Bài viết được viết bởi BS.Trần Thị Huyền Trang, Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
ALP là enzym tham gia xúc tác cho phản ứng thủy phân các ester phosphat trong môi trường kiềm. Xét nghiệm ALP giúp xác định nồng độ enzym ALP trong máu. Qua đó, giúp bác sĩ đánh giá chức năng gan, thăm dò các bệnh lý xương và theo dõi các bệnh lý khối u. Vậy xét nghiệm này được chỉ định trong bệnh lý nào?
1. ALP là gì?
Alkaline phosphatase (ALP hay phosphatase kiềm) là một enzyme tìm thấy trong gan, xương, rau thai, ruột non và thận, nhưng chủ yếu ở các tế bào phủ đường mật và trong các tạo cốt bào tham gia vào quá trình hình thành xương mới. ALP đại diện cho một gia đình các enzym tham gia xúc tác cho phản ứng thủy phân các ester phosphat trong môi trường kiềm.
ALP có nhiều dạng khác nhau. Mỗi dạng có một cấu trúc hoá học khác nhau, gọi là một isoenzyme. Cấu trúc của các isoenzyme phụ thuộc vào các cơ quan, nơi mà chúng được sản xuất ra, ví dụ như isoenzyme ALP của gan và xương. Ở người bình thường, trên 95% lượng ALP toàn phần huyết thanh phản ánh sự tổng hợp các isoenzym của xương (phản ánh tình trạng hoạt động của tạo cốt bào) và của gan (phosphatase kiềm được bài xuất bình thường từ gan vào mật).
Phần nguồn gốc mật gần như không có. Phần nguồn gốc ruột (không mang ý nghĩa bệnh lý) đôi khi được tìm thấy ở những người nhóm máu O và A. Phần nguồn gốc bào thai được thấy vào cuối thời kỳ thai nghén (3 tháng cuối) và phần nguồn gốc khối u được phát hiện trong các u gan, tụy, phổi và cả ở người bình thường.
ALP thường được sử dụng để theo dõi chuyển hóa xương ở bệnh nhân suy thận, bởi vì nó là một trong ít các chỉ dấu xương không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi chức năng thận. Isoenzyme ALP của xương sẽ đặc hiệu hơn cho bệnh về xương .
2. Xét nghiệm ALP
Xét nghiệm đo nồng độ phosphatase kiềm là xét nghiệm được chỉ định thực hiện để xác định nồng độ enzym ALP trong máu. Qua đó, giúp bác sĩ đánh giá chức năng gan, thăm dò các bệnh lý xương và theo dõi các bệnh lý khối u
- Đối với gan, xét nghiệm đo hoạt độ ALP là một phần trong xét nghiệm chức năng gan cơ bản. Theo đó, khi gan bị tổn thương hay mắc phải rối loạn nào đó liên quan đến gan, với các triệu chứng như: vàng da, vàng mắt, đau bụng, buồn nôn và nôn thì xét nghiệm ALP đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán bệnh. Kết quả đo hoạt độ ALP là thông tin cần thiết để bác sĩ chẩn đoán các bệnh như viêm gan, xơ gan, viêm túi mật, tắc ống dẫn mật;
- Đối với xương, xét nghiệm ALP đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện các bệnh lý liên quan đến nồng độ phosphatase kiềm ở trẻ em như còi xương, nhuyễn xương và bệnh Paget. Bên cạnh đó, chỉ số phosphatase kiềm trong máu còn có ý nghĩa quan trọng trong đánh giá sự thiếu hụt vitamin D của cơ thể, sự có mặt của khối u hay bất thường trong quá trình phát triển xương.
3. Khi nào nên thực hiện xét nghiệm đo ALP?
ALP được dùng để sàng lọc và chẩn đoán các bệnh lý ở gan, xương và khối u. Do đó, ALP thường được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Vàng da;
- Đau bụng
- Nôn mửa;
- Còi xương;
- Nhuyễn xương;
- Bệnh Paget;
- Tình trạng thiếu hụt vitamin D;
- U xương;
- Bất thường trong sự phát triển xương;
- Bệnh lý khối u : u vú, phổi, tuyến tiền liệt, dạ dày, đại tràng, thận, đa u tủy xương.
4. Ý nghĩa lâm sàng của giá trị kết quả
4.1 Tăng nồng độ ALP
- Do các vấn đề về gan, chẳng hạn như bệnh viêm gan, tắc nghẽn ống mật (vàng da), viêm túi mật, sỏi mật, xơ gan, u gan, gan nhiễm mỡ, ngộ độc thuốc; khi sử dụng các thuốc verapamil, carbamazepine, phenytoin, erythromycin, allopurinol, ranitidine. thậm chí ung thư gan hoặc ung thư đã di căn từ một bộ phận khác trên cơ thể sang gan.
- Nồng độ ALP cao cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh về xương, chẳng hạn như bệnh Paget, nhuyễn xương, còi xương ở trẻ em, khối u ở xương hoặc ung thư đã di căn từ một bộ phận khác của cơ thể đến xương hoặc cũng có trường hợp là do tuyến cận giáp hoạt động quá mức (cường tuyến cận giáp).
- Tăng ALP máu có thể là do sự phát triển nhanh chóng của xương bởi vì nó được tạo ra bởi các tế bào tạo xương osteoblast. Trẻ em đang phát triển có mức ALP cao hơn người trưởng thành vì xương của chúng đang giai đoạn phát triển. Quá trình phục hồi sau gãy xương cũng là nguyên nhân làm tăng hoạt độ ALP máu.
- Bệnh nhân suy tim, đau tim, bạch cầu đơn nhân hoặc ung thư thận cũng là những đối tượng có nồng độ ALP tăng cao. Nhiễm trùng nghiêm trọng lây lan khắp cơ thể (nhiễm trùng huyết) cũng làm tăng hoạt độ ALP máu. Phụ nữ mang thai có nồng độ ALP cao vì nhau thai là cơ quan góp phần sản sinh ra ALP.
4.2 Giảm nồng độ ALP
Giảm ALP tạm thời có thể gặp sau truyền máu, sau phẫu thuật tim. Thiếu hụt kẽm có thể dẫn đến giảm ALP. Bệnh rối loạn chuyển hóa xương di truyền hiếm gặp “hypophosphatasia” có thể gây giảm mạnh và kéo dài mức ALP máu. Suy dinh dưỡng và thiếu hụt protein như bệnh Wilson cũng có thể gây giảm ALP. Giá trị tham chiếu của xét nghiệm ALP huyết thanh thay đổi theo lứa tuổi và theo giới:
- Nam: 30 – 100 U/L
- Nữ: 45 – 115 U/L
4.3 Những yếu tố làm ảnh hưởng đến kết quả ALP máu
- Mẫu bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu làm tăng giả kết quả xét nghiệm ALP;
- Bệnh nhân vừa mới ăn lấy máu xét nghiệm làm tăng hoạt độ ALP thêm 30 U/L;
- Hoạt độ ALP tăng cao hơn 25% ở người có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao, tăng 10% ở người hút thuốc lá, và giảm 20% ở bệnh nhân nữ dùng thuốc ngừa thai;
- Một số thuốc gây tăng nồng độ ALP máu như: Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin, Paracetamol, kháng sinh, thuốc an thần kinh, thuốc kháng viêm không steroid, lợi tiểu nhóm thiazid, salicylate;
- Các thuốc có thể gây giảm hoạt độ ALP như: Thuốc ngừa thai loại phối hợp Estrogen và progesterone, oxalate, propranolol, clofibrate.