Kháng thể kháng nhân (ANA) là một loại kháng thể chống lại nhân của các tế bào. Xét nghiệm kháng thể kháng nhân kết hợp cùng các triệu chứng lâm sàng, kiểm tra thể chất và các xét nghiệm khác giúp bác sĩ tìm ra bệnh tự miễn, trong đó có chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ.
1. Tổng quan
Kháng thể là protein được tạo ra bởi hệ miễn dịch của cơ thể, giúp phát hiện và chống lại nhiễm trùng. Các kháng thể thường nhắm vào các chất có hại, chẳng hạn như vi khuẩn và virus, sau đó kích hoạt hệ miễn dịch tấn công để loại bỏ ra khỏi cơ thể.
Đôi khi các kháng thể tấn công nhầm vào các tế bào và mô khỏe mạnh - được gọi là phản ứng tự miễn dịch. Khi kháng thể tấn công nhầm các protein khỏe mạnh trong nhân - trung tâm điều khiển của các tế bào, thì được gọi là kháng thể kháng nhân ANA.
Nếu cơ thể nhận được tín hiệu tự tấn công chính mình, sẽ làm phát sinh các bệnh tự miễn như lupus, xơ cứng bì, bệnh mô liên kết hỗn hợp, viêm gan tự miễn và các tình trạng khác. Những triệu chứng khác nhau tùy theo bệnh, thường bao gồm phát ban, sưng, viêm khớp hoặc mệt mỏi. Trong đó, phổ biến nhất là lupus ban đỏ hệ thống - một rối loạn tự miễn dịch, có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm tim, phổi, thận, khớp, da, mạch máu, và não.
Nếu chỉ có một số ANA trong cơ thể thì không cần lo ngại, nhưng quá nhiều protein này là dấu hiệu của một bệnh tự miễn đang hoạt động. Một bảng tiêu chí sẽ giúp xác định mức độ ANA trong máu. Nếu ở mức độ cao (tỷ lệ 1: 640 trở lên), bạn có thể bị rối loạn tự miễn. Tuy nhiên, các điều kiện như nhiễm trùng, ung thư và các vấn đề y tế khác cũng có thể dẫn đến kết quả xét nghiệm kháng thể kháng nhân ANA dương tính.
2. Chỉ định
Kháng thể kháng nhân ANA có mặt ở hầu hết người bị lupus hoạt động. Các bác sĩ thường sử dụng xét nghiệm ANA như một công cụ sàng lọc. Nhìn vào các mẫu của kháng thể cũng giúp xác định căn bệnh cụ thể mà một người mắc phải, nhờ đó bác sĩ sẽ chỉ định đúng phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm ANA nếu bạn có các triệu chứng của bệnh lupus hoặc các rối loạn tự miễn dịch khác, chẳng hạn như:
- Sốt;
- Phát ban đỏ, từng mảng hoặc đường như mạch máu (một triệu chứng của bệnh lupus);
- Mệt mỏi;
- Đau khớp và sưng;
- Đau cơ.
Nhiều bệnh tự miễn như lupus có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự nhau. Mặc dù xét nghiệm ANA không thể xác nhận chẩn đoán cụ thể, nhưng có thể dùng loại trừ một số bệnh. Nếu xét nghiệm ANA cho kết quả dương tính, người bệnh sẽ tiếp tục kiểm tra máu để tìm sự hiện diện của các kháng thể kháng nhân đặc biệt hơn, một số trong đó sẽ đặc trưng cho căn bệnh nhất định.
3. Chuẩn bị và tiến hành
Để thực hiện xét nghiệm kháng thể kháng nhân, bác sĩ cần lấy mẫu máu của bệnh nhân. Nếu mẫu máu chỉ được sử dụng cho xét nghiệm này, bạn có thể ăn và uống bình thường trước khi tiến hành. Trong trường hợp mẫu máu còn được dùng cho các xét nghiệm bổ sung khác, bạn có thể cần phải nhịn ăn một thời gian trước khi làm xét nghiệm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Một số loại thuốc, chẳng hạn như động kinh và thuốc tim, sẽ làm ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả xét nghiệm. Vì vậy cần mang đến cho bác sĩ danh sách các loại thuốc bạn đang dùng, ngay cả những loại thuốc không kê đơn hoặc chất bổ sung.
Đối với xét nghiệm kháng thể kháng nhân ANA, điều dưỡng viên hoặc y tá sẽ lấy mẫu máu bằng cách chèn kim vào tĩnh mạch trên cánh tay của bạn. Mẫu máu được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Bạn có thể trở lại sinh hoạt thường ngày ngay sau xét nghiệm.
Rất ít khả năng xảy ra rủi ro khi lấy mẫu máu lấy từ tĩnh mạch. Bạn có thể bị bầm nhỏ hoặc đau nhói nhẹ tại nơi lấy máu. Trong một số trường hợp, tĩnh mạch có thể bị sưng sau khi lấy mẫu máu, được gọi là viêm tĩnh mạch. Chườm ấm nhiều lần trong ngày sẽ giúp khắc phục vấn đề này.
4. Kết quả xét nghiệm
Sự hiện diện của kháng thể kháng nhân sẽ cho kết quả dương tính, ngược lại kết quả âm tính có nghĩa là không tìm thấy ANA. Khoảng 95% những người bị lupus sẽ có kết quả xét nghiệm dương tính với kháng thể kháng nhân.
Tuy nhiên kết quả này không khẳng định chắc chắn là bạn mắc bệnh. Nhiều người khỏe mạnh vẫn có kết quả xét nghiệm ANA dương tính, đặc biệt là phụ nữ trên 65 tuổi. Đây được gọi là kết quả xét nghiệm dương tính giả. Chuẩn độ ANA cũng có thể tăng theo tuổi ở những người khỏe mạnh.
Ngoài rối loạn tự miễn, một số bệnh truyền nhiễm, thuốc và ung thư cũng có liên quan đến sự phát triển của kháng thể kháng nhân. Vì vậy, kết quả cần được bác sĩ phân tích và kết hợp với các xét nghiệm bổ sung khác để đưa ra kết luận.
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh tự miễn, nhiều khả năng bạn sẽ được yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ANA là một phần thông tin giúp bác sĩ xác định nguyên nhân của các dấu hiệu và triệu chứng người bệnh gặp phải.
5. Hạn chế của xét nghiệm
Mặc dù hầu hết những người bị lupus đều có kháng thể, nhưng kết quả dương tính không nhất thiết chỉ ra bệnh lupus. Kết quả dương tính cũng thường gặp với những bệnh khác và một tỷ lệ nhỏ những người không bị lupus hoặc bất kỳ rối loạn tự miễn dịch nào. Một số người mắc các bệnh tự miễn có thể có kết quả xét nghiệm âm tính với ANA, nhưng dương tính với các kháng thể khác.
Vì vậy, một mình xét nghiệm ANA đơn lẻ là không đủ để chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ. Các bác sĩ phải xem xét kết quả của xét nghiệm này kết hợp cùng với nhiều tiêu chí khác để chẩn đoán lupus, chẳng hạn như:
- Kháng DNA sợi kép;
- Kháng thể kháng phospholipids;
- Kháng histone.
Tóm lại, xét nghiệm ANA đặc biệt hữu ích trong chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ vì hơn 95% bệnh nhân sẽ có kết quả dương tính. Tuy nhiên, không phải ai có kết quả dương tính đều bị lupus và ngược lại, không phải bệnh nhân lupus nào cũng có kết quả dương tính. Vì vậy, xét nghiệm kháng thể kháng nhân không thể được sử dụng như một phương pháp chẩn đoán duy nhất. Bác sĩ sẽ quyết định về các xét nghiệm bổ sung cần thực hiện để xác định nguyên nhân làm tăng ANA trong máu của bạn.
Nguồn tham khảo: medlineplus.gov, webmd.com, .mayoclinic.org, .healthline.com