Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Bác sĩ Xét nghiệm vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Virus Espstein-Barr EBV (EBV) lọai virus thuộc họ Herpes, đây là virus phổ biến nhất trên thế giới. Theo một số cuộc nghiên cứu cho thấy, hơn 90% người trưởng thành từng bị nhiễm virus EBV. Thực hiện xét nghiệm EBV giúp phát hiện EBV có trong máu hay không.
1. EBV là gì?
EBV là virus lây truyền từ người sang người qua nước bọt, chính vì vậy nó còn có tên gọi khác là bệnh của nụ hôn. EBV cũng có thể lây truyền qua chất bài tiết của đường sinh dục. Bệnh thường không có biểu hiện hay triệu chứng gì khác biệt đối với trẻ bị nhiễm virus cấp thường.
Có khoảng 30--50% bệnh nhân mắc bệnh ở độ tuổi trưởng thành có biểu hiện của bệnh bạch cầu đơn nhân, bao gồm cảm giác mệt mỏi, khó chịu, sốt, hạch bạch huyết bị sưng, đau đầu, lách to.... Virus EBV còn liên quan đến những rối loạn lympho hoặc có thể là một số bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư mũi họng, ung thư lympho Hodgkin, ung thư dạ dày, u lympho Burkitt....đối với những bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch.
EBV gồm 2 loại chính, EBV loại 1 và EBV loại 2. Sự khác nhau giữa 2 loại này chính là gen EBNA .Nguyên nhân khiến khả năng biến đổi và khả năng kích hoạt của gene này có sự khác biệt chính là do sự khác nhau này.
Để chẩn đoán xem bệnh nhân nhiễm virus EBV ở giai đoạn cấp tính hay đã từng bị nhiễm hoặc tái phát, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm EBV.
2. Xét nghiệm EBV
Bao gồm:
- Thực hiện xét nghiệm kháng thể kháng nguyên vỏ IgM của virus (VCA):. VCA IgM có thể xuất hiện sớm và tồn tại trong khoảng từ 4-6 tuần, cũng có thể kéo dài dai dẳng hơn trong vài tháng đối với những bệnh nhân bị nhiễm EBV ở giai đoạn cấp.
- Thực hiện xét nghiệm kháng thể kháng nguyên vỏ IgG của virus: EBV VCA IgG có thể đạt mức cao nhất ở tuần thứ 2 - tuần thứ 4 sau khi bệnh khởi phát và giảm dần theo thời gian rồi tồn tại suốt đời. VCA IgG có thể xuất hiện cùng thời gian với IgM, EBV VCA IgG có thể cũng xuất hiện sớm ở những bệnh nhân bị nhiễm EBV ở giai đoạn cấp.
- Thực hiện xét nghiệm kháng thể kháng kháng nguyên D từ sớm: kháng thể kháng EA-D IgG xuất hiện trong giai đoạn cấp tính của bệnh và tồn tại kéo dài từ 3-6 tháng. Dù điều này có thể không thường xuyên xảy ra. Với một số trường hợp, sự xuất hiện của kháng thể kháng EA-D IgG cũng là dấu hiệu cho thấy bạn đã bị nhiễm virus EBV hoạt động. Kháng thể kháng EA-D cũng có thể tồn tại ở những người khỏe mạnh trong nhiều năm, tỷ lệ này chiếm gần 20%.
- Thực hiện xét nghiệm kháng thể kháng kháng nguyên 1 nhân Epstein Barr: EBNA-1 IgG sẽ không xuất hiện trong giai đoạn cấp nhiễm EBV ở thời gian 3 - 4 tuần đầu bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang. Tuy nhiên, sau khoảng từ 2-4 tháng kể từ thời điểm khởi phát các triệu chứng của bệnh, EBNA-1 IgG sẽ dần xuất hiện và tồn tại.
Chính vì vậy, EBNA-1 IgG được coi là một trong những chỉ dẫn khi nhiễm EBV đã qua. EBNA-1 IgG thường sẽ cho kết quả âm tính hoặc có mức độ thấp ở những bệnh nhân nhiễm EBV mạn tĩnh hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch.
2.2 Xét nghiệm EBV PCR: Nhằm xác định sự có mặt của AND virus EBV trong bệnh phẩm. Tùy các trường hợp bệnh mà Bác sỹ cho chỉ định EBV PCR bệnh phẩm máu, dịch não tủy hay các bệnh phẩm khác. Đây là Phương pháp xét nghiệm có độ nhạy cao, đặc hiệu cho tình trạng đang nhiễm EBV trong cơ thể. Khi EBV PCR dương tính có Nghĩa là cơ thể bạn đang nhiễm virus EBV.
3. Xét nghiệm EBV được chỉ định khi nào?
Xét nghiệm EBV được chỉ định trong các trường hợp sau đây:
- Người bệnh xuất hiện các triệu chứng giống như triệu chứng của bệnh bạch cầu đơn nhân, bao gồm: mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, đau đầu, sốt, lách to...
- Xác định xem người bệnh đã từng tiếp xúc với virus EBV hay không.
- Phụ nữ mang thai xuất hiện các triệu chứng giống cảm cúm, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán xem nguyên nhân gây ra những triệu chứng đó có phải là do virus EBV gây ra hay không.
- Để theo dõi mức độ kháng thể thay đổi như thế nào, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm này lặp đi lặp lại nhiều lần trong trường hợp ở xét nghiệm đầu tiên cho kết quả âm tính nhưng bệnh nhân bị nghi ngờ nhiễm EBV.
4. Ý nghĩa xét nghiệm EBV
Kết quả nhận được khi thực hiện xét nghiệm EBV huyết thanh học chính là xác định sự có mặt của các kháng thể kháng kháng nguyên của virus EBV.
Trong cơ thể có kháng thể nếu kết quả nhận được là dương tính, còn nếu âm tính, nghĩa là có thể không có sự xuất hiện của kháng thể hoặc kháng thể vẫn còn ở mức thấp nên chưa thể phát hiện được thông qua xét nghiệm. Hiệu giá kháng thể trong cơ thể người bệnh cũng có thể được xác định thông qua xét nghiệm này.
Một số kháng thể immunoglobulin cũng có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm này. Việc xác định kháng thể giúp chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng xảy ra lúc nào. Ở giai đoạn cấp nhiễm EBV có thể tìm thấy được kháng thể IgM, đây cũng là giai đoạn mà bệnh bạch cầu đơn nhân hoạt động. Khoảng 3-4 tuần sau khi nhiễm virus, có thể tìm thấy kháng thể IgG.
Kết quả EBV PCR nhằm xác định sự có mặt của AND virus. PCR Dương tính có nghĩa là đang có sự tồn tại, sự có mặt của virus EBV trong cơ thể và âm tính nghĩa là không có virus trong cơ thể.
Nhìn chung, các xét nghiệm kháng thể kháng kháng nguyên EBV ít có giá trị hơn xn EBV AND PCR. Muốn xác định virus đang gây bệnh cần dựa thêm triệu chứng Lâm sang từ thăm khám của Bác sỹ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.