Xét nghiệm huyết đồ là gì? Quy trình xét nghiệm huyết đồ thế nào?...là những thắc mắc được nhiều người quan tâm hiện nay. Cùng Vinmec tìm hiểu rõ hơn về xét nghiệm huyết đồ, ý nghĩa các chỉ số, xét nghiệm huyết đồ phát hiện bệnh gì?... ngay sau đây.
1. Xét nghiệm huyết đồ là gì?
Xét nghiệm huyết đồ (huyết đồ) - bản tổng kết về tình trạng sinh lý bình thường hoặc bệnh lý của các bệnh nhân kèm theo các bình luận của bác sĩ. Kết quả phản ánh qua các thông số về hồng cầu, dòng tiểu cầu, dòng bạch cầu.
Các thông số này là cần thiết trong khám sức khỏe định kỳ của mọi đối tượng. Đặc biệt, nếu bạn đang có các triệu chứng gồm:
- Sốt;
- Hoa mắt/ chóng mặt;
- Viêm nhiễm;
- Chảy máu;
- Bầm tím...;
Thì kết quả xét nghiệm huyết đồ giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây ra các tình trạng trên và đưa ra các phác đồ điều trị thích hợp.
Bên cạnh đó, xét nghiệm huyết đồ giúp theo dõi tình trạng, tiến triển của các bệnh lý về máu, theo dõi sức khoẻ khi bạn đang dùng thuốc có ảnh hưởng đến dòng tế bào máu.
Thông thường, một kết quả xét nghiệm huyết đồ gồm:
1.1 Công thức máu
Trước kia, công thức máu được xác định bằng phương pháp thủ công. Bằng việc sử dụng công cụ pha loãng, buồng đếm... để xác định công thức máu. Cách làm này thường dễ gây sai sót trong thao tác, gây ra sự sai số lớn.
Do đó, ngày nay, công thức máu thường được sử dụng bằng máy huyết học tự động, bán tự động với các nguyên lý khác nhau. Khi làm công thức máu sẽ đưa ra được các thông tin như:
Dòng hồng cầu gồm các chỉ số gồm:
- Số lượng hồng cầu;
- Huyết sắc tố;
- Thể tích khối hồng cầu;
- Thể tích trung bình hồng cầu;
- Lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu;
- Nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCHC)
- Độ phân bố kích thước hồng cầu (RDW)
Dòng bạch cầu gồm các chỉ số như:
- Số lượng bạch cầu (WBC)
- Tỷ lệ % bạch cầu đoạn trung tính (Neutrophil)
- Tỷ lệ % bạch cầu lympho (Lymphocyte)
- Tỷ lệ % bạch cầu mono (Monocyte)
- Tỷ lệ % bạch cầu đoạn ưa acid (Eosinophil)
- Tỷ lệ % bạch cầu đoạn ưa base (Basophil)
- Số lượng bạch cầu đoạn trung tính, lympho, Mono, đoạn ưa acid,đoạn ưa base
Dòng tiểu cầu gồm các chỉ số:
- Số lượng tiểu cầu (PLT)
- Thể tích trung bình tiểu cầu (MPV)
- Thể tích khối tiểu cầu (PCT)
- Độ phân bố kích thước tiểu cầu (PDW)
Các chỉ số này sẽ được đưa ra trong công thức máu của xét nghiệm huyết đồ.
1.2 Hồng cầu lưới
Hồng cầu lưới giúp đánh giá khả năng sinh sản của tuỷ xương, đáp ứng của xương với thiếu máu ngoại vi quan trọng trong việc đánh giá khả năng sinh sản của tủy xương và sự đáp ứng của tủy xương đối với tình trạng thiếu máu ngoại vi.
Hồng cầu lưới được xác định qua phương pháp nhuộm Cresyl Blue. Phương pháp này khá thủ công nên tỷ lệ sai số lớn, phụ thuộc nhiều vào người đọc lam. Tuy nhiên, ngày nay, số lượng hồng cầu lưới được xác định chính xác hơn nhờ hệ thống máy huyết học hiện đại.
Tuy nhiên, phương pháp này có sai số lớn, phụ thuộc nhiều từ người đọc lam. Ngày nay, số lượng hồng cầu lưới đã có thể xác định được trên các hệ thống máy huyết học hiện đại, điều này.
1.3 Bình luận về số lượng, hình thái, kích thước, tính chất bắt màu của tế bào
Nguyên tắc trong bình luận này là cần quan sát đặc điểm hình thái trên tiêu bản máu nhuộm Giemsa. Sau đó, đem đối chiếu với các thông số đo được, đếm được với thực tế trên tiêu bản. Trường hợp không có sự phù hợp thì cần tìm ra lý do là kỹ thuật xét nghiệm hay do bệnh lý.
Khi so sánh các thông số, đặc điểm quan sát được với giá trị tham chiếu tương ứng của người khoẻ mạnh trong cùng độ tuổi, giới tính, điều kiện sống. Các đối chiếu lâm sàng khác gồm:
- Bệnh sử;
- Triệu chứng lâm sàng;
- Tình trạng chảy máu;
- Nhiễm trùng...;
Nội dung cần bình luận trong xét nghiệm huyết đồ gồm:
- Hồng cầu tăng/ giảm/ bình thường, kích thước hồng cầu to/ nhỏ/ bình thường, bình sắc/ nhược sắc, kích thước đồng đều hay không, nếu không thì có mô tả gì về tình trạng không bình thường này, có hồng cầu non không, hồng cầu lưới tăng/ giảm...;
- Bạch cầu tăng/ giảm/ bình thường, nhận xét hình thái, số lượng từng loại bạch cầu, đặc biệt với các bạch cầu bất thường về hình thái...;
- Tiểu cầu tăng/ giảm/ bình thường, độ tập trung tăng/ giảm, kích thước tiểu cầu to/nhỏ/bình thường, có tiểu cầu khổng lồ không...;
- Bất thường khác: Ấu trùng giun chỉ, ký sinh trùng sốt rét...;
Các bình luận về số lượng, kích thước, tính chất của bắt màu của tế bào trong xét nghiệm huyết đồ này giúp bác sĩ đưa ra các đánh giá kết luận phù hợp.
2. Xét nghiệm huyết đồ phát hiện được bệnh gì?
Đây là xét nghiệm quan trọng được ví như 1 bản mô tả đầy đủ, cụ thể về các thông số về dòng tế bào máu. Từ đó, giúp bác sĩ có thể đưa ra các tư vấn, định hướng đúng trong chẩn đoán, điều trị các bệnh về máu.
Xét nghiệm huyết đồ giúp phát hiện ra nhiều bệnh lý khác nhau. Tuỳ vào các chỉ số mà có thể phát hiện ra các bệnh lý khác nhau, cụ thể:
2.1 Dòng hồng cầu (RBC - Red blood cell)
Số lượng hồng cầu tăng/ giảm cũng chỉ ra các bệnh lý khác nhau gồm:
Tăng:
- Sốt;
- Tiêu chảy;
- Tăng sinh tủy mạn ác tính;
Giảm:
- Thiếu sắt, B12, axit folic,....
- Mất máu: tình trạng cấp tính, xuất huyết tiêu hoá tai nạn/chấn thương...;
- Rối loạn hấp thu do các bệnh viêm gan, xơ gan, viêm dạ dày mạn...;
- Tan máu do yếu tố miễn dịch.
Lượng huyết sắc tố (HGB), thể tích khối hồng cầu (HCT)
Tăng:
- Sốt;
- Tiêu chảy;
- Mất nước;
- Đa hồng cầu.
Giảm:
- Thiếu sắt, B12, axit folic, men G6PD.
- Bệnh lý ác tính Leukemia.
- Tan máu: miễn dịch, di truyền Thalassemia.
Thể tích trung bình hồng cầu (MCV), lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCH):
Tăng:
- Thiếu vitamin B12,
- Thiếu acid folic;
- Rối loạn hấp thu ở dạ dày, ruột.
Giảm:
- Thiếu máu thiếu sắt;
- Tan máu di truyền Thalassemia;
- Viêm mạn tính,...;
Nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCHC) – chỉ số đánh giá đặc điểm hồng cầu bình sắc/ nhược sắc trong phân loại thiếu máu
2.2 Dòng bạch cầu (WBC - White blood cell)
Số lượng bạch cầu tăng/ giảm cũng chỉ ra các bệnh lý khác nhau:
Tăng:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn, virus.
- Bệnh lý máu ác tính dòng bạch cầu.
Giảm:
- Nhiễm virus.
- Suy tủy xương, ức chế sinh tủy.
- Điều trị ung thư;
- Thiếu vitamin.
Công thức bạch cầu:
Bạch cầu đoạn trung tính tăng trong các trường hợp:
- Viêm nhiễm;
- Leukemia;
- Stress,...
Bạch cầu lymphocyte tăng trong các trường hợp:
- Nhiễm virus;
- Nhiễm Lao;
- Leukemia dòng lympho.
Bạch cầu ưa acid tăng trong các bệnh:
- Dị ứng;
- Nhiễm giun sán;
- Ung thư máu;
Bạch cầu ưa bazơ tăng trong các trường hợp:
- Nhiễm độc;
- Dị ứng;
- Ung thư máu;
Các chỉ số về dòng bạch cầu trong xét nghiệm huyết đồ cũng cho thấy nhiều bệnh lý nguy hiểm.
2.3 Dòng tiểu cầu (PLT - Platelet)
Tăng:
- Nhiễm khuẩn;
- Chấn thương;
- Tăng tiểu cầu nguyên/thứ phát...;
Giảm:
- Bệnh gan;
- Sốt virus;
- Xuất huyết giảm tiểu cầu;
- Suy tuỷ xương...;
Chỉ số về dòng tiểu cầu trong xét nghiệm huyết đồ cũng cảnh báo các vấn đề về sức khỏe.
2.4 Hồng cầu lưới
Chỉ số hồng cầu lưới giúp đánh giá:
- Khả năng sinh sản dòng hồng cầu của tuỷ xương;
- Khả năng đáp ứng của tuỷ xương với người bị thiếu máu;
Nếu chỉ số hồng cầu hình lưới:
Tăng/ bình thường:
- Tuỷ xương bình thường, đáp ứng với thiếu máu
Giảm:
- Suy tuỷ xương;
- Thiếu máu mạn;
- Thiếu Folate...;
Bên cạnh đó, kết quả tổng phân tính máu trên máy tự động, xét nghiệm huyết đồ còn bao gồm cả quy trình nhuộm và phân tích tiêu bản máu ngoại vi. Khi quan sát hình ảnh trên lam máu nhuộm Giemsa có thể đưa ra các đánh giá về tính bắt màu, số lượng, hình thái... của tế bào máu. Đây cũng là căn cứ để bác sĩ đưa ra các tư vấn, giúp cho việc định hướng chẩn đoán, điều trị.
3. Quy trình xét nghiệm huyết đồ
Quy trình xét nghiệm huyết đồ gồm các bước như sau:
Trước khi xét nghiệm:
- Kiểm tra ống bệnh phẩm, thông tin in trên ống nghiệm, giấy yêu cầu xét nghiệm...
- Lấy bệnh phẩm ở tĩnh mạch khoảng 2ml vào ống chống đông EDTA.
Xét nghiệm:
- Đưa mẫu bệnh phẩm vào máy, ghi kết quả vào phiếu.
- Kéo tiêu bản trên lam, để khô, cố định bằng cồn 90 độ. N
- nhuộm lam bằng thuốc nhuộm Giemsa.
- Rửa sạch lam với vòi nước sạch.
- Để khô, nhỏ dầu soi lam kính
- Xét nghiệm hồng cầu lưới
Sau xét nghiệm bạn sẽ được đọc kết quả, đếm hồng cầu mạng lưới theo quy trình đếm hồng cầu lưới gồm:
- Đọc công thức bạch cầu trên 100 bạch cầu ở tiêu bản máu, có loại gì, tỷ lệ % loại đó, ghi vào phiếu;
- Khi đọc công thức máu cần đánh giá xem có ký sinh trùng sốt rét không, có tế bào bất thường bạch cầu non, tình trạng cấu trúc,...có gì lạ không?;
- Nhận xét hồng cầu về hình thể, số lượng, màu sắc, huyết sắc tố...;
- Số lượng, chất lượng tiểu cầu, mức độ tập trung...
Lưu ý: Các thông số về số lượng, kích thước tế bào, thành phần giúp đánh giá chung về tế bào máu. Nhận xét của bác sĩ giúp định hướng về hình thái tế bào máu, phản ánh gián tiếp về tình trạng sinh máu ở tuỷ xương, các bệnh lý liên quan khác. Thêm vào đó là ý kiến nhận xét của người đọc kết quả xét nghiệm huyết đồ, có cần làm thêm xét nghiệm gì nữa không...
Trên đây là một số thông tin về “xét nghiệm huyết đồ là gì?”, “xét nghiệm huyết đồ phát hiện bệnh gì?”, quy trình xét nghiệm huyết đồ... Nếu còn băn khoăn nào khác về xét nghiệm huyết đồ hãy tham khảo thông tin từ bác sĩ để được giải đáp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.