Thuốc Utrogestan có tác dụng gì?

Các trường hợp thiếu hụt hormone progesterone trong mỗi chu kỳ đều gặp nhiều vấn đề khác nhau trong sức khỏe sản phụ khoa. Việc bổ sung hormone progesterone là rất cần thiết và một trong những sản phẩm làm được điều này chính là thuốc utrogestan. Vậy thuốc utrogestan có tác dụng gì?

1. Utrogestan là thuốc gì?

Utrogestan chứa hoạt chất Progesterone (dạng hạt mịn) với hàm lượng 100 hoặc 200mg. Ngoài ra, sản phẩm này còn bao gồm một số thành phần khác như:

  • Thành phần tá dược: dầu lạc, lecithin đậu nành;
  • Thành phần vỏ nang: gelatin, glycerol, titan dioxide (E171).

Utrogestan có thể sử dụng bằng đường uống hoặc đặt âm đạo với mục đích chính là làm gia tăng nồng độ progesterone trong cơ thể.

2. Thuốc utrogestan có tác dụng gì?

Tác dụng điều trị của utrogestan phụ thuộc vào cách sử dụng. Utrogestan đường uống có những tác dụng như sau:

Nếu sử dụng bằng cách đặt âm đạo, thuốc utrogestan mang lại một số tác dụng điều trị như:

  • Hiếm muộn, vô sinh nguyên phát hay thứ phát do suy hoàng thể một phần hoặc hoàn toàn;
  • Dọa sảy thai hoặc phòng ngừa sẩy thai liên tiếp do suy hoàng thể.

Thuốc Utrogestan được ứng dụng trong điều trị một số bệnh lý sản phụ khoa
Thuốc Utrogestan được ứng dụng trong điều trị một số bệnh lý sản phụ khoa

3. Liều dùng của thuốc utrogestan

Liều dùng thuốc utrogestan đường uống:

  • Liều trung bình khoảng 200-300mg/ngày, chia 1 - 2 lần. Cụ thể là uống 1 lần 200mg vào buổi tối trước đi ngủ và 100mg vào buổi sáng nếu cần thiết;
  • Trường hợp suy chức năng hoàng thể (gặp trong hội chứng tiền kinh nguyệt, bệnh tuyến vú lành tính, kinh nguyệt không đều): Cần sử dụng utrogestan trong 10 ngày của mỗi chu kỳ kinh nguyệt, thường từ ngày thứ 17 đến 26;
  • Trong liệu pháp hormon thay thế: Khi liệu pháp bổ sung estrogen đơn thuần không mang lại hiệu quả, utrogestan được dùng kết hợp thêm trong thời gian 2 tuần cuối của đợt điều trị, sau đó ngưng tất cả liệu pháp thay thế hormone trong 1 tuần và khoảng thời gian này có thể xảy ra tình trạng xuất huyết âm đạo;
  • Trong điều trị dọa sinh non: Sử dụng 400mg thuốc utrogestan uống cách nhau 6 - 8 giờ ở giai đoạn cấp tính, sau đó duy trì ở liều 200mg, 3 lần uống mỗi ngày cho đến tuần thứ 36 của thai kỳ.

Liều dùng thuốc utrogestan đường đặt âm đạo:

  • Liều trung bình là 200mg mỗi ngày, đặt sâu vào âm đạo. Người dùng có thể sử dụng viên 200mg hoặc 2 viên 100mg chia làm 2 lần vào buổi sáng và buổi tối). Lưu ý liều utrogestan đường âm đạo có thể thay đổi tùy theo đáp ứng người bệnh;
  • Trường hợp suy hoàng thể một phần (gặp trong rối loạn rụng trứng, kinh nguyệt không đều): Đặt âm đạo utrogestan 200mg mỗi ngày, 10 ngày/chu kỳ kinh nguyệt, bắt đầu từ ngày thứ 17 đến ngày thứ 26;
  • Trường hợp vô sinh do suy hoàng thể hoàn toàn: Liều khởi đầu là 100mg vào ngày thứ 13 và 14 của chu kỳ, sau đó tiếp tục đặt âm đạo utrogestan 100mg vào buổi sáng và buổi tối từ ngày thứ 15 đến ngày thứ 25 của chu kỳ. Từ ngày thứ 26 và nếu có thai thì tăng liều thêm 100mg/ngày trong mỗi tuần để đạt liều tối đa 600mg/ngày chia làm 3 lần. Sau đó vẫn phải duy trì liều tối đa này cho đến ngày thứ 60;
  • Bổ sung giai đoạn hoàng thể trong thụ tinh ống nghiệm: Khởi trị từ buổi tối ngày chuyển phôi với liều 600mg/ngày, chia làm 3 lần (sáng, trưa và tối);
  • Dọa sảy thai sớm hoặc dự phòng sảy thai liên tiếp do suy hoàng thể: Utrogestan 200 - 400mg mỗi ngày, chia làm 2 lần đặt âm đạo cho đến tuần thứ 12 của thai kỳ.

Một số trường hợp chống chỉ định sử dụng utrogestan:

  • Suy gan nặng;
  • Tiền sử dị ứng hay quá mẫn cảm với progesterone hoặc các thành phần khác có trong thuốc.

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc utrogestan

Người dùng cần lưu ý việc sử dụng utrogestan không mang mục đích ngăn ngừa có thai. Thời gian của chu kỳ kinh nguyệt có thể thay đổi, rút ngắn lại hoặc xảy ra hiện tượng xuất huyết nếu sử dụng thuốc quá sớm, đặc biệt là trước ngày thứ 15 của mỗi chu kỳ.

Các trường hợp chảy máu tử cung không nên sử dụng thuốc Utrogestan trước khi xác định được nguyên nhân.

Việc điều trị bằng utrogestan sẽ không thể loại trừ hoàn toàn các nguy cơ hình thành huyết khối tắc mạch, do đó người bệnh cần ngưng thuốc trong các trường hợp sau:

  • Mất thị lực, nhìn đôi hoặc xác định có tổn thương mạch máu võng mạc;
  • Thuyên tắc hay huyết khối tĩnh mạch, bất kể vị trí trong cơ thể;
  • Đau đầu mức độ nặng.

Những trường hợp xảy ra hiện tượng vô kinh đột ngột, người bệnh cần phải được loại trừ chắc chắn việc mang thai.

Theo thống kê, hơn 1⁄2 các trường hợp sảy thai sớm tự phát là do nguyên nhân di truyền, bên cạnh các nguyên nhân khác như nhiễm trùng hoặc rối loạn cơ học. Các trường hợp này nếu sử dụng utrogestan chỉ có tác dụng làm chậm quá trình thải trứng chết. Do đó, việc điều trị bổ sung progesterone bằng thuốc utrogestan chỉ nên chỉ định cho các trường hợp hoàng thể tiết không đủ.


Thuốc utrogestan cần được sử dụng theo đúng hướng dẫn
Thuốc utrogestan cần được sử dụng theo đúng hướng dẫn

5. Tác dụng phụ của thuốc utrogestan

Nhiều bệnh nhân thắc mắc hiện tượng uống thuốc utrogestan bị chóng mặt, đây có thể là một tác dụng phụ của loại thuốc này. Khi sử dụng bằng đường uống, người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau đây:

  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, vô kinh;
  • Đau đầu;
  • Buồn ngủ, chóng mặt thoáng qua: Hiện tượng này được ghi nhận ở các trường hợp dùng utrogestan kết hợp với estrogen. Tác dụng này sẽ thuyên giảm khi giảm liều utrogestan hoặc tăng liều estrogen;
  • Chứng vàng da do ứ mật, ngứa ngáy;
  • Rối loạn tiêu hóa;
  • Rút ngắn chu kỳ kinh nguyệt hoặc xuất huyết giữa chu kỳ.

6. Một số tương tác thuốc của utrogestan

Việc sử dụng kết hợp utrogestan với một số thuốc khác có thể gây tác động đến quá trình chuyển hóa progesterone, từ đó dẫn đến thay đổi hiệu quả của thuốc như:

  • Các thuốc gây cảm ứng enzym mạnh như Barbiturate, thuốc chống động kinh (phenytoin), Rifampicin, Phenylbutazon, Spironolacton và Griseofulvin;
  • Một số kháng sinh (như ampicillin, tetracyclin) gây thay đổi hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến thay đổi chu trình gan ruột của các steroid;

Các progestin như thuốc utrogestan có thể làm giảm hấp thu glucose, do đó người bệnh đái tháo đường có thể gia tăng nhu cầu sử dụng insulin và các thuốc điều trị đái tháo đường khác.

7. Quá liều utrogestan và cách xử trí

Đường sử dụng đặt âm đạo không ghi nhận các trường hợp sử dụng quá liều thuốc utrogestan. Với đường uống, đa số các tác dụng phụ ghi nhận ở trên đều liên quan đến việc sử dụng quá liều. Do đó, đa số người bệnh chỉ cần giảm liều thì các triệu chứng bất thường sẽ tự động biến mất. Một số bệnh nhân chỉ sử dụng liều thông thường nhưng có thể quá cao với bản thân họ, dẫn đến biểu hiện quá mẫn cảm với progesterone hoặc kèm theo nồng độ estradiol trong máu thấp. Những lời khuyên sau đây có thể hữu ích cho nhóm bệnh nhân này:

  • Giảm liều hoặc dùng utrogestan vào buổi tối trước khi đi ngủ, 10 ngày/chu kỳ trong trường hợp gặp tác dụng phụ buồn ngủ hoặc chóng mặt thoáng qua;
  • Nếu ra vài giọt máu âm đạo hoặc chu kỳ kinh nguyệt rút ngắn, quá trình điều trị bằng utrogestan nên bắt đầu chậm hơn, có thể từ ngày thứ 19 thay vì ngày thứ 17;
  • Phụ nữ tiền mãn kinh hoặc đang điều trị bằng liệu pháp hormon thay thế cần thực hiện xét nghiệm để đảm bảo nồng độ oestradiol trong máu vừa đủ.

Utrogestan chứa hoạt chất Progesterone được chỉ định điều trị các bệnh lý phụ khoa. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe