Ý nghĩa xét nghiệm huyết đồ khi mang thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Thùy Nhung - Phó Trưởng khoa và Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Xét nghiệm huyết đồ khi mang thai là một loại xét nghiệm nói lên được những chỉ số của tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu, rất cần thiết cho bà bầu để biết được những tình trạng sinh lý, bệnh lý của cơ thể.

1. Xét nghiệm huyết đồ là gì?

Xét nghiệm huyết đồ là một loại xét nghiệm cho biết những chỉ số của tế bào máu trong cơ thể như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu, được xem là một trong những xét nghiệm đầu tay của bác sĩ lâm sàng. Một xét nghiệm huyết đồ đầy đủ sẽ bao gồm công thức máu, xét nghiệm hồng cầu lưới và những thông tin về số lượng, hình thái, tính chất bắt màu và kích thước của tế bào máu khi nhuộm Giemsa.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

2. Ý nghĩa của xét nghiệm huyết đồ

Kết quả xét nghiệm huyết đồ rất có ý nghĩa trong việc định hướng chẩn đoán một số bệnh lý huyết học thường gặp và những bệnh lý liên quan khác. Cụ thể như sau:

  • Tế bào hồng cầu

Nếu số lượng hồng cầu RBC tăng thì có thể nghĩ đến tình trạng mất nước do sốt, tiêu chảy hay hội chứng tăng sinh tủy mạn ác tính.

Nếu số lượng hồng cầu giảm thì có thể do thiếu sắt, thiếu acid folic, thiếu vitamin B12 hay men G6PD. Hoặc cũng có thể do mất máu cấp như xuất huyết tiêu hóa, mất máu do chấn thương, tai biến sản khoa... Số lượng hồng cầu giảm còn do tình trạng rối loạn hấp thu được gây ra từ bệnh lý viêm gan, xơ gan, viêm gan tắc mật, ung thư gan, viêm dạ dày mãn tính... Bệnh lý tan máu miễn dịch cũng có thể dẫn đến tình trạng này.

Nếu lượng huyết sắc tố HGB, thể tích khối hồng cầu Hct tăng thì có thể nghĩ đến sốt, tiêu chảy, bỏng, đa hồng cầu.

HGB, Hct giảm trong thiếu sắt, acid folic, vitamin B12, men G6PD, bệnh lý Leukemia. Có thể do xuất huyết tiêu hóa, mất máu do tai nạn giao thông, tan máu miễn dịch, tan máu trong bệnh thiếu máu tán huyết.

Thể tích trung bình hồng cầu MCV, lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu MCH tăng trong những bệnh lý thiếu vitamin B12, acid folic, bệnh nhân sau phẫu thuật cắt lách hay mắc phải tình trạng rối loạn hấp thu dạ dày, ruột...

MCV, MCH giảm trong những bệnh lý thiếu máu do thiếu sắt, Thalassemia. MCV, MCH thường được dùng đề khảo sát kích thước hồng cầu và có tác dụng trong việc sàng lọc bệnh lý Thalassemia.

Nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu MCHC giảm thì gợi ý đến bệnh lý thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu tán huyết, bệnh lý liên quan huyết sắc tố. MCHC thường dùng để đánh giá tình trạng bình sắc, nhược sắc của hồng cầu.

  • Tế bào bạch cầu

Số lượng bạch cầu WBC có thể tăng khi bệnh nhân mắc những bệnh nhiễm trùng cấp như nhiễm vi sinh vật hoặc ký sinh trùng. WBC cũng tăng khi có tình trạng Leukemia mạn hay cấp tính, hoặc do sử dụng một số loại thuốc.

WBC thường giảm nếu như tình trạng nhiễm trùng ở bệnh nhân quá nặng, có thể là nhiễm virus siêu vi như HIV, viêm gan, Dengue... Tình trạng suy tủy, ức chế sinh tủy, thiếu vitamin... hoặc bệnh nhân đang trong thời gian điều trị ung thư cũng có thể dẫn đến WBC giảm.

Bạch cầu đoạn trung tính NEU tăng khi nhiễm trùng, Leukemia kinh dòng hạt, căng thẳng...

Bạch cầu đoạn ưa acid EOS tăng trong nhiễm ký sinh trùng, giun sán, Leukemia dòng hạt.

Bạch cầu ưa base BASO tăng khi bệnh nhân nhiễm độc, dị ứng...

Bạch cầu mono MONO tăng khi nhiễm trùng, viêm, ung thư, nhiễm virus...

Bạch cầu lympho LYM tăng khi nhiễm virus, lao, Leukemia dòng lympho...

  • Tế bào tiểu cầu

Số lượng tế bào tiểu cầu PLT tăng khi viêm, nhiễm trùng, chấn thương, hậu phẫu cắt lách, Leukemia, bệnh lý đa hồng cầu, tăng tiểu cầu tiên phát và thứ phát.

PLT giảm nếu bệnh nhân bị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, suy tủy, ức chế tủy, bệnh xơ gan, viêm gan do virus, sốt Dengue...


Kết quả xét nghiệm huyết đồ rất có ý nghĩa trong việc định hướng chẩn đoán một số bệnh lý huyết học thường gặp
Kết quả xét nghiệm huyết đồ rất có ý nghĩa trong việc định hướng chẩn đoán một số bệnh lý huyết học thường gặp

3. Xét nghiệm huyết đồ khi mang thai

Bên cạnh những xét nghiệm máu cần thiết khác như xác định nhóm máu, yếu tố Rh, xét nghiệm những bệnh truyền nhiễm như virus Rubella, viêm gan B, HIV... thì xét nghiệm huyết đồ khi mang thai là một trong những xét nghiệm quan trọng nhằm đánh giá được hàm lượng sắt trong cơ thể người mẹ, từ đó có thể biết được người mẹ có đang trong tình trạng thiếu máu hay không để có chỉ định bổ sung sắt kịp thời.

Xét nghiệm huyết đồ khi mang thai còn góp phần tìm ra những bệnh lý rối loạn tế bào máu như bệnh tế bào hình liềm hoặc bệnh Thalassaemia là những bệnh lý nghiêm trọng gây tình trạng thiếu máu cho cả bà bầu và thai nhi. Để có thể phát hiện sớm nhất những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình mang thai thì người phụ nữ cần đến những cơ sở y tế uy tín và thực hiện xét nghiệm huyết đồ trong thời gian là 3 tháng đầu mang thai vì đây là thời điểm tốt nhất để phát hiện những bất thường một cách kịp thời, từ đó có hướng xử lý phù hợp.

Một số bất thường phổ biến có thể phát hiện được khi làm xét nghiệm huyết đồ khi mang thai đó là chỉ số MCV, MCH thấp thể hiện tình trạng thiếu máu hồng cầu nhỏ. Người phụ nữ mang thai khi gặp phải tình trạng này có khả năng mang gen Thalassemia và thường không biểu hiện gì đặc biệt về mặt lâm sàng. Nếu trường hợp này người cha của đứa bé cũng mang gen Thalassemia thì khả năng khi thai nhi sinh ra sẽ bị bệnh Thalassemia là 25%. Vì vậy cần thực hiện xét nghiệm huyết đồ kịp thời cho cả bố lẫn mẹ để tìm phương án thích hợp, tránh việc sinh ra một đứa trẻ mắc bệnh Thalassemia sau này.

Xét nghiệm huyết đồ có giá trị rất nhiều trong việc chẩn đoán hay định hướng chẩn đoán rất nhiều bệnh huyết học và bệnh lý khác trong cơ thể con người. Đặc biệt, xét nghiệm huyết đồ khi mang thai lại càng cần thiết hơn khi nó giúp mẹ bầu có thể phát hiện kịp thời những bệnh lý gây nguy hiểm cho cả mẹ và con trong quá trình mang thai. Vì vậy, những người phụ nữ khi mang thai cần thực hiện xét nghiệm huyết đồ trong những lần đi khám thai định kỳ để có thể theo dõi được tình trạng sức khỏe của mình cũng như của thai nhi.


Xét nghiệm huyết đồ khi mang thai còn góp phần tìm ra những bệnh lý rối loạn tế bào máu như bệnh tế bào hình liềm hoặc bệnh Thalassaemia
Xét nghiệm huyết đồ khi mang thai còn góp phần tìm ra những bệnh lý rối loạn tế bào máu như bệnh tế bào hình liềm hoặc bệnh Thalassaemia

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:

  • Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn
  • Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
  • Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
  • Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe