Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Tiêu chảy cấp tính là tình trạng tiêu chảy kéo dài trong một vài ngày đến một tuần. Nguyên tắc cơ bản nhất trong điều trị tiêu chảy ở trẻ là phải bù nước và điện giải, chất dinh dưỡng. Trường hợp nặng hơn cần đưa bé vào viện để điều trị.
1. Tiêu chảy ở trẻ
Trẻ bị tiêu chảy là tình trạng đi cầu phân lỏng với lượng nhiều và số lần đi cầu nhiều hơn so với bình thường. Tùy vào thời gian kéo dài, có ba loại tiêu chảy chính:
- Tiêu chảy cấp tính kéo dài trong một vài ngày đến một tuần;
- Tiêu chảy bán cấp kéo dài khoảng 03 tuần;
- Tiêu chảy mạn tính kéo dài hơn 04 tuần.
Tiêu chảy cấp sẽ gây tình trạng mất nước và điện giải; khi tiêu chảy kéo dài hơn, gọi là tiêu chảy mạn lúc thì lúc này cần hết sức chú ý đến vấn đề rối loạn hấp thu dẫn đến suy dinh dưỡng, suy kiệt ở trẻ.
2. Điều trị tiêu chảy ở trẻ
Tiêu chảy do nhiễm trùng là loại thường gặp nhất, chủ yếu là do vi khuẩn, mà nguyên nhân nhiễm khuẩn thường thấy là do Salmonela, tụ cầu vàng và do rotavirus. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh sẽ có những biểu hiện và phương pháp điều trị tiêu chảy khác nhau, Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong điều trị tiêu chảy ở trẻ em là bù được nước và điện giải cho trẻ. Nếu không, trẻ tiêu chảy bị mất cân bằng nước và điện giải có thể dẫn tới sốc mất nước, li bì, trụy tim mạch và thậm chí là tử vong.
2.1 Điều trị tiêu chảy cấp do vi khuẩn Salmonela
Vi khuẩn Salmonela thường có trong thịt, trứng, sữa; trong các thực phẩm này chúng nhân lên mà không làm thay đổi màu sắc, mùi vị.
Khi nhiễm vi khuẩn, sau 12 – 36 giờ, trẻ sẽ xuất hiện các biểu hiện đau bụng dữ dội; buồn nôn và nôn nhiều lần, sốt cao, rét run, nhức đầu mệt mỏi. Trẻ bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân thối, nhiều nước, không mót rặn, trong phân có thể có lẫn thức ăn chưa tiêu. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến thiểu niệu, vô niệu và tử vong do rối loạn nước và điện giải.
Điều trị tiêu chảy cấp do Salmonela chủ yếu là bổ sung nước và điện giải, hạ sốt. Nếu nặng hơn, bác sĩ có thể cân nhắc cho dùng thêm thuốc kháng sinh và an thần.
2.2 Điều trị Tiêu chảy cấp do tụ cầu vàng
Ngoại độc tố tụ cầu sau khi xâm nhập vào đường tiêu hóa qua thức ăn không bị men tiêu hóa tác động, chúng nhanh chóng thấm vào niêm mạc dạ dày, ruột và máu tác động lên thần kinh thực vật làm cường phó giao cảm, có thể dẫn đến trụy tim mạch. Sau khi nhiễm từ 30phút – 6giờ, bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau bụng dữ dội vùng thượng vị nhiều hơn vùng rốn, đau quặn từng cơn; buồn nôn và nôn nhiều lần trước khi đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước.
Trẻ thường không có sốt hoặc sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, có thể rối loạn nước và điện giải dẫn đến trụy tim mạch. Thường chỉ gây tử vong ở trẻ nhỏ hoặc người già suy kiệt.
Điều trị chủ yếu là bổ sung nước và điện giải, trợ tim mạch.
2.3 Điều trị tiêu chảy cấp do do Rotavirus
Đây là tác nhân chính gây tiêu chảy do virus rota ở trẻ nhỏ và cũng là nguyên nhân gây tử vong chính trong các virus Rota. Virus này chủ yếu gây bệnh cho trẻ em dưới 3 tuổi, virus xâm nhập theo đường tiêu hóa, gây tổn thương, phá hủy chọn lọc vào các tế bào trụ của niêm mạc ruột non, dẫn đến hạn chế hấp thu nước, muối và tình trạng kéo nước từ các tổ chức tế bào vào lòng ruột; giảm hấp thu đường và chất béo; rối loạn tiêu hóa mỡ... khiến cho bệnh nhi mất nước điện giải và suy dinh dưỡng nhanh.
Tiêu chảy do virus rota thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao hoặc không sốt, nôn nhiều, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước, đôi khi dẫn đến rối loạn nước và điện giải rất nhanh.
Điều trị chủ yếu là điều chỉnh cân bằng nước và điện giải.
3. Lưu ý khi xử lý trẻ tiêu chảy
Tiêu chảy cấp tính có nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm trùng đường tiêu hóa. Bệnh có thể dễ dàng kiểm soát nếu được điều trị thuốc và bù đủ nước điện giải cũng như chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên, tiêu chảy là bệnh nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ. Đối với những trường hợp tiêu chảy nặng và mất quá nhiều nước (như bệnh tả), người bệnh cần được nhập viện để bù nước nhanh bằng đường truyền tĩnh mạch. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bé có thể cần phải truyền nước. Nếu trẻ tiêu chảy do nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc kháng sinh.
Chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng trong việc phòng và điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ, do trẻ mất nước suy kiệt nên thường sẽ mệt mỏi, biếng ăn. Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cần tránh việc cho trẻ nhịn ăn hoặc uống, nên cho trẻ uống nhiều nước và ăn uống bình thường, chú ý chọn thức ăn nấu chín kỹ và dễ tiêu hóa như cháo thịt, cơm...
Một số biện pháp dinh dưỡng có thể dùng cho trẻ trong giai đoạn điều trị tiêu chảy cấp:
- Uống nước ép trái cây không đường
- Ăn các loại thực phẩm chứa kali cao như chuối, khoai tây
- Ăn các loại thực phẩm và uống chất lỏng có chứa natri cao như nước canh, súp, nước giải khát, bánh quy mặn
- Ăn các thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như rau xanh, bột yến mạch, gạo
- Hạn chế thực phẩm có đường vì chúng có thể sẽ làm cho bệnh tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn
- Tránh các thực phẩm có chứa caffeine như trà, cà phê và nước giải khát có gas
- Tránh các sản phẩm từ sữa và các thực phẩm giàu magie.
Khi trẻ có các dấu hiệu nghiêm trọng do tiêu chảy cấp như: tay chân lạnh, da nhợt nhạt, giảm lượng nước tiểu, lơ mơ, li bì, đi tiểu ít, khô da, sốt cao, phân vàng hoặc đen...Bố mẹ nên đưa bé đến trung tâm y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Thạc sĩ. Bác sĩ Ngô Thị Oanh đã có trên 10 năm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa. Thực hiện thành thạo khám, chẩn đoán, điều trị bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, dinh dưỡng trẻ em. Trong quá trình công tác, bác sĩ Oanh thường xuyên cập nhật các kiến thức mới về chẩn đoán và điều trị thông qua các hội nghị chuyên ngành, các lớp đào tạo liên tục.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.