Nguy cơ sốc mất nước ở trẻ do tiêu chảy cấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, có thể nhiều nguyên nhân như: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,... trong đó, Rotavirus là loại virus hay gặp nhất. Trẻ bị tiêu chảy cấp nếu không được bù nước kịp thời có thể bị mất nước quá nhiều dẫn đến nguy cơ sốc mất nước.

1. Tiêu chảy cấp ở trẻ em

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, có thể nhiều nguyên nhân như: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,... trong đó, Rotavirus là loại virus hay gặp nhất. Bệnh tiêu chảy cấp cũng có thể gây ra bởi một số vi khuẩn đường ruột, đặc biệt vi khuẩn E.Coli. Ngoài ra tiêu chảy cấp còn có thể do dị ứng thức ăn, do rối loạn tiêu hóa - hấp thu, do bệnh lý khác như viêm ruột thừa, lồng ruột.

Ban đầu, bệnh nhân thường bắt đầu với triệu chứng nôn ói nhiều, sau đó sẽ tiêu chảy. Trẻ em bị tiêu chảy cấp thường đi tiêu nhiều lần, có thể 1-2 lần đầu phân sệt, tiếp theo phân lỏng, màu vàng hoặc xanh rêu, có đàm, máu lẫn trong phân. Trẻ đi phân lỏng 3 lần hoặc nhiều hơn trong một ngày.

Kèm theo đó, trẻ thường biếng ăn hơn, bú kém, mệt mỏi và đau bụng, sốt, sốt cao, trẻ bứt rứt, quấy nhiều, khát nước, môi khô, mắt và thóp trũng, bụng chướng.

Trẻ bị tiêu chảy cấp có tốc độ đào thải phân cao nên dễ dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

2. Nguy cơ sốc mất nước do tiêu chảy cấp ở trẻ

Cha mẹ cần đưa trẻ đi viện ngay nếu bé có các triệu chứng:

  • Khi đi tiêu chảy quá 3 ngày
  • Ói hoặc đi tiêu nhiều lần
  • Đau bụng hoặc quấy khóc nhiều
  • Sốt cao liên tục trên 38,5oC
  • Tiêu đàm máu
  • Các dấu hiệu của sốc mất nước.

Nguy cơ sốc mất nước do tiêu chảy cấp ở trẻ
Nguy cơ sốc mất nước do tiêu chảy cấp ở trẻ

Trẻ bị tiêu chảy cấp thường bị mất nước nhiều do đi lỏng và nôn ói nhiều. Nếu bố mẹ không chú ý bù nước và điện giải cho bé đúng cách dẫn đến mất nước nặng, thì trẻ có thể bị kiệt nước, sốc mất nước. Khi đó, bé sẽ bị sốt, dần dần li bì, rối loạn tri giác, suy hô hấp, trụy mạch, co giật.

Rối loạn điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan có thể dẫn đến suy thận cấp. Bệnh nhi sau đó nếu không điều trị kịp thời sẽ có thể bị hôn mê và thậm chí là tử vong.

Để ngăn ngừa trẻ bị sốc mất nước do tiêu chảy cấp, cha mẹ có thể bù nước cho trẻ như sau:

  • Bù nước, điện giải: đối với trẻ uống được: Cho uống dung dịch oresol, trẻ nhỏ hơn 2 tuổi uống 50-100ml sau mỗi lần tiêu, trẻ từ 2 tuổi trở lên uống 100-200ml sau mỗi lần tiêu.
  • Có thể cho uống nước chín để nguội, cháo súp, nước dừa tươi hoặc nước hoa quả. Trong thời gian này vẫn cho trẻ ăn bú bình thường.

3. Lưu ý phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em

Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ nhỏ. Mỗi năm trên thế giới có 3-5 triệu trẻ tử vong vì tiêu chảy. Tiêu chảy còn gây suy dinh dưỡng và nhiễm trùng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Do đó, chú ý phòng tiêu chảy cấp cho trẻ là điều mà bố mẹ nên đặc biệt lưu ý.

Bạn nên nuôi con bằng sữa mẹ đối với trẻ sơ sinh. Cho trẻ bú sữa mẹ ngay sau sinh càng sớm càng tốt để trẻ được bú sữa non có nhiều kháng thể, chế độ dinh dưỡng hợp lý tránh suy dinh dưỡng.

Vệ sinh ăn uống cho trẻ, ăn chín, uống sôi, thức ăn cho trẻ phải đảm bảo tươi và đủ chất. Đặc biệt vệ sinh tay đúng cách trước và sau khi cho trẻ ăn và khi chăm sóc vệ sinh trẻ.

Uống phòng Vắc xin Rotavirus là biện pháp phòng ngừa tiêu chảy do virus rota hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe của trẻ. Tổ chức Y tế thế giới hiện đã phê chuẩn cho sử dụng 2 loại vắc xin phòng Rotavirus là RotaTeq và Rotarix. Cả hai loại vắc xin này hiện đang có tại Trung tâm tiêm chủng Vinmec.

Thạc sĩ. Bác sĩ Ngô Thị Oanh đã có trên 10 năm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa. Thực hiện thành thạo khám, chẩn đoán, điều trị bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, dinh dưỡng trẻ em. Trong quá trình công tác, bác sĩ Oanh thường xuyên cập nhật các kiến thức mới về chẩn đoán và điều trị thông qua các hội nghị chuyên ngành, các lớp đào tạo liên tục.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe