Hẹp van hai lá là một trong những bệnh lý về tim sẽ diễn tiến nặng dần theo thời gian, khi van tim bị các phức hợp miễn dịch tấn công và làm biến dạng dần. Điều đáng tiếc là hẹp van hai lá nhẹ thường ít biểu hiện triệu chứng. Cho nên khi bệnh nhân đến viện khám thường là giai đoạn trễ, van tim hẹp rất nặng dẫn đến suy tim.
1. Hẹp van hai lá là gì?
Van hai lá là van tim nằm giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Nó giúp cho máu chỉ chảy một chiều từ tâm nhĩ trái tới tâm thất trái. Máu sẽ chảy vào tâm thất trái khi tâm nhĩ trái co bóp, khi tâm thất trái co lại, van tim đóng lại và máu chảy qua van động mạch chủ. Van hai lá khỏe mạnh giúp cho máu có thể đi qua nhưng ngăn không cho nó chảy ngược trở lại.
Hẹp van hai lá là một bệnh lý xảy ra khi van hai lá bị tổn thương không thể mở hoàn toàn được. Tình trạng này khiến cho tâm nhĩ trái gặp khó khăn trong việc bơm máu vào tâm thất trái, từ đó máu sẽ bị ứ đọng ở tuần hoàn phổi và ở tim phải. Hẹp van hai lá là nguyên nhân chính gây ra suy tim sung huyết và dẫn tới một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe khác như khó thở, mệt mỏi. Cùng với hở van hai lá và sa van hai lá, hẹp van hai lá cũng là một trong ba bệnh lý về van tim hai lá thường gặp nhất.
2. Nguyên nhân gây ra hẹp van hai lá
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hẹp van hai lá là do di chứng của thấp tim- bệnh van tim hậu thấp.
Thấp tim là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh viêm họng do sốt tinh hồng nhiệt hoặc liên cầu. Trẻ em là đối tượng chính dễ mắc phải tình trạng này nhất, do hệ thống miễn dịch phản ứng lại với nhiễm liên cầu. Bệnh có thể tiến triển từ 5-10 năm trước khi nó ảnh hưởng đến van hai lá hoặc đến các van tim khác.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác cũng gây ra hẹp van hai lá, cụ thể là:
- Vôi hóa lá van hai lá.
- Vòng van hai lá.
- Biến chứng của carcinoid ác tính.
- Lupus ban đỏ.
- Viêm đa khớp dạng thấp.
- Điều trị với methysergide (tình trạng hiếm gặp).
- Sự lắng tụ của amyloid trên van tim hậu thấp có thể gây tắc nghẽn dòng máu qua van hai lá.
- Khiếm khuyết biến dưỡng di truyền, ví dụ như bệnh Fabry, bệnh Hunter-Hurler, bệnh Whipple.
3. Triệu chứng của hẹp van hai lá
Các triệu chứng thường gặp của bệnh hẹp van hai lá bao gồm:
- Khó thở: Khi bị hẹp van hai lá, người bệnh thường có các triệu chứng dễ nhận thấy nhất là khó thở và mệt mỏi. Khó thở khi nằm, khi gắng sức, hoặc khi phù phổi. Đây là kết quả của sự giảm tính đàn hồi của phổi.
- Ho ra máu do tăng áp lực nhĩ trái làm giãn tĩnh mạch nhỏ của phế quản.
- Đánh trống ngực, hồi hộp do rối loạn nhịp tim.
- Đau thắt ngực.
- Nghẽn mạch: Khoảng 80% bệnh nhân nghẽn mạch đều có rung nhĩ, khoảng 50% bệnh nhân nghẽn mạch trên lâm sàng là ở mạch máu não. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể bị nghẽn mạch động mạch vành gây các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, nghẽn mạch thận gây cao huyết áp.
- Nhĩ trái to đè vào thực quản gây ra tình trạng khó nuốt.
- Bị khàn tiếng do nhĩ trái giãn to chèn ép vào dây thanh quản quặt ngược trái.
- Suy tim phải: Phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi.
Nếu bạn cảm nhận thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu và triệu chứng trên, đặc biệt là khó thở, mệt mỏi, tim đập nhanh và đau ngực thì bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được thăm khám và điều trị kịp thời.
4. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hẹp van hai lá
Một số yếu tố chính có thể làm tăng nguy cơ mắc hẹp van hai lá, bao gồm:
- Lúc nhỏ đã từng bị sốt thấp khớp.
- Nhiễm khuẩn liên cầu không điều trị.
- Trong gia đình đã có người bị hẹp van hai lá.
5. Biến chứng của hẹp van hai lá
Một trong những biến chứng thường gặp nhất của hẹp van hai lá là rung nhĩ. Tần suất rung nhĩ sẽ tùy thuộc vào độ nặng của tắc nghẽn và độ tuổi của bệnh nhân.
Những bệnh nhân bị hẹp van hai lá nặng và ở độ tuổi dưới 30 thường chỉ có 10% rung nhĩ, nếu trên 50 tuổi sẽ là 50% rung nhĩ. Tình trạng rung nhĩ làm hình thành nên huyết khối trong nhĩ trái và gây biến chứng thuyên tắc toàn thân. Những bệnh nhân bị hẹp van hai lá và có rung nhĩ thường có tiên lượng toàn thân xấu hơn đối với những người có rung nhĩ nhưng không bị hẹp van hai lá.
Tình trạng ho ra máu và nhiễm trùng phổi, phù phổi cấp cũng là một trong những biến chứng nghiêm trọng của hẹp van hai lá. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị rối loạn chức năng gan và xơ gan tim.
Một số biến chứng khác như: Thấp tim tiến triển, nghẽn động mạch do huyết khối hình thành trong nhĩ trái chạy ra ngoài đại toàn hoàn, viêm nội tâm mạc.
6. Chẩn đoán và điều trị hẹp van hai lá
6.1 Chẩn đoán hẹp van hai lá
Bác sĩ có thể chẩn đoán hẹp van hai lá thông qua việc khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm như siêu âm tim, chụp X-quang ngực, thông tim, siêu âm tim qua thành thực quản để xác định được bệnh và tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đánh giá được nhịp tim bất thường thông qua các xét nghiệm như điện tâm đồ và Holter điện tim, test gắng sức để đánh giá sức chịu đựng của tim với hoạt động thể lực.
6.2 Điều trị hẹp van hai lá
Trong trường hợp người bệnh được chẩn đoán bị hẹp van hai lá nhẹ thì bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân đi thăm khám định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh.
Nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng rõ rệt của hẹp van hai lá, bạn có thể được chỉ định sử dụng thuốc để điều trị.
Nếu tình trạng hẹp van hai lá của bệnh nhân trở nên nghiêm trọng và việc sử dụng thuốc không đạt được hiệu quả thì phẫu thuật sẽ là phương án lựa chọn thích hợp. Phẫu thuật dành cho hẹp van hai lá bao gồm:
- Mổ sửa van
- Tạo hình hoặc nong rộng van bằng bóng
- Mổ thay van tim hai lá: van sinh học (từ người hiến xác hoặc lợn, bò), hoặc van hóa học.
6.3 Thay đổi lối sống
Mặc dù không thể chữa khỏi hẹp van hai lá thông qua thay đổi thói quen cũng như lối sống hàng ngày, nhưng nó góp một phần quan trọng trong việc làm giảm các triệu chứng và tiến triển của bệnh. Bạn có thể thực hiện điều chỉnh các thói quen cũ, không lành mạnh bằng những cách sau:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi tình trạng bệnh của bạn
- Không tự ý sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ hoặc không được tự ý bỏ thuốc được kê theo toa
- Chăm sóc răng miệng cẩn thận
- Hạn chế ăn muối
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Hạn chế uống rượu, bia, caffeine
- Không hút thuốc lá
- Ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, bổ sung các loại thực phẩm tốt cho tim mạch
- Thường xuyên tập thể dục để nâng cao thể chất
Phẫu thuật thay van tim là cần thiết khi van tim bị hư hỏng nặng, không còn khả năng sửa chữa hoặc điều trị bằng thuốc không đáp ứng. Thay thế van mới nhằm làm giảm các triệu chứng bệnh và ngăn ngừa suy tim, rối loạn nhịp và nhiều biến chứng khác trong tương lai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: patient.info