Chúng ta từng nghe nhắc đến các bệnh lý liên quan đến tĩnh mạch nhưng không phải ai cũng hiểu hết các đặc điểm cũng như sự nguy hiểm của loại bệnh lý này. Một trong số các bệnh về tĩnh mạch có thể kể đến bệnh vỡ tĩnh mạch, đặc biệt là vỡ tĩnh mạch chân. Vậy bệnh vỡ tĩnh mạch có nguy hiểm không?
1. Bệnh vỡ tĩnh mạch là gì?
Vỡ tĩnh mạch là biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm nhất của bệnh suy tĩnh mạch. Do tình trạng suy chức năng nên lượng máu ứ lại các tĩnh mạch tăng dần, đến một thời điểm nào đó tạo áp lực quá mức lên thành mạch, khiến chúng vỡ ra và dẫn đến máu chảy ra bên ngoài. Tình trạng này cực kỳ nguy hiểm vì nếu không can thiệp để cầm máu kịp thời sẽ dẫn đến mất máu và tử vong. Vậy suy tĩnh mạch là gì?
Suy tĩnh mạch mạn tính hay gặp ở 2 chi dưới, là một bệnh lý tĩnh mạch khi các tĩnh mạch (cả hệ thống tĩnh mạch sâu và hệ thống tĩnh mạch nông) bị suy chức năng, giãn ra kèm theo hệ thống các van tĩnh mạch giảm chức năng. Suy tĩnh mạch dẫn đến hiện tượng rối loạn huyết động học, khiến máu ứ trệ lại trong lòng tĩnh mạch và khó quay trở về tim hơn bình thường. Chính lượng máu ứ đọng trong tĩnh mạch dẫn đến hiện tượng phù, tăng nguy cơ hình thành các cục huyết khối trong lòng tĩnh mạch. Nếu không có biện pháp điều trị thích hợp huyết khối sẽ theo dòng máu trôi về tim, gây thuyên tắc động mạch phổi và dẫn đến biến chứng nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Do suy tĩnh mạch thường xảy ra ở 2 chi dưới nên một trong những vị trí hay gặp là vỡ tĩnh mạch chân và gây nên nhiều hệ quả tiêu cực cho sức khỏe người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh vỡ tĩnh mạch có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi tĩnh mạch bị chèn ép quá mức, vì thế người bệnh suy tĩnh mạch cần có các biện pháp phòng ngừa và chú ý đến các dấu hiệu bất thường để phát hiện và có cách xử trí kịp thời.
2. Bệnh vỡ tĩnh mạch có nguy hiểm không?
Bệnh vỡ tĩnh mạch có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là tính mạng của người bệnh. Khi tĩnh mạch bị vỡ thì lượng máu bên trong sẽ theo những đường nứt vỡ này trào ra ngoài. Về mức độ nghiêm trọng, nhẹ thì gây mất máu cấp còn nặng thì hoàn toàn có khả năng gây tử vong. Kèm theo đó, vỡ tĩnh mạch còn để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều người.
Hiện nay, đối tượng của bệnh vỡ tĩnh mạch có xu hướng ngày càng phổ biến, mở rộng hơn. Vì thế bất kỳ trường hợp nào đều có nguy cơ mắc loại bệnh lý tĩnh mạch nguy hiểm này. Do đó, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh vỡ tĩnh mạch là điều vô cùng cần thiết cho tất cả mọi người. Từ người già, người trẻ hay phụ nữ mang thai... đều phải trang bị những kiến thức cơ bản về căn bệnh nguy hiểm này để có thể nắm bắt, phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
3. Phòng ngừa vỡ tĩnh mạch như thế nào?
Để phòng ngừa bệnh vỡ tĩnh mạch thì vấn đề quan trọng nhất chính là kiểm soát và điều trị suy tĩnh mạch vì bệnh lý này là căn nguyên khiến tĩnh mạch bị vỡ. Một số biện pháp điều trị suy tĩnh mạch được áp dụng hiện nay bao gồm:
- Thay đổi lối sống: Để chân cao khi nằm, tránh đứng hay ngồi quá lâu, áp dụng các bài tập tăng sức mạnh hơn, hạn chế béo phì, tập hít thở sâu;
- Mang vớ thun hay quấn chân bằng băng thun;
- Chỉnh sửa vị trí bàn chân trong các dị tật;
- Chế độ ăn bổ sung nhiều chất xơ để hạn chế táo bón;
- Sử dụng một số loại thuốc tăng độ bền thành mạch;
- Tiêm thuốc tại chỗ để gây xơ hóa lòng tĩnh mạch;
- Phẫu thuật loại bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn;
- Điều trị sử dụng nhiệt bao gồm sử dụng sóng cao tần và laser nội tĩnh mạch.
Ngoài ra, người bệnh muốn hạn chế vỡ tĩnh mạch cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng kèm theo chế độ vận động thể dục phù hợp.
Bên cạnh đó, chúng ta cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm tình trạng suy giãn tĩnh mạch, từ đó can thiệp sớm và kiểm soát tốt nhất có thể, tránh dẫn đến biến chứng vỡ tĩnh mạch.
4. Cách xử trí khi bị vỡ tĩnh mạch
Bệnh nhân vỡ tĩnh mạch điều đầu tiên cần làm chính là gọi ngay cho cấp cứu, đặc biệt khi bản thân hoặc người xung quanh không biết phải xử trí như thế nào. Trong thời gian chờ đợi, người bệnh hoặc người nhà có thể xử lý tình huống tại chỗ như sau:
- Lấy khăn mềm hoặc gạc đè ép ngay trên những vị trí chảy máu để duy trì áp lực dòng chảy;
- Nằm ngay trên sàn, nâng chân cao hơn tim. Có thể đặt chân lên ghế hoặc thậm chí là bồn cầu trong nhà vệ sinh tùy theo vị trí xảy ra vỡ tĩnh mạch. Trong lúc này, người bệnh cần cố gắng thư giãn;
- Sau khoảng 30 phút thì kiểm tra lại tĩnh mạch còn chảy máu không và lưu ý chỉ đứng dậy khi máu đã ngưng chảy hoàn toàn;
- Dù máu đã ngừng chảy vẫn cần giữ khăn đè ép lên vị trí tĩnh mạch vỡ cho đến khi nhân viên y tế đến.
Mặc dù suy tĩnh mạch là một bệnh mạn tính thường gặp nhưng người bệnh không nên chủ quan xem nhẹ những biến chứng nguy hiểm mà nó gây ra, trong đó đặc biệt nhất là vỡ tĩnh mạch. Tĩnh mạch vỡ có thể rất nghiêm trọng vì lượng máu mất quá nhiều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.