Đầu trẻ sơ sinh bị biến dạng là điều khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Các dị tật liên quan đến khớp sọ có thể được phát hiện qua các biểu hiện như xương lồi sau đầu trẻ sơ sinh. Việc chẩn đoán sớm các bất thường này giúp trẻ được điều trị, can thiệp kịp thời.
1. Giải phẫu hộp sọ
Trong cơ thể người, hộp sọ là khung bảo vệ não bộ. Hộp sọ gồm có 6 xương chính là xương sàng, xương trán, xương chẩm, xương đỉnh, xương bướm, và xương thái dương.
Bình thường, ở trẻ sơ sinh, xương sọ vẫn tách rời riêng biệt, các đường khớp còn lỏng lẻo. Cho đến khi trẻ 2 tuổi, các xương sọ này sẽ bắt đầu cài vào nhau bởi các đường khớp sọ. Các đường khớp này chỉ dính thực sự sau 20 tuổi, tạo nên hộp sọ cứng chắc để bảo vệ não bộ.
2. Dị tật dính khớp sọ sớm ở trẻ là gì?
Dị tật dính khớp sọ sớm là một dị tật bẩm sinh xảy ra ở trẻ do các đường khớp sọ dính với nhau sớm làm cho xương sọ không mở rộng bình thường theo phát triển của não bộ, dẫn đến hộp sọ có hình dạng bất thường và có thể biểu hiện với tình trạng xương lồi sau đầu trẻ sơ sinh.
Trong 12 tháng đầu đời của trẻ, thể tích não bộ tăng nhanh (1.5-2 lần), nếu các khớp sọ liền sớm sẽ làm hộp sọ không thể giãn ra tương ứng. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng như tăng áp lực nội sọ, ảnh hưởng đến thị giác, thậm chí là chậm phát triển trí tuệ. Đầu trẻ biến dạng còn gây ảnh hưởng tâm lý khi trẻ trưởng thành.
Loại dị dạng và mức độ nghiêm trọng của dị tật này phụ thuộc vào:
- Đường khớp sọ bị dính.
- Số lượng đường khớp sọ bị dính.
- Thời điểm dính khớp sọ trong quá trình phát triển của trẻ.
- Các đường khớp khác không bị dính sớm có cho phép mở rộng não bộ?
Dính sớm một hoặc nhiều đường khớp ở trẻ sơ sinh làm thay đổi hình dạng hộp sọ, tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng không phải khi nào hình dáng đầu trẻ sơ sinh bất thường đều là hệ quả của dị tật dính khớp sọ sớm. Đầu trẻ sơ sinh bị biến dạng có thể liên quan đến các bất thường tự điều chỉnh được như chấn thương mà trẻ gặp phải trong lúc sinh hoặc do tư thế đầu của thai nhi.
3. Các loại dị tật dính khớp sọ sớm ở trẻ sơ sinh
3.1. Dính khớp dọc
Đây là dị tật dính khớp sọ sớm phổ biến nhất với tỷ lệ mắc lên đến 3-5/1000 trẻ sơ sinh, bệnh phổ biến hơn ở trẻ trai. Trẻ mắc dị tật này thường biểu hiện tật đầu hình thuyền do khớp dọc đóng sớm làm hộp sọ không thể mở rộng sang hai bên, buộc phải phát triển ra trước và ra sau. Phụ huynh và những người chăm sóc trẻ có thể phát hiện thấy trán nhô, đầu dài theo chiều trước sau, thậm chí có thể thấy xương lồi sau đầu trẻ sơ sinh.
3.2. Dính khớp vành một bên
Đóng đường khớp vành sớm một bên biểu hiện tật đầu méo trước ở trẻ với các đặc điểm: trán dẹt một bên, sọ và mũi lệch sang một bên, hốc mắt một bên bị kéo lên trên. Dị tật này có thể khiến trẻ giảm thị lực, thậm chí là mù mắt cùng bên nếu không được điều trị kịp thời.
3.3. Dính khớp lamda
Nếu như dính đường khớp vành một bên gây nên tật đầu méo trước thì dính đường khớp lamda biểu hiện tật đầu méo sau. Xương lồi sau đầu trẻ sơ sinh có thể được nhận thấy do xương chũm một bên bị nhô ra, tai một bên bị lệch ra sau và méo đầu một bên. Đây là loại dị tật hiếm nhất trong các dị tật dính khớp sọ sớm và dễ nhầm với tật méo đầu do tư thế.
3.4. Dính khớp vành hai bên
Hình dáng đầu trẻ sơ sinh mắc dị tật này thường ngắn và rộng do khớp vành hai bên bị đóng sớm. Trẻ mắc tật này có phần trán và cung mày dẹt, nâng lên và lõm vào trong.
3.5. Dính khớp trán
Dị tật đóng sớm đường khớp trán làm cho đầu trẻ sơ sinh bị biến dạng với đặc điểm: hộp sọ hình tam giác, trán nhọn, hai mắt gần nhau, gờ xương nhô cao giữa trán.
4. Các dị tật sọ khác làm biến dạng đầu trẻ
4.1. Tật đầu méo do tư thế
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây biến dạng đầu của trẻ, và có thể bị nhầm lẫn với tật dính khớp lamda. Việc cho trẻ nằm trên giường liên tục và chủ yếu nghiêng về một bên có thể khiến đầu trẻ sơ sinh bị biến dạng, dẹt phía sau, tai bên đó bị đẩy về phía trước, trán nhô ra một chút,... Tật đầu méo do tư thế thường tự điều chỉnh mà không cần phẫu thuật.
4.2. Hội chứng Apert
Đây là hội chứng hiếm gặp, ghi nhận ở 1/100.000 - 160.000 trẻ sơ sinh. Hình dáng đầu trẻ sơ sinh mắc dị tật này có đặc điểm: khuôn mặt hóp vào, hai mắt lồi ra, mũi to hoặc nhọn, xương hàm trên bị hẹp, miệng không khép kín, dị tật bàn tay,... Ngoài ra, trẻ mắc hội chứng này có thể gặp các vấn đề khác như: não úng thủy, nói khó, mất thính lực, mụn trứng cá, hoặc một số trường hợp có khuyết tật về phát triển.
4.3. Hội chứng Crouzon
Đây là hội chứng di truyền ít phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 1/25000 trẻ. Bệnh nhân mắc hội chứng Crouzon có khuôn mặt tương tự hội chứng Apert. Bên cạnh dị tật vùng mặt, Trẻ mắc hội chứng này có thể gặp các vấn đề khác như điếc, tắc nghẽn đường thở, nhiều răng, khẩu cái hình chữ V hay viêm giác mạc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.