Trầm cảm mùa COVID là tình trạng được ghi nhận ở cả bệnh nhân mắc COVID và người nhà, người không mắc bệnh, nhân viên y tế,... Để vượt qua trầm cảm vì COVID, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, phối hợp với nhau.
1. Trầm cảm mùa COVID và những con số biết nói
Sau khi dương tính với COVID-19, nhiều bệnh nhân bị mất ngủ, chán ăn, người gầy sút,... Đặc biệt, không chỉ người bệnh có triệu chứng này mà những người bình thường nhưng sống trong lo lắng cũng mắc phải. Ngoài người bệnh nặng, những trường hợp bị bệnh nhẹ, không triệu chứng, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế,... cũng gặp những triệu chứng bất thường như ăn ít, ngủ ít, ít giao tiếp với người khác do lo lắng vì COVID-19,...
Theo thông báo của Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần Trung Ương 1, kết quả phân tích từ 66 nghiên cứu trên thế giới về tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 cho thấy: Tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 31,4%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn lo âu là 31,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%. Đặc biệt, nhóm người dễ bị tổn thương tâm lý là: Nhân viên y tế, người ở tuyến đầu chống dịch, người sống độc thân, người có bệnh lý nền,...
Tuy nhiên, những vấn đề sức khỏe tâm thần không chỉ xuất hiện trong dịch mà còn cả sau dịch - hậu COVID-19. Những người nghĩ nhiều đến quá khứ và tương lai thường dễ gặp vấn đề này. Người nghĩ nhiều tới quá khứ dễ bị trầm cảm mùa COVID, nghĩ nhiều tới tương lai dễ bị rối loạn lo âu. Tình trạng này được gọi chung là chứng khủng hoảng tâm lý do thảm họa.
Trong các nguyên nhân dẫn đến rối loạn sức khỏe tâm thần, những lý do thường là: Khó khăn kinh tế 46,3%), khó khăn trong công việc (42,7%), lo mắc COVID-19 (32,9%), lo lắng khi người thân mắc COVID, khó khăn trong gia đình,...
2. Các biện pháp vượt qua trầm cảm mùa COVID
Những người ở trạng thái căng thẳng cực độ do COVID-19 thường có một số biểu hiện như: Cáu kỉnh, tức giận, hồi hộp, lo lắng, bồn chồn, chán nản, khó đi vào giấc ngủ, thức giấc nhiều lần về đêm, có những cơn hoảng loạn hoặc sợ hãi đột ngột.
Trước mối đe dọa khôn lường của tình trạng trầm cảm mùa COVID, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra chiến lược bảo vệ sức khỏe tinh thần trong đại dịch với 6 giải pháp sau:
2.1 Kết nối với gia đình và bạn bè
Khi căng thẳng, buồn phiền, sợ hãi, bối rối hoặc tức giận do trầm cảm, bạn nên trò chuyện với những người bạn hoặc người thân trong gia đình - những người mà bạn tin tưởng, cảm thấy thoải mái khi chia sẻ. Dù không ở bên cạnh họ nhưng bạn có thể kết nối với họ bất kỳ lúc nào nhờ mạng internet. Việc chia sẻ sẽ giúp bạn và mọi người đồng cảm, động viên lẫn nhau để suy nghĩ và sinh hoạt theo cách tích cực hơn, giúp chống lại tình trạng mệt mỏi, chán nản do đại dịch.
2.2 Duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh
Bạn nên xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng hợp lý, ngủ đủ giấc, đúng giờ và tập thể dục đều đặn. Nhờ đó, hệ thống miễn dịch sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
- Đối với chế độ dinh dưỡng: Cần đáp ứng đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng căn bản gồm chất béo, chất đạm và chất bột đường. Ngoài ra, mỗi người nên ưu tiên tăng cường thêm vitamin, đặc biệt là vitamin C trong ổi, cam, quýt, bưởi, dưa lưới, bí đỏ, kiwi,...;
- Đối với giấc ngủ: Mỗi người nên đi ngủ trước 23 giờ và ngủ đủ tối thiểu 7 tiếng/ngày. Vào buổi trưa bạn chỉ nên ngủ khoảng 30 phút, vì nếu kéo dài giấc ngủ trưa thì có thể gây khó ngủ vào ban đêm;
- Đối với vận động: WHO khuyến nghị người trưởng thành nên vận động khoảng 30 phút/ngày, trẻ em nên vận động khoảng 60 phút/ngày. Nếu làm việc tại nhà, bạn không nên ngồi trước màn hình máy tính quá lâu. Thay vào đó, cứ sau 30 phút làm việc liên tục, bạn nên đứng lên nghỉ ngơi khoảng 3 - 5 phút.
2.3 Không sử dụng chất kích thích
Việc lạm dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,... có thể gây tổn hại hệ thống miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm COVID-19. Bên cạnh đó, sử dụng chất kích thích còn dẫn tới hàng loạt các vấn đề sức khỏe như đau đầu, chóng mặt, cảm cúm, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, hen suyễn, loét dạ dày,... Do vậy, để vượt qua trầm cảm mùa COVID, mỗi người nên chú ý không dùng chất kích thích, kể cả khi muốn sử dụng chúng để “trốn chạy” khỏi những áp lực mùa COVID.
2.4 Tránh xa những tin tức tiêu cực
Những tin tức tiêu cực có thể khiến bạn thêm mất mát, bi quan trong thời điểm dịch bệnh nhạy cảm. Vì vậy, bạn nên rút ngắn thời gian xem hoặc nghe các tin tức tiêu cực liên quan tới số ca mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, phá sản, thất nghiệp,... Việc hạn chế tiếp nhận những tin tức tiêu cực sẽ giúp bạn bớt cảm giác lo lắng, hoang mang, bi quan trước thời cuộc.
2.5 Tiếp nhận những thông tin đáng tin cậy
Việc thu thập, tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc sẽ giúp bạn xác định được chính xác rủi ro có thể đối mặt trong mùa dịch bệnh. Từ đó, bạn có thể chủ động thực hiện những biện pháp phòng ngừa COVID-19 một cách hợp lý. Vì vậy, bạn nên thu nhận thông tin đáng tin cậy từ những tờ báo lớn, uy tín hay những kênh truyền thông chính thống.
2.6 Sử dụng kỹ năng quản lý cảm xúc
Trước khi dịch bệnh bùng phát, mỗi người cũng từng trải qua những áp lực tâm lý riêng. Bạn hãy dùng những kỹ năng, trải nghiệm vượt qua căng thẳng, khó khăn trong quá khứ để có thể quản lý cảm xúc, ứng phó với nghịch cảnh đang diễn ra tại thời điểm đại dịch đầy thử thách.
Cùng với 6 giải pháp giải tỏa căng thẳng trên, mỗi người cũng cần chú ý: Bình tĩnh đối diện với thực tế, hiểu rõ về phòng dịch để không hoang mang, học sách sống chậm, quan tâm chăm sóc những người xung quanh nhiều hơn,...
Mất mát, cách ly, suy giảm thu nhập, mắc COVID-19,... gây ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe tinh thần và trầm cảm cho nhiều người. Để vượt qua trầm cảm mùa COVID, mỗi người cần chú ý thực hiện theo những lời khuyên kể trên. Đặc biệt, nếu có những biểu hiện trầm cảm, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa tâm lý để được chẩn đoán, điều trị sớm, tránh những ảnh hưởng tiêu cực trong tương lai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.