Vitamin A bổ cho mắt như thế nào?

Hầu hết mọi người đều biết rằng vitamin A rất quan trọng đối với mắt, thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng lớn đến thị lực. Và để có một đôi mắt sáng khỏe cần kết hợp việc chăm sóc mắt mỗi ngày với bổ sung vitamin A đúng cách. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ vitamin A bổ mắt như thế nào?

1. Vitamin A bổ cho mắt như thế nào?

Vitamin A là một loại vitamin tan trong dầu, nó có tác dụng tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể để chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, đồng thời nó còn tham gia vào chức năng phát triển và biệt hóa tế bào.

Đặc biệt, vitamin A có vai trò rất quan trọng đối với mắt, nó có vai trò chống quáng gà do khô mắt, qua đó tránh dẫn đến khô kết mạc, loét giác mạc - đây là những nguyên nhân có thể gây mù lòa.

Vitamin A tham gia trực tiếp vào các phản ứng hóa học ở các tế bào que và tế bào nón ở võng mạc mắt. Vitamin A còn tạo ra sắc tố võng mạc, giúp điều tiết mắt và hỗ trợ mắt nhìn được trong điều kiện thiếu ánh sáng.

Đồng thời vitamin A cũng là một trong những thành phần cấu tạo phim nước mắt (màn nước mắt) và giúp lớp màng này dính vào bề mặt giác mạc.

Nhiều công trình nghiên cứu về bệnh lý bề mặt nhãn cầu đã chỉ ra mối liên quan mật thiết giữa nước mắt và bề mặt nhãn cầu. Nước mắt chúng ta được tạo thành bởi ba loại chất lỏng đó là: dầu, nước và chất nhầy (mucin).

Tình trạng ô nhiễm môi trường, không khí, ánh nắng như hiện nay, kết hợp với việc sử dụng máy tính, điện thoại hoặc stress đều gây ra tình trạng giảm tiết nước mắt. Điều này dẫn đến mất cân bằng cho bề mặt nhãn cầu, làm cho giác mạc bị tổn thương. Từ đó gây ra các triệu chứng như khô mắt, mỏi mắt, mờ mắt, cảm giác vật lạ trong mắt, đau mắt, sợ ánh sáng, ngứa, khó chịu trong mắt, chảy nước mắt và sung huyết, ghèn mắt.

Một nghiên cứu ở Nhật Bản, thực hiện trên các bệnh nhân mắt cho thấy vitamin A giúp mắt tổng hợp và ổn định loại mucin giúp nước mắt dính chặt vào bề mặt giác mạc. Đồng thời vitamin A còn hỗ trợ tổng hợp chất nhờn trong mắt và thúc đẩy quá trình làm lành biểu mô.

Hai cơ chế này đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi các tế bào biểu mô giác mạc và sửa chữa những hư hỏng ở lớp mucin, từ đó giúp cải thiện tình trạng mắt bị khô và điều chỉnh thị lực. Sau khi thí nghiệm kết thúc, các tình nguyện viên đã cải thiện hơn 10 triệu chứng liên quan tới khô mắt.

Nghiên cứu này cũng cho thấy không có các sự cố gây bất lợi nghiêm trọng cũng như phản ứng có hại của vitamin A đối với mắt. Các nhà khoa học kỳ vọng nghiên cứu này sẽ giúp tăng hiệu quả trong điều trị các bệnh về mắt, đặc biệt là do thiếu hụt vitamin A.

Một số nghiên cứu khác đã cho thấy rằng việc bổ sung lượng Vitamin A làm tăng nồng độ của các tiền chất của Vitamin A trong máu cao hơn bình thường có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng lên đến 25%. Vì vậy, việc bổ sung Vitamin A đầy đủ sẽ giúp bạn chống lại một số căn bệnh về mắt như thoái hóa điểm vàng và các vấn đề của mắt liên quan đến tuổi tác.


Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể
Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể

2. Thiếu vitamin A ảnh hưởng đến mắt như thế nào?

Vitamin A còn là một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ mắt, tăng cường sức khỏe ở niêm mạc và giác mạc mắt. Đồng thời nó còn giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng do các loại vi khuẩn hoặc virus gây ra. Ngoài ra, vitamin A còn có vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ cấu trúc của tế bào biểu mô tuyến lệ, bảo vệ màng tế bào trước tình trạng thiếu oxy và các tổn thương do gốc tự do.

Chính vì vậy khi thiếu vitamin A sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe của đôi mắt. Thiếu vitamin A có thể gây ra một số tình trạng như:

Khi thiếu Vitamin A, bạn sẽ mắc nhiều bệnh liên quan đến mắt như:

  • Quáng gà
  • Tăng sản các tế bào vảy gây sừng hóa bề mặt.
  • Tổn thương hoặc mất ổn định màn nước mắt từ đó gây khô mắt.
  • Khô mắt lâu ngày có thể gây ra tình trạng viêm kết mạc và bệnh viêm giác mạc. Bệnh viêm giác mạc lâu ngày sẽ gây ra biến chứng hình thành sẹo giác mạc có thể gây mờ mắt tạm thời hoặc mù mắt vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.

Làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể với bệnh tật nên tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

Làm trẻ chậm lớn, nếu tình trạng thiếu vitamin A xảy ra sớm còn có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ khi đến tuổi đi học.

Các dấu hiệu thường gặp khi mắt bị thiếu vitamin A bao gồm:

  • Thị lực giảm sút nghiêm trọng ở điều kiện thiếu ánh sáng.
  • Có cảm giác khô mắt và rát ở mắt.
  • Có thể bị đau mắt với các mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng.
  • Đỏ mắt
  • Mí mắt trên và dưới dính vào nhau.
  • Nhìn mờ tạm thời hoặc vĩnh viễn
  • Sợ tiếp xúc với ánh sáng mạnh
  • Hay đau hốc mắt
  • Hay tiết nước mắt do tuyến lệ bị kích thích.

3. Thừa vitamin A gây ra các bệnh gì?

Thừa vitamin A cũng gây ra tình trạng ngộ độc nên không thể sử dụng vitamin này một cách tùy tiện. Vitamin A tan trong dầu và có thể được tích lũy trong cơ thể.

Nếu bổ sung một lượng lớn vitamin A kéo dài hàng ngày sẽ dẫn đến các triệu chứng như:

  • Ngộ độc gan
  • Đau khớp
  • Đau đầu
  • Biến đổi xương
  • Nôn
  • Da khô dễ bong vảy
  • Gây thóp phồng ở trẻ em

Tuy nhiên, may mắn là các triệu chứng này ít xảy ra do việc bổ sung vitamin A và beta caroten (tiền vitamin A) từ khẩu phần ăn thường không vượt quá nhu cầu của cơ thể. Trừ khi bạn sử dụng quá nhiều beta caroten trong một thời gian dài sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa beta carotene trong cơ thể và da trở nên vàng, hiện tượng này được gọi tên là Xantoza. Tuy nhiên hiện tượng này sẽ mất đi khi bạn ngừng sử dụng thực phẩm giàu chất này.

Việc cung cấp thừa vitamin A ở phụ nữ đang mang thai có thể gây quái thai. Chính vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo phụ nữ thời kỳ mang thai không nên sử dụng vitamin A vượt quá 3.000mcg/ngày (tương đương 10.000IU) hoặc không nên vượt quá 7.500mcg/tuần (25.000IU).

Một liều đơn khoảng 150.000mcg (500.000IU) vitamin A có thể gây độc cho phụ nữ có thai. Vì vậy, phụ nữ có thai phải sử dụng đúng liều lượng vitamin A.


Phụ nữ mang thai nên bổ sung lượng vitamin A đủ và đúng liều
Phụ nữ mang thai nên bổ sung lượng vitamin A đủ và đúng liều

Khuyết tật trẻ sơ sinh hay gặp phải do mẹ sử dụng quá mức vitamin A bao gồm:

  • Các dị dạng ở mặt và đầu như: sứt môi – hở hàm ếch,...4
  • Bệnh tim mạch
  • Dị dạng bộ phận sinh dục
  • Bệnh thần kinh trung ương
  • Dị dạng ở hệ xương và cơ.

Nên bổ sung vitamin A bằng chế độ ăn uống, bởi vitamin có trong khẩu phần ăn sẽ tốt hơn vì chúng ít gây các ảnh hưởng phụ.

4. Trường hợp nào cần bổ sung vitamin A?

Các trường hợp cần bổ sung vitamin A bao gồm:

Thiếu vitamin A: đây là một tình trạng khá phổ biến, việc điều trị cũng như cách phòng tránh tình trạng này rất đơn giản, đó là chỉ cần uống bổ sung vitamin A. Thiếu vitamin A có thể xảy ra ở những người suy dinh dưỡng, người bị bệnh đái tháo đường, bị bệnh u xơ nang,...

Trẻ em thiếu vitamin A đang mắc bệnh sởi: cho trẻ uống viên bổ sung vitamin A dường như giúp giảm nguy cơ tử vong hoặc nguy cơ xảy ra biến chứng của bệnh sởi.

Bạch sản niêm vùng miệng: các nghiên cứu đã cho thấy việc uống bổ sung vitamin A có thể giúp điều trị bệnh bạch sản niêm vùng miệng.

Tiêu chảy sau sinh đẻ: việc bổ sung vitamin A trong khi mang thai và sau khi sinh nở ở thai phụ kém dinh dưỡng giúp làm hạn chế xảy ra tình trạng tiêu chảy sau sinh đẻ.

Giảm tử vong trong thai sản: thai phụ kém dinh dưỡng nếu uống bổ sung vitamin A trước và trong thai kỳ giúp giảm tỷ lệ tử vong tới 40%.

Phòng tránh quáng gà trong thai sản: đối với những thai phụ kém dinh dưỡng nếu uống bổ sung vitamin A sẽ giúp giảm 37% tỉ lệ mắc bệnh quáng gà, và càng hiệu quả hơn nếu uống bổ sung vitamin A cùng với nguyên tố vi lượng kẽm.

– Bệnh lý mắt ảnh hưởng tới võng mạc: uống vitamin A bổ sung có thể làm chậm tiến triển của các bệnh lý về mắt có gây tổn hại tới võng mạc.

Ung thư cổ tử cung: các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng bổ sung liều cao vitamin A có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên lợi ích này chỉ đạt được khi người phụ nữ bổ sung cả hai dạng của vitamin A là retinol và carotenoid, nếu chỉ sử dụng đơn độc retinol thì sẽ không có tác dụng.

5. Bổ sung vitamin A như thế nào để có đôi mắt sáng khỏe?

Lượng vitamin A cần thiết mỗi ngày cho mỗi người tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính, dưới đây là khuyến cáo của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH):

  • Nam giới:
  • Từ 1- 12 tháng tuổi: 400mcg – 500mcg
  • Từ 1 - 13 tuổi: 300mcg – 600mcg
  • Từ 14 tuổi trở lên: khoảng 900mcg
  • Nữ giới:
  • Từ 1 - 12 tháng tuổi: 400mcg – 500mcg
  • Từ 1 - 13 tuổi: 300mcg – 600 mcg
  • Từ 14 tuổi trở lên: khoảng 700 mcg

Mỗi độ tuổi, giới tính khác nhau cần bổ sung lượng vitamin A khác nhau
Mỗi độ tuổi, giới tính khác nhau cần bổ sung lượng vitamin A khác nhau

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) còn đề xuất hàm lượng vitamin A riêng biệt dành cho phụ nữ đang mang thai và đang cho con bú.

  • Phụ nữ đang mang thai
  • Từ 14 - 18 tuổi: khoảng 750mcg
  • Từ 19 - 50 tuổi: khoảng 770 mcg
  • Phụ nữ đang cho con bú
  • Từ 14 - 18 tuổi: khoảng 1.200mcg;
  • Từ 19 - 50 tuổi: khoảng 1.300mcg.

Các hàm lượng nêu trên được tính toán dành cho những người khỏe mạnh và có chế độ ăn uống đầy đủ. Bác sĩ có thể sẽ đưa ra liều lượng riêng, phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn, nên bạn cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

6. Phòng ngừa thiếu vitamin A một cách hiệu quả

Để phòng ngừa tình trạng thiếu vitamin A, bạn cần thực hiện tốt các công việc sau đây:

  • Bảo đảm chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung những loại thức ăn giàu vitamin A như trứng, sữa, gan, dầu cá, xoài chín, đu đủ, gấc, khoai lang, cà rốt và các loại rau xanh đậm màu.
  • Phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú cần ăn đủ chất, chú ý thức ăn giàu vitamin A, giàu chất caroten, nhiều đạm, dầu mỡ.
  • Chú ý tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt là vắc-xin phòng bệnh sởi.
  • Khi chế biến đồ ăn cho trẻ em cần có đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamin A. Nên sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau để làm phong phú và đa dạng bữa ăn, chế biến hấp dẫn và hợp khẩu vị sẽ góp phần làm tăng hấp thu của trẻ. Ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm giàu vitamin A và caroten, đồng thời bữa ăn cũng cần có đủ chất đạm, dầu mỡ để giúp tăng hấp thu và chuyển hóa vitamin A.

Vitamin A là một trong những vi chất quan trọng, cần thiết giúp mắt sáng khỏe. Vì vậy khi có các dấu hiệu thiếu vitamin A, bạn cần bổ sung kịp thời. Ngoài việc bổ sung vitamin A đầy đủ, bạn cần nhớ chăm sóc mắt thường xuyên. Đồng thời bạn nên đi khám mắt định kỳ 1 năm 1 lần để kiểm tra mắt, phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý về mắt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe