Viêm đường hô hấp trên là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt bệnh thường xảy ra thời tiết thay đổi mùa hoặc lạnh. Việc xử lý tốt các triệu chứng của bệnh đóng vai trò rất quan trọng, giúp trẻ nhanh khỏi, giảm nguy cơ gặp các tai biến của bệnh.
1. Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh
Đường hô hấp trên gồm mũi, hầu, họng, hệ thống xoang, tai giữa và thanh quản. Viêm đường hô hấp trên là viêm niêm mạc lót ở các cơ quan hô hấp trên, gồm một tổ hợp các bệnh lý đa dạng như cảm lạnh, viêm họng, viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm xoang,...
- Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên chủ yếu là do các virus đường hô hấp như: Rhinovirus, Adenovirus, Coronavirus, virus cúm,...Một số loại vi khuẩn như: Phế cầu, liên cầu tan huyết nhóm A và một số loại nấm.
- Hầu hết, những trẻ sơ sinh có sức đề kháng yếu rất dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên. Đặc biệt khi trẻ sinh non, sinh nhẹ cân, còi xương, suy dinh dưỡng, trẻ bị suy giảm miễn dịch do mắc HIV hoặc điều trị corticoid kéo dài.
- Viêm đường hô hấp ở trẻ em cũng thường xảy ra ở trẻ sống trong môi trường ẩm thấp, chật hẹp, thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bếp hoặc nằm trong phòng máy lạnh nhiệt độ thấp.
2. Triệu chứng và biến chứng của viêm đường hô hấp trên
Trẻ càng nhỏ càng dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên, nhất là trẻ dưới hai tháng tuổi. Triệu chứng của bệnh thường là sốt nhẹ, khoảng 38.5 độ, các triệu chứng thường gặp khác là ho, chảy mũi, thở khò khè, nôn trớ, quấy khóc, bỏ bú,...
Ho và nôn trớ là các triệu chứng thường gặp trong hầu hết các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh. Ho là một phản ứng tốt của cơ thể giúp tống các chất tiết, dị vật,... ở đường hô hấp trên ra ngoài, giúp bảo vệ cơ thể, do đó cha mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ ho.
3. Xử trí ho, nôn trớ khi có viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh
Để giúp trẻ ho và tống xuất đờm hiệu quả, cha mẹ có thể hỗ trợ vỗ lưng cho trẻ.
- Nên thực hiện vỗ lưng trước bữa ăn hoặc ít nhất là một giờ sau ăn để tránh gây nôn. Cha mẹ khum bàn tay lại, giữ ngón cái ép vào ngón trỏ, vỗ lưng trẻ bên trái rồi sang bên phải, mỗi khu vực khoảng 3-5 phút. Nếu ho quá nhiều làm trẻ mất ngủ, mệt mỏi, cha mẹ có thể cho trẻ dùng các bài thuốc trị ho an toàn như lá húng chanh, quất xanh đem hấp đường phèn hoặc mật ong, hoa hồng bạch hấp đường phèn, trà cam thảo,...Hoặc cho trẻ sử dụng các loại thuốc ho thảo dược dạng siro phù hợp với lứa tuổi trẻ.
- Khi trẻ bị nôn trớ, cha mẹ cho trẻ nằm nghiêng đầu sang một bên khi nôn, làm sạch chất nôn ở miệng mũi, họng của trẻ. Dùng nước ấm lau chất nôn trên người và thay quần áo cho trẻ. Thay vì cho trẻ bú mỗi lần quá no, mẹ nên cho trẻ bú nhiều lần, mỗi lần một lượng ít. Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc chống nôn nếu không có chỉ định của bác sĩ. Cho trẻ đi khám ngay nếu trẻ nôn nhiều kèm với các dấu hiệu mất nước như khô miệng, mắt trũng, da nhăn nheo,...
- Khi trẻ bị sốt viêm đường hô hấp trên, cho trẻ mặc quần áo mỏng, nằm phòng thoáng mát, dùng khăn mềm nhúng nước ấm, vắt khô lau trán, nách, bẹn để giảm nhiệt độ cho trẻ. Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Để giữ đường thở trẻ thông thoáng khi trẻ bị chảy mũi, ngạt mũi, dùng nước muối sinh lý nhỏ vào từng bên mũi, sau đó dùng tăm bông khô sạch để vệ sinh lại. Đặt trẻ nằm cao đầu hoặc bế trẻ ở tư thế thẳng để trẻ dễ thở.
4. Các biện pháp phòng bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh
- Để phòng bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần giữ vệ sinh sạch sẽ nơi ngủ và nơi sinh hoạt của trẻ. Nếu sử dụng máy điều hòa, không nên để nhiệt độ quá thấp, giữ mức nhiệt độ khoảng 25-26 độ là phù hợp.
- Khi thời tiết trở lạnh, cha mẹ lưu ý giữ ấm cho trẻ phù hợp với mức giảm nhiệt độ bên ngoài, cho trẻ mặc thêm áo ấm, mũ len, tất, gắn tay,... khi ra ngoài. Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bụi, không khí ô nhiễm.
- Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng quý giá giúp trẻ phát triển hoàn thiện về thể chất mà còn cung cấp lượng kháng thể dồi dào giúp trẻ chống lại bệnh tật. Cho trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời là cách hiệu quả giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên. Mẹ cần cho trẻ bú đủ các cữ trong ngày. Khi trẻ lớn hơn bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ cần xây dựng thực đơn cân đối đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.
- Cha mẹ và người chăm sóc cần rửa tay bằng xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, chăm sóc trẻ. Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc-xin theo chương trình tiêm chủng quốc gia để giúp trẻ tạo miễn dịch chống lại các bệnh lý đường hô hấp nguy hiểm. Không cho trẻ tiếp xúc với những người có triệu chứng bệnh đường hô hấp.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.