Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường gây dịch, do 4 chủng virus Dengue gây ra (Arenavirus, Bunyaviridae, Filoviridae và Flavivirus). Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, ít khi xuất hiện ở trẻ sơ sinh. Sốt xuất huyết ở nhũ nhi cũng như các đối tượng khác thường có triệu chứng sốt cao dẫn đến xuất huyết da, niêm mạc và trụy tim mạch dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
1. Nguyên nhân gây sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh
Dù là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cũng như người lớn thì đều có chung 2 nguyên nhân gây bệnh:
- Do virus Dengue gây ra.
- Loài muỗi hút máu người mắc bệnh lan truyền cho người lành.
Dĩ nhiên sốt xuất huyết sẽ không lây từ người sang người như các phụ huynh thường lo lắng. Thông thường trẻ bị sốt xuất huyết cần phải được xác định trong 3 ngày đầu kể từ ngày bé sốt. Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý thời điểm đó có phải đang trong giai đoạn bùng phát dịch sốt xuất huyết, hoặc người xung quanh có ai đang mắc bệnh hay không.
Sốt xuất huyết thường lưu hành ở vùng nhiệt đới, chủ yếu là ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Việt Nam là một trong các nước bệnh bùng phát nặng. Ở miền Bắc, mùa dịch thường bắt đầu từ tháng 6-7 và đạt đỉnh cao vào tháng 8,9,10,11. Ngược lại, ở miền Nam, dịch có xu hướng xuất hiện quanh năm, và thường có xu hướng tăng lên vào các tháng mưa nhiều, độ ẩm cao.
2. Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ
- Biểu hiện sốt cao, đột ngột và liên tục 2 – 7 ngày.
- Khó hạ sốt, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu.
Sau thời gian vài ngày, ở người bệnh sẽ thấy dấu hiệu phát ban, xuất huyết theo nhiều dạng khác nhau như chảy máu cam, đốm xuất huyết dưới da, nôn, đi tiểu ra máu, bạch cầu giảm (4000/mL)...Ở trẻ sơ sinh, bệnh gặp với tỉ lệ ít hơn, thường có triệu chứng cần phân biệt với các bệnh lý khác như: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não, nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa...
Lưu ý các giai đoạn sốt xuất huyết ở trẻ:
Thông thường trẻ bị sốt xuất huyết cần phải được xác định trong 3 ngày đầu tiên kể từ ngày bị sốt.
- Ngày thứ 1: Trẻ sốt cao, đột ngột, mặt ửng đỏ, cổ họng đỏ nhưng không đau. Giai đoạn này chưa cần thiết phải đưa trẻ đến viện mà có thể ở nhà theo dõi thêm.
- Ngày thứ 2: Nếu trẻ vẫn có dấu hiệu sốt cao, mẹ nên thử tìm các dấu hiệu xuất huyết dưới da trên bụng, tay chân, cổ, mí mắt.
- Ngày thứ 3: Các triệu chứng sốt xuất huyết trở nên rõ ràng hơn. Ngoài sốt cao, bé có thể xuất huyết da niêm mạc như chảy máu răng, máu mũi.
- Ngày thứ 4, 5: Các triệu chứng rõ ràng hơn khi bé có những vết ban đỏ khắp người, sốt cao, chảy máu cam...
Thường các bé dưới 12 tháng khi bị sốt xuất huyết sẽ có các triệu chứng sốt cao, ho, sổ mũi ít, có nhiều chấm xuất huyết dưới da, có gan to, dung tích hồng cầu không cao lắm, tiểu cầu giảm nhiều và khuynh hướng bị sốc rất cao.
Vì vậy, trong mùa có dịch sốt xuất huyết, cha mẹ (và cả với nhân viên y tế) cần phải cẩn thận vì bệnh này dễ nhầm lẫn với các bé dưới 12 tháng tuổi có biểu hiện viêm hô hấp. Nếu điều trị trễ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
3. Các biện pháp điều trị sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ
Đa số các trường hợp sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu (chưa có biểu hiện xuất huyết) đều được điều trị tại nhà. Nhưng điều này không có nghĩa rằng biến chứng không xảy ra. Chính vì vậy, các bé cần được theo dõi sát sao để kịp thời xử trí trước những biến chứng. Tốt nhất, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường như: mệt mỏi, người lờ đờ, đau bụng, nôn ói, chảy máu nhiều, tay chân lạnh.
Đối với người nhà bệnh nhân, cần lưu ý:
- Cách chăm sóc tại nhà: Cho trẻ nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Thức ăn nên ở dạng lỏng để trẻ dễ nuốt và không bị nôn ói. Nếu trẻ còn đang bú mẹ, cần tăng số lần cho bú. Sốt xuất huyết làm máu cô đặc, khó lưu thông nên bé cần được uống nhiều nước để tránh bị sốc, bởi tình trạng sốc chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người mắc bệnh.
- Sốt xuất huyết thường diễn tiến trong 7 ngày, đa phần là tự khỏi, tỉ lệ biến chứng nặng chỉ từ 3%-5%. Người mắc bệnh nhất thiết phải đi khám, nếu xuất hiện các triệu chứng nặng như đau bụng, bứt rứt, chảy máu chân răng, chảy máu cam, tay chân lạnh...thì cần đưa ngay đến bệnh viện.
- Cần theo dõi để kịp xử lý khi trẻ có biểu hiện bị sốc. Nếu thấy trẻ đau bụng, ói và tay chân lạnh toát thì cần đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay. Một biểu hiện khác của tình trạng sốc là trẻ bỗng trở nên lừ đừ, có khi vật vã và không tỉnh táo. Trẻ cũng có thể giảm hẳn số lần đi tiểu nhưng lại thấy rất khát. Da bầm, môi xám cũng là một biểu hiện của sốc.
- Những nốt đỏ ở da là do một số hồng cầu thoát khỏi thành mạch máu ra bên ngoài tụ dưới da gây nên hiện tượng xuất huyết dưới da. Các dấu hiệu này sẽ biến mất trong 5-7 ngày. Vì vậy không nên chữa trị theo cách dân gian như chà lá trầu lên da hoặc cạo gió, có thể làm tổn thương da của trẻ.
- Nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, không nên để trẻ sốt quá cao dễ dẫn đến co giật.
- Gia đình cần đưa trẻ đi khám lại ngay khi có dấu hiệu ói nhiều, hết sốt nhưng mệt, lạnh chân tay, xuất huyết.
- Ghi nhớ lịch khám lại theo hẹn: mỗi ngày cho đến khi hết sốt liên tục > 48h.
4. Tiêu chuẩn cho trẻ xuất viện
- Trẻ hết sốt ít nhất 24 giờ mà không cần dùng thuốc hạ nhiệt.
- Trẻ có dấu hiệu thèm ăn, đi tiểu tốt, cải thiện lâm sàng rõ rệt.
- Không có dấu hiệu suy hô hấp do tràn dịch màng phổi, màng bụng.
- Chỉ số tiểu cầu 50000/mm3.
Nếu có những dấu hiệu tiến triển khả quan như trên, trẻ có thể được gia đình đưa xuất viện và về điều trị thêm tại nhà.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.