Vô kinh khi cấy que tránh thai: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nhiều chị em thường lo ngại việc cấy que tránh thai sẽ gây ra những thay đổi về kinh nguyệt như: Rong kinh, ít kinh nguyệt hoặc vô kinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

1. Tổng quan về phương pháp cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là phương pháp tránh thai tạm thời bằng việc cấy một que mỏng có chứa một lượng nội tiết tố Progesterone nhất định vào vùng da dưới cánh tay. Nội tiết tố này sẽ được giải phóng vào cơ thể phụ nữ với liều lượng vừa đủ để gây ức chế sự rụng trứng. Do vậy trường hợp cấy que tránh thai bị mất kinh cũng khá phổ biến (chiếm 38% tức hơn một pha số ca thực hiện).

Đối tượng có thể áp dụng phương pháp cấy que tránh thai rất rộng, bao gồm: Các chị em đang cho con bú, phụ nữ trên 40 tuổi, những người bị u xơ tử cung, mắc các bệnh về tim mạch, béo phì, tiểu đường hoặc cao huyết áp...

Tác dụng của que tránh thai:

  • Giải phóng progestin làm đặc chất nhầy ở cổ tử cung và ngăn tinh trùng xâm nhập buồng trứng.
  • Ngăn ngừa sự rụng trứng ở phân nửa của các chu kỳ.
  • Mang lại hiệu quả ngừa thai lên đến 99,95%, gần tương tự với triệt sản ở nữ giới.

Phương pháp cấy que tránh thai gây vô kinh khá phổ biến
Phương pháp cấy que tránh thai gây vô kinh khá phổ biến

2. Ưu điểm của cấy que tránh thai dưới da

Ưu điểm của que cấy tránh thai dưới da có thể kể đến:

  • Thủ tục cấy nhanh gọn, đơn giản: Đối với que cấy Implanon, chỉ cần cấy một lần duy nhất đã đem lại hiệu quả ngừa thai tới 3 năm. Sau khi tiến hành các xét nghiệm và đánh giá tổng quát sức khỏe của bạn, các bác sĩ sẽ tiến hành gây tê và cấy que vào vùng da dưới cánh tay không thuận của bạn (thường là tay trái). Thao tác cấy que chỉ mất khoảng 2-3 phút rất nhanh gọn.
  • Nếu tuân thủ đúng thời điểm cấy (5 ngày đầu của chu kỳ kinh) thì vợ chồng có thể quan hệ bình thường mà không phải sử dụng biện pháp phòng tránh. Que tránh thai sẽ có tác dụng ngay sau 24 giờ cấy và không ảnh hưởng đến quá trình quan hệ của bạn.
  • Thời gian khôi phục khả năng sinh sản nhanh: Sau một thời gian cấy que, nếu bạn muốn mang thai trở lại thì chỉ việc tới các cơ sở y tế để thực hiện thủ thuật tháo que và khả năng sinh sản của bạn sẽ được hồi phục nhanh chóng sau đó.

Cấy que tránh thai không phòng được các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục
Cấy que tránh thai không phòng được các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục

Khi lựa chọn phương pháp tránh thai này, thường bạn không cần phải làm gì thêm. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng việc cấy que tránh thai không có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (như giang mai, lậu, HIV/AIDs, Herpes, viêm gan B...), do vậy trong một số trường hợp bạn vẫn nên sử dụng bao cao su kèm theo để giữ an toàn cho bản thân.

Ngoài ra chị em cũng nên nhớ đi tháo que đúng hạn bởi nếu để que cấy để quá thời hạn sử dụng (3 hoặc 5 năm tùy loại) thì hiệu quả tránh thai sẽ giảm và tỉ lệ mang thai ngoài ý muốn sẽ rất cao.

Trắc nghiệm: Sự hiểu biết của bạn về kinh nguyệt

Kinh nguyệt có vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản, do đó nữ giới cần chủ động trang bị kiến thức để theo dõi và kiểm soát tình trạng sức khỏe. Bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về chu kỳ kinh nguyệt của bản thân.

3. Một số tác dụng phụ sau khi cấy que tránh thai

Cũng giống như những phương pháp tránh thai khác, que cấy tránh thai cũng có những ưu và nhược điểm nhất định. Cụ thể trong 1 - 2 tháng đầu sau khi cấy, chị em có thể cảm thấy một số thay đổi bất thường trong cơ thể như: Đau nhức đầu (16%), tăng cân (12%), nổi mụn (12%), căng ngực (10%), tính khí thay đổi (6%)... Trong đó có thay đổi kinh nguyệt là biểu hiện rõ nhất:

  • Vô kinh: Từ 6 tháng đến 1 năm sử dụng que cấy, chị em có thể thấy chu kỳ kinh ít đi hoặc có khi là không có kinh nguyệt (vô kinh). Vậy cấy que tránh thai bị mất kinh có sao không? Thật ra hiện tượng này rất bình thường và lượng máu kinh cũng không tích tụ trong cơ thể bạn. Que tránh thai có xu hướng tác động đến chu kỳ kinh của chị em và có đến 70% phụ nữ vô kinh hoàn toàn trong thời gian cấy que, một số người vài ba tháng mới có kinh và một số người kinh nguyệt vẫn đều nhưng lượng kinh cũng rất ít.
  • Rong kinh: Ngược lại cũng có những chị em kinh nguyệt nhiều lên, rong kinh trong những tháng đầu sử dụng que cấy. Thông thường chu kỳ kinh nguyệt của một phụ nữ bình thường là kéo dài từ 3-7 ngày. Tuy nhiên khi bị rong kinh, thời gian “đèn đỏ” của chị em sẽ kéo dài từ 2-3 tuần gây ra những khó chịu và rắc rối nhất định.

Tình trạng rong kinh ở phụ nữ sau cấy que tránh thai
Tình trạng rong kinh ở phụ nữ sau cấy que tránh thai

Đây đều là tác dụng của thuốc nội tiết chứ không phải là bệnh lý nguy hiểm. Thường sau 1 - 2 tháng các triệu chứng này sẽ giảm dần nên bạn không cần phải quá lo lắng. Thường bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một số thuốc cân bằng nội tiết để cơ thể quen dần với que cấy để hỗ trợ nhưng nếu sau 3 - 6 tháng tình trạng không cải thiện thì bạn có thể cân nhắc đến giải pháp lấy que ra. Sau khi tháo que ra chu kỳ kinh sẽ trở về bình thường và chị em sẽ có khả năng có thai trở lại.

Thạc sĩ. Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền được đào tạo chuyên sâu về siêu âm sản khoa, phẫu thuật nội soi và nội soi tử cung tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và có hơn 13 năm kinh nghiệm công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.

Hiện bác sĩ đang là Bác sĩ Sản phụ khoa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Video đề xuất:

Các phương thức hỗ trợ sinh sản được thực hiện tại Vinmec

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe