Xác suất sinh đôi có liên quan gì đến di truyền không?

Sinh đôi có thể chịu tác động của yếu tố di truyền, đặc biệt là với sinh đôi khác trứng. Ngoài ra, việc sinh đôi hay sinh một còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tuổi mẹ, chế độ dinh dưỡng, tỷ lệ cơ thể...

1. Sinh đôi cùng trứng có liên quan gì đến di truyền không?

Sinh đôi cùng trứng xảy ra khi một trứng được thụ tinh bởi một tinh trùng duy nhất, sau đó hợp tách thành hai trong quá trình phát triển ở giai đoạn rất sớm, dẫn đến hình thành hai phôi riêng biệt.

Xác suất xảy ra sinh đôi cùng trứng là 3 - 4/ 1000 ca sinh trên toàn thế giới. Các nghiên cứu cho rằng hầu hết các trường hợp sinh đôi cùng trứng không liên quan đến gen di truyền. Tuy nhiên, vẫn có một số gia đình sinh nhiều hơn một cặp song sinh cùng trứng, điều này cho thấy “gen sinh đôi” có thể đóng một vai trò nào đó.

Nhiều giả thuyết cho rằng, có thể tồn tại các gen kết dính tế bào với nhau, góp phần vào việc hình thành cặp song sinh cùng trứng nhưng vẫn chưa được xác nhận. Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân dẫn đến việc sinh đôi cùng trứng chưa được sáng tỏ.


Vẫn chưa rõ nguyên nhân của sinh đôi cùng trứng
Vẫn chưa rõ nguyên nhân của sinh đôi cùng trứng

2. Sinh đôi khác trứng có liên quan gì đến di truyền không?

Sinh đôi khác trứng xảy ra khi hai trứng được thụ tinh bởi hai tinh trùng khác nhau trong cùng một chu kỳ kinh nguyệt. Sinh đôi khác trứng phổ biến gấp đôi so với sinh đôi cùng trứng. Nhìn chung, người phụ nữ có mẹ hoặc chị gái từng sinh đôi khác trứng có khả năng cũng sinh đôi khác trứng gấp hai lần người bình thường.

Sinh đôi khác trứng được cho là kết quả của quá trình phóng noãn, tức là phóng ra nhiều trứng trong một chu kỳ kinh nguyệt. Để giải thích việc sinh đôi khác trứng có liên quan đến gen di truyền, các nghiên cứu tìm kiếm yếu tố di truyền làm tăng cơ hội rụng trứng đã được triển khai. Một số gen cụ thể ở người có liên quan đến quá trình phóng noãn hoặc tăng xác suất sinh đôi khác trứng đã được tìm thấy.

Ngoài gen di truyền, một số các yếu tố khác cũng góp phần làm tăng cơ hội sinh đôi khác trứng gồm tuổi của người mẹ, chủng tộc, chế độ ăn uống, thành phần cơ thể và số lượng trẻ được sinh ra. Các công nghệ hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cũng làm tăng khả năng sinh đôi khác trứng.

3. Lưu ý gì khi mang thai đôi?

Việc trong cơ thể tồn tại hai sinh linh bé nhỏ khiến nhiều phụ nữ mang song thai cảm thấy áp lực hơn. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp song thai đều được sinh ra an toàn. Điều quan trọng là mẹ cần bổ sung thêm kiến thức để chăm sóc tốt thai nhi, phát hiện các bất thường và đi khám sớm. Dưới đây là một số lưu ý với phụ nữ mang song thai:

  • Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc để duy trì sức khỏe của mẹ và thai nhi. Mẹ bầu cần cố gắng nghỉ ngơi bằng cách nằm gác đầu trên gối, nhắm mắt thư giãn và nghe nhạc nhẹ nhàng.
  • Uống đủ 3 lít nước mỗi ngày trong suốt thai kỳ mang lại nhiều tác dụng khác nhau như tăng lượng nước ối quanh bào thai, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, tăng cường lưu thông máu. Bạn nên uống 1 ly nước/2 giờ, mỗi ngày uống từ 7 - 8 lần, có thể là nước lọc, nước canh, nước ép trái cây...

Phụ nữ có thai sinh đôi cần uống đủ lượng nước mỗi ngày
Phụ nữ có thai sinh đôi cần uống đủ lượng nước mỗi ngày
  • Ăn uống đủ chất trong suốt thai kỳ giúp bé phát triển khỏe mạnh. Mẹ bầu cần ăn thêm một lượng 600 calo/ngày so với người bình thường từ các nguồn thực phẩm dinh dưỡng và tươi sạch.
  • Khám thai định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ để đề phòng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non, thường xảy ra với tỷ lệ cao hơn với phụ nữ mang song thai.
  • Chảy máu âm đạo xảy ra phổ biến ở phụ nữ mang song thai. Khi có triệu chứng máu chảy kèm triệu chứng co thắt, xuất hiện cục máu đông thì nên đến bệnh viện kiểm tra ngay.
  • Nguy cơ tiểu đường thai kỳtiền sản giật ở phụ nữ mang song thai cao hơn các phụ nữ sinh một con. Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu và khám thai định kỳ là điều rất quan trọng.
  • Phụ nữ mang thai đôi thường chuyển dạ sớm ở tuần 36 - 37, và việc trẻ sinh ra nhẹ cân hơn so với trẻ được sinh một là điều thường thấy. Hầu hết các trường hợp sinh sau tuần 34 đều được an toàn.
  • Ở những tuần thai cuối, các mẹ bầu cần đi khám thai thường xuyên để được hướng dẫn phương pháp sinh nở an toàn nhất cho cả mẹ và bé, trong đó đa số sinh con dưới hình thức sinh mổ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: medlineplus.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe