Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Linh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thuốc chứa hoạt chất paracetamol có tác dụng giảm đau, hạ sốt được sử dụng rộng rãi và có thể mua ở nhà thuốc mà không cần kê đơn bởi bác sĩ. Tuy nhiên, paracetamol vẫn có thể gây ngộ độc khi bệnh nhân lạm dụng thuốc, sử dụng quá liều.
1. Ngộ độc paracetamol xảy ra khi nào, lý do vì sao?
Thuốc giảm đau có chứa paracetamol thường được bào chế dưới dạng viên nén, viên sủi hoặc dạng siro với nhiều tên gọi khác nhau. Đây là một trong những thuốc giảm đau ít gây tác dụng phụ, do đó được sử dụng rất phổ biến trong điều trị các cơn đau nhẹ và vừa, đồng thời còn giúp hạ thân nhiệt khi bị sốt do cảm lạnh, cảm cúm.
Vì mức độ phổ biến và không phải là thuốc kê theo đơn nên người bệnh thường tự ý mua và sử dụng không hợp lý, quá liều dẫn đến ngộ độc thuốc. Ngộ độc paracetamol có thể xảy ra trong các trường hợp như:
- Khoảng thời gian giữa các lần uống thuốc quá ngắn.
- Uống paracetamol trong khoảng thời gian dài.
- Uống quá liều lượng cho phép.
- Uống cùng lúc nhiều thuốc giảm đau có chứa paracetamol.
Ngộ độc paracetamol ảnh hưởng nặng nề đến gan, trường hợp nặng có thể làm hoại tử gan, và có thể gây tử vong.
Paracetamol đến gan và được chuyển hóa thành nhiều dạng khác nhau. Trong đó, khoảng 4% chất paracetamol chuyển hóa thành N-acetylbenzoquinonimin_đây là một chất có khả năng gây độc đối với gan. Rất may, trong gan có chất glutathione làm nhiệm vụ chuyển hóa N-acetylbenzoquinonimin thành chất không gây độc và đào thải chúng ra ngoài nên cơ thể không bị ảnh hưởng nếu dùng thuốc đúng liều. Trường hợp quá liều, glutathione không đủ để giải độc, khiến N-acetylbenzoquinonimin tích tụ ở gan dẫn đến các tế bào gan bị phân hủy, hoại tử, thậm chí có thể gây hôn mê và tử vong.
2. Triệu chứng khi bị ngộ độc paracetamol
Triệu chứng khi bị ngộ độc paracetamol được chia thành 4 giai đoạn cụ thể như sau:
- Giai đoạn 1: sau uống từ nửa tiếng đến 24 tiếng, với các biểu hiện là chán ăn, buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, khó chịu, có thể tăng GOT hoặc GPT;
- Giai đoạn 2: sau uống từ 24 tiếng đến 72 tiếng, với các biểu hiện là chán ăn, buồn nôn, nôn ít hơn giai đoạn 1, có thể đau hạ sườn phải. GOT, GPT lúc này tiếp tục tăng. Bilirubin có thể tăng. Tỷ lệ prothrombin có thể giảm. Chức năng thận có thể suy;
- Giai đoạn 3: sau uống từ 72 - 96 tiếng, lúc này hoại tử tế bào gan xảy ra, với hoàng đảm, rối loạn đông máu, suy thận và bệnh lý não do gan. Sinh thiết gan thấy hoại tử trung tâm tiểu thuỳ. Có thể tử vong do suy đa tạng;
- Giai đoạn 4: sau uống từ 4 - 14 ngày, ở giai đoạn này, nếu bệnh nhân còn sống thì chức năng gan sẽ hồi phục hoàn toàn và sau 30 ngày tổ chức gan lành trở lại. Trường hợp ngộ độc nặng có thể kéo dài hơn.
3. Xử trí khi bị ngộ độc paracetamol
Người bệnh khi nhận biết đã sử dụng thuốc giảm đau có chứa paracetamol quá liều thì nên xử lý ngay, tránh đợi triệu chứng xuất hiện rồi mới xử lý. Cách xử trí khi bị ngộ độc thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol là:
- Gây nôn để có thể nôn thuốc vừa mới uống.
- Uống nước chè đặc, thuốc tẩy muối hoặc than hoạt để có thể làm giảm sự hấp thu các chất gây độc đối với gan.
- Người bệnh cần được chuyển đến các cơ sở y tế nhanh nhất có thể để được xử lý và điều trị sớm. Tại đây, người bệnh có thể được sử dụng thuốc giải độc paracetamol, đánh giá mức độ nặng để có điều trị can thiệp phù hợp.
4. Phòng tránh bị ngộ độc paracetamol
Để tránh bị ngộ độc paracetamol do sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt quá liều cần lưu ý những điều sau:
- Nếu bị cảm, sốt nhẹ (dưới 38,5 độ C), không có triệu chứng đau nhức thì không uống paracetamol.
- Nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ thì không được tự ý mua và sử dụng thuốc có chứa paracetamol.
- Trong trường hợp sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt, nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, cũng như thành phần của thuốc bởi có rất nhiều loại thuốc có chứa paracetamol.
- Khi uống thuốc giảm đau có chứa paracetamol thì không được uống rượu, bia, vì nguy cơ gây tổn thương gan cao.
- Không sử dụng paracetamol quá liều mà không có chỉ định của bác sĩ. Liều dùng paracetamol là tối thiểu 4 giờ/lần, thời gian sử dụng đối với trẻ em là <5 ngày, người lớn là <10 ngày.
Ngộ độc paracetamol ảnh hưởng đến chức năng gan và thận, thậm chí có thể tử vong. Khi bị ngộ độc, tốt nhất là nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được xử trí điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.