Bổ sung dầu cá: Nên hay không nên?

Bài viết được thực hiện bởi Dược sĩ Đinh Thị Mỹ Hạnh - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Omega-3 là nguồn axit béo mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Đây là nguồn axit béo có trong dầu cá và cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể. Bạn nên bổ sung dầu cá cho cơ thể, đặc biệt là dầu cá đến từ nguồn thực phẩm tự nhiên.

1. Dầu cá có gì đặc biệt?

Dầu cá chứa chủ yếu hai loại omega-3, được gọi theo tên gọi là axit docosahexaenoic (DHA), axit eicosa-pentaenoic (EPA). Bên cạnh đó trong dầu cá còn có cả vitamin A, vitamin D.

Nguồn thực phẩm của DHA và EPA là các loại cá béo, chẳng hạn như cá hồi, cá thu, cá mòi và động vật có vỏ như trai, hàu và cua. Một số loại hạt và dầu thực vật có chứa một omega-3 khác gọi là axit alpha-linolenic (ALA) mà cơ thể có thể chuyển đổi thành DHA và EPA, ví dụ như là hạt lanh, hạt chia, quả óc chó, hạt bí ngô và dầu hạt cải.

  • Axit Eicosapentaenoic (EPA): Đây là axit béo omega-3 nổi tiếng nhất, EPA giúp cơ thể tổng hợp các chất liên quan đến quá trình đông máu và viêm (tuyến tiền liệt-3, thromboxane-2 và leukotriene-5). Cá có được EPA từ tảo mà chúng ăn.
  • Axit docosahexaenoic (DHA): Ở người, loại axit béo omega-3 này là một phần quan trọng của tinh trùng, võng mạc, một phần của mắt và vỏ não, một phần của não. DHA có mặt trên khắp cơ thể, đặc biệt là trong não, mắt và tim. Omega-3 cũng có mặt trong sữa mẹ.

Sự thiếu hụt Omega-3 có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh tim mạch, một số bệnh ung thư, rối loạn tâm trạng, viêm khớp, và nhiều hơn nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là dùng liều cao Omega-3 sẽ giúp phòng ngừa bệnh tật và có sức khỏe tốt hơn

Bổ sung dầu cá thường được quảng cáo là để bảo vệ tim mạch, giảm viêm, cải thiện sức khỏe tinh thần và kéo dài cuộc sống. Những quảng cáo như vậy là một lý do tại sao người Mỹ chi hơn 1 tỷ đô la mỗi năm cho các loại thực phẩm chức năng có chứa dầu cá. Và các công ty thực phẩm cũng bổ sung thêm nó vào sữa, sữa chua, ngũ cốc, sô cô la, bánh quy, nước trái cây và hàng trăm loại thực phẩm khác. Tuy nhiên có một số nghiên cứu kết luận rằng dầu cá và axit béo omega-3 có lợi cho sức khỏe, nhưng một số nghiên cứu khác thì cho rằng nó không có tác dụng nhiều lên sức khỏe.


Dầu cá chứa những thành phần DHA và EPA cùng một số vi chất quan trọng khác với con người
Dầu cá chứa những thành phần DHA và EPA cùng một số vi chất quan trọng khác với con người

Mặc dù các kết quả nghiên cứu trái ngược nhau nhưng chúng ta nên xem rằng việc bổ sung cá và các loại hải sản vào bữa ăn hàng ngày là cách ăn uống lành mạnh. Nếu chúng ta nghĩ rằng lợi ích của việc ăn cá hoặc hải sản hoàn toàn là do chúng có chứa Omega-3 thì uống những viên dầu cá cũng là một lựa chọn thay thế cho việc ăn cá. Nhưng nhiều khả năng là do cơ thể cần toàn bộ mỡ cá, vitamin, khoáng chất và các chất bổ sung khác trong thịt cá hơn là chỉ do cơ thể cần EPA và DHA để khỏe mạnh.

Việc này cũng tương tự như khi chúng ta sử dụng những thực phẩm khác. Uống một vài vitamin bổ sung cũng không thể thay thế được việc cơ thể cần hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng khác nhau trong trái cây, rau củ, ngũ cốc...

2. Một số lưu ý khi sử dụng dầu cá

Khi dùng theo khuyến cáo, bổ sung dầu cá thường được coi là an toàn. Axit béo omega-3 rất cần thiết cho sức khỏe nên chúng ta cần cố gắng bổ sung từ chế độ ăn uống. Bổ sung dầu cá có thể hữu ích nếu bạn bị bệnh tim mạch hoặc rối loạn tự miễn dịch hoặc bạn không ăn được cá hoặc hải sản khác. Mặc dù dầu cá có tính an toàn cao nhưng uống quá nhiều dầu cá có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và có thể ngăn chặn phản ứng miễn dịch của bạn. Uống bổ sung dầu cá liều cao có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.


Axit béo omega-3 còn được tìm thấy ở một số loại thực phẩm như cá hồi
Axit béo omega-3 còn được tìm thấy ở một số loại thực phẩm như cá hồi

3. Tác dụng phụ và tương tác với thuốc khi dùng dầu cá

Một số tác dụng phụ hay gặp khi bổ sung dầu cá cho cơ thể như:

  • Vị tanh, hôi miệng
  • Khó tiêu, buồn nôn
  • Phân lỏng
  • Phát ban.

Chưa có nghiên cứu về việc người bị dị ứng cá hay động vật có vỏ có thể uống dầu cá một cách an toàn.

Các tương tác thuốc có thể bao gồm:

  • Thuốc chống đông máu và thuốc chống tiểu cầu: bổ sung dầu cá với các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Thuốc huyết áp: Uống bổ sung dầu cá có thể làm giảm huyết áp một chút cho nên sử dụng dầu cá với thuốc huyết áp có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp.
  • Thuốc tránh thai: Một số loại thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến tác dụng làm giảm triglyceride của dầu cá
  • Orlistat: Uống dầu cá với thuốc giảm cân này có thể làm giảm sự hấp thụ axit béo của dầu cá. Nên cân nhắc sử dụng thuốc này và dầu cá cách nhau ít nhất 2h.
  • Vitamin E: Uống dầu cá có thể làm giảm hấp thụ vitamin E.

Người bệnh cần bổ sung thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ
Người bệnh cần bổ sung thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ

Để đảm việc bổ sung dầu cá cho cơ thể một cách an toàn nhất, tốt nhất là bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ và sử dụng dầu cá dưới sự tư vấn của bác sĩ.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có thể trực tiếp đến hệ thống trên toàn quốc hoặc liên hệ theo số hotline TẠI ĐÂY.

Tài liệu tham khảo: mayoclinic.org, health.harvard.edu, webmd.com, medicalnewstoday.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe