Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Gastrin là một hormone quan trọng trong việc giải phóng axit HCl vào dạ dày và điều hoà quá trình tiêu hoá thức ăn của cơ thể. Xét nghiệm máu đánh giá nồng độ hormone Gastrin có nhiều giá trị để chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hoá và theo dõi điều trị.
1. Hormone Gastrin là gì?
Gastrin là một hormone có dạng polypeptide được sản xuất và dự trữ ở tế bào G (G-cells) ở hang vị, môn vị dạ dày và các tế bào đảo tụy Langerhans. Gastrin chịu trách nhiệm chính trong việc tăng cường sự phát triển của niêm mạc dạ dày, nhu động dạ dày và là hormon mà dạ dày tạo ra nhằm kích thích các tế bào thành sản xuất và giải phóng và bài tiết axit hydrochloric (HCl) vào dạ dày. Thông thường, dạ dày tạo ra 2 đến 3 lít chất lỏng axit mỗi ngày. Nồng độ pH của dịch vị thấp giúp cơ thể tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng trong thức ăn, đặc biệt là protein và axit amin, cho phép dạ dày phân hủy protein từ thức ăn, giúp chuyển đổi pepsinogen không hoạt động thành pepsin hoạt động, tiêu hóa protein trong dạ dày, cũng như giải phóng cobalamin (vitamin B12) từ chất mang protein R nước bọt, hấp thụ một số vitamin. Gastrin cũng hoạt động như một chất khử trùng và tiêu diệt hầu hết các vi khuẩn xâm nhập vào dạ dày bằng thức ăn, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng trong ruột
Một tác dụng khác của Gastrin là kích thích túi mật làm rỗng kho mật và tuyến tụy để tiết ra các enzym. Enzym mật và tụy giúp hấp thụ thức ăn trong ruột non.
Gastrin được tế bào G tăng tiết khi có những đáp ứng sau:
- Khi có sự xuất hiện các phân tử protein, canxi hoặc rượu tiếp xúc với niêm mạc dạ dày
- Động tác nuốt, ngửi hoặc nếm thức ăn làm kích thích dây thần kinh phế vị.
- Khi hang vị bị căng ra do chứa thức ăn bên trong
- Nồng độ PH trong dạ dày giảm, sự tiết axit dạ dày hoạt động theo cơ chế feedback âm, khi nồng độ PH quá cao (có tính kiềm) sẽ kích thích tiết Gastrin giúp tăng tiết axit dạ dày và ngược lại khi nồng độ PH quá thấp sẽ ức chế sự tiết Gastrin và giảm tiết axit.
Bên cạnh đó, Gastrin cũng được giải phóng do sự kích thích của các enzym tuyến tụy, pepsin của dịch vị và một số yếu tố của gan (như dịch mật) làm tăng nhu động ruột dạ dày trong quá trình tiêu hoá thức ăn.
Gastrin được giải phóng chủ yếu để đáp ứng với sự kích thích peptide GRP ở âm đạo và giải phóng gastrin thứ phát sau khi uống peptide, axit amin, rối loạn dạ dày và tăng pH dạ dày. Ngược lại, quá trình giải phóng này bị ức chế bởi somatostatin và giảm pH dạ dày theo cơ chế điều hòa âm tính ngược (feedback).
2. Xét nghiệm đánh giá nồng độ Gastrin máu là gì?
Đây là một xét nghiệm máu đơn giản để kiểm tra việc cơ thể sản xuất quá mức hormone gastrin hoặc lượng hormone gastrin trong cơ thể quá thấp dù khá hiếm gặp. Nếu chúng quá cao hoặc quá thấp, bạn có thể đang gặp vấn đề với hệ tiêu hóa. Bạn có thể được chỉ định xét nghiệm nếu bạn có các triệu chứng như đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc loét dạ dày tái phát trở lại.
Kết quả định lượng nồng độ Gastrin giúp bác sĩ có được những thông tin hữu ích nhằm chuẩn đoán các bệnh lý gây tiết gastrin bất thường như u tế bào tăng tiết Gastrin (Gastrinoma), khối u tiết Gastrin trong hội chứng Zollinger-Ellison, loét dạ dày tá tràng, thiếu máu ác tính Bierrmer.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng test kích thích tiết Gastrin (provocative testing) để đánh giá chức năng tiết gastrin của dạ dày, giúp phân biệt bệnh loét dạ dày với hội chứng Zollinger-Ellison. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm gastrin nếu bạn đã cắt bỏ khối u sản xuất gastrin, đây là một xét nghiệm giúp theo dõi sự tái phát của khối u.
Chỉ định chính của xét nghiệm Gastrin là định lượng nồng độ Gastrin giúp chẩn đoán nhiều loại bệnh lý dạ dày và làm rõ tình trạng tiết Gastrin từ khối u (hội chứng Zollinger-Ellison)
3. Cách thực hiện xét nghiệm Gastrin máu
Trước khi thực hiện xét nghiệm Gastrin máu thì bạn cần phải nhịn ăn trong 12 giờ trước đó. Bạn có thể uống nước, nhưng không được ăn bất kỳ thực phẩm nào trong thời gian này. Bạn cũng nên tránh uống rượu trong ít nhất 24 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm. Hãy chắc chắn chia sẻ với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào bạn dùng, bao gồm vitamin và thảo dược, cũng như thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, đặc biệt những loại thuốc làm giảm tiết acid dịch vị hay thuốc làm giảm PH dạ dày . Hoặc bạn đang gặp phải một số vấn đề cũng như có tiền sử bệnh lý như:
- Đã hoặc đang có kế hoạch phẫu thuật loét dạ dày tá tràng
- Ăn một chế độ ăn giàu protein
- Bị bệnh tiểu đường và dùng insulin
- Uống bổ sung canxi, thuốc kháng axit hoặc các loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất axit dạ dày
- Uống cà phê
- Uống thuốc chống trầm cảm
Ngoài việc định lượng nồng độ Gastrin máu, bác sĩ cũng có thể sử dụng test kích thích tiết gastrin (provocative testing), như truyền tĩnh mạch canxi gluconat hoặc tiêm secretin được sử dụng để phân biệt loét dạ dày tá tràng với hội chứng Zollinger-Ellison.
- Test kích thích tiết gastrin sau tiêm secretin (gastrin test after secretin) tiêm 2 -3 u/kg secretin trong vòng 30 giây là test kích thích thường được sử dụng đối với các bệnh nhân có nghi vấn bị hội chứng Zollinger- Ellison.
- Định lượng nồng độ gastrin huyết thanh nền và sau test kích thích bằng secretin là thăm dò cận lâm sàng tốt đối với u tế bào tiết gastrin (gastrinoma).
- Test kích thích tiết gastrin (gastric stimulation test) sau khi truyền canxi tĩnh mạch (15 mg Ca/kg pha trong 500 mL dịch muối sinh lý trong vòng 4 giờ) rất hữu ích ở các bệnh nhân có tình trạng tăng rõ rệt nồng độ gastrin máu. Test này được chỉ định cho các bệnh nhân có test kích thích tiết secretin âm tính, tăng tiết acid dịch vị và lâm sàng nghi vấn có hội chứng Zollinger- Ellison.
4. Các yếu tố làm ảnh hưởng thay đổi kết quả xét nghiệm Gastrin máu
Mẫu bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm. Nồng độ gastrin huyết thanh dao động theo nhịp ngày đêm (thấp nhất vào buổi sáng sớm và cao nhất trong ngày).
Kết quả tăng nồng độ gastrin giả tạo có thể xảy ra khi máu có hàm lượng lipid cao hay bệnh nhân ăn các thức ăn chứa nhiều protein. Theo đó, các thuốc có thể làm tăng nồng độ gastrin máu là: Acetylcholin, thuốc trung hòa acid dịch vị, thuốc chẹn beta giao cảm, canxi cacbonat, canxi clorid, thuốc cường cholin [cholinergics], cimetidin, famotidin, ranitidin, insulin, nizatidin, thuốc ức chế bơm proton.
Các thuốc có thể làm giảm nồng độ gastrin máu là: Thuốc block giao cảm (adrenergic blockers), thuốc kháng cholin (anticholinergics), caffeine, muối canxi, corticosteroid, ethanol, rauwolfia serpentina, reserpin, thuốc chống trầm cảm ba vòng.
5. Nhận định kết quả xét nghiệm hormone gastrin
Có nhiều yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm của bạn. Kết quả nhận được cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào kit xét nghiệm và phạm vi tham chiếu phòng xét nghiệm đó sử dụng. Nói chung, phạm vi bình thường cho mức gastrin là:
- 0-180 pg / mL (picogram trên mililít máu) đối với người lớn (tỷ lệ này có thể cao hơn ở người lớn tuổi theo sinh lý)
- 0-125 pg / mL cho trẻ em
Mức độ gastrin quá cao có thể gây ra bởi một tình trạng gọi là hội chứng Zollinger-Ellison (ZE). Điều này có thể do một khối u bài tiết gastrin trong hệ thống tiêu hóa tiết ra gastrin quá mức. Những khối u này được gọi là u dạ dày. Chúng thường nằm ở phần đầu tiên của ruột non (tá tràng) hoặc trong tuyến tụy. Lượng Gastrin gia tăng có thể gây ra nhiều axit trong hệ thống tiêu hóa. Điều này có thể kích hoạt các triệu chứng gây tiêu chảy và có thể dẫn đến loét dạ dày và ruột non cũng như xuất hiện triệu chứng buồn nôn, đau bụng dai dẳng, nóng rát, dấm dứt, đau âm ỉ, khó chịu ở vùng bụng trên.
Cho đến nay, hai nguyên nhân phổ biến nhất của nồng độ gastrin cao không do khối u tiết gastrin là thuốc chống axit được dùng để điều trị trào ngược dạ dày, ợ nóng và tình trạng viêm teo dạ dày mãn tính. Cả hai đều có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày và chúng cũng khiến dạ dày tạo ra ít axit hơn. Trong những bệnh lý này, mức độ gastrin tăng lên vì độ pH của dạ dày quá cao (tình trạng kiềm).
Khi bác sĩ nghi ngờ bạn bị u tế bào tiết gastrin (gastrinoma) là khi trên bệnh cảnh lâm sàng là tình trạng tăng tiết mạnh axit dịch vị kết hợp với việc nồng độ gastrin máu tăng rất cao lên đến 500 -1000 pg/mL. Đối với các trường hợp tăng vừa phải nồng độ gastrin cần được loại trừ tình trạng tế bào G bị tăng mẫn cảm và tăng sản tế bào G bằng cách tiến hành làm test kích thích tiết gastrin.
Nếu bạn bị u dạ dày đã được cắt bỏ thông qua phẫu thuật và kết quả xét nghiệm cho thấy sự gia tăng của gastrin, điều đó có nghĩa là đã có sự tái phát khối u. Nếu mức độ gastrin không giảm xuống sau khi phẫu thuật, điều đó có nghĩa là thủ thuật đã không thành công.
Một số nguyên nhân thường gặp của tăng nồng độ Gastrin máu thường là:
- Người già: được coi là có tình trạng tăng "sinh lý" theo tuổi do có tới 15% người bình thường > 60 tuổi có nồng độ gastrin máu 100-800 pg/mL.
- Dạ dày không có axit clohydric trong dịch vị (achlorhydria).
- Giảm axit clohidric dịch vị (hypochlorhydria). Tình trạng này được gặp trong các bệnh lý như viêm dạ dày thể teo (atrophic gastritis), thiếu máu ác tính Biermer, sau cắt thần kinh phế vị.
- Bệnh loét dạ dày tá tràng
- Tăng sản các tế bào G (G-cell hyperplasia) của hang vị.
- Bệnh thận giai đoạn cuối
- Cường cận giáp trạng gây tăng canxi máu.
- Ung thư dạ dày
- Hẹp môn vị
- Hội chứng tăng ure máu
- Sử dụng các thuốc gây ức chế axit dịch vị như thuốc trung hòa axit dịch vị, thuốc kháng H2 (Vđ: ranitidin, famotidin) hay thuốc ức chế bơm proton (Vd: esomeprazol, omeprazol).
- Hội chứng Zollinger-Ellison.
Rất hiếm khi kết quả xét nghiệm cho nồng độ gastrin quá thấp. Nhưng nếu tình trạng này xảy ra, có khả năng cao dạ dày của bạn có thể đang không hấp thụ chất dinh dưỡng đúng cách. Bạn cũng có thể có nguy cơ nhiễm trùng cao từ hệ thống tiêu hóa do nồng độ acid trong dạ dày thấp. Nồng độ Gastrin trong phạm vi bình thường hoặc thấp thường không phải là những tình trạng đáng lo ngại.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com