Xét nghiệm phát hiện sớm ung thư gan

Bài viết được viết bởi bác sĩ xét nghiệm Hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Ung thư gan là loại ung thư được cho là phổ biến, đứng thứ 5 ở nam giới và đứng thứ 7 ở nữ giới. Việc phát hiện sớm mang lại hiệu quả cao trong điều trị. Siêu âm và các xét nghiệm Hoá sinh chỉ dấu ung thư (Tumor marker) được khuyến cáo sử dụng để sàng lọc phát hiện sớm ung thư gan hiện đã có gồm AFP, PIVKAII (DCP) và AFP-L3. Bài viết dưới đây tóm tắt ý nghĩa và hướng dẫn sử dụng các xét nghiệm này.

1. AFP

AFP là chữ viết tắt của cụm từ Alpha1-fetoprotein, là glycoprotein có một chuỗi đơn, trọng lượng phân tử 70000 dalton. AFP được tổng hợp chính ở gan phôi thai và túi noãn hoàng, rồi vào dịch ối, đi qua rau thai vào máu mẹ. Ở phụ nữ có thai AFP được sử dụng trong bộ 3 xét nghiệm gồm AFP, beta hCG và uE3 để sàng lọc nguy cơ bất thường các bộ nhiễm sắc thể 13, 18 và 21 ở em bé (Triple test, thực hiện ở tuần thai 16-18). Khi trẻ ra đời, nồng độ AFP giảm nhanh về mức ở người bình thường (0-7 ng/mL). Ở người không có thai AFP được sử dụng để sàng lọc chẩn đoán ung thư tế bào mầm (ví dụ: ung thư tinh hoàn) và ung thư gan.

Đã có nhiều nghiên cứu về AFP và đưa ra khuyến cáo về sử dụng xét nghiệm AFP trong sàng lọc ung thư gan như: Năm 2009, các nhà khoa học lĩnh vực ung thư Á châu (AOS) và Hội ung thư châu Âu (ESMO) đã đồng thuận về việc khuyến cáo định lượng AFP trong máu mỗi 3-6 tháng cho tất cả các trường hợp xơ gan- nhất là xơ gan nguyên nhân do viêm gan B để sàng lọc ung thư; năm 2020 mạng lưới ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NACB) đã đưa ra khuyến cáo sàng lọc ung thư gan ở những người có nguy cơ cao, nhất là xơ gan do viêm gan B và C bằng việc định lượng AFP và siêu âm bụng 1 lần/ 6 tháng. Nếu nồng độ AFP ở mức bất thường và siêu âm thấy có nhân < 1cm thì cần theo dõi, xét nghiệm lại sau 3 tháng. Nếu AFP >20 ng/mL và tăng dần thì rất cần theo dõi (ngay cả khi kết quả siêu âm bình thường) bằng tăng tần suất làm xét nghiệm. Các trường hợp nồng độ AFP bất thường thì nên kết hợp với các xét nghiệm khác như PIVKA II và AFP-L3 để tăng độ nhạy và độ đặc hiệu cho chẩn đoán. Nếu nồng đọ AFP>200 ng/mL và nhân > 2 cm thì điều trị mà không cần sinh thiết nữa.

2. AFP-L3

AFP có 3 dạng: AFP-L1 là dạng chủ yếu được thấy ở những người bệnh gan lành tính (Ví dụ: Viêm gan B mạn tính hoặc xơ gan; AFP-L2 được sản xuất bới các khối u túi noãn hoàng; AFP-L3 được sản xuất bởi tế bào gan ác tính, là dạng chủ yếu được thấy ở các bệnh nhân bị ung thư gan nguyên phát (HCC- Hepatocellular Carcinoma).

Đơn vị sử dụng cho AFP-L3 là % (tỷ lệ % lượng AFP-L3/AFP). Giá trị ngưỡng (Cut off) được khuyến cáo là <10%. Theo Marrero và cộng sự (năm 2009), AFP-L3 đặc hiệu 92% ở bất cứ giai đoạn nào ung thư gan, nhưng độ nhạy chỉ 37%, khi lượng AFP < 20 ng/ml thì không phát hiện được AFP-L3.

3. PIVKA II (hay DCP)

DCP là chữ viết tắt của cụm từ Des-gamma-carboxy-prothrombin, PIVKA II là chữ viết tắt của cụm từ Prothrombin induced by vitamin K absence II, là một dạng bất thường được tạo bởi sự thiếu vitamin K của prothrombin.

Cơ chế hình thành DCP hay PIVKAII: Trong quá trình ung thư hoá của tế bào gan, hệ thống carboxylase phụ thuộc prothrombin bị hư hại nên không làm được nhiệm vụ carboxyl hoá dẫn đến sản xuất DCP, và DCP mất chức năng prothrombin


AFP, PIVKAII (DCP) và AFP-L3 là 3 loại xét nghiệm phát hiện sớm ung thư gan
AFP, PIVKAII (DCP) và AFP-L3 là 3 loại xét nghiệm phát hiện sớm ung thư gan

Liebman và cộng sự là những người đầu tiên đưa ra xét nghiệm DCP/PIVKAII chẩn đoán sớm ung thư gan năm 1984 với khuyến cáo xét nghiệm PIVKA II nhạy và đặc hiệu hơn AFP trong phát hiện sớm ung thư gan tiên phát, phân biệt rõ ung thư gan với các bệnh gan mạn tính. Việc kết hợp xét nghiệm DCP với AFP tăng độ nhạy lên tới 74,2% và độ đặc hiệu lên tới 87,2%.

Trong ung thư tế bào gan tiên phát (hepatom-HCC), nồng độ trung bình của DCP được thấy là 900 ng/mL.

Hiện tại, AFP là chỉ dấu được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất, do hầu hết các bệnh viện thực hiện được và giá xét nghiệm chấp nhận được để có thể sử dụng với tần suất 6 tháng/lần ở người có nguy cơ (Viêm gan virus B,C mạn tính, xơ gan do viêm gan B,C). Trường hợp nghi ngờ có hoặc tiến triển ung thư gan thì nên làm xét nghiệm với tần suất ≤ 1 lần/3 tháng và nên kết hợp bộ 3 xét nghiệm AFP, AFP-L3 và PIVKA II.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư gan

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Hoàng Văn Sơn. Sàng lọc, phát hiện sớm và chẩn đoán ung thư gan. Tạp chí Y học Việt Nam, tập 496, tháng 11-số chuyên đề, 2020 và nguồn internet khác.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe