Vitamin E và bổ sung vitamin E một cách hợp lý

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Vitamin E được coi là chìa khóa cho một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Bên cạnh đó, bổ sung vitamin E giúp cải thiện làn da và thị lực. Trong những năm gần đây, việc bổ sung thêm vitamin E ngày càng phổ biến, nó được xem như một chất chống oxy hóa. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng vitamin E có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư.

1. Vì sao cần uống vitamin E?

Cho đến nay, những lợi ích của Vitamin E với sức khỏe con người là không thể phủ nhận được. Tuy nhiên, việc thiếu Vitamin E ít khi xảy ra. Thiếu Vitamin E chỉ xảy ra ở những mắc bệnh liên quan đến tiêu hóa hoặc xơ nang. Bên cạnh đó, những người có chế độ ăn ít chất béo cũng làm cho Vitamin E thấp. Hiện nay, ngày càng nhiều người bổ sung vitamin E với hi vọng rằng các đặc tính chống oxy hóa của nó sẽ giúp ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh.

Vitamin E có thể đem lại một số lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như:

  • Bệnh Alzheimer: một số nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung vitamin E thông qua chế độ ăn uống giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, vấn đề này cần được nghiên cứu thêm, bởi việc bổ sung vitamin E dường như không ngăn ngừa được sự phát triển của bệnh Alzheimer. Đối với những người đã mắc bệnh Alzheimer, uống vitamin E cùng với một số loại thuốc chống Alzheimer có thể làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ.
  • Thiếu máu: Một số nghiên cứu cho thấy rằng uống vitamin E giúp cải thiện phản ứng với thuốc erythropoietin, ảnh hưởng đến sản xuất hồng cầu, ở người lớn và trẻ em khi chạy thận nhân tạo.
  • Rối loạn đông máu: làm giảm mức độ protein trong máu được gọi là hemoglobin (beta-thalassemia). Uống vitamin E mang lại hiệu quả cho những trẻ bị rối loạn máu, hay còn gọi là beta-thalassemia và thiếu vitamin E.
  • Tổn thương thần kinh do thuốc điều trị ung thư: uống vitamin E trước và sau khi uống thuốc điều trị ung thư cisplatin có thể làm giảm nguy cơ tổn thương thần kinh.
  • Đau bụng kỳ kinh nguyệt: trước khi đến kỳ kinh nguyệt 2 ngày và sau 3 ngày hành kinh, uống vitamin E giúp giảm đau và giảm mất máu. Uống vitamin E kết hợp dầu cá có thể giúp giảm đau nhiều hơn so với việc chỉ uống vitamin E.
  • Xơ hóa cầu thận: có một số bằng chứng cho thấy uống vitamin E có thể cải thiện chức năng thận ở trẻ bị xơ hóa cầu thận.
  • Thiếu men G6PD: một số nghiên cứu cho thấy, uống vitamin E hoặc kết hợp với selen có thể mang đến hiệu quả nhất định cho những người mắc chứng rối loạn di truyền thiếu men G6PD.
  • U hạt annulare: vitamin E giúp làm sạch các vết loét da do u hạt annulare.
  • Bệnh Huntington: Vitamin E tự nhiên có thể cải thiện các triệu chứng ở những người mắc bệnh Huntington ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nó không mang lại hiệu quả cho những trường hợp mắc bệnh Huntington tiến triển.
  • Xuất huyết nội sọ: uống vitamin E giúp điều trị chảy máu trong hộp sọ ở những trẻ sinh non.
  • Cải thiện khả năng vô sinh ở nam giới: Uống vitamin E giúp cải thiện khả năng sinh sản ở nam giới, nhưng nếu dùng vitamin E liều cao kết hợp với vitamin C sẽ không mang lại hiệu quả.
  • Viêm gan nhiễm mỡ không do bia rượu: Uống vitamin E hàng ngày cải thiện tình trạng viêm gan ở người lớn và trẻ em.
  • Bệnh Parkinson: những người hấp thụ nhiều vitamin E thông qua chế độ ăn uống có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson.
  • Phục hồi sau phẫu thuật mắt bằng laser: Uống vitamin A liều cao cùng với vitamin E (alpha-tocopheryl nicotinate) hàng ngày giúp cải thiện thị lực ở những người trải qua phẫu thuật mắt bằng laser.
  • Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS): Uống vitamin E giúp làm giảm lo lắng và trầm cảm ở một số phụ nữ mắc PMS.
  • Vitamin E cũng được đánh giá là rất tốt đối với phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh. Đây là giai đoạn mà phụ nữ sẽ gặp phải một số tình trạng như bốc hỏarối loạn kinh nguyệt,... Bổ sung vitamin E đúng cách sẽ giúp phụ nữ cải thiện được tình trạng này và tâm lý thoải mái hơn rất nhiều.
  • Cải thiện thể chất ở người cao tuổi: Nghiên cứu cho thấy rằng tăng lượng vitamin E trong chế độ ăn uống có liên quan đến việc cải thiện thể chất và sức mạnh cơ bắp ở người già.
  • Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non: Bổ sung vitamin E bằng đường uống giúp ngăn ngừa bệnh võng mạc ở trẻ sinh non.
  • Viêm khớp dạng thấp (RA): Vitamin E kết hợp với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn tốt hơn so với điều trị tiêu chuẩn đơn thuần để giảm đau ở những người bị RA. Tuy nhiên, sự kết hợp này không làm giảm sưng.
  • Cháy nắng: dùng vitamin E liều cao (RRR-alpha-tocopherol) kết hợp với vitamin C nhằm chống viêm da sau khi tiếp xúc với tia UV. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng đơn thuần vitamin E không mang lại lợi ích tương tự. Áp dụng vitamin E cho da, cùng với vitamin C và melatonin, giúp bảo vệ làn da trước khi tiếp xúc với tia cực tím.
  • Rối loạn vận động: Uống vitamin E giúp cải thiện các triệu chứng liên quan đến rối loạn vận động. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cho thấy rằng nó không cải thiện các triệu chứng, nhưng có thể ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Viêm màng bồ đào: Uống vitamin E kết hợp với vitamin C giúp cải thiện thị lực, nhưng không làm giảm sưng, ở những người bị viêm màng bồ đào.

Vitamin E làm giảm đau bụng trong thời kỳ kinh nguyệt
Vitamin E làm giảm đau bụng trong thời kỳ kinh nguyệt

2. Vitamin E uống hàng ngày có an toàn không?

Vitamin E tương đối an toàn với cơ thể, nhưng nếu sử dụng vitamin E liều cao có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu, cảm giác mệt mỏi, có thể buồn nôn hoặc nôn, một số trường hợp phát ban nhẹ. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp phải những tình trạng nghiêm trọng hơn như đau bụng, cơ thể bị suy nhược, rối loạn tiêu hóa, dễ bầm tím, chảy máu, thị lực bị ảnh hưởng,...

Khi bạn ngừng sử dụng vitamin E, những biểu hiện kể trên sẽ mất đi. Trong trường hợp, không cải thiện triệu chứng khi đã dừng uống, bạn nên đi khám để bác sĩ giúp tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả.

Không nên nghĩ rằng, càng bổ sung nhiều thì càng giúp cản trở lão hóa khiến da và tóc của bạn đẹp hơn nhanh chóng. Việc bổ sung quá liều vitamin E có thể phản tác dụng và thúc đẩy quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn.

Lưu ý, vitamin E cũng có thể làm tăng thời gian đông máu và đối kháng với vitamin K, tương tác với aspirin ngăn chặn sự ngưng kết tiểu cầu và nếu sử dụng chung với estrogen trong thời gian dài có thể gây ra huyết khối. Vì thế không nên lạm dụng vitamin E.


Nạp vitamin E vừa đủ để an toàn cho sức khỏe
Nạp vitamin E vừa đủ để an toàn cho sức khỏe

3. Nên uống bao nhiêu vitamin E mỗi ngày?

Nhu cầu dùng vitamin E để duy trì hoạt động tối thiểu là 22 IU. Tuy nhiên, để phòng ngừa lão hóa da và các bệnh lý thì liều từ 100 - 400 IU/ngày mới phát huy hiệu quả chống oxy hóa tích cực. Chế độ dinh dưỡng hàng ngày khó có thể đáp ứng liều lượng này nên cần bổ sung từ các viên uống bổ sung.

Khẩu phần ăn khuyến nghị (RDA) bao gồm lượng vitamin E bạn nhận được từ cả thực phẩm và bất kỳ chất bổ sung nào bạn dùng.


Đơn vị tính: Vitamin E (alpha-tocopherol) tính bằng miligam (mg) và đơn vị quốc tế (IU)
Đơn vị tính: Vitamin E (alpha-tocopherol) tính bằng miligam (mg) và đơn vị quốc tế (IU)

Dưới đây là mức dung nạp trên có thể chấp nhận được của một chất bổ sung hay chính là lượng cao nhất mà hầu hết mọi người có thể dùng một cách an toàn. Liều cao hơn có thể được sử dụng để điều trị thiếu vitamin E (đối với trường hợp này cần được chẩn đoán và theo toa của bác sĩ).

Đối tượng Mức dung nạp trên khi bổ sung vitamin E
1-3 tuổi 200 mg/ ngày (300 IU)
4-8 tuổi 300 mg/ ngày (450 IU)
9-13 tuổi 600 mg/ ngày (900 IU)
14-18 tuổi 800 mg/ngày (1.200 IU)
19 tuổi trở lên 1.000 mg/ ngày (1.500 IU)

Đơn vị tính: Vitamin E (alpha-tocopherol) tính bằng miligam (mg) và đơn vị quốc tế (IU)

Phần lớn mọi người sẽ nhận đủ lượng vitamin E cần thiết từ thực phẩm, chẳng hạn như:

  • Dầu thực vật
  • Rau lá xanh, như rau bina
  • Ngũ cốc tăng cường và các thực phẩm khác
  • Trứng
  • Quả hạch

4. Cách uống vitamin E an toàn và hiệu quả

Muốn vitamin E hấp thụ tốt vào cơ thể, bạn cần phải có đủ chất béo và dầu mỡ, vì đây là loại vitamin tan trong dầu. Chẳng hạn như, bạn ăn giá đỗ để bổ sung vitamin E, nhưng nếu bạn trộn giá với một chút dầu ăn hoặc xào giá lên thì lượng vitamin E cơ thể hấp thụ được sẽ nhiều hơn khi bạn ăn giá sống.

Một số lưu ý quan trọng khác về cách uống vitamin E:

  • Mỗi ngày, nhu cầu vitamin E của một người lớn là khoảng 15mg.
  • Không được lạm dụng vitamin E: Việc lạm dụng loại vitamin này để làm đẹp có thể khiến sức khỏe của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt với những đối tượng sử dụng vitamin E liều cao. Một số trường hợp tiêm vitamin E liều cao vào tĩnh mạch có thể gây ra tử vong.
  • Không sử dụng vitamin E trong thời gian quá dài. Phụ nữ ngoài 30 có thể làm đẹp bằng cách bổ sung vitamin E khoảng 1, 2 tháng. Sau đó ngừng thuốc một thời gian rồi mới uống tiếp.
  • Những người khỏe mạnh thì không nên bổ sung vitamin E tổng hợp mà chỉ cần bổ sung những loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin E. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, các loại dầu thực vật sẽ là nguồn cung cấp dồi dào vitamin E cho cơ thể. Cụ thể như: mầm lúa mì, đậu nành, dầu hướng dương mầm thóc, giá đỗ, một số loại rau xanh, thịt, cá, trứng, sữa, và nhiều loại trái cây,...
  • Một số đối tượng bị bệnh da khô, tóc gãy rụng hoặc một số bệnh nhân mắc các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, hay mỡ máu,... cần có chỉ định của bác sĩ mới nên bổ sung vitamin E.
  • Cần phải đọc kỹ hướng dẫn trường khi sử dụng, tuân theo chỉ định về liều dùng và thời gian sử dụng của bác sĩ. Đặc biệt cẩn trọng với loại vitamin E dạng dung dịch.
  • Những người da nhờn sử dụng Vitamin E dạng bôi có thể gây ra mụn. Loại này chỉ hữu ích đối với những người da khô hoặc da bị lão hóa.

Có thể nói, vitamin E có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe và làm đẹp. Tuy nhiên, chúng ta cần bổ sung vitamin E một cách hợp lý và đúng cách, không lạm dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, sciencedaily.com, webmd.com, health.harvard.edu

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe