Bài viết được viết bởi Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Bệnh Celiac hay còn gọi là bệnh nhạy cảm với gluten hoặc bệnh không dung nạp gluten. Đây là một căn bệnh dị ứng với một dạng protein gọi là gluten, không cho phép cơ thể hấp thu gluten.
1.Vai trò của xét nghiệm kháng thể
Do đặc điểm triệu chứng lâm sàng tương đối đa dạng và không điển hình, việc sử dụng các kháng thể huyết thanh để sàng lọc trước khi chỉ định nội soi và sinh thiết tá tràng được các nhà lâm sàng áp dụng rộng rãi.
Kháng thể được phát hiện và ứng dụng sàng lọc đầu tiên trong Celiac là kháng thể kháng gliadin (antigliadin antibody - AGA). Tuy nhiên, độ nhạy và độ đặc hiệu của kháng thể này không cao do vậy không còn được ứng dụng nhiều trong lâm sàng.
Thêm vào đó, đã có một số báo cáo ghi nhận ở những người khỏe mạnh hoặc có một số bệnh lý tiêu hóa khác không phải Celiac cũng có thể tăng nồng độ AGA. Sự ra đời của các xét nghiệm kiểm tra kháng thể IgA reticulin nhóm R1 phụ thuộc gluten (gluten-dependent IgA-class R1-type reticulin - ARA) và tự kháng thể nội cơ (endomysial autoantibody - EMA) giúp khắc phục những nhược điểm này.
Trong hầu hầu các nghiên cứu, độ nhạy và độ đặc hiệu có thể lên được trên 90%. Ở những bệnh nhân có triệu chứng nếu test huyết thanh EMA dương tính có thể chẩn đoán Celiac.
Năm 1997, khi phát hiện ra transglutaminase 2 (TG2) là kháng nguyên đặc hiệu trong Celiac, các kĩ thuật sử dụng ELISA xác định kháng thể kháng TG2 và kháng thể kháng peptide gliadin được khử gốc amid (deamidated gladin peptide antibodies - anti DGP) đã ra đời [18].
Việc sử dụng kháng thể IgA transglutaminase kháng mô (immunoglobulin A anti-tissue transglutaminase - IgA TTG) đã được kiểm định trong nhiều nghiên cứu thuần tập. Độ nhạy và độ đặc hiệu của kháng thể này ở bệnh nhân Celiac chưa điều trị đều lên đến 95%. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt kháng thể IgA phổ biến ở nhóm bệnh nhân Celiac với tỉ lệ 2 - 3%, cao hơn so với tỉ lệ trong dân số thông thường (1/800 - 1/400).
Trong những trường hợp có yếu tố nguy cơ cao của Celiac và kháng thể IgA TTG đặc hiệu âm tính, cần kiểm tra định lượng kháng thể IgA chung của bệnh nhân để loại trừ âm tính do thiếu hụt ga và chỉ định nội soi để sinh thiết. Thiếu hụt IgA cũng gặp trong một số bệnh lý gây teo nhung mao ở tá tràng như quá phát vi khuẩn ở ruột non, các bệnh lý thiếu hụt globulin miễn dịch. Vì vậy những trường hợp này có thể sử dụng các xét nghiệm kháng thể IgG (IgG DGP và IgG TTG).
Áp dụng chế độ ăn loại trừ gluten sẽ làm giảm nồng độ các kháng thể trong Celiac với tỉ lệ kháng thể huyết thanh âm tính lên tới 80% sau 6 – 12 tháng và sau 5 năm, tỷ lệ này là 90%. Vì vậy, để chẩn đoán Celiac, cần tiến hành các xét nghiệm kháng thể khi bệnh nhân vẫn đang sử dụng chế độ ăn bình thường, chưa loại trừ gluten.
Ở trẻ em dưới 2 tuổi, các xét nghiệm kháng thể TTG và EMA đều có độ nhạy giảm đi và độ nhạy của các kháng thể AGA và DGP cao hơn. Tuy nhiên do độ nhạy và độ đặc hiệu chung của AGA thấp không còn được sử dụng làm xét nghiệm sàng lọc trong Celiac nên có thể phối hợp kiểm tra kháng thể TTG và DGP cho nhóm đối tượng trẻ nhỏ.
2. Vai trò của xét nghiệm gen
Yếu tố di truyền quan trọng nhất trong Celiac là sự xuất hiện của các gen HLA-D02 và HLA-DQ8. Một nghiên cứu tiến cứu trên 463 bệnh nhân có triệu chứng được sinh thiết ruột non khi nghi ngờ Celiac cho thấy việc kết hợp xét nghiệm gen HLA-DQ với các xét nghiệm kháng thể huyết thanh không làm tăng độ chính xác so với xét nghiệm kháng thể đơn thuần.
Do vậy các xét nghiệm gen không được sử dụng thường quy để chẩn đoán ban đầu. Tuy nhiên trong những trường hợp khó cần loại trừ Celiac có thể tiến hành xét nghiệm này bao gồm:
- Bệnh nhân tiêu chảy dai dẳng nhưng không tìm được nguyên nhân; - Tổn thương mô bệnh học không đặc trưng (Marsh I-II) và huyết thanh kháng thể âm tính;
Đánh giá bệnh nhân đang áp dụng chế độ ăn loại trừ gluten trong trường hợp bệnh nhân chưa từng làm các xét nghiệm chẩn đoán trước đó; Có sự không phù hợp giữa xét nghiệm kháng thể huyết thanh và mô bệnh học;
Bệnh nhân nghi ngờ mắc Celiac thể tái phát kháng trị trong khi chẩn đoán từ đầu không thật sự rõ ràng, - Bệnh nhân Down: Theo một nghiên cứu, tỉ lệ Celiac ở bệnh nhân có hội chứng Down ở Mỹ ước tính là 10% và HLA-DQ2 xuất hiện ở 88% các trường hợp Down có xét nghiệm kháng thể EMA dương tính và 16% bệnh nhân Down có xét nghiệm kháng thể EMA âm tính. Xét nghiệm gen HLA-DQ2 và HLA-DQ8 âm tính có thể loại trừ nguy cơ xuất hiện Celiac ở các trẻ mắc Down.
3. Chẩn đoán trong trường hợp bệnh nhân đang áp dụng chế độ ăn loại trừ gluten
Khi áp dụng chế độ ăn loại trừ gluten, các xét nghiệm huyết thanh đặc hiệu và hình ảnh mô bệnh học không thể trở về bình thường ngay trong vòng một tháng do vậy nếu bệnh nhân mới áp dụng chế độ ăn này, vẫn có thể dùng cách tiếp cận chẩn đoán thông thường.
Với những bệnh nhân có thời gian ăn chế độ loại trừ gluten lâu hơn, kết quả huyết thanh và mô bệnh học bình thường không thể giúp loại trừ tuyệt đối Celiac.
Trong trường hợp này có thể làm xét nghiệm gen HLA-DQ2/DQ8 và tiến hành “nghiệm pháp gluten”. Đây đượC coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định với những bệnh nhân có gen HLA-DQ2/DQ8 nhưng xét nghiệm kháng thể huyết thanh và mô bệnh học âm tính. Tuy nhiên trong trường hợp áp dụng chế độ ăn có gluten, nếu bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nặng cần phải ngừng lại.
4. Cần chuẩn bị những gì khi đi khám bệnh nếu nghi ngờ bệnh Celiac?
Bác sĩ sẽ cần một số thông tin sau để chẩn đoán bệnh, nên bạn cần chuẩn bị các câu trả lời cho những điều sau đây:
- Triệu chứng bắt đầu từ khi nào?
- Các triệu chứng này xuất hiện liên tục hay thỉnh thoảng, lúc có lúc không?
- Triệu chứng nặng / nhẹ ra sao?
- Có thể làm gì để giảm triệu chứng kể trên? Tiết giảm thức ăn nào thì cảm thấy dễ chịu hơn?
- Khi làm gì thì triệu chứng nặng hơn? Loại thức ăn nào khiến triệu chứng gia tăng?
- Trong gia đình có ai bị bệnh celiac không?
- Có bị chứng bệnh tự đề kháng nào không (autoimmune disease)?
- Trong gia đình có ai bị bệnh tự đề kháng không?
- Đã chịu giải phẫu ở bụng bao giờ chưa?
- Đã bị chứng bệnh liên quan đến tụy tạng bao giờ chưa, chẳng hạn như viêm tụy tạng?
- Đã bị chứng da nổi ngứa với những bong bóng bao giờ chưa?
- Đã bị thiếu máu bao giờ chưa và cần dùng thêm sắt?
5. Điều trị bệnh Celiac
Cho đến nay, chế độ ăn loại trừ gluten là phương pháp điều trị hiệu quả nhất giúp ngăn tổn thương niêm mạc ruột tiến triển do tiếp xúc với gluten. Các nguồn thức ăn chính chứa gluten là lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen.
Mặc dù yến mạch đã được chứng minh có hàm lượng gluten rất thấp và có thể sử dụng trong chế độ ăn loại trừ gluten nhằm cung cấp nguồn chất xơ, vitamin B, magne và sắt cho bệnh nhân, việc đưa yến mạch vào chế độ ăn cần hết sức cẩn thận. Trong những trường hợp này, nên có sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng và theo dõi để phát hiện sớm nếu có các triệu chứng bùng phát.
Đối với những bệnh nhân mới được chẩn đoán Celiac, cần kiểm tra tình trạng thiếu hụt các vi chất bao gồm sắt, acid folic, vitamin D, vitamin B12 để có tư vấn dinh dưỡng phù hợp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ uy tín được nhiều bệnh nhân tin cậy trong thực hiện kỹ thuật chẩn đoán và điều trị các bệnh lý viêm ruột mãn tính...Cùng với đó, tại Bệnh viện Vinmec, việc thực hiện chẩn đoán thông qua nội soi tiêu hóa với máy nội soi Olympus CV 190, với chức năng NBI (Narrow Banding Imaging - nội soi với dải tần ánh sáng hẹp) cho kết quả hình ảnh phân tích bệnh lý niêm mạc rõ nét hơn so với nội soi thông thường, phát hiện các tổn thương viêm loét ở đường tiêu hóa.
Bệnh viện Vinmec với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, luôn tận tâm tận lực trong khám chữa bệnh, khách hàng có thể yên tâm với dịch vụ nội soi tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.