Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Sữa mẹ là nguồn “tài nguyên” vô giá về dưỡng chất cho trẻ suốt 6 tháng đầu đời. Tuy nhiên, từ sau 6 tháng, sữa mẹ đáp ứng chỉ khoảng 70% nhu cầu dinh dưỡng cho bé, hệ tiêu hoá của bé sẵn sàng tiếp nhận ăn bổ sung. Trong trường hợp trẻ không thể dung nạp trọn vẹn bữa ăn như yêu cầu, không bú đủ sữa hoặc suy dinh dưỡng, trẻ có tiền căn sinh non hay có bệnh lý bẩm sinh... thì cần xem xét bổ sung thêm các loại vitamin và dưỡng chất trong chế độ ăn hằng ngày.
Khi chăm sóc trẻ 5-6 tháng tuổi, đặc biệt là trong xây dựng chế độ ăn dặm cho bé cần chú ý cung cấp các loại vitamin và dưỡng chất sau:
1. Sắt
Sắt là nguyên liệu chủ yếu để tạo ra các tế bào máu. Khi trẻ vào giai đoạn ăn đạm và bắt đầu biết trườn, bò, đi đứng, cơ thể trẻ sẽ phát triển rất nhanh, cần nhiều chất sắt để tăng nhanh thể tích máu. Nguồn sắt dễ dàng hấp thụ nhất là từ thịt đỏ và các loại rau có lá màu xanh đậm, họ đậu, ngũ cốc. Mẹ nên chế biến những nguồn thực phẩm này dưới dạng xay nhuyễn thành súp, vừa giàu dinh dưỡng, vừa có màu sắc bắt mắt, phù hợp cho tăng cường chất sắt.
Ngoài ra, khi cho trẻ ăn thực phẩm giàu chất sắt cùng với thực phẩm chứa vitamin C, sự hấp thu sắt được cải thiện đáng kể. Ví dụ, mẹ cho bé uống thêm nước ép cam quýt cùng bữa ăn để tăng cường hấp thu sắt.
2. Kẽm
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng trẻ nhỏ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn hơn khi thiếu chất kẽm. Thậm chí, khi trẻ bị tiêu chảy nhiễm trùng, việc bổ sung thêm kẽm còn có vai trò mau chóng cải thiện những tổn thương trên niêm mạc ruột.
Kẽm được tìm thấy trong thịt bò, thịt cừu, gà tây, tôm, bí ngô, hạt vừng, đậu lăng, măng tây và sữa chua. Đây cũng là nguồn thực phẩm mà mẹ rất dễ kiếm và chế biến cho trẻ.
3. Vitamin C
Vitamin C là loại sinh tố rất quen thuộc với mọi người. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, nếu cha mẹ không tập cho trẻ hình thành thói quen ăn trái cây, trẻ sẽ có nguy cơ thiếu vitamin C, biểu hiện là dễ bị nhiễm trùng, thường bị lở loét trong niêm mạc miệng....
Nguồn vitamin C rất dồi dào trong nhiều loại trái cây và rau quả, đặc biệt nhiều trong dâu tây, dưa đỏ, cam quýt, đu đủ, kiwi, xoài, bông cải xanh....
4. Vitamin A
Mối quan hệ giữa vitamin A và sức khỏe của đôi mắt đã được chứng minh rất rõ. Trẻ dễ bị mờ mắt, khô mắt, quáng gà nếu thiếu vitamin A.
Các nguồn chứa nhiều vitamin A bao gồm khoai lang, cà rốt và các loại trái cây, rau quả màu cam, đỏ, các loại rau lá xanh đậm, sữa nguyên chất, cá, thịt bò và thịt cừu.
5. Vitamin D
Hệ xương của trẻ phát triển vượt bậc trong ba năm đầu đời. Đây cũng là một trong những cột mốc quyết định chiều cao của trẻ trong tương lai bên cạnh cột mốc dậy thì. Theo đó, nhu cầu vitamin D là rất lớn.
Bên cạnh việc thường xuyên cho trẻ tắm nắng, hoạt động thể lực ngoài trời, mẹ cũng cần chú ý bổ sung thêm vitamin D trong bữa ăn. Cá hồi, cá mòi, cá ngừ, ngũ cốc nguyên hạt, sữa bò, sữa chua và một số sản phẩm từ sữa khác là nguồn thực phẩm dồi dào vitamin D.
Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng trẻ sơ sinh nên được bổ sung 400 IU vitamin D ở dạng lỏng mỗi ngày ngay sau khi sinh. Dù cho trẻ lớn hơn, việc bổ sung vitamin D cũng cần chú trọng trong suốt những năm tháng tiếp theo.
6. Omega-3
Khi trẻ biết ngồi, bò, khả năng quan sát mở rộng ra, bộ não không ngừng học hỏi, khám phá thế giới xung quanh. Hoạt động trí não của trẻ liên tục phát triển. Khi đó vai trò omega-3 càng được phát huy.
Để hấp thu được omega-3, mẹ cần cho bé ăn tập trung vào các loại thực phẩm như cá da trơn, cá biển và các loại tảo biển. Ngoài ra, omega-3 còn có trong các loại hạt khô như quả óc chó, hạt chia và hạt lanh. Mẹ nên xay nhuyễn cho vào bột của trẻ trước khi tập cho trẻ ăn nguyên hạt lúc trẻ lớn hơn và có nhận thức.
7. Vitamin B12
Vitamin B12 cũng là một vitamin cần thiết trong việc ngăn ngừa thiếu máu và hỗ trợ chức năng thần kinh khỏe mạnh. Loại vitamin này được tìm thấy trong các sản phẩm động vật như thịt, cá, trứng và sữa. Việc trẻ bị thiếu hụt vitamin B12 cần được tính tới nếu như trẻ bú sữa từ một bà mẹ ăn thuần chay hoặc trong trường hợp định hướng cho chế độ ăn của trẻ chỉ có nguồn gốc thực vật.
Trong các tình huống này, trẻ ăn chay cần nhận thêm vitamin B12 từ đậu nành, ngũ cốc và sữa thay thế hay từ các siro sinh tố tổng hợp.
8. I-ốt
Ngày nay, tình trạng thiếu i-ốt tại các vùng miền đã hạn chế phần nào nhờ các chương trình truyền thông vận động toàn dân. Tuy nhiên, nếu chế biến bữa ăn cho trẻ mà quên mất việc nêm nếm gia vị, trẻ vẫn dễ có nguy cơ thiếu i-ốt.
Mặc dù việc nêm muối vào đồ ăn dặm cho trẻ rất hạn chế, loại muối dùng cho trẻ nên chọn là muối i-ốt. Ngoài ra, i-ốt cũng có trong các sản phẩm từ biển như tảo biển, hải sản.
Như vậy, qua bài viết này, câu hỏi trẻ 6 tháng tuổi cần bổ sung vitamin gì không còn là nỗi lo lắng của các mẹ nữa. Một chế độ ăn dinh dưỡng, đầy đủ các thành phần cùng sự chăm sóc, tình yêu vô hạn của mẹ sẽ là nền tảng vững chắc nhất giúp cho con trẻ khôn lớn từng ngày.
Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong