Ý nghĩa của protein phản ứng C độ nhạy cao (hsCRP)

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Ngọc Hùng - Trưởng khoa Xét nghiệm - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

C-reactive protein (CRP) là protein gia tăng nồng độ trong máu trong bệnh lý viêm và nhiễm trùng cũng như trong các cơn đau tim, phẫu thuật, hoặc chấn thương. Các nghiên cứu cho thấy rằng tại mức độ thấp và hằng định của hiện tượng viêm giữ vai trò quan trọng trong xơ mỡ mạch máu, hẹp mạch máu do tăng cholesterol và các lipid khác.

Xét nghiệm hs-CRP đo lường chính xác mức độ thấp của CRP để xác định sự thấp và hằng định của phản ứng viêm, giúp dự đoán nguy cơ phát sinh bệnh lý tim mạch.

1. Xét nghiệm protein phản ứng C độ nhạy cao là gì?

Có 2 xét nghiệm định lượng CRP và mỗi xét nghiệm đo khoảng phạm vi khác nhau của CRP trong máu cho các mục đích khác nhau:

  • Xét nghiệm chuẩn CRP đo chủ yếu mức nồng độ cao của protein giúp chẩn đoán bệnh lý gây viêm nặng. Xét nghiệm này đo CPR trong khoảng 10 – 1000 mg/L. Thường chỉ định trong phát hiện bệnh lý viêm (còn gọi là C-Reactive Protein).
  • Xét nghiệm hs-CRP đo chính xác mức độ thấp protein thấp hơn nhiều so với xét nghiệm CRP chuẩn nêu trên. XN nay đo CRP trong khoảng 0.5 – 10 mg/L. XN này được chỉ định để đánh giá người có nguy cơ bệnh lý tim mạch.

Protein phản ứng C (C-reactive protein - CRP) là loại protein được tổng hợp bởi gan, có ở pha cấp cổ điển trong các phản ứng viêm. Loại protein này là chất phản ứng pha cấp nhạy nhất và nồng độ CRP tăng nhanh trong suốt quá trình viêm. CRP có thể tăng trong máu khi cơ thể có tình trạng viêm, nhiễm khuẩn hoặc sau cơn đau tim, phẫu thuật hay chấn thương.

Các nghiên cứu cho thấy mức độ viêm thấp kéo dài có liên quan tới chứng xơ vữa động mạch, tình trạng tích tụ cholesterol và các lipid khác gây hẹp các mạch máu. Các tình trạng trên thường liên quan đến bệnh tim mạch (Cardiovascular Diseases - CVD). Bệnh tim mạch là các bệnh rối loạn tim và mạch máu gồm: Bệnh mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại biên, xơ vữa động mạch chủ, phình động mạch chủ ngực hoặc động mạch chủ bụng. Để đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ngoài các yếu tố như lipid, lipoprotein, xét nghiệm protein phản ứng độ nhạy cao (high-sensitivity C-reactive protein - hs-CRP) cũng được sử dụng. Xét nghiệm hs-CRP đo chính xác mức CRP thấp (0,5 – 10 mg/L) để xác định mức độ viêm thấp kéo dài, giúp chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch của những người chưa mắc bệnh.

2. Chỉ định và quy trình xét nghiệm protein phản ứng C độ nhạy cao


Xét nghiệm hs-CRP được chỉ định cho nam giới từ 50 tuổi trở lên và nữ giới từ 60 tuổi trở xuống có nguy cơ trung bình
Xét nghiệm hs-CRP được chỉ định cho nam giới từ 50 tuổi trở lên và nữ giới từ 60 tuổi trở xuống có nguy cơ trung bình

2.1 Chỉ định

Xét nghiệm hs-CRP được sử dụng để đánh giá nguy cơ đau tim và đột quỵ. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ tìm ra phương án giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm thiểu những rủi ro do bệnh gây ra. Những đối tượng được chỉ định thực hiện xét nghiệm là:

  • Nam giới từ 50 tuổi trở lên và nữ giới từ 60 tuổi trở xuống có nguy cơ trung bình;
  • Nam và nữ giới lớn tuổi hơn độ tuổi nêu trên, có LDL-C thấp hơn 3,33 mmol/L (130mg/L) và đáp ứng với một số tiêu chí khác như không có bệnh tim, bệnh thận, bệnh tiểu đường hoặc tình trạng viêm;
  • Chỉ định lặp lại để chẩn đoán chính xác bệnh nhân có tình trạng viêm nhẹ kéo dài hay không. Cụ thể, khi kết quả hs-CRP > 10mg/L, nên đo hs-CRP lặp lại, tối ưu cách nhau 2 tuần, có thể nhịn ăn hoặc không nhịn ăn ở bệnh nhân không bị nhiễm trùng hoặc bị bệnh cấp tính.

2.2 Chuẩn bị thực hiện

  • Bệnh nhân có thể được yêu cầu không ăn hoặc uống trong vài giờ trước khi xét nghiệm;
  • Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về tất cả những loại thuốc đang dùng vì thuốc có thể ảnh hưởng tới kết quả của xét nghiệm;
  • Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về cách thực hiện, kết quả, nguy cơ rủi ro của xét nghiệm.

2.3 Thực hiện xét nghiệm hs-CRP

  • Lấy mẫu máu: Nhân viên y tế quấn một dải thun quanh cánh tay để ngăn dòng máu chảy, làm sạch vị trí lấy máu bằng cồn, đặt kim vào tĩnh mạch và lấy đầy máu vào ống tiêm. Khi thu thập đủ máu, nhân viên y tế sẽ tháo băng ra khỏi cánh tay, đặt một miếng gạc lên vị trí kim vừa được rút ra rồi băng lại;
  • Đưa mẫu máu tới phòng xét nghiệm, thực hiện xét nghiệm và trả kết quả cho bệnh nhân.

3. Giá trị của xét nghiệm protein phản ứng C độ nhạy cao (hs-CRP)


Mang thai là một trong số những yếu tố ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm protein C độ nhạy cao
Mang thai là một trong số những yếu tố ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm protein C độ nhạy cao

Protein phản ứng độ nhạy cao được sử dụng để cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ của bệnh nhân. Các nhóm rủi ro được xác định dựa trên định lượng CRP trong máu người bệnh như sau:

  • Nguy cơ thấp: < 1,0 mg/L;
  • Nguy cơ trung bình: 1,0 - 3,0 mg/L;
  • Nguy cơ cao: > 3,0 mg/L.

Những yếu tố ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm protein C độ nhạy cao gồm:

  • Mang thai;
  • Bệnh nhân dùng thuốc chống viêm không steroid;
  • Phụ nữ mãn kinh hoặc đã được điều trị bằng hormone;
  • Gần đây mới mắc bệnh, chấn thương mô, viêm hoặc nhiễm trùng;
  • Mắc bệnh viêm mãn tính (viêm khớp);
  • Uống statin.

Mức độ hs-CRP cao ở những người khỏe mạnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh đột quỵ, đau tim, tử vong tim đột ngột hoặc bệnh động mạch ngoại biên. Người có giá trị hs-CRP cao sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn những người có giá trị hs-CRP thấp.

*Lưu ý:mức độ hs-CRP nhỏ và có thể thay đổi do nhiều yếu tố nên xét nghiệm này cần được thực hiện ít nhất 2 lần, tốt nhất là cách nhau 2 tuần để cho kết luận chính xác nhất. Đồng thời, nên kết hợp xét nghiệm hs-CRP với các xét nghiệm như cholesterol toàn phần, triglyceride, HDL-C, LDL-C,... để đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch chính xác hơn.

4. Ý nghĩa của xét nghiệm protein phản ứng C độ nhạy cao

  • Hs-CRP phản ánh nguy cơ tiến triển của bệnh tim mạch: Mức độ hs-CRP có thể tăng từ 0,5 mg/dL ở bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định lên mức 20 mg/dL ở người bệnh nhồi máu cơ tim cấp;
  • Hs-CRP phản ánh tình trạng viêm liên quan tới xơ vữa động mạch: Giá trị hs-CRP tăng là dấu hiệu cảnh báo mức độ nghiêm trọng và tình trạng tiến triển của xơ vữa động mạch;
  • Hs-CRP phản ánh mức độ thiếu máu cục bộ cơ tim có hoại tử cơ tim;
  • Hs-CRP phản ánh số lượng và hoạt động của các Cytokine gây viêm cục bộ và lưu hành;
  • Hs-CRP có giá trị trong chẩn đoán bệnh trầm cảm kháng điều trị.

5. Một số yếu tố có thể làm giảm mức độ hs-CRP


Sử dụng thuốc có thể làm giảm mức độ hs-CRP
Sử dụng thuốc có thể làm giảm mức độ hs-CRP

  • Thay đổi lối sống: Duy trì một chế độ ăn uống khỏe mạnh, tập thể dục đều đặn, giữ trọng lượng cân đối, kiểm soát huyết áp, hạn chế bia rượu và bỏ thuốc lá;
  • Sử dụng thuốc: Dùng các thuốc chống viêm không steroid như aspirin, naproxen, ibuprofen hoặc các thuốc statin theo chỉ định của bác sĩ điều trị;
  • Sử dụng các thực phẩm chức năng: Gừng, curcumin, cỏ cari, polyphenol chè xanh, lợi khuẩn cho đường ruột, acid béo Omega-3, vitamin C, vitamin D, vitamin E, magie, kẽm,... theo chỉ định của bác sĩ.

Xét nghiệm protein phản ứng C độ nhạy cao (hs-CRP) được sử dụng để đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở những người khỏe mạnh và là một dấu hiệu chỉ dẫn tiên lượng bệnh tái phát, từ đó hỗ trợ bác sĩ đưa ra phương hướng sàng lọc và điều trị bệnh hiệu quả hơn.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe