bệnh võng mạc tiểu đường càng tăng. Để được phát hiện võng mạc tiểu đường trong giai đoạn sớm, người mắc bệnh tiểu đường cần đến bác sĩ mắt kiểm tra thường xuyên hàng năm.


Võng mạc tiểu đường có thể gặp ở bất cứ bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nào
Võng mạc tiểu đường có thể gặp ở bất cứ bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nào

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh võng mạc đái tháo đường, bao gồm:

  • Tăng huyết áp, huyết áp cao làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu, đặc biệt là xuất huyết do vỡ mạch máu.
  • Thời gian mắc bệnh đái tháo đường, không phát hiện được do không khám sử khỏe định kỳ, dẫn đến bệnh tiến triển nhiều năm mà không được điều trị kiểm soát
  • Không kiểm soát được chỉ số đường huyết như đường máu lúc đói, HbA1C
  • Chỉ số mỡ máu, đặc biệt trong đó là chỉ số LDL-C (mỡ xấu)
  • Phụ nữ đang mang thai bị tiểu đường, cần có chế độ theo dõi và kiểm soát đường huyết riêng, như sử dụng insulin

3. Triệu chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường

Bệnh võng mạc đái tháo đường được chia làm hai giai đoạn, bao gồm không tăng sinh và tăng sinh. Giai đoạn không tăng sinh sẽ diễn ra những sự thay đổi vi mạch, còn giai đoạn tăng sinh được đặc trưng bởi phát triển tân mạch ở võng mạc.

Nguyên nhân chính gây giảm thị lực trung tâm là phù hoàng điểm, có thể gặp ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh võng mạc đái tháo đường.

Bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh

Vi phình mạch, xuất huyết võng mạc, xuất tiết lipid và xuất tiết bông, chuỗi hạt tĩnh mạch là những biểu hiện của bệnh võng mạc đái tháo đường.

Người bệnh thường không có triệu chứng, cũng không gây đau, chỉ phát hiện thông qua kiểm tra đáy mắt với giãn đồng tử qua đó chụp hình võng mạc ở giai đoạn bệnh võng mạc đái tháo đường.

Khi bệnh tiến triển, thị lực bệnh nhân bị ảnh hưởng, thị lực giảm nhiều nếu có phù hoàng điểm. Các dấu hiệu điển hình khi bệnh tiến triển, bao gồm:

  • Nhìn mờ
  • Có thể nhìn thấy những chấm đen hay ruồi bay
  • Có thể nhìn thấy hai hình ảnh của một vật
  • Mắt đau
  • Biểu hiện phù hoàng điểm: nhận biết hình ảnh trung tâm của thị lực, gặp vấn đề khi đọc, nhìn thấy những điểm tối ở ngay giữa mắt.

Nhìn mờ là biểu hiện của võng mạc tiểu đường không tăng sinh
Nhìn mờ là biểu hiện của võng mạc tiểu đường không tăng sinh

Bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh

Bên cạnh các triệu chứng như trong bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh, võng mạc đái tháo đường tăng sinh còn bao gồm tân mạch ở võng mạc, xơ mạch võng mạc, đĩa thị, có thể xuất hiện tân mạch mống mắt.

Điều quan trọng là bạn cần đi khám kiểm tra sàng lọc võng mạc thường xuyên bởi bệnh võng mạc tăng sinh có thể phát triển mà không gây ra triệu chứng. Tình trạng xuất huyết hoặc bong võng mạc có thể gây ra một số triệu chứng như:

  • Đột ngột xuất hiện những hình nổi trong tầm nhìn
  • Nhìn hình bị méo
  • Mất thị lực

4. Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường

Kiểm soát đường máu, huyết áp và mức cholesterol máu là rất quan trọng nhằm điều trị tích cực bệnh tiểu đường. Võng mạc đái tháo đường ( tiểu đường) là một biến chứng của bệnh tiểu đường nên diễn biến liên tục, đặc biệt là khi hàm lượng đường trong máu không được kiểm soát. Vì vậy người bệnh cần phải được theo dõi và có phương pháp điều trị kịp thời.

Điều trị bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh

  • Bệnh nhân cần được khám mắt sau 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh đái tháo đường type 1. Cần đi khám ngay khi phát hiện nếu là đái tháo đường type 2. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường cần đi khám mắt định kỳ 3 tháng.
  • Khám mắt định kỳ 6 tháng đến 1 năm nếu chưa thấy biểu hiện bệnh võng mạc đái tháo đường

Thường không cần điều trị laser quang đông đối với bệnh nhân tiểu đường không tăng sinh, ngoại trừ bệnh không thể theo dõi thường xuyên, đặc biệt mắt còn lại mất thị lực do biến chứng của bệnh lý võng mạc đái tháo đường tăng sinh.

Bệnh nhân tiểu đường thường mắc đục thủy tinh thể ở độ tuổi sớm hơn bởi Người mắc bệnh tiểu đường có xu hướng phát triển đục thủy tinh thể sớm hơn và có thể dễ xảy ra đục thủy tinh thể hình thái dưới bao sau hơn những bệnh nhân khác.

Cần thực hiện đánh giá thị lực của bệnh nhân và bệnh lý đáy mắt với mức độ đục thủy tinh thể.

Cần khám võng mạc cẩn thận tìm nguyên nhân gây mất thị lực nếu bệnh nhân có tổn thương thị lực nhiều đi kèm với đục thủy tinh thể nhẹ.

Phẫu thuật thủy tinh thể giúp bệnh nhân tiểu đường cải thiện thị lực và quan sát đáy mắt dễ hơn, tuy nhiên sau mổ đục thủy tinh thể một số trường hợp bệnh lý võng mạc tiểu đường có thể tiến triển nhanh hơn, phù hoàng điểm và khó tiên lượng thị lực sau mổ.


Phẫu thuật thủy tinh thể giúp cải thiện thị lực của người bệnh
Phẫu thuật thủy tinh thể giúp cải thiện thị lực của người bệnh

Điều trị phù hoàng điểm

  • Theo dõi 3 – 6 tháng với những bệnh nhân bị phù hoàng điểm không có tổn thương trung tâm, cân nhắc quang đông khu trú những vi phình mạch gây rò dịch.
  • Theo dõi 1 – 3 tháng với những bệnh nhân bi phù hoàng điểm có tổn thương trung tâm, cân nhắc quang đông khu trú hoặc điều trị anti-VEGF (Lucentis, Avastin, Eylea) nội nhãn khoa hoặc kết hợp với anti-VEGF nếu cần.
  • Theo dõi 3 – 6 tháng những bệnh nhân phù hoàng điểm ổn định

Tân mạch hắc mạc, xơ dưới võng mạc, lan rộng sẹo laser...là những tác dụng phục và biến chứng của điều trị laser. Xuất huyết kết mạc, tăng nhãn áp, nhiễm trùng – viêm nội nhãn,... là những tác dụng phụ và biến chứng của tiêm thuốc nội nhãn.

Điều trị bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh

Khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ từ 1 – 3 tháng với những bệnh nhân võng mạc tiểu đường tiền tăng sinh, hoặc đã điều trị tạm thời ổn định.

Bảo tồn thị lực bằng cách làm thoái triển tân mạch và ngăn tăng sinh tiếp tục là mục đích chính của điều trị bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh.

Điều trị laser

Điều trị laser giúp giảm sản xuất yếu tố sinh mạch, cải thiện quá trình oxy hóa của các lớp võng mạc trong bị thiếu máu qua hiệu quả làm mỏng trên võng mạc hoặc hình thành các mạch nối hắc – võng mạc; tạo ra những yếu tố ức chế tân mạch bằng việc gây biến đổi biểu mô sắc tố.

Điều trị laser toàn bộ võng mạc giúp ngăn tiến triển bệnh võng mạc tiểu đường và giảm nguy cơ mất thị lực nặng do bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh.

Một trong những chỉ định điều trị laser toàn bộ võng mạc bao gồm tân mạch mống mắt hoặc góc tiền phòng, đó là dấu hiệu thiếu máu võng mạc nặng. Khi điều trị laser toàn bộ võng mạc, tân mạch mống mắt có thể thoái triển .

Vẫn có thể điều trị laser toàn bộ võng mạc nếu đã có gloucom tân mạch vì thoái triển tân mạch góc tiền phòng (do điều trị laser) có thể cải thiện hiệu quả của phẫu thuật điều trị gloucom sau đó.


Điều trị laser toàn bộ võng mạc giúp ngăn tiến triển bệnh võng mạc tiểu đường
Điều trị laser toàn bộ võng mạc giúp ngăn tiến triển bệnh võng mạc tiểu đường

Điều trị laser toàn bộ võng mạc có thể gây ra một số tác dụng phụ và biến chứng sau:

  • Thị lực trung tâm giảm tạm thời trong vài tuần đầu
  • Biến chứng phù hoàng điểm tăng: laser khu trú điều trị phù hoàng điểm trước khi laser toàn bộ võng mạc và chia thành nhiều đợt để phòng ngừa biến chứng này.
  • Thị lực giảm trong tối
  • Thị trường chu biên hẹp
  • Giảm phân biệt màu
  • Tạm thời mất điều tiết, lóa mắt
  • Cảm giác đau thoáng qua
  • Tình trạng bong võng mạc xuất tiết
  • Tăng nhãn áp
  • Rủi ro gây bong hoàng điểm
  • Tăng tình trạng bong võng mạc cơ kéo

Lạnh đông

Phương pháp này được chỉ định khi các môi trường quang học của mắt bị đục (đục thể thủy tinh, xuất huyết dịch kính) hoặc bệnh nhân quá yếu không chịu đựng được phẫu thuật cắt dịch kính, để loại bỏ vùng võng mạc thiếu máu cần đông lạnh qua củng mạc sau thể mi. Có thể làm thoái triển tân mạch bán phần trước và sau bằng phương pháp đông lạnh.

Cắt dịch kính

Cắt dịch kính được chỉ định trong bệnh võng mạc tiểu đường trong các trường hợp sau:

  • Tình trạng xuất huyết dịch kính không tiêu sau 4 tuần.
  • Hoàng điểm bị xâm nhập hoặc đe dọa do bong võng mạc co kéo
  • Tình trạng bong võng mạc co kéo và rách
  • Mặc dù đã được laser toàn bộ võng mạc nhưng tăng sơ sinh xơ mạch vẫn tiếp tục tiến triển, giảm thị lực do co kéo hoàng điểm.

Để đối phó với tình trạng võng mạc do tiểu đường, người bệnh nên tìm đến những cơ sở y tế uy tín để thực hiện các phương pháp chẩn đoán và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe