Sự phóng noãn của buồng trứng là một trong những yếu tố quyết định khả năng thụ thai ở phụ nữ. Để đánh giá khả năng phóng noãn của buồng trứng, các bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm chỉ số hormone Progesterone.
1. Tìm hiểu về hormone Progesterone
Hormone Progesterone là một loại hormone sinh dục nữ, được buồng trứng sản sinh ra sau chu kỳ kinh nguyệt và giữ vai trò điều hòa cơ thể của phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt và thời gian thai kỳ.
Một trong những nhiệm vụ chính của Progesterone là duy trì khả năng mang thai của phụ nữ, giúp tử cung luôn trong trạng thái sẵn sàng đón thai nhi. Sau thời gian rụng trứng, hormone Progesterone sẽ khiến lớp nội mạc tử cung dày lên để sẵn sàng cho sự thụ tinh của trứng. Nếu như thời gian này không có sự thụ tinh nào, lớp nội mạc tử cung này sẽ tự động bóc tách ra dưới tác động của Progesterone và dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt.
2. Hàm lượng Progesterone theo từng thời kỳ
Nồng độ của Progesterone có thể thay đổi theo từng sự thay đổi của cơ thể phụ nữ:
- Ở giai đoạn nang noãn, trước khi rụng trứng, nồng độ của progesterone thường ở mức thấp (từ 0.2 – 1.5ng/ml).
- Khi hormone LH tăng cao và đạt đỉnh sẽ dẫn đến hiện tượng phóng noãn: tế bào hạt trong nang noãn bị vỡ, progesterone được sản xuất dưới tác dụng của hormone LH, vì vậy ở giai đoạn phóng noãn, progesterone có xu hướng tăng nhanh và đạt mức tối đa 10 – 20 ng/ml trong khoảng 5 – 7 ngày sau khi rụng trứng.
- Nếu như trứng không thụ tinh, nồng độ progesterone sẽ tự giảm trong khoảng 4 ngày cuối của chu kỳ do hiện tượng thoái hóa thể vàng.
- Nếu trứng thụ tinh, thể vàng sẽ vẫn được duy trì và giữ nồng độ progesterone ở mức cao. Ngoài ra, nhau thai cũng kích thích tăng tiết progesterone. Vì vậy, phụ nữ mang thai thường có mức progesterone cao trong máu (thậm chí lên đến 280 ng/ml trong 3 tháng cuối của thai kỳ).
3. Xét nghiệm Progesterone đánh giá sự phóng noãn của buồng trứng
Xét nghiệm Progesterone là một xét nghiệm dùng để đo lường nồng độ hormone Progesterone có trong máu, có nhiều tác dụng trong Y học, đặc biệt là vấn đề sinh sản của phụ nữ. Trong đó, những lợi ích rõ nét của xét nghiệm này bao gồm:
- Xác định nguyên nhân hiếm muộn – vô sinh để có sự theo dõi và điều trị phù hợp, đem đến tỷ lệ thành công cao.
- Xác định buồng trứng phóng noãn hay buồng trứng không phóng noãn.
- Đánh giá nguy cơ sảy thai của phụ nữ.
- Theo dõi chức năng của buồng trứng và nhau thai trong suốt thai kỳ.
- Có thể hỗ trợ chẩn đoán các vấn đề tuyến thượng thận và phát hiện sớm một số loại ung thư.
Đối với sự phóng noãn của buồng trứng, xét nghiệm Progesterone sẽ giúp đánh giá buồng trứng phóng noãn hay không và ở mức độ nào, từ đó đánh giá khả năng sinh sản của phụ nữ.
4. Đối tượng chỉ định của xét nghiệm Progesterone đánh giá sự phóng noãn của buồng trứng
Đánh giá sự phóng noãn của buồng trứng thường bao gồm nhiều xét nghiệm, bao gồm xét nghiệm LH và xét nghiệm Progesterone là chủ yếu. Những đối tượng sau sẽ được chỉ định đánh giá tình trạng buồng trứng phóng noãn:
- Phụ nữ khó mang thai: kết quả từ xét nghiệm Progesterone sẽ đánh giá tình trạng phóng noãn (hay rụng trứng) của bệnh nhân. Nếu nồng độ Progesterone ở mức thấp hàng tháng, điều này có nghĩa khả năng rụng trứng của bệnh nhân bị hạn chế - một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở phụ nữ.
- Phụ nữ rối loạn kinh nguyệt.
5. Kết quả của xét nghiệm Progesterone như thế nào là bình thường?
Tùy theo độ tuổi mà chỉ số Progesterone trong máu có sự thay đổi khác nhau. Ngoài ra, như đã đề cập phía trên, nồng độ Progesterone ở phụ nữ mang thai sẽ cao hơn nhiều so với phụ nữ không mang thai.
Thông thường, các bác sĩ sẽ dựa trên bảng giá trị Progesterone bình thường sau để đánh giá:
Giai đoạn | Giá trị Progesterone bình thường |
Trước giai đoạn dậy thì | 0.1 – 0.4 ng/mL |
Giai đoạn tạo nang | 0.057 – 0.892 ng/mL |
Giai đoạn phóng noãn (rụng trứng) | 0.119 – 11.963 ng/mL |
Giai đoạn tạo thể vàng | 1.821 – 28.833 ng/mL |
3 tháng đầu thai kỳ | 15 – 60 ng/mL |
3 tháng giữa thai kỳ | 25.6 – 89.4 ng/mL |
3 tháng cuối thai kỳ | 48.4 – 42.5 ng/mL |
Giai đoạn mãn kinh | Dưới 0.13 ng/mL |
Kết quả xét nghiệm Progesterone có chỉ số thấp hơn so với bảng trên theo từng giai đoạn, đặc biệt là trong giai đoạn phóng noãn, bệnh nhân có khả năng gặp vấn đề về rụng trứng.
6. Cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm Progesterone?
Bệnh nhân trước khi làm xét nghiệm Progesterone để đánh giá sự phóng noãn của buồng trứng có thể được yêu cầu ngừng sử dụng một số loại thuốc (bao gồm thuốc tránh thai) có thành phần là estrogen hoặc progesterone hoặc cả hai trong vòng tối đa 4 tuần trước khi làm xét nghiệm.
Nếu như đã từng thực hiện xét nghiệm có sử dụng chất đánh dấu là phóng xạ như quét tuyến giáp, quét xương... cần thông báo cho bác sĩ trước vì chúng có khả năng ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Lưu ý ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt gần đây nhất và thông báo cho bác sĩ.
7. Xét nghiệm Progesterone được thực hiện như thế nào?
Xét nghiệm chỉ số Progesterone là một xét nghiệm máu tập trung vào nồng độ Progesterone. Do đó, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn và tiến hành lấy máu qua các bước sau:
- Quấn một mảnh dải thun quanh cánh tay tại nơi sẽ lấy máu để ngăn dòng chảy.
- Làm sạch ví trí tiêm bằng cồn và đặt kim vào tĩnh mạch.
- Gắn một ống vào kim tiêm để rút máu đầy ống.
- Đặt miếng bông gòn có tẩm cồn lên vị trí kim vừa được gỡ bỏ, sau đó băng lại với băng cá nhân.
Quy trình lấy máu xét nghiệm tương đối nhanh chóng và nhẹ nhàng, bệnh nhân sẽ chỉ cảm thấy châm chích khi lấy máu, ngoài ra không để lại biến chứng/rủi ro nào.
Xét nghiệm Progesterone là một trong những xét nghiệm cần thiết để đánh giá sự phóng noãn của buồng trứng, từ đó tìm hiểu nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt, hiếm muộn – vô sinh ở phụ nữ... và có thể phát hiện sớm một số bệnh lý khác.