Sốt là tình trạng rất hay gặp ở trẻ nhỏ khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, trong những trường hợp như bé mọc răng, thay đổi thời tiết, sau khi tiêm phòng hoặc tự nhiên bé sốt, các mẹ có thể cho con mình uống thuốc hạ sốt tại nhà và theo dõi thêm. Không giống như người lớn có liều cố định, để sử dụng thuốc ở trẻ nhỏ, các mẹ cần biết tính liều lượng thuốc dựa vào cân nặng của trẻ.
1. Vì sao lựa chọn hạ sốt cho trẻ bằng Paracetamol?
Có nhiều nhóm thuốc có tác dụng hạ sốt, tuy nhiên, theo các bác sĩ, ở trẻ nhỏ, thuốc hạ sốt an toàn nhất nên được sử dụng là Paracetamol. Paracetamol là thuốc hạ sốt không cần kê đơn, tuy nhiên, việc sử dụng đúng cách cũng hết sức quan trọng vì nguy cơ gây độc cho gan của trẻ nếu phụ huynh dùng quá liều. Vì vậy, cha mẹ khi quyết định sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ cần đặc biệt lưu ý cách dùng, liều lượng và tần suất uống thuốc hàng ngày.
Ngoài thị trường hiện nay, các loại thuốc hạ sốt dùng cho người lớn thường chứa hàm lượng 500mg dược chất Paracetamol. Tuy nhiên, ở trẻ em thường dùng là loại chứa 1⁄2 liều so với người lớn là 250mg Paracetamol.
Theo các chuyên gia y tế, khi dùng Paracetamol để hạ sốt hay sử dụng với tác dụng khác của thuốc thì các mẹ đều cần áp dụng cách tính liều lượng thuốc cho trẻ theo cân nặng. Đặc biệt, khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ, nên ưu tiên sử dụng thuốc ở dạng lỏng. Việc lấy thuốc viên nén Paracetamol dành cho người lớn để bẻ nhỏ 1/2, 1/3, 1/4...rồi sử dụng cho trẻ em không được khuyến cáo. Lời khuyên dành cho các mẹ là sử dụng thuốc Paracetamol dạng lỏng, đọc thật kỹ bản hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến dược sĩ để biết cách sử dụng và tính liều lượng cho trẻ.
2. Cách tính liều lượng thuốc theo cân nặng trẻ
Cách sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ đúng cách:
- Cha mẹ nên cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt khi trẻ có tình trạng sốt với nhiệt độ từ 38,5 độ C trở lên.
- Liều dùng thuốc hạ sốt được tính dựa vào cân nặng của trẻ: Từ 10 – 15mg Paracetamol cho 1 kg cân nặng của trẻ.
- Tần suất sử dụng: Cha mẹ cho trẻ uống thuốc hạ sốt từ 4-6 tiếng một lần. Nếu sau khi uống thuốc và chưa đến giờ uống lại mà trẻ không hạ sốt thì cũng không được uống thêm thuốc. Lúc này, cha mẹ cần chườm mát vào trán, bẹn, lòng bàn tay, chân, cho trẻ mặc đồ thoáng, uống nhiều nước để hỗ trợ thêm cho trẻ.
Ví dụ: Trẻ bị sốt nặng 5 kg, cha mẹ cần dùng từ 50mg đến 75mg Paracetamol là tối đa mỗi lần. Nếu sau 4 -6 giờ mà trẻ còn sốt thì cho trẻ uống với liều tương tự và tiếp tục theo dõi. Không được sử dụng quá liều dùng này, cũng như không được rút ngắn khoảng thời gian nghỉ giữa 2 lần uống thuốc, nếu không sẽ gây hại cho gan của bé.
3. Tính liều lượng thuốc theo cách khác
Tính liều lượng thuốc theo cân nặng khi sử dụng sử dụng thuốc cho trẻ nhỏ là cách phổ biến nhất cũng như giúp đảm bảo an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, còn một số cách tính liều lượng thuốc cho trẻ cũng hay được sử dụng mà các mẹ có thể tham khảo.
3.1 Tính liều lượng theo độ tuổi của trẻ
Liều dùng thuốc hạ sốt Paracetamol của trẻ là 10-15mg/kg mỗi lần dùng. Tuy nhiên, số lần dùng của trẻ trong ngày có thể khác nhau và khi tính liều dùng cho cả ngày 24 giờ thì phải tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Tính liều thuốc hạ sốt dựa vào độ tuổi của trẻ nghĩa là ở độ tuổi khác nhau thì mức độ sử dụng thuốc cho trẻ cũng sẽ khác nhau. Đây cũng là một cách tính liều lượng thuốc hạ sốt cho trẻ các mẹ cần ghi nhớ.
Ví dụ ở trường hợp trẻ sơ sinh bị sốt, liều dùng của Paracetamol là 10-15mg/kg/lần và khoảng cách giữa 2 lần uống là 6-8 giờ. Như vậy, tần suất sử dụng thuốc hạ sốt ở trẻ sơ sinh là 3-4 lần một ngày. Trong khi đó, ở nhóm trẻ lớn hơn, mặc dù liều lượng thuốc cũng tương tự trẻ sơ sinh là 10-15mg/kg/lần nhưng nhịp dùng thuốc lại gần hơn. Cụ thể, trong vòng 24 giờ, trẻ có thể được uống từ 4-6 lần, nghĩa là cứ 4-6 giờ dùng một lần, tuy nhiên, tốt nhất không nên uống quá năm liều hạ sốt trong một ngày.
3.2 Tính liều lượng thuốc theo diện tích da của trẻ
Đây là cách tính khá phức tạp không được sử dụng hàng ngày tại nhà. Phương pháp này chủ yếu áp dụng trong các trường hợp sử dụng thuốc có độc tính cao như thuốc trị ung thư. Thực tế, để áp dụng cách tính liều lượng thuốc dựa vào diện tích da trong các bệnh viện, các nhà chuyên môn sẽ dựa vào chiều cao và cân nặng của trẻ cũng như kết hợp công thức hoặc bảng tính sẵn để suy ra diện tích da của trẻ. Đây được xem là cách tính liều lượng thuốc chính xác nhất nhưng nó lại khá phức tạp, đòi hỏi các bác sĩ phải có kinh nghiệm cũng như trong những trường hợp cần sự an toàn và hiệu quả tuyệt đối của thuốc đối với trẻ.
4. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt
Khi chăm sóc trẻ bị ốm, bên cạnh việc cho uống thuốc đúng cách, đúng liều, cha mẹ cần lưu ý những lời khuyên dưới đây để hỗ trợ, giúp trẻ mau hạ sốt cũng như tăng cường sức khỏe cho trẻ:
- Khi trẻ bị sốt, cha mẹ không được chườm đá lạnh hay ủ trẻ quá kỹ.
- Lau mát cho trẻ, đặc biệt tại các vị trí các vị trí nách, bẹn, lòng bàn tay, bàn chân.
- Để cửa nhà thoáng mát, không có gió lùa. Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát
- Cho trẻ uống nhiều nước, kết hợp thêm vitamin C để tăng cường sức đề kháng và Oresol để bù nước.
- Nếu trẻ uống thuốc không giảm và sốt cao liên tục trên 39 độ cần đưa trẻ đi đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám.
Trong quá trình chăm sóc con, các mẹ sẽ không ít lần phải đối mặt với tình trạng trẻ sốt cao do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nắm được cách tính liều lượng thuốc theo cân nặng sẽ giúp các mẹ sử dụng thuốc cho trẻ hợp lý, đúng cách và an toàn hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.